RFA, 14/05/2024
Hạ nhiệt thị trường vàng, kiểm soát thị trường vàng, bình ổn giá vàng… là những điều được chính phủ Việt Nam nêu ra từ mấy năm qua, mỗi khi giá vàng trong nước lập đỉnh mới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sáng 14/5 được truyền thông trong nước loan đã chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành để trong tuần Ngân hàng Nhà nước phải công bố quyết định thanh tra hoạt động kinh doanh vàng.
Trước đó, hôm 20/3/2024, Thủ tướng Việt Nam ký công điện yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Ngay thời điểm đó, giá vàng SJC bán ra đầu ngày là 81,6 triệu đồng/lượng. Đến ngày 11/5/2024, khi Chính phủ ban hành văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, thanh tra tình trạng thao túng vàng thì giá vàng SJC bán ra cuối ngày là 91,3 triệu đồng/lượng.
Có thể thấy giá vàng liên tục nhảy múa dù Chính phủ ban hành nhiều công điện yêu cầu bình ổn.
Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng phụ thuộc hoàn toàn vào Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành năm 2012. Tại khoản 2 và 3 Điều 4 quy định : "Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng".
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/3/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm trình sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.
Một số chuyên gia kinh tế mà RFA trò chuyện đều cho rằng, để kiểm soát thị trường vàng thì điều cần thiết là xóa bỏ độc quyền nhập khẩu vàng thô và sản xuất vàng miếng SJC. Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, nói với RFA :
"Nghị định 24 có rất nhiều cái bất cập. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng trung ương mà lại độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng, trong khi Nhà nước chỉ có chức năng quản lý thôi chứ không có chức năng kinh doanh. Thứ hai là Nhà nước chỉ lấy một thương hiệu vàng SJC là thương hiệu quốc gia. Chính vì sự độc quyền như thế làm cho giá vàng trong nước tăng cao so với giá vàng thế giới. Họ chuẩn bị sửa nghị định 24 và chắc chắn phải sửa vì Quốc Hội đã từng chất vấn tại sao chỉ có một thương hiệu vàng SJC".
Cũng theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, việc xây dựng SJClà thương hiệu quốc gia dẫn đến tâm lý người dân sẽ lựa chọn vàng này để tích trữ dẫn đến cung không đủ cầu, là một nguyên nhân khiến giá vàng tăng.
Ngoài việc xóa bỏ độc quyền thì các chuyên gia kinh tế còn cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần cho phép lưu hành một vài thương hiệu vàng miếng khác có phẩm chất tương đương SJC để tăng tính cạnh tranh về mặt giá cả và đa dạng hóa nguồn cung.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu quan điểm của ông với RFA :
"Tôi nghĩ vấn đề chính là phải giải quyết việc nhập khẩu vàng. Nếu cho tự do nhập khẩu và tự do hóa thị trường vàng, không còn độc quyền thì tôi chắc là giá vàng trong nước sẽ tiếp cận giá vàng thị trường thế giới. Tức là phải thay đổi cách quản lý vàng như hiện nay. Nếu cách quản lý vàng độc quyền như hiện nay thì vẫn sẽ xuất hiện chuyện giá cả như hiện nay. Kinh tế học đã nói là độc quyền sẽ dẫn đến không cạnh tranh, giá cả sẽ độc quyền trên thị trường. Bây giờ cần phải xử lý tận gốc vấn đề này".
Để kiểm soát tình trạng thao túng giá vàng, Chính phủ ban hành Công điện số 23 hôm 20/3/2024 về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.
Thực hiện Công điện số 23 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiến hành rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng vàng trên địa bàn thành phố. Điều này dẫn đến hàng loạt tiệm vàng trong thành phố đóng cửa nghỉ bán.
Bà Hồng Lan, một người dân Sài Gòn nói với RFA sáng 14/5/2024 rằng, trong thực tế, mỗi tiệm vàng chỉ bán ra hai cây vàng cho một người và người mua phải trình chứng minh nhân dân :
"Nó chỉ bán hai cây thôi. Nó lấy lý do là ngăn ngừa đầu cơ tích trữ. Cái gì mà cung-cầu chênh lệch thì nó càng trở nên khan hiếm. Tại nhà nước bóp giá không cho đẩy vàng lên. Thật vô lý khi họ cho là vàng trong nước chênh lệch với thế giới 20 triệu, nhưng Nhà nước vẫn đấu thầu với giá 87.700 ngàn đồng thì họ phải bán cao hơn 87.700 ngàn đồng chứ.
Bây giờ tiền để dành người ta chỉ có những kênh đầu tư sau : Thứ nhất là gửi ngân hàng, nhưng ngân lãi suất xuống thấp quá mà vàng ngày càng lên thì buộc lòng người ta phải mua vàng. Hơn nữa bây giờ có những người ‘lướt vàng’. Nền kinh tế bây giờ suy thoái, bất động sản chết thì lãi suất càng thấp vì nhà nước phải cứu bất động sản. Do đó kênh đầu tư vàng là dễ thanh khoản, mua bán nhanh không cần giấy tờ".
Để tăng nguồn cung cho thị trường vàng và ổn định thị trường vàng, Ngân hàng nhà nước đã tổ chức sáu lần đấu thầu vàng miếng vào các ngày 22/4, 23/4, 25/4, 3/5, 8/5 và 14/5. Tuy nhiên, chỉ có ba phiên đấu thầu ngày 23/4, 8/5 và 14/5 có đơn vị trúng thầu. Các phiên còn lại đều bị hủy với lý do được nói là không đủ đơn vị nộp phiếu dự thầu.
Nhà nước Việt Nam từng nhiều lần kiến nghị "hút vàng trong dân" để phát triển kinh tế. Từ năm 2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lúc đó là ông Nguyễn Văn Bình đã trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương thu hút vàng trong dân.
Truyền thông trong nước dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách tại buổi công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II/2016 rằng, bản chất việc huy động vàng là đi ngược lại với nguyên tắc kinh tế bởi vàng được cất giữ trong dân như mọi tài sản khác. Nếu huy động thì vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông và do đó nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống và sẽ khiến thị trường bất ổn do người dân sẽ đầu cơ, tích trữ vàng.
Nguồn : RFA, 14/05/2024
******************************
Giá vàng 'điên loạn', phải bỏ độc quyền nhà nước mới hết ?
BBC, 11/05/2024
Trái với kỳ vọng giảm nhiệt thông qua đấu thầu, giá vàng ở Việt Nam liên tiếp xô đổ các kỷ lục, thiết lập đỉnh mới hơn 92 triệu đồng/lượng vào ngày 10/5, khiến Chính phủ phải vào cuộc.
Nhiều người Việt Nam muốn tích trữ vàng như một cách đảm bảo tài sản trước tình hình kinh tế vĩ mô nhiều biến động. Ảnh : Một cửa hàng kinh doanh vàng tại Hà Nội.
Văn phòng Chính phủ Việt Nam hôm 10/5 đã ban hành văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua.
"Việc này phải báo cáo Thủ tướng kết quả trong tháng 5, không để chậm trễ hơn nữa," ông Khái yêu cầu.
Lãnh đạo Chính phủ cũng tiếp tục yêu cầu quản lý chặt sản xuất và kinh doanh vàng miếng, xử nghiêm các trường hợp buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định, chuyển ngay hồ sơ vi phạm sang Bộ Công an.
Trên thực tế, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần đưa ra chỉ đạo với ngành ngân hàng trong bối cảnh giá vàng tăng vọt, bất chấp nhà điều hành đấu thầu tăng cung cho thị trường. Các nỗ lực thanh tra, đấu thầu đã được triển khai để chấn chỉnh hoạt động của thị trường vàng. Tuy nhiên, tất cả các giải pháp đến nay đã không phát huy tác dụng.
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 11/5, Tiến sĩ Công Phạm, Giảng viên cấp cao tại Đại học Deakin (Úc), nhận định vấn đề đáng quan tâm hiện nay là cách biệt giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
"Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng nước ngoài là quá cao. Chừng nào mà giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới, thì chừng đó quan điểm cho rằng không có việc làm giá, đẩy giá trục lợi là rất khó thuyết phục", ông nói thêm.
Giá vàng 'điên loạn', vì sao ?
Sáng 10/5, giá vàng miếng SJC lên 92,4 triệu đồng một lượng, cao nhất từ trước đến nay. Mức chênh lệch giá với thế giới cũng nới rộng, khoảng 18,5 triệu đồng một lượng.
Lực mua lớn trong lúc giá tăng vọt khiến nhiều thương hiệu tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hết vàng miếng và nhẫn trơn hoặc giới hạn số lượng mỗi người chỉ được mua ba chỉ.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có động thái can thiệp thông qua đấu thầu, nhưng chỉ khoảng 6.800 lượng vàng miếng được doanh nghiệp mua từ Ngân hàng Nhà nước sau các lần tổ chức đấu thầu 16.800 lượng/phiên.
Mức này chiếm khoảng 8% so với tổng số mời thầu của cơ quan quản lý, số còn lại bị "ế" và thậm chí đã hoãn ba phiên trong số năm phiên do vắng thành viên đăng ký.
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân khiến các phiên đấu thầu vàng miếng thời gian qua đều "ế ẩm" bởi giá cao và khối lượng đấu thầu lớn.
Một minh chứng rõ ràng trong phiên đấu thầu ngày 8/5, giá đấu thầu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 86,05 triệu đồng/lượng, cao hơn giá mua vào của các đơn vị kinh doanh khoảng 800.000 đồng/lượng. Vì vậy, ngay sau khi kết thúc đấu thầu, giá vàng trên thị trường đã tăng lại lên mức cao kỷ lục.
"Đơn vị đấu thầu để tăng cung lại có 'hại' cho chính mình, mua giá cao - bán giá thấp, doanh nghiệp sẽ chết," tờ Tiền Phong hôm 8/5 dẫn lời ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
Theo ông Nghĩa, nếu muốn giảm giá vàng thông qua đấu thầu vàng thì mức giá đưa ra đấu thầu phải thấp. Ví dụ, giá vàng thế giới quy đổi ra khoảng 71 triệu đồng/lượng, giá đấu thầu 71 triệu đồng/lượng, có như vậy mới thu hút được người mua. Bởi khi đó, các đơn vị tham gia hy vọng mua với giá 71 triệu đồng/lượng và bán ra 72 triệu đồng/lượng. Mua thầu với mức giá 85 triệu để bán lại với giá 80 triệu thì không đơn vị nào tham gia.
Ngoài ra, giá đấu thầu cao cũng được cho là càng kích thích tâm lý tích trữ của người dân, khiến mục tiêu kéo giá vàng trong nước gần thế giới khó khả thi.
Giá trúng thầu trong phiên đấu thầu hôm 8/5 là 86,05 triệu đồng/lượng
Trả lời BBC hồi tháng 4, Tiến sĩ Công Phạm cho rằng việc đấu thầu vàng giúp bình ổn thị trường nhưng chỉ phát huy tác dụng nếu phiên đấu giá vàng đáp ứng các tiêu chí :
- Thứ nhất là những quy định và thủ tục đấu thầu phải rõ ràng, minh bạch và được phổ biến đầy đủ và công khai.
- Thứ hai, phải có sự đối xử công bằng với tất cả người tham gia.
- Thứ ba, lượng vàng đưa vào đấu giá phải đủ lớn và thu hút được nhiều người tham gia.
- Thứ tư, phải có cơ quan giám sát chặt chẽ việc tiến hành đấu giá, ngăn ngừa gian lận.
- Cuối cùng, cần có đánh giá định kỳ sau mỗi lần tiến hành đấu giá để cải thiện cho những lần sau.
Bên cạnh đó, ông Lê Xuân Nghĩa trả lời trên Tiền Phong rằng việc "độc quyền" không cho nhập khẩu của cơ quan quản lý cũng là một nguyên nhân khiến giá vàng ở Việt Nam "một mình một cõi".
Từ năm 2012, theo nghị định 24/2012, thị trường vàng của Việt Nam liên quan tới sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng do nhà nước độc quyền.
Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC) trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được Ngân hàng Nhà nước thuê gia công thương hiệu vàng miếng SJC.
Chuyên gia đề nghị xóa bỏ độc quyền
Trong báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng trong quý 1/2024 công bố hôm 8/5 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, chỉ ra chính sách hạn chế nhập khẩu vàng là nguyên nhân chính khiến giá vàng tại Việt Nam chênh lệch lớn với giá vàng thế giới.
Theo ông, việc cho phép nhập khẩu vàng sẽ giúp kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng ở Việt Nam và trên thế giới. Việc sửa đổi Nghị định 24/2012 một cách phù hợp sẽ giúp chính phủ quản lý được thị trường vàng chính thức.
Nhưng vị chuyên gia này cũng cảnh báo nhập khẩu vàng sẽ có tác động nhất định tới kinh tế vĩ mô.
Ngoài ra, có nhiều ý kiến cho rằng việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.
"Việc Ngân hàng Nhà nước không còn nắm giữ độc quyền thương hiệu vàng SJC cũng như trao quyền nhập khẩu vàng cho nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh vàng sẽ giúp cung cầu trên thị trường cân bằng hơn. Đồng thời, động thái này cũng giúp kéo giảm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới," báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 11/5 dẫn lời chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu.
Tiến sĩ Công Phạm đánh giá vai trò của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời gian qua :
"Việc ngân hàng trung ương của một quốc gia điều tiết thị trường vàng như một phần trong chính sách ổn định kinh tế vĩ mô được nhiều nước áp dụng. Tuy nhiên, với Nghị định 24/2012, thị trường vàng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước nắm độc quyền điều tiết thuộc mức chặt chẽ nhất so với các nước trong khu vực. Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước không chỉ quản lý mà còn tham gia kinh doanh vàng thông qua Công ty SJC."
"Trong giai đoạn từ sau 2012 khi Nghị định 24 được áp dụng, giá vàng trong nước đều cao hơn giá vàng thế giới, đặc biệt là trong những năm từ 2020 trở lại đây."
"Sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế khá lớn, có hệ thống và có chiều hướng tăng đều từ 2012 tới nay đã làm cho quan điểm của Ngân hàng Nhà nước và Công ty SJC cho rằng không có sự làm giá và giá vàng hoàn toàn do cung cầu của thị trường quyết định rất khó thuyết phục."
Vấn đề Ngân hàng Nhà nước Việt Nam độc quyền nhập khẩu, kinh doanh vàng trong những năm qua đã được các đại biểu quốc hội chất vấn tại nghị trường, chuyên gia phân tích và người dân thắc mắc.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng từ cơ quan chức năng, cùng với đó có những hoài nghi về khả năng nảy sinh tham nhũng khi duy trì độc quyền kinh doanh.
Nguồn : BBC, 11/05/2024
******************************
Có nên tiếp tục "can thiệp" bằng "đấu thầu vàng" ?
Cát Tường, VNTB, 11/05/2024
Ghi nhận tại trụ sở Công ty SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu giờ chiều ngày 10/5/2024 có rất đông người dân đến mua vàng và phải xếp hàng cả vòng trong và vòng ngoài. Đến 14g30 cửa hàng SJC này phải treo bảng "Tạm ngưng giao dịch" ngay cổng vào, bảo vệ yêu cầu người dân 30 phút sau hãy quay trở lại giao dịch vì bãi giữ xe đã hết chỗ. Trước đó, khoảng 11 giờ, Công ty SJC đã phải tạm ngưng giao dịch ở trụ sở chính vì lượng khách đến đông. Công ty cũng giảm xuống mỗi người chỉ được mua 1 lượng vàng miếng SJC. Loại 5 chỉ và 1 lượng hết, khách phải mua vàng lẻ loại 1,2 chỉ. Mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 3 chỉ vàng nhẫn 9999.
Giá vàng đang lập kỷ lục với giá bán ra 92,4 triệu đồng, có hơn giá vàng thế giới 19 triệu đồng.
Tại một chi nhánh Công ty PNJ trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, (phía cổng bắc của chợ Bến Thành) khi hỏi giá vàng nhẫn 9999 một nhân viên bán hàng cho biết giá bán lúc 14g hôm 10/5/2024 là 76 triệu đồng/lượng, giá mua vào 74,3 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên nhân viên này cũng cho biết chỉ báo giá chứ không có nguồn vàng sẵn. Nếu khách hàng có nhu cầu mua phải đặt trước và thanh toán 100%, và chờ đợi trong vòng 15 ngày để được giao vàng. Nhân viên này cũng cho biết tình trạng khan hiếm vàng nhẫn đã diễn ra rất lâu, và nhiều khách hàng cũng đặt trước như vậy.
Ở một tiệm vàng khác trên đường Lê Thánh Tôn, cũng trong chiều 10/5, giá bán vàng miếng SJC được đẩy lên đến 92,8 triệu đồng/lượng, cao hơn 400.000 đồng/lượng so với giá bán vàng cùng thời điểm tại Công ty SJC. Tuy nhiên khi hỏi giá mua vào chủ tiệm vàng này không báo giá vì "giá bây giờ biến động ghê lắm". Với vàng nhẫn 9999, chủ tiệm vàng này cho biết giá bán ra 76,5 triệu đồng/lượng, nhưng giá mua vào chỉ 72,5 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua bán lên đến 4 triệu đồng/lượng.
Tình trạng khan vàng miếng cũng diễn ra tại hệ thống Mi Hồng – một thương hiệu lâu đời tại Thành phố Hồ Chí Minh. Một cửa hàng Mi Hồng nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh), trưa 10/5 thông báo hết hàng. Cửa hàng còn lại của doanh nghiệp này gần đó cho biết vẫn còn vàng miếng 1 chỉ, song hết loại 1 lượng.
Theo nhiều chuyên gia, việc đấu thầu vàng miếng không kéo giá vàng xuống được, thậm chí còn khiến giá ngày càng có cơ hội nhảy lên cao hơn bởi sự "ngăn sông cấm chợ" không cho nhập khẩu vàng. Muốn hạ nhiệt và liên thông giá vàng trong nước với giá vàng thế giới, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước phải tính đến việc cho phép nhập khẩu và sửa phương thức đấu thầu vàng.
"Gần đỉnh sóng giá sẽ lên càng nhanh bởi tâm lý của nhà đầu tư. Vàng dễ làm giá hơn cổ phiếu vì chỉ có vài doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Trong cơn sóng vàng này, doanh nghiệp vàng không bao giờ để mình chịu thiệt nên để khoảng cách mua vào – bán ra lớn.
Dù chưa có con số thống kê nào về lợi nhuận của doanh nghiệp vàng sau những đợt sóng vàng nhưng lợi nhiều nhất vẫn là nhà cái", ông Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập Think Future Consultancy, phân tích.
"Giá vàng tăng lên một cách vô lý vì chả có tác động gì mà làm tăng giá, ngoài mỗi chuyện ông độc quyền. Ông không nhập khẩu về hay nói cách khác là ngăn sông cấm chợ", ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận xét ngắn gọn như vậy.
Thực tế cho thấy hậu can thiệp, giá vàng tăng vù vù. Giới quan sát cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá hiệu quả việc can thiệp giá vàng thời gian qua. Trong ngắn hạn, xem xét một cơ chế khác thay cho việc đấu thầu vàng hiện nay của Ngân hàng Nhà nước.
Cát Tường
Nguồn : VNTB, 11/05/2024
Độc quyền, giá leo thang, buôn lậu vượt kiểm soát
Thị trường vàng miếng Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng giá kỷ lục.
Giá vàng Việt Nam đang cao hơn giá thế giới rất nhiều
Chỉ trong sáng 9/4, vàng miếng SJC đã tăng lên hơn nửa triệu đồng mỗi lượng, lập kỷ lục mới ở mức 83 triệu đồng VND. Đây được coi là mức giá cao nhất của vàng miếng SJC từ trước tới nay.
Cũng trong sáng cùng ngày, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC đã liên tục tăng giá vàng miếng tới bốn lần, tổng cộng tăng 600.000 đồng.
Các công ty khác như Phú Quý SJC, Doji, Bảo Tín Minh Châu đều cho tăng giá vàng miếng trong sáng 9/4.
Không chỉ vàng miếng, vàng nhẫn cũng lập kỷ lục mới khi lên 75,6 triệu đồng/lượng.
Giá cao hơn quốc tế và nạn buôn lậu vàng
Giá vàng miếng SJC Việt Nam cao hơn giá quốc tế 12 triệu đồng, giá vàng nhẫn Việt Nam cao hơn giá quốc tế từ 3,7-4,6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tại Việt Nam là 3.263,26 USD/lượng tính đến chiều thứ Sáu (5/4), tương đương khoảng 2.719 USD/ounce.
Giá vàng Việt Nam leo thang có thể là nguyên nhân khiến buôn lậu vàng vào nước này được cho là đang diễn ra mất kiểm soát.
Điển hình của tình trạng này là vụ án buôn lậu 6.150kg vàng 999 trị giá hơn 8.400 tỷ đồng từ Campuchia về Việt Nam của một đường dây do hai phụ nữ Việt Nam là Nguyễn Thị Minh Phụng và Nguyễn Thị Kim Phượng cầm đầu.
Cơ quan chức năng Việt Nam nhận định rằng đây là vụ án nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh vàng.
Ổn định thị trường vàng là một vấn đề cấp bách đối với chính phủ Việt Nam khi những kẻ buôn lậu lợi dụng giá trong nước cao hơn để nhập lậu vàng vào Việt Nam, dẫn đến biến động tỷ giá và làm suy yếu tiền đồng, gây tổn hại cho nền kinh tế, theo SCMP.
Vào giữa tháng 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện chỉ đạo "đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng và có các giải pháp hiệu quả, kịp thời, đúng quy định, theo nguyên tắc thị trường để xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua ; không để tình trạng 'vàng hóa' nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối…"
Năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu khoảng 55,5 tấn vàng, trong khi năm 2020 chỉ 39,8 tấn, theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới.
Việc gia tăng buôn lậu vàng có nguyên nhân từ việc thiếu vàng từ các kênh chính thống trong nước và nhu cầu có một nguồn đầu tư/tích trữ an toàn trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Tình trạng này gây áp lực lên tiền đồng do những kẻ buôn lậu cần mua USD tại chợ đen để mua vàng, gây khó khăn cho ngân hàng trung ương trong việc kiềm chế lạm phát và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu.
Độc quyền vàng miếng
Chính sách độc quyền vàng miếng đã dẫn tới nhiều hệ lụy cho thị trường vàng và cho nền kinh tế
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, mức chênh lệch trong nước so với tỷ giá quốc tế đã lên tới 15 triệu đồng (600 USD) mỗi lượng trong những tháng gần đây, so với mức 2 đến 3 triệu đồng khoảng một thập kỷ trước sau khi thực hiện độc quyền, báo South China Morning Post trích lời ông.
Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính và Tiền tệ Quốc gia tháng trước đã đề xuất chấm dứt sự độc quyền của nhà nước trong nhập khẩu vàng và sản xuất vàng thỏi.
Hội đồng cho biết quy định 12 năm tuổi này "đã đạt được thành công và hoàn thành sứ mệnh của mình".
Ông Khánh nói : "Nếu tình trạng độc quyền không được chấm dứt, giá vàng nội địa chắc chắn sẽ tiếp tục tăng và nó sẽ có tác động rất tiêu cực đến tiền đồng và nền kinh tế".
Ông Khánh dự báo khoảng cách có thể nới rộng lên 25 đến 30 triệu đồng vào cuối năm nay nếu duy trì thế độc quyền.
Hồi năm 2022, trả lời câu hỏi của BBC tiếng Việt về thực trạng độc quyền kinh doanh vàng tại Việt Nam , chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói :
"Tất cả mọi thứ khi có độc quyền là sẽ dẫn đến tham nhũng, anh có quyền cho người ta độc quyền nhập vàng về bán thì người ta sẽ nâng giá vàng lên kiếm lời để ăn chênh lệch. Rồi người ta có lời rồi thì người ta nộp lại cho anh".
"Khi nào có power (quyền lực) thì khi đó có vấn đề tha hóa quyền lực. Cái độc quyền này nó dẫn tới tới thực trạng tham nhũng, không chỉ có vàng mà còn rất nhiều thứ khác nữa, như đất đai chẳng hạn. Điều này tôi đã nói với với BBC gần đây", ông Thành nói từ Hội An qua điện thoại.
Quan điểm này cũng được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ.
Bà Lan mô tả rằng "đương nhiên khi đã được trao sự độc quyền thì người ta không dại gì mà không giành lấy lợi ích rất lớn cho mình".
Nguồn : BBC, 10/04/2024