Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc thăm Mông Cổ dự Hội nghị Thượng đỉnh Âu - Á tháng 7/2016
Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã phê phán điều ông gọi là 'lợi ích cục bộ trong quy hoạch' ở bốn bộ thuộc quyền của ông.
Đó là Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Công thương.
'Quy hoạch' tức công tác lên đề án và kế hoạch, gồm cả nghị trình triển khai các nhiệm vụ công và chi tiêu ngân sách cho những công tác đó, là lĩnh vực được nhắc đến nhiều ở Việt Nam thời gian qua.
Công tác này bị phê phán nhiều, từ chuyện quy hoạch đô thị - vụ nhà 50 tầng ở Giảng Võ - cho đến quy hoạch tuyển chọn cán bộ cho bộ máy Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền.
Nay, ông Phúc đề cao quyết tâm và nhấn mạnh : "Quy hoạch sẽ gặp nhiều va chạm".
Ông cũng nói "Không đổi mới là chết", theo lời trích trên trang Pháp Luật 12/01/2017.
Có vẻ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn định hướng lại cho công tác "làm kế hoạch, quy hoạch hiện nay" mà theo ông phải theo kinh tế thị trường.
"Thị trường đã là nhà lập kế hoạch tài ba… Quy hoạch phải trên tinh thần kiến tạo chứ không phải thuận tiện cho quản lý, kiểm soát, kìm hãm sự phát triển và tạo cơ hội xin-cho".
Nhắc đến cơ chế xin-cho, ông Phúc đã nhắm thẳng vào quy trình ban phát quyền lợi, hợp đồng công từ nguồn quốc gia cho các 'nhóm lợi ích'.
Các báo Việt Nam viết tiếp rằng "Thủ tướng lấy ví dụ về quy hoạch chỉ có 10 tỉnh được làm nông nghiệp công nghệ cao".
"Tôi đã nói nhà nào, hợp tác xã nông nghiệp nào, tỉnh nào làm được nông nghiệp công nghệ cao thì làm. Đó là nguyên tắc thị trường. Không phải chỉ ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn mới cho vay nông nghiệp công nghệ cao mà tất cả ngân hàng đều phải có gói vay này. Phải cạnh tranh chứ. Nếu có một ngân hàng nông nghiệp cho vay thì chỉ có nước đi "lạy" ông ấy để vay, rồi chi phí phát sinh nữa. Phải theo kinh tế thị trường chứ", ông Phúc phát biểu.
Nhu cầu thay đổi
Thủ tướng Phúc đón Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm John Kerry của Hoa Kỳ đến Việt Nam
Tuy nhiên, các báo Việt Nam không đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có biện pháp gì nếu những chỉ thị của ông không được cấp dưới thực hiện đến nơi đến chốn.
Hồi tháng 12 năm ngoái, ông cũng đã phát biểu nhấn mạnh đến nhu cầu 'thay đổi thể chế' chỗ nào không phù hợp trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
"Còn đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Trung ương sẽ trình cơ quan có thẩm quyền kiến nghị bãi bỏ".
Báo Việt Nam hôm 26/12 trích lời ông Phúc cũng kêu gọi chính bộ máy không nên 'sợ thể chế' :
"Thể chế là do chúng ta nghĩ ra nhưng chúng ta lại sợ nó ; phải bãi bỏ vì dân vì nông nghiệp, nông thôn, đừng để các cơ chế chính sách đó ảnh hưởng, đây là nội dung quan trọng số một của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền".
"Tránh quy định lạc hậu mà bắt người dân thực hiện mãi", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được trích lời nói.
Nhưng dù các báo Việt Nam chạy tựa đề rất mạnh về 'thể chế', thực ra vấn đề được đề cập không phải là cải cách hệ thống chính trị mà chỉ là chính sách hạn điền đã nêu ra từ 2003 khi bàn về Luật Đất đai.
Trang Dân Trí (19/12/2016), tường thuật về một hội nghị ngành nông nghiệp đã nêu ra ví dụ nhà đầu tư không được phép làm chủ đất cho sản xuất nông nghiệp hiện đại, buộc phải nhờ người khác đứng tên.
Trong một bài đăng trên trang của Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi tháng 12/2015, Giáo sư Đặng Hùng Võ đã nhận định :
"Trên thực tế, cũng có hai cách nhìn nhận về quy định hạn điền. Một luồng ý kiến cho rằng cần loại bỏ hạn điền nhằm khuyến khích kinh tế trang trại quy mô lớn. Một luồng ý kiến ngược lại, muốn tiếp tục quy định hạn điền để tránh xu hướng hình thành tầng lớp địa chủ mới và tầng lớp tá điền mới ở nông thôn".
"Khi chuẩn bị dự thảo Luật Đất đai 2003, quy định xóa bỏ hạn điền được nhất trí khá cao. Khi thảo luận ở Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc đã có ý kiến nghi ngờ việc xóa bỏ hạn điền với luận cứ rằng cha ông ta bao nhiêu đời mà chưa ai dám bỏ hạn điền. Thế là lại phải đưa hạn điền vào quy định của pháp luật".
Dấu ấn của tân thủ tướng
Trong phát biểu mới nhất, ông Nguyễn Xuân Phúc nêu quyết tâm đổi mới :
"Tinh thần của Chính phủ là phải đổi mới, dù đổi mới không phải là dễ nhưng không đổi mới là chết".
Hồi tháng 7/2016, trong bài viết đăng trên Diễn đàn của BBC Tiếng Việt, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, từ Học viện Chính sách & phát triển đã nhận định về các dấu ấn ban đầu của tân Thủ tướng :
"Ông Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với các bộ ngành, đi đến nhiều địa phương để nắm bắt tình hình, lựa chọn các điểm nhấn điều hành qua cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp toàn quốc nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, phát động 'phong trào khởi nghiệp', và tuyên chiến với vấn đề mất vệ sinh, an toàn thực phẩm".
Nhà máy Trina Solar, đầu tư của Trung Quốc tại Bắc Giang
"Ông đã gây ấn tượng với phát ngôn 'không hình sự hóa' trong vụ quán cà phê 'Xin chào', 'không đánh đổi môi trường lấy kinh tế' ở vụ Formosa, hay 'mong muốn nghe ý kiến' khi đối thoại với đại diện công nhân của tám địa phương của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…".
Nhưng tác giả cũng nêu ra các thách thức chính trị cho ông Phúc, đến một mâu thuẫn cơ bản :
"Mâu thuẫn nêu trên cần được coi là mâu thuẫn cơ bản cần nhận thức thấu đáo trong cải cách thể chế kinh tế và chính trị hiện nay ở Việt Nam.
Cuối cùng, đổi mới, phát triển kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi thể chế, và bài học quan trọng nhất phải làm rõ nội dung dân chủ trong bối cảnh hiện nay để có nhận thức và hành động đúng của nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Các quyền cơ bản của công dân được công nhận trong Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, dường như, có thế lực 'vô hình', nhóm lợi ích 'vô hình', song rất mạnh mẽ ngăn cản cụ thể hóa Hiến pháp bằng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách để người dân được thực thi các quyền tự do ngôn luận, biểu tình, lập hội…mà không làm bất ổn chính trị xã hội và an ninh quốc gia…".
Một phiên họp chính phủ trước đây, ảnh minh họa. Courtesy chinhphu.vn
Năm đầu tiên của Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khép lại với lời cảnh báo thẳng thắn của chính Thủ tướng, theo đó nếu tính đủ, nợ công Việt Nam có thể đã vượt trần.
Báo chí dòng chính tường thuật Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh thành tổ chức trong hai ngày 28 và 29/12/2016 cho thấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận 9 vấn đề tồn tại của năm 2016.
Tuy vậy ông Phúc có vẻ tự hào với điều gọi là 11 chỉ tiêu kinh tế xã hội vượt mức Quốc hội giao, cho dù Chính phủ do ông điều hành mới hoạt động thực tế được khoảng 8 tháng.
Các báo điện tử lớn đã giật tít qua lựa chọn nội dung của 9 vấn đề tồn tại vào thời điểm hết năm 2016 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận.
Báo mạng Một Thế Giới với tựa lớn "Thủ tướng : Nếu tính đủ, nợ công Việt Nam có thể đã vượt trần". Trong khi đó, VnExpress đặt tít "Vụ Trịnh Xuân Thanh vào danh sách 9 tồn tại của năm 2016" ; Báo mạng Dân Trí chọn cách đơn giản nhưng hàm ý về vấn đề niềm tin của người dân với chính phủ. Dân Trí đặt tựa : "Thủ tướng : Phải hành động để không làm mất lòng dân".
Theo Một Thế Giới, khi phát biểu tổng kết Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với các địa phương toàn quốc, "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra những khó khăn lớn nhất mà đất nước đang phải đối mặt, đó là nợ công sát trần cho phép và nếu tính đủ thì có thể đã vượt trần. Trong trung hạn thì nợ xấu là vấn đề lớn, trong dài hạn thì nợ công là vấn đề rất lớn của Việt Nam".
Được biết vào ngày 9 tháng 11 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết cho phép nâng trần nợ chính phủ từ 50 lên 54% Tổng sản phẩm nội địa GDP. Ngoài ra Quốc hội giữ nguyên qui định nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) tại Hà Nội kiểm tra tiền đồng Việt Nam. Ảnh minh họa chụp trước đây.AFP
Phó Giáo sư Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội nhận định :
"Vừa rồi Quốc hội thông qua vẫn giới hạn trần nợ công như vậy, còn đối với trần nợ của Chính phủ đối với GDP thì có nâng lên là vì bất khả kháng. Hiện nay nó đã lên trên mức quy định rồi, không sửa không được tại vì là việc đã xảy ra rồi. Theo quan điểm cá nhân tôi là sự bất khả kháng có nghĩa là phải thực thi sự đã rồi.
Thế còn trong bối cảnh thực tế Việt Nam hiện nay thì nợ nần chồng ngập mà mỗi một người dân Việt Nam phải gánh chịu quá mức. Cho nên nếu Việt Nam mà không thay đổi, có nghĩa là không tiến hành thay đổi mô hình tăng trưởng, không tiến hành tái cơ cấu một cách thực chất thì chắc chắn là đến một lúc nào đó khả năng khủng hoảng nợ sẽ xảy ra đã là hiện hữu…"
Theo Việt NamExpress, tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với các địa phương toàn quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điểm danh 9 bất cập, tồn tại.
Theo đó, khai thác tài nguyên thiên nhiên giảm mạnh, nhất là dầu thô ; thiên tai hạn hán, lũ lụt xâm nhập mặn ; thảm họa môi trường biển miền Trung ; 12 dự án nghìn tỉ thua lỗ mất vốn ; các ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn rủi ro cao ; xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng… cùng với đó là nhiều vụ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng ; các sai phạm trong công tác cán bộ như vụ Trịnh Xuân Thanh ; xếp hạng quốc tế và đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc…
9 vấn đề tồn tại mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc, có thể được hiểu là điểm danh những sự kiện bôi xám năm đầu tiên của Chính phủ do ông điều hành.
Cách nhìn từ bên ngoài chính quyền có những điểm nào tương đồng hay không ? Nhà báo tự do, blogger Huỳnh Ngọc Chênh, người đoạt giải thưởng công dân mạng toàn cầu 2013 của Tổ chức Phóng viên không biên giới nhận định :
"Năm 2016 sự kiện quan trọng tác động đến xã hội đến đời sống người dân mạnh nhất vẫn là sự kiện Formosa xả chất thải hủy hoại môi trường cả vùng biển trên 300 km và để lại những tác động cho đến bây giờ vẫn chưa xử lý được.
Và sự kiện thứ hai là lũ do hàng loạt thủy điện dọc theo dải đất miền Trung, khi làm thủy điện người ta phá rừng, phá hết rừng đầu nguồn, lợi dụng làm thủy điện để phá rừng và bản thân rừng cũng đã bị phá từ trước, gây ra lũ lụt mà càng ngày lũ càng lớn hơn những năm trước.
Hai sự việc này ghép lại tạo ra sự cộng hưởng tạo ra ảnh hưởng đến đời sống xã hội kinh tế của Việt Nam rất lớn. Chưa nói tới di họa để lại của những năm trước, hầu hết công ty quốc doanh lớn làm ăn đều thua lỗ, công ty tập đoàn nào cũng thua lỗ đến vài chục ngàn tỷ.
Nói chung năm 2016 là một năm vô cùng khó khăn, từ tài chính cho đến môi trường, cho đến đời sống của người dân".
Hội nghị trực tuyến kéo dài hai ngày 28 và 29/12/2016 được tổ chức để Chính phủ và 63 tỉnh thành bàn thảo triển khai nhiệm vụ năm 2017 và họp thường kỳ tháng 12. Trong dịp này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định là Việt Nam không thể tiếp tục vận hành bộ máy cũ, cách làm cũ.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc trò chuyện với ông Frank-Walter Steinmeier, Bộ trưởng Ngoại giao Đức, tại Hà Nội hôm 31/10/2016.AFP photo
Theo báo mạng Dân Trí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ khát vọng đổi mới, theo đó chuyển động là trách nhiệm của cả hệ thống, không chỉ dừng ở Chính phủ, ở Bộ trưởng mà phải đến từng Vụ trưởng, Vụ phó, chuyên viên đến mỗi Bí thư, Chủ tịch tỉnh cũng như mỗi cấp huyện, cấp xã.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng một lần nữa nhấn mạnh tới điều gọi là vì mục tiêu hành động, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bà Phạm Chi Lan chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, người tham gia soạn thảo Báo cáo Việt Nam 2035, một công trình nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới phối hợp với Chính phủ Việt Nam, đã nhiều lần góp ý về nhu cầu đổi mới, cải cách thể chính trị đồng bộ với kinh tế nếu như Việt Nam không muốn bị rơi lại phía sau các nước trong khu vực.
Vị chuyên gia cho rằng, các nhà lãnh đạo Việt Nam của nhiệm kỳ mới chắc hẳn đã được thông báo về tình hình thực tế của nền kinh tế quốc gia. Trong dịp trả lời chúng tôi, Bà Phạm Chi Lan nhận định :
"Tôi chỉ mong họ thực sự nhận thức được sâu sắc những vấn đề của nền kinh tế Việt Nam đương đầu hiện nay và con đường thoát ra khỏi nó, mà các chuyên gia trong ngoài nước đã đưa ra nhất nhiều kiến nghị rồi…
Kiến nghị rõ nhất và tập trung nhất, tôi nghĩ là thể hiện trong Báo cáo Việt Nam 2035 mà thời gian vừa rồi Ngân hàng Thế giới cùng với Chính phủ Việt Nam tiến hành nghiên cứu và đã được công bố.
Trong đó thông điệp rất rõ là nếu không cải cách thể chế thì Việt Nam sẽ không thể phát triển được, khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, còn nếu cải cách thể chế thì Việt Nam hoàn toàn có thể có khả năng phát triển được tốt hơn trong những năm tới, vượt qua những khó khăn hiện nay".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những ngày cuối năm dương lịch 2016 đầy bận rộn và ngổn ngang trăm mối đối với vấn đề cải cách thể chế. Có lẽ ông là một trong các nhà lãnh đạo đầu tiên của Đảng và Chính phủ phát biểu công khai rằng, nếu thể chế nào ràng buộc sự phát triển thì phải bãi bỏ ngay và thể chế là do chúng ta đặt ra thì tại sao phải sợ nó một cách vô lý.
Ông Nguyễn Xuân Phúc được báo chí dẫn như vừa nêu, trong dịp tham dự Hội nghị tổng kết cuối năm 2016 của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tổ chức ở Hà Nội hôm 26/12 vừa qua.
Những thế chế được thực hiện trong 30 năm Đổi mới sau Đại hội Đảng lần thứ 6 năm 1986, từng giúp nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa thoát khỏi sự sụp đổ của giai đoạn lạm phát 800%.
Nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa theo mô hình Liên Xô sau đó đã được chuyển sang một thể chế do Đảng Cộng sản Việt Nam tự nghĩ ra, đó là thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa.
Một mô hình mà ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư nhiệm kỳ 2011-2016 từng nói thẳng là mô hình ảo, không có thật và sau một thời gian thì sự Đổi mới lần thứ nhất đã hết động lực để phát triển.
Việt Nam sẽ tháo gỡ các thể chế cản trở phát triển theo cách nào ? khi mà điều gọi là thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa chính là thể chế mẹ, đã khai sinh ra hàng loạt thể chế bất cập hiện hành.
Cho rằng những cải cách thể chế mạnh mẽ sẽ dẫn tới khả năng sửa đổi Hiến pháp trong tương lai. Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon nhận định :
"Tôi có niềm tin là năm mới sẽ tốt đẹp hơn, bởi vì qua theo dõi và tôi cũng tiếp xúc với nhiều người các thành phần và nhất là những người trí thức, người ta nhận xét rằng, chính phủ mới này đặc biệt là qua ông Thủ tướng, cho thấy những phát biểu cơ bản là những điều đúng và trúng vào những điều từ trước tới giờ người ta mong đợi.
Tôi cho rằng cái đó nó hứa hẹn và bây giờ thời gian thực hiện nó còn ngắn. Nhưng mà đã khởi động được một phần hành Chính phủ, dĩ nhiên là còn cần giải quyết những rắc rối nợ công, nợ quá hạn rồi tham nhũng… cái này cái kia…cũng còn nhiều khó khăn… nhưng mà đã thấy con đường đi rồi và có sự quyết tâm… tôi tin là có thể có những dấu hiệu tích cực hơn".
Người Việt Nam có truyền thống tin tưởng vào tương lai tốt đẹp hơn, khát vọng đổi mới chính trị kinh tế hiện nay cần trở thành hành động thực sự và tích cực.
Giới phản biện nhấn mạnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng tự nhận bản thân là người hành động và sẽ làm nhiều hơn nói, vậy thì ông nên thể hiện điều này ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Nguồn : RFA, 30/12/2016)