Phỏng vấn Lê Hà "dân oan" và đài truyền hình Tiếng Dân Tivi (VNTB, 21/05/2019)
Tiếng Dân Tivi, kênh truyền hình của những người dân yêu cầu thượng tôn pháp luật, đòi quyền chính đáng. Việt Nam Thời Báo có cuộc phỏng vấn với ông Lê Hà- thành viên chủ chốt của kênh Tiếng Dân Tivi để bạn đọc có lợi ích trùng hợp có được nơi hỗ trợ pháp lý và ủng hộ tinh thần cần thiết.
Ông Lê Hà, thành viên chủ chốt của kênh Tiếng Dân Tivi
Kiều Phong : Xin chào anh Lê Hà. Rất vui có cuộc phỏng vấn với đại diện của kênh truyền hình Tiếng Dân Tivi. Xin ông cho biết tôn chỉ của Tiếng Dân Tivi là gì ?
Lê Hà : Tôn chỉ của kênh Tiếng Dân TiVi chúng tôi, mục tiêu Thượng Tôn hiến pháp, và bảo vệ các quyền căn bản của dân, ví dụ như Quyền khiếu nại, tố cáo, quyền con người công dân được bảo đảm, theo công ước quốc tế nhân quyền ; yêu cầu các tổ chức, cá nhân, công dân thực hiện chính sách đúng luật pháp và đúng theo hiến pháp !
Kiều Phong : Chương trình hành động hay hoạt động cốt lõi của Tiếng Dân Tivi là gì ?
Lê Hà : Chương trình hành động cốt lõi của chúng tôi là nâng dân trí về mọi mặt để xã hội tốt đẹp hơn, và góp phần muốn hướng tới một xã hội dân chủ thật sự, còn hiện nay với thể chế này chỉ là dân chủ giả hiệu, và độc tài thì xã hội thiếu giám sát.
Kiều Phong : Cộng đồng thường gọi anh là Hà "dân oan". Xin cho biết từ khi nào anh được đặt cho biệt danh này ?
Lê Hà (cười) : Cộng đồng mạng xã hội biết tôi là dân oan vì gia đình tôi và 4.113 hộ dân phải di chuyển vì dự án thủy điện Tuyên Quang. Việc xây dựng dự án, và thực hiện chính sách di dân tái định cư rất bất cập liên quan tới nhiều cơ quan thực thi, gây thiệt thòi cho rất đông dân cư ,và sau 16 năm nhiều người dân đã kêu oan sai lên nhiều cấp nhưng đều vô vọng ; và tới năm 2017 tôi bắt đầu làm báo tự do và tìm hiểu về chính sách dự án này, và tôi đã tạo kênh cá nhân Tiếng Dân TV Lê Hà ; đứng ra cùng một số bà con khác đòi chính phủ, cũng như chính quyền thực hiện tiếp việc sai sót của dự án và đề nghị cấp tiếp kinh phí cho dự án thủy điện Tuyên Quang để chi trả tiếp cho dân. Vì việc tôi làm đúng và được nhiều người oan họ ủng hộ, nhiều lần dân tập trung về chính phủ khiếu nại, và vừa rồi đã được chính phủ phê duyệt tiếp 9.38 tỷ cho dự án để giải quyết cho dân, hiện nay đã trả được 2.980 hộ dân tiền đất ở, do trước cấp không đủ cho dân , tuy nhiên vẫn còn bất cập. Tôi vẫn đang đồng hành cùng bà con, có lẽ cái tên tôi là dân oan bắt đầu từ đây !
Kiều Phong : Xin cho biết công cuộc của các anh gặp những khó khăn gì ?
Lê Hà : Vâng, công cuộc của chúng tôi có nhiều cái khó khăn, ví dụ, chính quyền địa phương thì muốn bưng bít những sai phạm, còn công an, an ninh thì luôn rình rập và luôn nói chúng tôi là phản động. Còn điều nữa là ,chúng tôi làm việc giúp dân oan muốn đi nhiều nơi hơn nhưng không có kinh tế. Rất mong được sự góp sức và mọi tổ chức, cá nhân ủng hộ để có kinh phí hoạt động.
Kiều Phong : Kênh Tiếng Dân Tivi cũng mới ra đời được một thời gian. Các báo đài quốc tế và các tổ chức xã hội dân sự đi trước có thể giúp gì cho sự phát triển của Tiếng Dân ?
Lê Hà : Rất mong các tổ chức xã hội, báo đài quốc tế quan tâm theo dõi và chia sẻ, bảo vệ chúng tôi và những người dân oan. Xin cảm ơn Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập đã phỏng vấn ngày hôm nay.
Kiều Phong : Cám ơn anh Lê Hà.
Kiều Phong thực hiện
*****************
Doanh nghiệp Trung Quốc muốn làm cao tốc Bắc-Nam bất chấp lo ngại của người Việt (VOA, 20/05/2019)
Các doanh nghiệp của Trung Quốc nằm trong số những nhà đầu tư muốn đấu thầu dự án cao tốc Bắc-Nam của Việt Nam giữa bối cảnh có những quan ngại từ công chúng và cảnh báo của các chuyên gia về chất lượng kém cũng như tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong các dự án của họ.
Một phần đồ họa của dự án cao tốc Bắc-Nam do Bộ Giao thông-Vận tải công bố. Theo bộ này cho biết các nhà thầu Trung Quốc muốn tham gia xây dựng dự án này giữa những quan ngại của công chúng Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Người Lao Động)
Tham dự Hội nghị kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, do Bộ Giao thông và vận tải tổ chức hôm 17/5, có hơn 170 nhà thầu trong và ngoài nước, trong đó có các nhà thầu Trung Quốc, theo truyền thông trong nước.
Cho đến thời điểm này, Bộ Giao thông và vận tải đã bán ra 80 bộ hồ sơ cho các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, và cả các doanh nghiệp trong nước, theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư của Bộ Giao thông và vận tải, được tờ Người Lao Động trích lời nói.
Theo quan sát của phóng viên VOA tiếng Việt, kể từ đầu năm nay, công chúng Việt Nam đã bày tỏ quan ngại trước các thông tin nói rằng Tập đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc đề xuất với Bộ Giao thông và vận tải được tham gia đầu tư vào Dự án cao tốc Bắc-Nam.
Ngoài công chúng, các chuyên gia và cả những đại biểu quốc hội cũng khuyến cáo nhà chức trách cần cân nhắc kỹ việc nhà thầu Trung Quốc muốn tham gia làm tuyến đường cao tốc "huyết mạch" của Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, có ba nguyên nhân khiến người Việt quan ngại về các nhà đầu tư Trung Quốc. Một trong số đó là việc một số nước đã tham gia vào sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc và bây giờ "bị mắc nợ rất nặng".
Ông Doanh đưa ra 2 ví dụ là Sri Lanka và Campuchia, những nước đã cho Trung Quốc sử dụng cảng biển và giờ đây đang là những "con nợ" lớn của Trung Quốc.
Theo East Asia Forum, Sri Lanka hiện không có khả năng trả nợ Trung Quốc trong khi Campuchia bị phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về mặt kinh tế.
"Điều thứ hai mà người dân Việt Nam rất quan tâm là đường cao tốc Bắc-Nam là đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược và có liên quan đến vấn đề về an ninh, quốc phòng. Qua những điều mà báo chí thế giới nêu lên, nhiều nước lấy làm lo ngại về việc đầu tư của Trung Quốc có thể liên quan đến những tham vọng về bá quyền, chủ quyền và những tham vọng khác về an ninh quốc phòng", ông Doanh nói.
Hàng lang vận tải Bắc-Nam, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Nguyễn Nhật, "có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước". Ông Nhật được tờ Nhân Dân trích lời phát biểu khai mạc hội nghị hôm 17/5 rằng hành lang này "kết nối trung tâm chính trị thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố và kết nối bốn vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các đô thị lớn, các cảng biển, trung tâm kinh tế".
Theo South China Morning Post, trong những tháng gần đây, các quốc gia Châu, Liên minh Châu Âu, Úc, Nhật và Canada đã tham gia vào "một phản ứng dữ dội toàn cầu chưa từng có" đối với vốn đầu tư của Trung Quốc với lý do là các mối quan ngại về an ninh quốc gia.
TS Doanh, người từng là cố vấn kinh tế cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, một mối lo ngại khác của công chúng Việt Nam là nếu nhà đầu tư Trung Quốc thắng thầu, họ "sẽ sử dụng hoàn toàn lao động Trung Quốc mà không sử dụng lao động Việt Nam".
Theo thống kê của Bộ Lao động, thương binh và xã hội đưa ra hồi năm 2017, lao động mang quốc tịch Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất, với 30% trong số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Liên quan đến việc dư luận lo ngại "có rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc muốn tham gia các dự án" của cao tốc Bắc Nam, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư, được Thanh Niên trích lời nói hôm 17/5 rằng Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới nên theo quy định của tổ chức này, không được phân biệt đối xử với bất kỳ một quốc gia nào.
"Việc nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quốc quan tâm đến dự án cao tốc Bắc-Nam là điều hoàn toàn bình thường, giống như các nhà đầu tư trong nước hay các nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác", theo ông Huy. "Vì thế chúng ta không phân biệt đối xử".
Theo báo chí trong nước, nghị quyết của Quốc hội ban hành ngày 22/11/2017 thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Trước mắt đầu tư 11 dự án thành phần với chiều dài khoảng 654km, đi qua 13 tỉnh, thành phố, gồm ba dự án đầu tư công và tám dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng.
"Theo tôi rất cần có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và nên có một hội đồng các chuyên gia độc lập để xem xét, giám sát việc đấu thầu này", Tiến sĩ Doanh nói.
Hồi tháng 3, hàng trăm người đã bày tỏ ý kiến trên các diễn đàn mạng xã hội đồng tình với đề xuất rằng nếu chính phủ Việt Nam muốn vay vốn Trung Quốc để làm cao tốc Bắc-Nam thì cần phải trưng cầu dân ý, vì việc này "liên quan đến an ninh quốc gia, sự tồn vong của dân tộc".
******************
Đại diện một cơ quan phụ trách vấn đề di dân và nhập cư của Canada đã trả lời VOA tiếng Việt, sau khi xuất hiện tin đồn trên mạng xã hội về chuyện ông Võ Kim Cự đã "đi định cư ở Canada".
Tin chưa được kiểm chứng về việc quan chức tỉnh Hà Tĩnh, từng bị kỷ luật vì vi phạm liên quan đến dự án gây tranh cãi Formosa, sang Canada sinh sống xuất hiện từ năm ngoái, nhưng lại rộ lên tuần trước, khiến báo chí trong nước phải vào cuộc.
Trả lời VOA tiếng Việt, bà Nancy Caron, phát ngôn viên của Bộ Di trú, Người Tị nạn và Quốc tịch Canada, nói rằng bà không thể "xác nhận hay phủ nhận tình trạng của một người ở Canada mà không có chữ ký đồng ý của người đó" do "các luật lệ về quyền riêng tư".
Bà Caron cũng không đưa ra bình luận về một hình ảnh mà phóng viên VOA tiếng Việt gửi cho bà, về cái được cho là thẻ thường trú nhân Canada của ông Cự, vốn lan truyền trên các trang mạng của người Việt ở hải ngoại.
Nữ phát ngôn viên này cũng không cho biết thêm bất kỳ chi tiết nào khác, nhưng có gửi kèm các thông tin về yêu cầu đối với ảnh chân dung nộp cùng đơn xin trở thành thường trú nhân không hợp lệ, trong đó có đoạn nói rằng "mồm phải đóng, không mỉm cười".
Theo quan sát, miệng ông Cự mở, như đang nói, trong bức ảnh trên chiếc thẻ gây tranh cãi, mà VOA tiếng Việt không thể xác nhận tính xác thực.
Chân dung cựu quan chức tỉnh Hà Tĩnh dường như được cắt ra từ một bài báo ông trả lời các phóng viên tại Quốc hội Việt Nam năm 2016.
VOA tiếng Việt không thể liên lạc để phỏng vấn ông Cự. Tuy nhiên, trả lời tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/5, cựu quan chức này nói rằng thông tin ông có thẻ thường trú nhân của Canada "không chính xác".
"Vớ vẩn ! Không bao giờ có mà cũng không cần thiết, kể cả có cho tôi cũng không lấy. Công nghệ cao nó cắt ghép ảnh lấy ảnh đầu tôi chắp sang người khác. Có cho thẻ rồi cho thêm tiền tôi cũng không, mà lấy làm gì ? Bọn phản động vớ vẩn !", ông Cự nói, theo tờ báo có cơ quan chủ quản là Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện các tin đồn quan chức Việt Nam "mua nhà và đi định cư ở nước ngoài" sau khi nghỉ hưu.
Do các sai phạm liên quan đến sự cố Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung, vốn từng gây ra nhiều cuộc biểu tình rầm rộ, ông Cự đã bị Đảng Cộng sản kỷ luật và cách chức.
Ông bị cáo buộc "đã trực tiếp ký nhiều văn bản không đúng quy định trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư ; giao và cho thuê mặt nước biển ; đồng ý chủ trương cho công ty Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải không đúng quy định... ; thiếu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, giám sát quá trình triển khai dự án".
Hôm 8/5, tờ Tuổi Trẻ đưa tin rằng "công an tỉnh Hà Tĩnh đã kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc xử lý" hơn "3 triệu tấn chất thải rắn" của dự án Formosa.
Theo tờ Dân Trí, Bộ Tài nguyên - Môi trường sau đó nói "sẽ giao Tổng cục Môi trường nghiêm túc, cầu thị nghiên cứu để tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động bảo vệ môi trường" đối với dự án sản xuất gang thép gây nhiều tranh cãi này.
Viễn Đông