Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bộ Nội vụ Việt Nam mới đây cho rằng cần cải cách tiền lương để trọng dụng nhân tài. Ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Công chức Viên chức thuộc Bộ Nội vụ tại cuộc họp báo chiều 5/8 cho biết như vừa nêu.

nhantai1

Ảnh minh họa : Sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Việt Nam ngày 2 tháng 3 năm 2020. Reuters / Kham

Cụ thể, theo ông Ninh, cần có chính sách cải cách tiền lương, đảm bảo tương đồng giữa khu vực công và tư để thu hút, trọng dụng nhân tài. Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề xuất cơ chế trả lương cho người tài theo thị trường, mức trần 120-150 triệu đồng, để thu hút các nhà khoa học.

Trước đây, vào tháng 4 năm 2020, Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài. Khi đó, kế hoạch đề án này được nói là nhằm nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách, giải pháp để hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật thu hút những người tài giỏi, trong đó có chính sách thu hút người gốc Việt về nước làm việc.

Sau đó vào năm 2021, Bộ Nội vụ chính thức công bố ‘Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài’. Tuy vậy, chiến lược này vẫn bị cho không hiệu quả và nay lại tiếp tục đòi nâng lên mức trần 120-150 triệu đồng, để thu hút người tài.

Khi trả lời RFA hôm 8/8/2022 từ Sài Gòn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, nhận định :

"Nhân tài là một câu chuyện dài, tiền lương chỉ là một phần trong đó chứ không phải là tất cả. Bộ Nội vụ nói như thể là chỉ trong lĩnh vực nhà nước, chứ còn tư nhân đó là cuộc cạnh tranh khốc liệt, người ta sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để có một người tài năng, bởi vì người tài năng mà về công ty là tăng thu nhập cho công ty, đó là đầu tư có lãi. Còn nhà nước thì đủ các thứ giấy tờ rắc rối, không hy vọng gì mà Bộ Nội vụ có thể quyết định được tiền lương một người tài được tăng gấp ba gấp bốn lần. Đó là chưa kể so với tiền lương hiện nay thì gấp ba gấp bốn lần có đủ sống ung dung hay không ?"

Ngay cả khi Bộ Nội vụ có giải quyết xong tiền lương đi nữa thì theo ông Dũng vẫn chưa thể thu hút nhân tài. Bởi vì cơ chế nhà nước hiện nay người làm việc bị bó chân bó tay, khó lòng mà ý kiến của họ lại được nhanh chóng sử dụng. Tiền lương là quan trọng, nhưng ông Dũng cho rằng việc sử dụng người tài như thế nào mới quan trọng hơn, làm sao ý kiến của họ đóng một vai trò quan trọng trong các quyết định của nhà nước, và việc này liên quan đến vấn đề thể chế.

Nhận định Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng đã được minh chứng khi Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tiên phong trong việc tăng lương để thu hút nhân tài nhưng vẫn không hiệu quả. Thành phố này vào năm 2014 đã có chủ trương ‘trải thảm đỏ mời nhân tài’ theo Quyết định 5715 được áp dụng trong năm năm để tuyển người tài cho các lĩnh vực trọng điểm. Chuyên gia khi đó được hưởng thu nhập thỏa thuận không quá 150 triệu đồng mỗi tháng ; chia lợi nhuận trên sản phẩm nghiên cứu ; hỗ trợ kinh phí dự hội thảo cùng nhiều ưu đãi về xuất, nhập cảnh, thuế, nhà ở, hỗ trợ người thân...

Tuy nhiên qua năm năm thí điểm, theo truyền thông trong nước, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút được 19 nhà khoa học về làm việc, nhưng sau đó 14 người đã rời đi và ba năm qua không tuyển được chuyên gia nào.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng, khi trả lời RFA từ Pháp Quốc hôm 8/8, nhận định :

"Nếu cải cách tiền lương để giúp đỡ cho các thầy cô thì rất đúng, vì lương họ rất ít. Còn về thu hút nhân tài thì thật sự những người về Việt Nam không nhất thiết vì tiền đâu, họ về theo cái tâm của họ. Nếu nâng tiền lương cũng không giải quyết được vấn đề, bởi vì đất nước Việt Nam là một đất nước không đáng sống (tôi xin dùng một chữ hơi nặng tí xíu để có thể diễn tả dù là đất nước mẹ đẻ của mình). Với những người tài bên này có những thứ nhiều thứ còn quý hơn tiền, chẳng hạn con cái được học hành, bảo hiểm y tế, tương lai có thể bảo lãnh gia đình… những cái đó không mua bằng tiền được".

Vì vậy Giáo sư Phạm Minh Hoàng cho rằng, kế hoạch nâng tiền lương để thu hút nhân tài sẽ không thành công, sẽ không đem lại hiệu quả tốt đẹp. Ông Hoàng nói tiếp :

"Những người Việt Nam ai cũng có một tấm lòng đối với đất nước, nhưng họ muốn tài năng của họ được phục vụ một cách cụ thể chứ không phải phục vụ cho một tầng lớp nào đó. Nếu họ về mà lãnh lương sáu bảy ngàn Euro thì có thể sống đầy đủ thật, nhưng có những người họ nghĩ xa hơn, tài năng của họ phải làm sao để những người nghèo được hưởng. Muốn như vậy thì phải có những thay đổi cơ bản trong guồng máy chính trị. Có rất nhiều người về với tâm huyết, trong đó có tôi, nhưng một thời gian ngắn sau đó họ bỏ đi, mặc dù họ được hưởng đồng lương tương đối ưu đãi hơn người trong nước".

Theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng, sở dĩ người tài không thể gắn bó lâu dài ở Việt Nam bởi vì môi trường làm việc không thích hợp, những người cấp cao lại không đủ trình độ để điều khiển họ. Thứ hai họ thấy xung quanh nhiều sự bất công của xã hội, cho nên đóng góp của họ như muối bỏ bể. Ông Hoàng cho rằng, nhà nước lên tiếng thu hút nhân tài để làm lợi cho họ mà thôi.

Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được Việt Nam đề ra từ rất lâu và đã được thể hiện qua văn kiện của Đảng cộng sản Việt Nam trước đây như : Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18/6/1997 của Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa VIII. Nhiều năm sau đó, Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nhiều nhiệm kỳ cũng thường xuyên nhắc lại, đốc thúc thực hiện chính sách này...

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, từng giảng dạy nhiều năm tại Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFA trước đây liên quan vấn đề này cho rằng :

"Trong hệ thống chính quyền, hay các trường đại học muốn thu hút nhân tài để người ta cống hiến thì không chỉ đồng lương đãi ngộ, mà là vấn đề tự do học thuật, tự do sáng tạo... đó chính là vấn đề hạn chế hiện nay để thu hút người tài vào khối công lập. Tôi quan sát các doanh nghiệp bên ngoài, có rất nhiều giám đốc, trường phòng rất giỏi, năng động và trình độ không thua các nước ở khu vực Đông Nam Á. Chỉ có vấn đề tự do học thuật, tự do cống hiến, cho người ta tự do sáng tạo chứ không phải làm xong báo cáo, chấp hành mệnh lệnh, làm theo ý lãnh đạo, thì sẽ rất khó thu hút người tài".

Vấn đề tự do sáng tạo và tự do cống hiến không chỉ bây giờ mới được các chuyên gia, những nhà nghiên cứu xã hội, giáo dục như nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc đề cập đến, mà trước đây, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nguyên Chủ nhiệm Khoa, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, một đảng viên đã từ bỏ Đảng, khi trả lời RFA trước đây cho rằng, thể chế độc đảng của Đảng cộng sản Việt Nam không thể có chỗ đứng bền vững cho người tài chân chính. Theo ông, thể chế tốt phải có tự do mà quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội. Thể chế của Việt nam hiện nay hạn chế những tự do đó.

Nguồn : RFA, 08/08/2022

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam