Thành phố Thủ Đức chính thức được thành lập
RFA, 31/12/2020
Thành phố Thủ Đức được công bố chính thức thành lập và sẽ là nền kinh tế lớn thứ ba sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong một thập niên tới.
Ảnh minh họa. Một góc thành phố Thủ Đức. RFA
Ông Nguyễn Thiện Nhân, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu như vừa nêu, tại Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam về việc thành lập thành phố Thủ Đức, diễn ra vào sáng ngày 31/12.
Tại buổi lễ, cựu Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh rằng thành phố Thủ Đức sẽ trở thành hạt nhân cho phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ. Khoảng 10 năm tới, thành phố Thủ Đức có thể tạo ra giá trị tăng bằng 1/3 Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 7% GDP của Việt Nam. Đồng thời, là thành phố hiện đại, văn hóa, hội nhập và đáng sống bậc nhất của Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, vào ngày 9/12, thông qua thành lập Thành phố Thủ Đức được với tỷ lệ đồng ý 100% và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Theo đó, thành phố Thủ Đức được thành lập với việc sát nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Thành phố Thủ Đức có diện tích hơn 211 km2 và dân số hơn 1 triệu người. Sau khi được thành lập, thành phố Thủ Đức có 34 phường, có Tòa án và Viện kiểm sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, tại lễ công bố ngày 31/12, đề nghị Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chung thành phố Thủ Đức được đồng bộ với quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh và có trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cũng được yêu cầu xây dựng bộ máy chính quyền và sắp xếp nhân sự hợp lý cho thành phố Thủ Đức.
Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã ra quyết định xây dựng Khu đô thị sáng tạo tại thành phố Thủ Đức và mạng di động 5G được khai trương trong lễ công bố Nghị quyết thành lập TP.Thủ Đức.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong hạ tuần tháng 8, đăng tải thông tin giá nhà đất ở Thủ Đức liên tục tăng lên trong 3 năm qua, dẫn đến lo ngại về vấn đề bong bóng bất động sản tại khu vực này.
**********************
Đầu tư nước ngoài bơm hơn 28 tỷ USD vào Việt Nam trong năm 2020
VOA, 01/01/2021
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 28,53 tỉ USD trong năm 2020, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, theo các số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Dù bị tác động vì đại dịch Covid-19, đây là một kết quả khả quan hơn nhiều so với nhiều nước khác.
Tư liệu : Kinh tế Việt Nam. Ảnh chụp ngày 15/11/2017. Reuters/Kham
Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam cho biết trong năm 2020, các công ty nước ngoài đã đầu tư trong 19 lĩnh vực ở Việt Nam, đứng đầu là lĩnh vực chế tạo sản xuất, thu hút đầu tư trực tiếp 13,6 tỉ, chiếm tới 47,7% tổng vốn đầu tư nước ngoài, tiếp theo là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện…
Nguồn tin này uớc lượng có khoảng 2.523 dự án mới với tổng số vốn lên tới 14,6 tỉ USD tại Việt Nam, giảm 35% về số lượng dự án, và 12,5% về số vốn đầu tư.
Trong khi đó hơn 1.140 dự án đang hoạt động được phép nâng vốn đầu tư lên 6,4 tỉ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các doanh nghiệp nước ngoài cũng đầu tư 7,5 tỉ trong năm qua, giảm khoảng 51,7%.
Việt Nam vẫn được coi là thị trường hấp dẫn đối với với các nhà đầu tư quốc tế trong bối cảnh dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Theo các số liệu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam công bố mới đây, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính cho tới ngày 20/11/2020, đạt hơn 26 tỉ USD, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo nguồn tin này có tới 109 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 11 tháng đầu của năm 2020, đứng đầu là Singapore với tổng vốn đầu tư hơn 8 tỉ USD, chiếm 31% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Kế đến là Hàn quốc, với 3,7 tỉ USD, sau đó là Trung Quốc với vốn đầu tư 2,4 tỉ USD, và tiếp theo là các nước Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan.
Trang mạng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho biết hai dự án FDI lớn nhất trong năm 2020 là Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu của Singapore với vốn đầu tư đăng ký 4 tỉ USD, và Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam của Thái Lan tại Bà Rịa – Vũng Tàu, với vốn đầu tư điều chỉnh lên tới 1,4 tỉ USD. Ngoài ra còn 3 dự án có vốn đầu tư hàng trăm triệu USD gồm Dự án Khu trung tâm đô thị Tây hồ Tây của Hàn Quốc tại Hà Nội, Dự án Pegatron Việt Nam của Đài Loan, và Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu tại Tây Ninh của nhà đầu tư Trung Quốc.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin của Tổng cục Thống kê Việt Nam, nói rằng Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế 2,91% trong năm 2020, mức thấp nhất kể từ 30 năm qua nhưng trong bối cảnh đại dịch tàn phá các nền kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn được coi là một thành công lớn với đà tăng trưởng được xếp vào hàng cao nhất thế giới.