Hội nghị Trung ương 7 khóa XII bế mạc ngày 12/5/2018. Những lời phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi gặp cử tri Đại biểu Quốc hội sau buổi bế mạc cho thấy công cuộc chống tham nhũng do ông làm tổng tư lệnh vẫn sẽ được tiếp diễn và tiếp diễn rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, có những sự việc xảy ra trong cùng thời điểm đó làm cho dư luận phải đặt câu hỏi rằng liệu có hay không sự bất nhất giữa lời nói và cách thực hiện ?
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trao huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cho ông Lê Thanh Hải. Ảnh : PLTP
Hội nghị Trung ương 7 khóa XII diễn ra và bế mạc giữa lúc tâm điểm báo chí và cả dư luận tập trung vào hàng loạt vấn đề khác nhau. Trong đó, nổi bật là câu chuyện về Dự án khu đô thị Thủ Thiêm, một dự án quy hoạch vốn từng là đề tài ‘nóng’ cho giới truyền thông cách đây hơn 20 năm.
Khi Thủ Thiêm bùng nổ, rất nhiều nhận định đưa ra xem đây là một bước tiến kế tiếp trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chính người đã từng "trong cuộc" là nhà báo/blogger Huỳnh Ngọc Chênh có đưa ra ý kiến cho rằng "Thủ Thiêm bị khui ra trong lúc này là đúng thời điểm chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng".
Một phân tích đến từ quan sát của blogger Trương Duy Nhất, chủ trang mạng Một Góc Nhìn Khác cho biết ông thấy có 2 "tín hiệu" được đưa ra sau Hội nghị Trung ương 7 :
"Tín hiệu thứ 1 là nhắm vào lớp thái tử Đảng. Trong phát biểu bế mạc của Tổng bí thư có nhấn mạnh là kiên quyết huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ. Tôi nghĩ rằng cái này nhắm đến các quyết định bổ nhiệm thuộc con ông cháu cha, không dừng lại ở Lê Trương Hải Hiếu mà còn nhắm vào các cậu ấm khác nữa".
Ngày 13/5, ông Trọng lại nhả thêm 1 tín hiệu nữa, nguyên văn thế này : Lò nóng rực rồi, với đà này tôi tin chắc làm đến cùng chứ không bỏ giữa chừng. Làm đến cùng là làm đến cùng cái gì ? Cái đích là gì nữa ?
Tôi cho với cách nhả tin như vậy thì chắc chắn mục tiêu không dừng lại Đinh La Thăng, Trần Văn Minh, Nguyễn Xuân Anh, Phan Văn Vĩnh, Phan Hữu Tuấn, Nguyễn Văn Hữu Chiến…".
Quan sát của blogger Trương Duy Nhất cũng đặt điểm nhấn ở chi tiết là những ngày gần kết thúc Hội nghị Trung ương 7, rất nhiều tài liệu mật về Thủ Thiêm bỗng dưng được tung ra và câu chuyện được khơi lại một cách rất đặc biệt.
"Khơi lại câu chuyện Thủ Thiêm giống như trước đây khơi lại câu chuyện Đà Nẵng vậy. Hướng mới của ngọn lửa đang hừng hực chực chờ Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây nó làm tanh bành Đà Nẵng thì bắt đầu lửa lan vào Thành phố Hồ Chí Minh rồi".
Một chi tiết khá "nóng" được blogger Trương Duy Nhất tiết lộ từ nguồn tin ông khẳng định là tín cẩn cho ông biết :
"Ông Nguyễn Thiện Nhân đã triệu tập một số viên chức chủ chốt của thành phố để làm việc với đoàn thanh tra về tình hình Thủ Thiêm, đặc biệt có mời 1 số nhân vật đã về hưu dính đến câu chuyện Thủ Thiêm".
Ý kiến của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore cũng cho rằng ngọn lửa chống tham nhũng đang có chiều hướng thổi rất mạnh vào Thành phố Hồ Chí Minh.
"Đốt lò Thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn là phải đốt vì củi ở Thành phố Hồ Chí Minh không phải là ít. Mấy hôm nay Thành uỷ của Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân, Thủ tướng chính phủ cũng ra lệnh cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phải thanh tra rõ và làm nhanh vụ Thủ Thiêm.
Mình hoàn toàn có quyền hy vọng là củi sẽ tiếp tục từ Thủ Thiêm hay từ đâu đó chui vào cái lò to của họ".
Tuy nhiên, một sự việc diễn ra ngày 15/5/2018 đã đặt nên một câu hỏi lớn, đó là ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh được trao huy hiệu 50 năm tuổi đảng.
Chuyện sẽ không có gì để bàn luận nếu ông Lê Thanh Hải không phải là người đang bị tố cáo có những vi phạm trong thời gian đương chức. Đặc biệt, nhiều người cho rằng ông Lê Thanh Hải, khi còn là Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, chính là người đã ra lệnh cho Ban Tuyên giáo không được có những bài viết về dự án Khu đô thị Thủ Thiêm, Quận 2 cách đây khoảng 20 năm.
Thế nhưng, lời bình luận từ Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, đã chứng minh những lời phát biểu của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không phải là sáo ngữ.
"Ông ấy được kết nạp và là Đảng viên 50 năm rồi thì đúng 50 năm người ta tặng ông ta cái huy hiệu, là chuyện rất nhỏ. Huy hiệu nó in màu đó có hình búa liềm và in số 50, một cái thư in rất đẹp ký con dấu đỏ. Thế thôi. Nó không phải là huân chương, không phải là phần thưởng gì cả. Nó chứng nhận ông ấy 50 tuổi Đảng.
Nếu xảy ra một chuyện gì không hay liên quan đến ông ta thì người ta cứ thế mà xử lý vì nó không liên quan gì đến huy hiệu đó cả. Lúc đó mà phải khai trừ Đảng hay kỷ luật Đảng thì người tước hết tất cả mọi thứ đi".
Một minh chứng rất mạnh mẽ cho lời phát biểu của ông Trọng cũng như phân tích của Tiến sĩ Hợp, đó là trước khi Hội nghị Trung ương 7 khai mạc hai tuần, vào ngày 24/4/2018, Ủy ban kiểm tra trung ương đảng đã đề nghị khai trừ đảng ông Đinh La Thăng, người từng giữ những chức vụ rất cao, đó là Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Cho đến thời điểm hiện tại, Ông Đinh La Thăng là đảng viên cao cấp nhất của Đảng cộng sản Việt Nam bị chính quyền Hà Nội tuyên án tù giam.
Thêm một nhận định khác từ Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp về Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, ông cho rằng đây chính là một sự chuẩn bị đường dài cho Đại hội XIII diễn ra vào năm 2021, và Thủ Thiêm là một sự khởi đầu cho một chiến dịch cũng cố lòng tin vào Đảng cộng sản cầm quyền.
"Với trường hợp Thủ Thiêm chắc là họ đã có chuẩn bị từ trước cho nên họ cứ để đầu tiên dân khởi kiện, thắc mắc, đoàn Đại biểu quốc hội thành phố đến gặp dân, rồi Bí thư cũng đến chỉ đạo các thứ.
Khả năng lớn là họ sẽ đụng đến chuyện Thủ Thiêm gần khoảng 20 năm nay. Chắc là sẽ ra 1 số chuyện.
Khóa XII này còn có hơn 2 năm nữa. Chắc chắn người ta phải làm xong vụ Thủ Thiêm này chậm nhất trong vòng 2 năm, không thể lâu hơn thì mới có cái lò đốt nóng để đi vào Đại hội XIII".
Nhấn mạnh để làm rõ thêm ý kiến của mình, Tiến sĩ Hợp cho biết Đại hội XIII phải dựa trên 1 cơ sở quan trọng nhất, là vị thế cầm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam.
"Họ phải làm cho thấy là đổi mới, trong sạch hơn, năng lực lãnh đạo tốt hơn để dân còn tin. Đó là sức nóng từ xã hội đòi hỏi phải như thế".
Cho đến hiện tại, tất cả vẫn là những suy luận và dự đoán. Chỉ có một thực tế đã và đang diễn ra, và báo chí cũng đã đưa tin rất nhiều, đó là có hàng trăm hộ gia đình cư dân Thủ Thiêm đang ngày đêm kêu oan thì mất trắng do quy hoạch dự án Khu đô thị Thủ Thiêm.
******************
Đình công khi tiếng nói không được lắng nghe (RFA, 17/05/2018)
Trong một buổi hội thảo về quan hệ lao động Việt Nam năm 2017 diễn ra hôm 9 tháng 5 tại Hà Nội, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã thừa nhận nguyên nhân hằng trăm cuộc đình công xảy ra mỗi năm trong giới lao động tại Việt Nam là vì thiết chế đối thoại, thương lượng, giải quyết tranh chấp lao động tập thể thiếu hiệu quả.
Công nhân công ty Pouchen Vina đình công phản đối chính sách lương hồi tháng 02/2016 v Thanhnien.com
Theo đánh giá được đưa ra tại hội thảo thì các thiết chế hỗ trợ quan hệ lao động như Ủy ban Quan hệ lao động, Hội đồng Trọng tài, Hòa giải viên lao động được đưa ra nhưng hoạt động thiếu hiệu quả.
Một công nhân ở Sài Gòn nói với RFA :
Công ty mình cũng có công đoàn nhưng chỉ những chuyện lớn lắm thì công đoàn mới hỗ trợ, còn những chuyện lặt vặt phải tự xử lý. Thí dụ bị bệnh phải tự uống thuốc thôi chứ không cho giấy tờ gì.
Công ty có phòng y tế, nhưng kiểu như để cho có vậy thôi. Ít khi được xuống đó lắm, trừ khi chóng mặt nhức đầu dữ lắm mới được xuống, nằm nghỉ một lát rồi lên. Chứ thuốc hình như lúc nào cũng hết.
Sếp với tổ trưởng cũng làm công ăn lương như mình nên chỉ làm hết giờ tròn nhiệm vụ của họ thôi. Chứ khó khăn của mình tự giải quyết hết, ít tai giúp đỡ ai lắm. Đôi khi công nhân kẹt tiền khó mà mượn được, kể cả vài trăm ngàn.
Mấy người chủ đầu tư hình như họ hơi tiết kiệm với công nhân. Những bữa cơm trưa hỗ trợ cho công nhân thì đồ ăn hạn hẹp lắm.
Một phần ăn chắc chỉ đáng giá 7 ngàn đồng. Ăn để lấy sức làm thôi chứ chắc chắn không có ngon.
Thống kê cho thấy từ khi Bộ luật lao động năm 1995 của Việt Nam thừa nhận khái niệm về quan hệ lao động cho đến năm 2017, trên khắp Việt Nam xảy ra chừng 8 ngàn cuộc tranh chấp lao động tập thể dẫn đến đình công.
Từ năm 2006 đến nay, trung bình mỗi năm tại Việt Nam diễn ra chừng 600 cuộc đình công của người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp.
Các cuộc đình công của công nhân thường xảy ra với quy mô lớn, thường hàng ngàn người và có trường hợp lên đến hàng chục ngàn người. Điển hình như vụ đình công ở nhà máy giầy da Mỹ Phong ở Trà Vinh năm 2010 đã có sự tham gia của hàng vạn công nhân nhà máy này.
Chúng tôi trao đổi vấn đề quan hệ lao động giữa công nhân và doanh nghiệp với ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng phòng Quan hệ lao động, thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Ông Quảng nhận định :
Vừa rồi pháp luật đã quy định rất nhiều, thậm chí trong Bộ luật lao động có cả chương về đối thoại tại nơi làm việc. Cũng như 60 quy định, nghị định về hình thức đối thoại.
Tuy nhiên trong thực tế, việc đối thoại vẫn chưa thực chất, nhiều nơi còn mang tính hình thức. Chúng tôi nghĩ rằng, một mặt do người sử dụng lao động chưa coi trọng đối thoại, đặc biệt ở những nơi những bức xúc, khó khăn của người lao động không được người sử dụng lao động gần gũi lắng nghe. Kể cả những bức xúc của người lao động đã được tổ chức công đoàn kiến nghị nhưng không giải quyết kịp thời thì thường tích tụ. Nhất là những quyền, điều kiện làm việc không được cải thiện.
Thông thường công nhân đình công để đòi hỏi quyền lợi vì các chính sách lương thưởng, tăng ca bị cho là bất hợp lý.
Tuy nhiên theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tất cả các cuộc đình công đều xảy ra không theo quy định của pháp luật, gây hậu quả lớn đến người sử dụng lao động, người lao động và cả an ninh trật tự xã hội. Ông Huân cũng cho rằng hàng trăm vụ đình công mỗi năm cũng cho thấy một sự thật là quan hệ lao động ở Việt Nam chưa thật sự hài hòa, ổn định nên tranh chấp lao động vẫn xảy ra.
Anh Đoàn Huy Chương, thành viên sáng lập Phong trào Lao động Việt, một tổ chức độc lập bảo vệ quyền lợi của công nhân, lại cho rằng gần như không có sự đối thoại giữa công nhân và doanh nghiệp ở Việt Nam :
Ở Việt Nam các doanh nghiệp họ chỉ ra các chỉ thị, chấp nhận hay không thôi chứ không bao giờ có đối thoại. Khi công nhân lên tiếng rồi thì mới có chuyện công đoàn vào cuộc. Công đoàn của Nhà nước thực chất là một cánh tay nối dài của Đảng, họ không bảo vệ được người lao động. Những điều họ nói nào là đối thoại, hay lo lắng cho người lao động chỉ là nói dóc thôi, có thật đâu.
Ở Việt Nam khi công nhân có yêu cầu gì sẽ nói với công đoàn và công đoàn sẽ là cầu nối trực tiếp kiến nghị lên phía doanh nghiệp.
Hiện ở Việt Nam chưa cho phép các công đoàn độc lập, mà phải nằm dưới sự quản lý của Nhà nước. Trong khi nhiều người nói rằng công đoàn Nhà nước hoạt động không hiệu quả, không giúp gì được cho công nhân. Một số tổ chức nghiệp đoàn độc lập ở Việt Nam thành lập nhưng đều bị đàn áp, và những người đứng đầu thường bị cầm tù. Anh Đoàn Huy Chương cũng từng bị bỏ tù, và hiện phải trốn tránh sự bắt bớ của công an VN.
Anh Đoàn Huy Chương cho rằng Nhà nước không chăm lo cho người lao động, mà chỉ bảo vệ người chủ doanh nghiệp.
Lấy ví dụ một cuộc đình công gần đây, anh Chương lên án :
Cuộc đình công ở Pouchen ngày 23 và 24 tháng 3 vừa qua, người công nhân đã ý kiến rất nhiều lần và kể cả những bữa ăn công nhân cũng ý kiến lên công đoàn rất nhiều lần nhưng không có một người nào xuống giải quyết mà họ cứ chây ì, để người quản đốc công ty mặc sức làm gì thì làm.
Hàng ngàn công nhân công ty trách nhiệm hữu hạn Pouchen Vina ở Hóa An, Tp Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai vào hạ tuần tháng 3 đã tràn xuống quốc lộ 1K để phản đối mức thang lương mới của công ty.
Anh Đoàn Huy Chương cho rằng hiện nay chỉ còn một cách duy nhất để công nhân đòi lại quyền lợi của mình khi doanh nghiệp không chịu đối thoại, đó là đình công :
Luật pháp Việt Nam cho phép đình công. Người lao động được quyền đối thoại với doanh nghiệp, thực chất là tranh chấp lao động, có thể đình công để bảo vệ quyền lợi cho mình. Chứ nhờ đến công đoàn Nhà nước thì chẳng bao giờ được hết.
Về phía quản lý Nhà nước, ông Lê Đình Quảng đưa ra một số giải pháp để phát triển quan hệ giữa lao động và người sử dụng lao động :
Về mặt pháp luật cũng phải quy định lại, làm sao cho quy định về đối thoại, chia sẻ thông tin ở doanh nghiệp phù hợp với thực tiễn, sát với điều kiện quan hệ lao động của Việt Nam. Hiện nay còn nhiều quy định mang tính hình thức.
Về mặt chủ thể của quan hệ, đối thoại, thương lượng, chia sẻ thông tin giữa người sử dụng lao động và lao động phải có sự tăng cường hơn nữa. Quan hệ giữa hai bên phải được xác lập một cách bình đẳng.
Các cơ quan nhà nước phải tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đối thoại lao động.
Ngoài ra ông Quảng cũng cho rằng cần thiết phải nâng cao nhận thức cho cả hai bên công nhân và doanh nghiệp để họ biết cách phát triển mối quan hệ lao động tốt đẹp.
*******************
Lý do ngại tố giác tội phạm xâm hại tình dục trẻ em (RFA, 17/05/2018)
Một trong những loại tội phạm gây phẫn nộ cho nhiều người cả trên không gian mạng lẫn ngoài xã hội là tội xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên vẫn có ngại ngần trong việc đưa kẻ thủ ác ra trước ánh sáng công lý. Nguyên nhân vì sao ?
Tố giác tội phạm xâm hại tình dục trẻ em - Ảnh minh họa. AFP
Để có thể kết tội một người với một tội danh cụ thể thì điều quan trọng nhất là chứng cứ, bằng chứng. Thế nhưng với những vụ án xâm hại tình dục trẻ em thì chứng cứ cụ thể thường rất ít hoặc không có, bởi phía bị hại thường không muốn công khai hình ảnh hay câu chuyện của gia đình mình vì nhiều lý do.
Luật sư Ngô Anh Tuấn chia sẻ với chúng tôi rằng"Trong các vụ án như thế này thì tôi nhận thấy chứng cứ buộc tội rất là yếu cho nên họ chọn giải pháp là vẫn có án. Tuy nhiên chọn có án mà không có án tù để nếu sau này này họ có kháng cáo mà có yêu cầu tuyên vô tội hoặc đề bù oan sai thì cái mức nó nhẹ đi".
Bà Võ Thị Cẩm Nhung, cựu cán bộ "Ủy ban Dân số kế hoạch hóa gia đình và Bảo vệ bà mẹ, trẻ em" tỉnh Khánh Hòa đồng thời là thành viên Bồi thẩm đoàn Tòa án tỉnh, thường xét xử những vụ xâm hại quyền lợi trẻ em nói với RFA :
Có những trường hợp mình phải tư vấn để họ làm đơn vì họ chỉ muốn hòa giải vì là người quen, người thân, họ hàng. Chính vì vậy mình phải hướng dẫn cho người dân rất nhiều để đừng sơ ý làm mất đi những dấu vết, chứng cứ.
Có lẽ do quan niệm của người Việt Nam là không vạch áo cho người xem lưng nên nhiều tội phạm loại này không bị xét xử đúng tội. Luật sư Đinh Thị Qúy thuộc đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, là người được chỉ định bảo vệ quyền lợi cho một cháu bé trong vụ án đang gây phẫn nộ trong xã hội hiện nay là vụ ông Nguyễn Khắc Thủy, cho báo Pháp Luật biết hôm 15/5 rằng gia đình cháu bé bị hại ngay từ đầu đã có đơn xin không tham gia các buổi làm việc, điều tra, xét xử và bà không thể liên lạc được với ai trong gia đình cũng như họ hàng của cháu bé.
Chính vì không có chứng cứ nên tòa không thể tuyên ông Thủy mức án cao như đáng ra ông phải bị. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam hiện cũng chưa xem lời khai của trẻ em là chứng cứ buộc tội đối với các hành vi của những kẻ xâm hại mình. Và để không có chứng cứ vẫn xử được tội dâm ô hoặc tội xâm hại tình dục, nhất là với trẻ em thì cần phải sửa luật, tức phải trọng lời khai của trẻ, của nhân chứng chứ không chỉ căn cứ vào lời khai "nhận tội" của bị cáo để kết án, tức phải coi lời khai của người bị hại là chứng cứ bằng một số biện pháp nghiệp vụ nào đó.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng liệu có phải kẽ hở của luật pháp đã vô tình dung túng cho tội phạm hay không trong trường hợp cụ thể là tội xâm hại tình dục trẻ em, luật sư Ngô Anh Tuấn nói :
Đúng là như thế. Đúng là kẽ hở của pháp luật. Chúng tôi có ý kiến rất nhiều lần rồi với Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động, thương binh và xã hội và cần phải sớm điều chỉnh, cụ thể là bổ sung lời khai của trẻ em qua một quy trình giám định, qua một quy trình lấy cung đặc biệt sẽ được xem như một chứng cứ buộc tội bị cáo. Khi mà xem lời khai là chứng cứ thì khả năng buộc tội dễ dàng và hợp pháp hơn. Hiện giờ những việc đó hoàn toàn chưa thừa nhận trừ khi mà họ nhận tội, còn lời khai của trẻ em không được xem là chứng cứ buộc tội nên rất khó.
Còn với luật sư Lê Văn Luân thì hệ thống luật pháp vẫn còn có nhiều kẽ hở :
Chúng ta đang khó khăn ở hai vấn đề, một là do việc khung hình phạt thấp, hai là chúng ta đang áp dụng chưa chuẩn, chưa hiểu, chưa đúng đối với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Chúng ta trong thực tế luôn đòi hỏi chứng cứ về mặt vật chất để lại trên thân thể. Điều này không đúng với quy định của điều luật đó. Nếu chứng minh có việc tiếp xúc đó thì đã có thể truy tố.
Luật sư Ngô Anh Tuấn chia sẻ trên facebook cá nhân của mình rằng "Chúng ta cần sửa đổi luật, chúng ta cần nhổ đi cái gốc thay vì đi cắt cành, tỉa ngọn". Ông cho biết đã có nhiều ý kiến sửa đổi luật nhưng mọi việc vẫn như cũ. Ông nói với RFA :
Những người ngồi bàn giấy làm luật thì lại không làm việc thực tiễn về thừa hành pháp luật, cho nên họ nghe rồi cũng để đó. Người dân kêu thì to nhưng rồi loãng dần theo cung bậc. Chúng tôi đã ý kiến nhiều, và tôi biết ngay cả Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động, thương binh và xã hội cũng ý kiến rồi nhưng không hiểu vì sao họ không sửa đổi, ngay khi sửa đổi Bộ Luật hình sự năm 2015 có sửa đổi một số nội dung trong đó nhưng họ vẫn không đề cập vấn đề này. Lý do cụ thể thì tôi không biết được.
Là người từng làm công tác bảo vệ trẻ em cũng như tham gia các phiên tòa bảo vệ quyền lợi cho trẻ em, bà Võ Thị Cẩm Nhung cho rằng nếu kiến nghị thì luật sẽ được sửa :
Luật chưa có điều chỉnh nhiều về lĩnh vực này nhưng nếu chúng ta thấy việc này ngày càng nhiều và nguy hiểm đến tính mạng và tinh thần của trẻ em thì kiến nghị và họ sẽ sửa đổi thôi chứ không xuề xòa với hành vi này đâu.
Trong vụ án ông Nguyễn Khắc Thủy, dư luận lên tiếng vì ông được giảm do là đảng viên. Người dân yêu cầu xử lại để tăng nặng hình phạt chứ người dân không ai kêu gọi phải sửa luật. Luật sư Tuấn nói thêm về "án dư luận" :
Theo nguyên tắc thì dưới 3 năm tù người ta có thể xin hưởng án treo. Có bị phạt tù nhưng được hưởng án treo. Tòa tuyên thì nó không sai, nó nằm trong khung hình phạt. Nhưng đây là một loại án dư luận. Nếu mà dư luận lên tiếng mạnh mẽ thì người ta xử lý.
Theo bà Võ Thị Cẩm Nhung thì trẻ em cần phải được bảo vệ bằng sự nghiêm minh của pháp luật vì trẻ chưa tự bảo vệ mình trước sự xâm hại hay quấy rối về tình dục. Bà cho biết trước đây khung hình phạt cho những tội này rất thấp, sau này đã được nâng lên nhưng cũng chưa đủ để răn đe và mọi người cần phải tiếp tục kiến nghị. Bà kết luận :
Sau khi công tác trẻ em, quyền trẻ em được quan tâm nhiều thì khung hình phạt cho những người xâm phạm trẻ em được nâng lên rõ rệt và trong quá trình tham gia xét xử thì mọi người rất nghiệm khắc với hành vi này. Quan điểm của mọi người là không nhân nhượng đối với những trường hợp xâm phạm trẻ em như thế.
Diễm Thi