Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phần đông nạn nhân mua bán người ở Việt Nam bị bóc lột tình dục (24/08/2018)

80% nạn nhân mua bán người ở Việt Nam chủ yếu là phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số bị bóc lột tình dục trong thời gian qua. Đó là thống kê được nêu ra tại Phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2017 do Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức sáng 23/8 tại Hà Nội.

phunu1

Ảnh chụp vào ngày 9 tháng 5 năm 2014 cho thấy một cô gái dân tộc H'mông Kiab (tên đã được thay đổi để bảo vệ danh tính của nhân vật) nhìn ra từ một cửa sổ ở trung tâm phụ nữ bị buôn bán ở Lào Cai. AFP

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương, cho biết thời gian qua cơ quan chức năng đã khởi tố hơn 1000 vụ án với hơn 2000 bị can liên quan đến hành vi mua bán người. Số nạn nhân bị mua bán được nêu ra là 3100 người, trong đó số nạn nhân vẫn chưa được giải thoát là 519 người.

Bộ Công an cho biết 90% nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Trong đó, 80% là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Báo cáo của Bộ Công an cũng nêu rõ chủ yếu các nạn nhân bị bán sang Trung Quốc và bị cưỡng ép làm vợ người dân bản địa, bị bóc lột tình dục và cưỡng bức lao động.

Bộ Quốc phòng Việt Nam cho hay tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu tại hai tuyến biên giới Việt-Trung và Việt Nam – Campuchia.

Các tội phạm buôn người được nhận định ngày càng có thủ đoạn tinh vi, hoạt động có tổ chức xuyên quốc gia. Một số hình thức được nêu ra như thông qua các trang mạng xã hội để dụ dỗ, rủ rê các nạn nhân đi chơi, mua sắm ở các chợ giáp biên giới. Bên cạnh đó là các hình thức môi giới hôn nhân, giới thiệu lao động nước ngoài, nhận con nuôi.

Thường trực Ủy ban tư pháp, bà Mai Thị Phương Hoa, nói tại Phiên giải trình rằng việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hiện nay có rất nhiều hạn chế. Bà Hoa cho rằng quá trình thực hiện chưa được nhiều địa phương quan tâm, không hỗ trợ cho các nạn nhân mà đưa trực tiếp họ về ngay cho gia đình.

Mức chi phí hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán người cũng được Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá là thấp với 900 ngàn đồng/tháng nhưng được biết vẫn cao hơn các đối tượng người già, trẻ em, người tàn tật, neo đơn với 540 ngàn đồng/tháng.

**********************

Phụ nữ Việt Nam được giải cứu khỏi nhà thổ ở Đài Loan (RFA, 24/08/2018)

10 phụ nữ Việt Nam và Thái Lan vừa được giải cứu khỏi nhà thổ ở thành phố Tân Trúc (Hsinchu), Đài Loan.

Trang Asia Times loan tin vừa nêu vào ngày 23 tháng 8.

phunu2

Ảnh minh họa : Một bảng hiệu quảng cáo nhà thổ ở trung tâm thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Hình chụp ngày 23/04/12 -  AFP

Vào sáng ngày 21 tháng 8, Cơ quan Di trú Đài Loan phối hợp với cảnh sát Hạt Tân Trúc bố ráp hai nhà thổ và giải cứu được 10 phụ nữ Việt Nam và Thái Lan hành nghề mại dâm ở đó.

Các nhà thổ ở khu đèn đỏ Tân Trúc thường sử dụng phụ nữ nước ngoài qua các công ty môi giới việc làm để ép buộc những phụ nữ đó tiếp khách từ 10 đến 15 người/ngày và phải làm việc liên tục không có ngày nghỉ.

Qua lần bố ráp này, chính quyền Đài Loan bắt giữ hai mẹ con chủ sở hữu nhà thổ với cáo buộc buôn người, một phụ nữ Việt Nam họ Nguyễn, nhân viên của một công ty môi giới việc làm, cùng hai bảo vệ.

Published in Việt Nam