Truyền thông trong nước loan tin nhiều người bị "sốc nặng" trước hình ảnh thành phố cao nguyên Đà Lạt bị chìm sâu trong biển nước sau cơn mưa lớn kéo dài suốt một ngày, từ khuya ngày 7 đến chiều ngày 8 tháng 8.
Ngập lụt ở Lâm Đồng ngày 08/08/19. RFA
Những hình ảnh phố núi Đà Lạt, với độ cao 1500 mét so với mặt nước biển, bị chìm ngập trong nước chỉ sau một cơn mưa lớn vào hôm 8 tháng 8 khiến không ít người bàng hoàng và hụt hẫng. Nhiều khách du lịch quyết định hủy các tour dự định đến Đà Lạt vào cuối tuần này.
Truyền thông quốc nội cho biết cơn mưa kéo dài khiến cho nước ở suối Cam Ly dâng cao, tràn vào các khu dân cư và đường xá, gây ngập đường giao thông và các xe ô tô đậu trên đường phố.
Tính đến chiều ngày 8 tháng 8, tỉnh Lâm Đồng có hàng trăm căn nhà bị ngập nước, hơn 1000 héc-ta cây trồng bị ảnh hưởng và không chỉ ở Đà Lạt mà một số vùng lân cận cũng bị tình trạng ngập nước và sạt lở đất nghiêm trọng như Đèo Con Ó khi 2.000 m3 đất đổ xuống đường hay ở huyện Lạc Dương lũ đã cô lập khu canh tác của người dân khiến lực lượng chức năng phải đu dây giải cứu hơn 40 người bị kẹt trong lũ. Sáng 9 tháng 8, tại khu vực Đèo Bảo Lộc tiếp tục xuất hiện nhiều điểm sạt lở với hàng ngàn mét khối đất đá ập xuống, chia cắt Quốc lộ 20, tuyến đường huyết mạch nối liền Sài Gòn và Đà Lạt.
Với các thông tin, hình ảnh đăng tải liên tiếp trong 3 ngày qua, trong lúc nhiều người không khỏi bàng hoàng, xót xa khi thấy thành phố cao nguyên Đà Lạt-địa điểm du lịch thơ mộng ngập trong biển nước, thì giới chuyên gia lại cho rằng - không có gì là ngạc nhiên. Ông Duy Black, một kiến trúc sư rất yêu mến thành phố Đà Lạt chia sẻ với RFA về các nguyên nhân mà ông khẳng định gây ra tình trạng ngập lụt và sạt lở ngày càng nhiều ở Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. Kiến trúc sư đưa ra 3 nguyên nhân :
"Trước giờ rừng bị chặt phá xảy ra vào khỏang mười mấy, hai chục năm nay. Đà Lạt gần như toàn bộ không còn rừng đầu nguồn nữa. Đó là thứ nhất. Thứ hai nữa là do phát triển nông nghiệp, tất cả các đồi đều làm nông nghiệp lồng kính nên không còn cái gì để giữ nước từ trên cao đổ về hết. Đây là nguyên nhân thứ hai. Thứ ba là về mặt đô thị, tất cả đều bị bê tông hóa hoàn toàn ; toàn bộ khu trung tâm bị bê tông hóa rất nhiều nên hiện tại bây giờ hễ cứ mưa là ngập".
Kiến trúc sư Duy Black nhấn mạnh tình trạng "hễ cứ mưa là ngập" ở Đà Lạt còn nghiêm trọng hơn khi lượng nước mưa đổ dồn về các vùng trũng bao quanh phố núi này.
Ông Đoàn, một cư dân ở Đà Lạt lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do rằng, theo ghi nhận của ông thì nguyên nhân chính là do phần đông đất nông nghiệp ở Đà Lạt được dùng vào việc sản xuất nông nghiệp theo mô hình lồng kính. Ông Đoàn nói :
"Nông dân ở Đà Lạt làm loại nhà kính để trồng hoa với trồng rau. Họ làm còn nhiều hơn là nhà nữa bởi vì tất cả đất nông nghiệp từ trước đến giờ họ phủ lên trên bằng ny lon hết thì nước mưa đổ xuống là tuôn vào cống, chảy xuống mương và suối hết, rồi nó ào ạt đổ về các vùng thấp nên bị lụt ngay, không thể thoát được".
Một nông dân đang tưới rau ở Đà Lạt AFP
Ông Đoàn cho biết thêm, ông cũng thường xuyên theo dõi tin tức liên quan đến việc chính quyền địa phương đưa ra những phương án giải quyết tình trạng ngập úng sau mưa ở Đà Lạt, tuy nhiên có vẻ như chính quyền cũng bị "bó tay", nan giải đối với lãnh vực làm nông nghiệp nhà kính của nông dân.
Thành phố Đà Lạt, hồi tháng 3 vừa qua, cũng gây xôn xao trong dư luận khi có thông báo về quy hoạch khu vực trung tâm Đà Lạt. Thông báo cho rằng rạp hát Hòa Bình sẽ được thay thế bằng 2 cụm kiến trúc cao từ 3 đến 5 tầng, bằng kính để làm khu phức hợp đa chức năng. Dinh tỉnh trưởng cũ sẽ là khu thương mại, dịch vụ cao cấp với cụm khách sạn cao 10 tầng ngay trên đỉnh núi.
Đài RFA ghi nhận ngay sau đó, gần 80 kiến trúc sư đã gửi bản kiến nghị tới cơ quan các cấp từ địa phương đến trung ương cho rằng việc ban hành quyết định quy hoạch này là chưa tường minh và chính quyền cần xem xét lại đồ án quy hoạch đó. Các vị kiến trúc sư đã đề nghị lãnh đạo tỉnh, thành phố xem xét lại ba quyết định trong đồ án bao gồm khu vực Dinh tỉnh trưởng, khu Hòa Bình và khu nhà phố quanh chợ Đà Lạt, bởi vì lo ngại sẽ gây ảnh hưởng lớn đến di sản của Đà Lạt.
Kiến trúc sư Đặng Phan Lạc Việt, người gốc Đà Lạt hiện sinh sống ở Sài Gòn trong một lần trao đổi với RFA đã chia sẻ rằng ông lấy làm tiếc khi quy hoạch thành phố Đà Lạt theo kiến trúc thời Pháp đã bị phá vỡ :
"Quy hoạch của thời Pháp là một thành phố nghỉ dưỡng để họ khống chế số lượng người lên Đà Lạt. Còn bây giờ cứ đất trống là xen cấy nhà cửa vô để đáp ứng lượng dân cư, do đó cái quy hoạch ban đầu của người Pháp ngày xưa bị phá vỡ".
Không chỉ mỗi Kiến trúc sư Đặng Phan Lạc Việt, hay Kiến trúc sư Duy Black hoặc ông Đoàn và nhiều cư dân Đà Lạt mà Đài RFA tiếp xúc tỏ ra lo lắng cho thành phố sương mù ngàn thông nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn khắp toàn cầu rằng, liệu theo xu thế phát triển đô thị, hồn phố núi sẽ cùng chung số phận : phát triển phá vỡ quy hoạch, để rồi thành phố nên thơ ấy chỉ có các công trình bê tông hóa và sẽ lại ngập lụt khi mùa mưa về, như nhà văn Nguyễn Đình Bổn xót xa thốt lên rằng :
"Mơ thấy em về như lũ lụt
Hận lòng không hóa được Sơn Tinh
Mỵ Nương nay đã thành thiên cổ
Nước mắt chiêm bao ướt cửa mình !"
*******************
Thiên tai liên tiếp ở Việt Nam, sơ tán hàng ngàn hộ dân (RFA, 09/08/2019)
Mưa lũ đang diễn ra tại nhiều nơi ở Việt Nam gây thiệt hại về người và tài sản của người dân dù Chính phủ đã triển khai hàng loạt các biện pháp phòng, chống.
Ngập lụt ở Hà Nội. AFP
Theo truyền thông trong nước, tính đến chiều ngày 9/8, tại các tỉnh Tây Nguyên đã có 8 người thiệt mạng do mưa lũ. Trong đó, bốn trường hợp ở Đắk Nông, hai người ở Đắk Lắk ; Lâm Đồng và Gia Lai mỗi tỉnh một nạn nhân. Mưa lũ cũng khiến hàng ngàn hecta hoa màu bị ngập úng, hàng trăm nhà dân bị ngập, nhiều ao nuôi cá bị nước nhấn chìm.
Trong khi đó ở Phú Quốc, nước lũ dâng cao khiến nhiều tuyến đường con hẻm ngập sâu nhiều mét, nhiều vùng bị chia cắt hoàn toàn do cơn mưa lớn từ trưa ngày 8/8 kéo dài đến trưa ngày 9/8. Sáng ngày 9/8 UBND huyện Phú Quốc huy động 1.000 quân thuộc nhiều lực lượng dùng các phương tiện đưa dân ra khỏi vùng ngập lụt nguy hiểm.
Hàng trăm hộ dân phải rời bỏ nhà cửa tá túc ở những nơi cao hơn. Nhiều gia đình chưa bị ngập tới nóc hoặc nhà lầu, gồng mình sống chung với lũ.
Sân bay Phú Quốc đóng cửa, hàng loạt chuyến bay bị hủy để bảo đảm an toàn do mưa lớn kéo dài.
Bên cạnh đó, chiều tối ngày 8/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn gửi các ban, ngành chức năng và các địa phương khu vực Tây Nguyên cảnh báo nguy cơ vỡ đập công trình hồ thủy điện Đăk Kar do ảnh hưởng mưa lũ và yêu cầu khẩn trương ứng phó.
Hiện nước đã tràn qua đập gây sạt lở chân đập và có nguy cơ xảy ra vỡ đập khi dự báo mưa lớn còn tiếp tục, đe dọa an toàn người dân vùng hạ du ba tỉnh Đăk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng. Cơ quan chức năng đã di dời 5.000 người dân ở khu vực hạ du thủy điện Đắk Kar đến khu vực an toàn nhằm tránh thiệt hại nếu nguy cơ vỡ thủy điện xảy ra.
Báo trong nước dẫn thông tin chủ đầu tư công trình thủy điện Đăk Kar đã phá đường ống áp lực để tháo nước lòng hồ ; đắp bao cát trên đỉnh đập để ngăn nước tràn qua ; triển khai gia cố thân đập, chống xói lở. Trong trường hợp mưa lũ kéo dài, mực nước hồ tiếp tục tăng mạnh gây vỡ đập, công ty sẽ cho nổ mìn xả lũ. Công trình thủy điện Đăk Kar có công suất 12MW, đang trong giai đoạn hoàn thiện, chưa được đưa vào vận hành.
Cũng tin liên quan, từ ngày 6 đến ngày 8/8, tỉnh Lâm Đồng chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên toàn tỉnh có mưa to đến rất to tại các huyện phía Nam và Tây Nam.
Thống kê ban đầu tại Lâm Đồng, có 1.400 ngôi nhà bị ngập, gần 2.000 ha rau mùa, trên 50 ha ao cá bị cuốn trôi…, thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng. Ngay thành phố Đà Lạt nhiều tuyến đường cũng bị ngập. Thống kê sơ bộ có 11 căn nhà bị ngập, hư hỏng 20 ha hoa màu, 3.000m2 nhà kính…
*****************
Lo sợ vỡ đập thủy điện, hàng ngàn gia đình phải di tản khẩn cấp (Người Việt, 09/08/2019)
Giới hữu trách đã tổ chức di tản khẩn cấp hàng ngàn gia đình của hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước vào sáng 9/8/2019 ra khỏi khu vực nguy hiểm nếu hồ thủy điện Đắk Kar ở xã Đắk Ru, huyện Đắk R’Lấp vỡ đập.
Thủy điện Đắk Kar đang đối diện nguy cơ vỡ đập. (Hình : Người Lao Động)
Nói với báo Người Lao Động, ông Nguyễn Bốn, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, cho biết mặc dù thủy điện Đắk Kar bị kẹt van xả nhưng "trong cái rủi có cái may" là đường ống áp lực bị vỡ nên mực nước trong hồ đã xuống được khoảng 1,5 mét nên tạm ổn.
"Nếu trời không mưa nữa thì sẽ an toàn nhưng thời tiết như thế này thì không yên tâm lắm. Nếu mưa như kiểu này cũng rất là nguy hiểm", ông Bốn lo lắng nói.
May mắn đường ống đấu nối xả lũ trong hồ thủy điện Đắk Kar bị vỡ đã giải tỏa bớt lượng nước đáng kể. (Hình : SGGP)
Ông Lê Viết Thuận, chánh văn phòng Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Đắk Nông, cho biết dù việc "tích nước" đã tạm thời được giải quyết nhưng nguy cơ vỡ đập vẫn cao, gây ảnh hưởng đến vùng hạ du thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Trong khi ông Lê Bá Dung, cán bộ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), cho biết lực lượng hữu trách đã di tản được khoảng 5.000 người dân ở bốn xã Đồng Nai, Phước Sơn, Thống Nhất và Đăng Hà thuộc huyện Bù Đăng tới các khu vực cao và ở nhờ nhà người quen, bởi hiện tại mực nước trong hồ chỉ mới xuống được nửa mét, chỉ cần mưa lớn là đập sẽ vỡ nên rất nguy hiểm.
Trước đó, truyền thông Việt Nam loan tin, chiều tối 8 tháng Tám, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn về việc "Ứng phó sự cố hồ thủy điện Đắk Kar" sau khi tỉnh Đắk Nông thông báo công trình hồ thủy điện Đắk Kar đang thi công có dung tích 13 triệu khối nước "đang bị sự cố kẹt cửa van".
Người dân ở vùng hạ lưu đập thủy điện bị ngập nước do mưa lũ. (Hình : Tuổi Trẻ)
Trong lúc chưa tìm ra cách sửa chữa thì mưa lũ liên tục kéo đến vùng Tây Nguyên và dự báo còn tiếp tục xảy ra mưa lớn (từ 80-100mm/24 giờ, có nơi trên 100mm), khiến nước tràn qua đập, gây sạt lở chân đập, đe dọa vỡ đập ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực dân cư vùng hạ du thuộc các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng, với hơn 3,2 triệu dân.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Xuân Cường, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đề nghị các tỉnh trên tổ chức di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng.
Liên quan đến thiên tai, theo tờ Tuổi Trẻ Suốt đêm 8 đến sáng 98m, những cơn mưa không ngớt trút xuống khiến đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) "thất thủ". Nhiều khu vực như khu phố 9, khu phố 10 (thị trấn Dương Đông), ấp Cây Thông Trong, cây Thông Ngoài (Cửa Dương) bị chia cắt hoàn toàn. Trong đó, có hai con đường đi vào khu phố 9 nhưng nước ngập gần qua đầu.
Hiện ngoài thị trấn Dương Đông, các nơi như thị trấn An Thới, xã Gành Dầu, Bãi Thơm, các đợt mưa trước chưa hề bị ngập, nay nước cũng đang dâng cao, nguy cơ sẽ ngập. (Tr.N)
***************
Tình người Phú Quốc khi ‘đảo ngọc’ chìm trong nước (Người Việt, 10/08/2019)
Sự tương trợ lẫn nhau của người dân ở Phú Quốc trong lúc hơn 8.400 gia đình gặp hoạn nạn bị nước nhấn chìm tất cả trong những ngày qua, khiến cộng đồng mạng thán phục và xúc động.
Các nhóm nấu cơm miễn phí chia nhau đem cơm trao tận tay dân ở vùng bị ngập nước. (Hình : Thanh Niên)
Mưa lớn từ chiều 8/8/2019, kéo dài 24 tiếng tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) khiến cho nhiều khu vực trên huyện đảo này biến thành sông. Theo thống kê có 8,400 căn nhà bị ngập, đặc biệt một số cơ sở sản xuất đã bị thiệt hại nặng nề cùng 34 cây số đường trên đảo bị ngập sâu từ 0,6 đến 3 mét. Tổng thiệt hại ước tính 107 tỷ đồng (4,6 triệu USD).
Theo báo Thanh Niên, trong cơn thiên tai "chưa từng có", để chia sẻ bớt khó khăn hoạn nạn với những gia đình bị ngập nước, nhiều người dân Phú Quốc may mắn hơn đã giang tay hỗ trợ.
Hàng trăm status (dòng trạng thái) được những cư dân địa phương từ chủ khách sạn, quán phở cho đến người dân nghèo nhà chưa bị ngập đã liên tục đăng tải kèm theo địa chỉ, số điện thoại bày tỏ được trợ giúp.
"Bà con khu vực nào đang cần cơm hay lương thực cứu trợ có thể alo em ngay" ; "Em có ba phòng trống miễn phí ở đường Nguyễn Thái Bình, nhờ mọi người chia sẻ"; "Đề nghị các cấp lãnh đạo huyện, xã xem bà con nào nhà bị ngập, khó khăn hãy đưa họ đến khách sạn em, em xin hỗ trợ miễn phí"… được dân mạng chia sẻ mạnh.
Nhiều khách sạn tư nhân ở Phú Quốc mở cửa cho người dân vùng ngập đến tá túc miễn phí. (Hình : Thanh Niên)
Cùng với nhiều người khác, chị Nguyễn Thị Huỳnh Yến (37 tuổi), chủ khách sạn Kỳ Hoa (ở đường Nguyễn Trung Trực, thị trấn Dương Đông), đăng lên Facebook cá nhân lời mời người dân có nhà bị ngập đến khách sạn của mình ở miễn phí.
Theo xác minh của báo Thanh Niên, khách sạn của chị Yến đã đón 20 người đến tá túc. Chị cho biết, nếu thời tiết còn diễn biến xấu sẽ bố trí thêm phòng để giúp đỡ bà con.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên (30 tuổi, nhà ở xã Cửa Dương), cảm động kể đêm qua đường ngập nên chị không thể đến nhà người quen tá túc, nhưng may mắn được Khách Sạn Kỳ Hoa cho ở nhờ miễn phí nên rất cảm kích.
Tương tự, bà Phan Thị Đẹp (55 tuổi, khu phố 4, thị trấn Dương Đông) cho hơn 30 người ở nhờ tại nhà mình. Dù mỗi tối phải nằm san sát nhau trên nền nhà để ngủ, nhưng mọi người đều cảm thấy ấm áp vì có nhau trong cơn hoạn nạn.
Trong khi đó, anh Lê Phi Thủy (39 tuổi, khu phố 5, thị trấn Dương Đông), đăng tin muốn hỗ trợ cơm miễn phí để chia sẻ phần nào những khó khăn của người dân vùng ngập lụt. Biết được việc làm trên, lập tức một số nhà hảo tâm đã ủng hộ thêm tiền, góp sức cùng anh.
Trong hai ngày 8 và 9 tháng Tám, anh Thủy đã mang hơn 1.000 phần cơm miễn phí đến tận tay những người dân khó khăn. "Nếu tình hình ngập lụt vẫn còn và người dân vẫn còn cần sự giúp đỡ thì tôi sẽ tính tiếp", anh Thủy nói.
Người dân Phú Quốc phải dùng xuồng đi qua các điểm ngập nước. (Hình : Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)
Ngoài nhóm của anh Thủy, ngày 9 tháng Tám, chị Huỳnh Thị Ngọc Minh (40 tuổi), chủ một tiệm phở ở thị trấn Dương Đông đã liên lạc với báo chí để xin thông tin những nơi cần hỗ trợ thức ăn.
Sau khi được các báo cung cấp, chị Minh đích thân đem 100 phần cơm nóng đến với những người dân ở xã Cửa Dương. Chứng kiến sự khó khăn của nhiều người và niềm vui khi họ đón nhận, chị Minh quyết định tạm ngưng bán phở huy động nhân viên của mình làm tiếp 500 phần cơm cho buổi chiều và sẽ tiếp tục hỗ trợ cơm nếu bà con còn cần tới.
Trên chuyến xe đưa cơm đến với người dân, chị Minh nói với báo Thanh Niên : "Của ít lòng nhiều, mình có được thì nên chia sẻ cho mọi người lúc hoạn nạn. Giờ chỉ mong trời nhanh chóng tạnh mưa để bà con bớt khổ".
Tại điểm ngập ấp Cây Thông Ngoài (xã Cửa Dương), chị Thị SôRi, chủ một nhà nghỉ trên đường 30/4, cho biết mình mang theo mì, cơm, bánh ngọt chạy xe cả buổi sáng để gửi cho người dân vùng ngập lụt.
"Nhà nghỉ của tôi còn nhiều phòng trống, anh xem ai cần thì cứ chỉ họ đến đó, tôi không lấy tiền đâu", chị nói và nhờ báo Thanh Niên loan tin đến những người đang cần nơi tá túc.
"Xin thay mặt bà con chân thành cảm ơn những tấm lòng vàng", bạn Duc Nguyen Duc bày tỏ trên Facebook. (Tr.N)
*****************
Chính quyền ‘biến’ đảo Phú Quốc thành… đảo ngập (Người Việt, 08/08/2019)
Chỉ ảnh hưởng nhẹ từ cơn bão Wipha nhưng những ngày qua, người dân huyện đảo Phú Quốc đã phải sống trong cảnh "đường thành sông, nhà ngập nước" gây thiệt hại hàng triệu đô la.
Nhiều nơi nước ngập đến ngang ngực người đi đường. (Hình : Thanh Niên)
Mấy ngày qua, gần như toàn bộ khu vực đô thị trên "đảo ngọc" Phú Quốc đều bị ngập. Nhiều con đường tại thị trấn Dương Đông và các xã Cửa Dương, Cửa Cạn, Dương Tơ… chìm trong nước. Buôn bán đình trệ, giao thông ách tắc, hàng trăm gia đình phải di tản.
Theo báo Thanh Niên, Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cho biết tính đến trưa 6 tháng Tám, 2019, tổng giá trị thiệt hại ở huyện này sau trận ngập "chưa từng thấy" bắt đầu từ ngày 2/8, ước tính hơn 68 tỷ đồng (2,9 triệu USD).
Huyện cho hay, có 3.874 căn nhà bị ngập, 10 căn nhà bị tốc mái và hai căn nhà bị sập hoàn toàn. Nhiều đoạn đường ở thị trấn Dương Đông và xã Cửa Dương bị ngập nặng, trong đó có đoạn nước ngập sâu đến 1,5 mét, kéo dài bốn cây số.
Bên cạnh đó, trận ngập cũng đã làm hư hỏng 10 hécta hoa màu, nhấn chìm 10 tấn muối, làm chết 1.675 con gia cầm, hơn 16 tấn cá nước ngọt của người dân ở hai xã Hàm Ninh và Dương Tơ.
Báo Thanh Niên cho hay, dù mưa đã ngớt, nước đã rút khá nhiều nhưng đường dẫn vào Cảng Hành khách Quốc tế (khu phố 3, thị trấn Dương Đông) bị đứt một đoạn dài. Theo người dân, vào khoảng trưa 5/8, lượng nước lớn từ đầu phi trường cũ tràn qua khiến đất ở đây bị lở, nước cuốn phăng mặt đường và hai quán hải sản cạnh bờ biển.
"Cũng may là nước tràn làm đứt đoạn đường này tràn ra biển, chứ không người dân ở hai khu phố 6 và 9 còn gặp phải cảnh tượng kinh khủng hơn", một người dân cho biết.
Nước dâng cao nhiều ngày khiến nhiều người dân ở Phú Quốc phải rời khỏi nhà, mọi sinh hoạt bị đảo lộn. (Hình : Thanh Niên)
Nói với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Phước Nghĩa (ở ấp Cây Thông Ngoài, xã Cửa Dương) cho biết mưa lớn nhiều ngày khiến nước từ thượng nguồn đổ về rất nhiều, nước ngập vào nhà, không kịp trở tay.
Anh Trần Đăng Khoa (ở ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương) cho biết thêm năm nào mưa to là nước từ thượng nguồn đổ về làm ngập nhà dân, nhưng chưa có khi nào "kinh hoàng" như năm nay.
Theo người dân, nguyên nhân gây ngập nặng ở xã Cửa Dương là do cơ quan quản lý Hồ Dương Đông xả đập. Thế nhưng cả hai ông Nguyễn Văn Tâm, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang, và ông Mai Văn Huỳnh, bí thư kiêm chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc, đều phủ nhận.
Trả lời báo Thanh Niên, ông Tâm cho rằng "đó là do mực nước quá cao nên tràn qua đập chảy xuống gây ngập cho khu vực ấp Bến Tràm (xã Cửa Dương), chứ không phải do xả đập".
Trong khi đó, ông Huỳnh giải thích "ngập là do nhiều nguyên nhân, trong đó biến đổi khí hậu là nguyên nhân lớn nhất. Ngoài ra, do yêu cầu phát triển quá nhanh nên hệ thống hạ tầng theo quy hoạch trước đây không đáp ứng được sự phát triển thực tế".
Phản bác lập luận của ông Huỳnh, báo Người Lao Động dẫn chứng, mấy năm qua đảo Phú Quốc như một đại công trường thu hút rất nhiều dự án đầu tư lớn. Lượng du khách tăng từ 25% đến 50% mỗi năm. Cụ thể, năm 2018 có khoảng bốn triệu du khách đến đảo này, nhiều hơn gần 40 lần dân cư trên đảo.
Yêu cầu phát triển không được phá rừng, bê tông hóa đảo ngọc, đánh đổi môi trường lấy dự án đầu tư. Nhưng trong thực tế, hoạt động kinh tế với cường độ cao đã và đang phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, làm mất dần các "túi chứa nước" tự nhiên bao đời nay trên đảo. Không gian trữ nước vốn là đất rừng, sông, suối tự nhiên đã dần biến mất, nhường chỗ cho "đất vàng" các khu đô thị, dân cư, các dự án du lịch hoành tráng từ hấp lực của các cơn sốt đất.
Đến lúc này ông Huỳnh mới thừa nhận "cũng do sự quản lý chưa tốt của các cơ quan nhà nước đã để xảy ra tình trạng xây dựng lấn chiếm sông suối, làm hạn chế đường thoát tự nhiên của dòng nước".
"Do hạn chế về nguồn vốn nên khi đầu tư xây dựng các tuyến đường đã cắt bỏ một số hệ thống thoát nước dọc theo đó nên vô tình đường trở thành những đập cản nước từ thượng nguồn nên gây ngập cục bộ", ông Huỳnh biện minh. (Tr.N)
Việt Nam hằng năm đều chịu nhiều thiệt hại lớn do thiên tai gây nên, vậy cơ quan chức năng có những biện pháp gì ứng phó để giảm thiểu thiệt hại ?
Nhà bị ngập lụt ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 15 tháng 10 năm 2016. AFP photo
Thiệt hại người và của
Ngày 17/4 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết trong năm ngoái thiên tại xảy ra dồn dập từ đầu năm đến cuối năm trên khắp các vùng miền cả nước với cường độ lớn, bất thường.
Báo cáo thiệt hại cho thấy thiên tai đã làm hơn 260 người chết, 5000 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, hơn 300.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại, hơn 800.000 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại, hơn 100 km bờ sông, đê, bờ biển bị sạt lở… Tổng thiệt hại vật chất lên đến gần 40.000 tỷ đồng.
Hội nghị cũng đề cập đến hậu quả xâm ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, các hiện tượng thời thiết cực đoan bất thường như rét đậm, rét hại, nắng khắc nghiệt, mưa tuyết, sương giá cũng như 10 trận bão gây vô số thiệt hại nặng về người và của trong năm qua.
Anh Lê Văn Vũ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết :
Năm vừa rồi thiên tai liên tiếp xảy ra, gây hạn hán xâm nhập mặn ảnh hưởng đến cây trồng của bà con, nhưng được sự quan tâm của các ngành các cấp đã xây các đập ngăn mặn thời vụ nên thiệt hại cũng giảm đi. Biến đổi khí hậu cũng gây ra nhiều dịch bệnh cho cây trồng nhưng mình cũng hướng dẫn bà con cách giải quyết kịp thời.
Hội nghị đã đánh giá được các mặt tích cực trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, Chính phủ đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo các bộ ngành liên quan trong ứng phó và khắc phục hậu quả bão lụt. Các cơ quan từ trung ương đến địa phương được cho biết đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình ứng cứu hệ thống giao thông. Lãnh đạo Tổng cục đã đi hiện trường, kịp thời chỉ đạo khắc phục hậu quả các cơn bão, mưa nên công tác khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông sau mưa, bão được triển khai nhanh, thông đường sớm.
Nhiều kế hoạch cũng được đặt ra trong năm 2015 để đề phòng thiên tai 2016 như sửa chữa nhà kho, huy động nhân lực, máy móc, để ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai,… Tuy nhiên, trước sự chuẩn bị và nỗ lực phòng chống, hậu quả của thiên tai trong năm 2016 vẫn được cho là nghiêm trọng.
Dự báo kém ?
Cây gãy trên đường phố Hà Nội trong cơn bão vào ngày 28 tháng 7 năm 2016. AFP photo
Nhận xét về những nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả trên, Tiến sĩ Hồ Long Phi, Chuyên gia về nước, Phó ban điều phối chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh cho biết :
Thứ nhất, hệ thống dự báo còn nhiều bất cập, chưa đủ năng lực dự báo chính xác. Điều thứ hai rất quan trọng là năng lực thích nghi với cộng đồng còn quá yếu. Những nơi xảy ra hậu quả thiên tai nghiêm trọng thì thường hoặc là quản lý kém hoặc sinh kế không bền vững.
Năm ngoái xảy ra nhiều biến cố cực đoan, những biến cố này lại được gia cường bởi những hoạt động của con người mang tính chất không thỏa đáng. Thí dụ bão lũ của thủy điện chẳng hạn, đáng lẽ ra người ta phải có những cách vận hành làm sao để giảm nhẹ thiên tai. Nhưng đằng này họ lại vận hành vô trách nhiệm, tức là chỉ tuân theo những luật quy định để điều tiết hồ chứa thủy lợi thôi. Cuối cùng hai cái đó không đồng bộ với nhau.
Trong khi đó Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng dự báo đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ lại đánh giá rằng năng lực dự báo của Việt Nam trong phòng chống thiên tai hiện nay khá tốt. Khả năng ứng dụng các công nghệ khoa học cả trong nước và tham khảo quốc tế đã giúp việc dự báo, như bão chẳng hạn, trong tầm tay. Tuy nhiên, bà cũng nêu ra một số điểm còn hạn chế trong công tác dự báo :
Không giống một số nước phát triển, trạm đo quan sát của mình vẫn còn là trạm đặt trên đất liền, không có những công cụ để đặt radar đi theo vết của những trận lốc xoáy hoặc vòi rồng. Cho nên những thiên tai này mang tính chất cảnh báo là chính, nhưng không thể chỉ ra cụ thể bản làng nào, vị trí nào sẽ diễn ra. Thậm chí đưa ra được bản tin rồi nhưng đến được các bản làng xa xôi cũng gặp nhiều khó khăn về vấn đề thời gian.
Bà giải thích một số nguyên nhân gây ra hậu quả nặng nề khi thiên tai xảy ra :
Dân khi được dự báo có thiên tai nhưng nhiều nơi họ vẫn không thể rời xa bản làng của họ. Hơn nữa, ví dụ như ở miền Trung chẳng hạn, khi có dự báo lũ cảnh báo không được ra đường, hay sử dụng các phương tiện giao thông, phải tuân thủ các hướng dẫn tuy nhiên người dân vẫn sử dụng các phương tiện như xe máy, ô tô, xe đò,… những cái đó nằm ngoài tầm kiểm soát.
Ảnh hưởng từ đập thủy điện
Quảng Bình ngập lụt nặng hôm 17/10/2016. AFP photo
Những năm gần đây Việt Nam cho tiến hành xây dựng nhiều dự án đập thủy điện. Giới chuyên gia về môi trường đã nhiều lần cảnh báo về tác động của những đập thủy điện này lên môi trường cũng như làm trầm trọng thêm hậu quả của thiên tai.
Luật sư Ngô Ngọc Trai đã có lần phân tích : Nếu không có đập thủy điện thì khi mưa xuống nước sẽ chảy thành dòng theo các lòng trũng khe suối chảy dần ra sông, ra biển. Nhưng khi có đập thủy điện thì nó ngăn dòng nước lại tạo thành một khối nước lớn ở vị trí cao, đến khi nước đầy thì đập xả nước tạo thành dòng chảy mạnh. Dòng chảy này cộng với lượng nước mưa đã chảy thành dòng ở phía dưới đập, hợp lại tạo thành lưu lượng nước lớn gây lũ khiến người dân không kịp trở tay vì lũ về nhanh quá.
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan cũng nhận định thêm về ảnh hưởng của đập thủy điện trong hệ quả thiên tai năm ngoái :
Những đập thủy điện cỡ lớn cỡ vừa khi mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên, miền Trung sợ vỡ đập vỡ đê, đó mới là những điều nguy hiểm. Cho nên nhà nước bây giờ cũng nhận thức rõ nên cần hạn chế những thủy điện cỡ nhỏ để bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và tránh xả lũ bất ngờ gây thiệt hại, thương vong cho người dân.
Cũng tại Hội nghị về phòng chống thiên tai, các ban lãnh đạo các ngành đã cùng nhau đưa ra những phương án phòng chống, cứu trợ cho năm 2017. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Hồ Long Phi, chuyện giảm thiểu hậu quả thiên tai không thể thực hiện được một sớm một chiều, có kết quả ngay trong năm 2017. Ông cho biết hiện tại Nhà nước đang bắt đầu kế hoạch đầu tư hơn vào cơ sở khoa học kỹ thuật dự báo tiên tiến, đang xem xét lại các dự án đập thủy điện, và thay đổi sinh kế cho người dân ở những vùng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, đây là những dự án dài hạn, đòi hỏi nhiều thời gian và hoạch định cụ thể cũng như nguồn vốn đầu tư cao.
Lan Hương, phóng viên RFA