Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc ban hành (RFA, 22/03/2018)
Việt Nam phản đối lệnh cấm bắt cá của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Lệnh cấm bắt cá đơn phương của Trung Quốc ảnh hưởng nhiều lên ngư dân miền Trung Việt Nam. Ảnh chụp ngư dân Việt Nam tại Đà Nẵng năm 2009. AFP
Đó là nội dung tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng với báo chí vào ngày 22 tháng 3 tại Hà Nội.
Bà Hằng nói rằng lệnh cấm bắt cá của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/5 năm nay là một quyết định đơn phương, và Việt Nam kiên quyết bác bỏ.
Trong những năm qua, Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc đều ra lệnh cấm đánh bắt cá thường niên trên phần lớn diện tích Biển Đông từ đầu tháng Năm đến tháng Tám, lấy lý do là để bảo vệ nguồn hải sản. Nhưng đây cũng là một động tác được cho là đơn phương khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Và cũng như những năm trước Bộ Ngoại Giao Việt Nam lại ra tuyên bố bác bỏ lệnh cấm này của Trung Quốc.
****************
Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông của Trung Quốc (VOA, 22/03/2018)
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 22/3 nói Việt Nam bác bỏ quyết định cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông vì lệnh này vi phạm luật pháp quốc tế và các thỏa thuận.
Tàu cá của ngư dân Việt Nam
Bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 22/3 nói : "Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế".
Hà Nội cho rằng quy định của Trung Quốc đã đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, không phù hợp với thỏa thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Tại cuộc họp báo, bà Hằng nhấn mạnh : "Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc".
Báo VnExpress trích dẫn thông tin trên trang web của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đơn phương thông báo lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8. Phạm vi cấm trải từ 12 độ vĩ bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough.
Từ năm 1999 cho đến nay, Trung Quốc đều đặn hàng năm tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực.
********************
Tàu cá Quảng Nam lại bị tấn công ngoài khơi Hoàng Sa (CaliToday, 22/03/2018)
Tàu cá của ngư dân Quảng Nam tố cáo đã bị tấn công ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa khi họ đang đánh bắt tại đây. Họ đã bị bao vây bởi những người cầm súng, dùi cui điện. Ngoài việc đánh đập thuyền trưởng, ngư dân còn bị phá hoại ngư cự.
Theo ngư dân cho biết, ngày 11/3, tàu cá mang số hiệu QNa-90822 TS của anh Nguyễn Tấn Sơn (28 tuổi, trú thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) ra khơi đánh bắt cùng với 5 ngư phủ khác. Đến khoảng 2 giờ sáng ngày 18/3, tàu cá của anh Sơn đang đánh bắt ở vùng biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa 16 hải lý thì bị một tàu sắt màu trắng áp sát bao vây.
Một tàu cá của ngư dân Tam Quang bị tấn công hồi năm 2016. Ảnh : Tuổi Trẻ
Từ chiếc tàu sắt này, họ thả xuống một chiếc ca-nô chở theo rất nhiều người mang theo súng, dùi cui điện cập vào mạn tàu. 6 người trong số họ đã nhảy lên tàu cá Quảng Nam để khống chế các ngư dân và đánh đập thuyền trưởng Sơn. Những người này đẩy các thuyền viên về phía mũi tàu để khống chế. Trong quá trình đó, các thuyền viên không nghe được họ nói câu gì, chỉ loáng thoáng nghe hai từ Việt Nam, Việt Nam.
"Sau khi khống chế chúng tôi, họ dùng dao cắt hết một phần ngư lưới cụ và vứt bình ắc-quy xuống biển, rồi họ xuống ca-nô rời đi. Trước khi đi, họ ra lệnh cho chúng tôi chạy thẳng về hướng bờ Việt Nam" thuyền trưởng Sơn thuật lại với báo chí.
Anh Sơn cũng cho biết, ngoài ra những kẻ tấn công anh còn vứt hết lương thực, nhu yếu phẩm xuống biển. Sau khi bị tấn công, anh Sơn đã cho tàu quay trở lại bờ, đến ngày 21/3 trình báo với Đồn Biên phòng Kỳ Hà và chính quyền địa phương.
Đến trưa ngày 22/3, ông Đinh Đức Liên- thượng tá, chính trị viên Đồn biên phòng của khẩu Kỳ Hà xác nhận với báo chí về tin tức tàu cá ngư dân địa phương bị tấn công trên biển.
Có một điều không lấy gì lạ lẫm, là từ chính trị viên Đồn biên phòng cho đến truyền thông trong nước đều dùng từ "tàu lạ" để chỉ những kẻ tấn công tàu cá ngư dân Quảng Nam. Cho dù họ đều biết rằng kẻ tấn công không ai khác chính là những người "bạn vàng" của Đảng cộng sản Việt Nam, hải quân Trung Quốc. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã tỏ ra rất hèn nhát, nhún nhường trước những tin tức tàu cá Việt Nam bị tấn công bởi hải quân Trung Quốc, vì nếu thoải mái cho gọi đích danh sẽ gây mất hòa khí giữa hai đảng "anh em" với nhau. Cho đến nay, rất nhiều tàu cá của ngư dân bị tấn công gây thiệt hại nặng nề, thậm chí còn bị giết chết nhưng chưa bao giờ dư luận được biết bất cứ vụ đền bù thiệt hại nào. Ngư dân sau khi bị tấn công trên biển, về báo với chính quyền rồi gánh chịu hết mọi thiệt hại.
Một tin tức khác cũng liên quan đến Biển Đông, sau khi Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ra thông báo lệnh cấm đánh bắt cá trên biển, bao gồm cả phần lãnh hải thuộc Việt Nam kể từ ngày 1/5/2018, chiều ngày 22/3, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao cộng sản Việt Nam tuyên bố rằng : " Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc".
Với lệnh cấm đánh bắt sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5 tới đây, tình hình bắt bớ đối với ngư dân Việt Nam, mà đặc biệt đối với các ngư dân miền Trung, trong số đó có các tỉnh thành, như : Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định sẽ diễn ra vô cùng căng thẳng. Liên tiếp trong nhiều năm qua khi chính quyền Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá, lực lượng hải giám, tuần duyên của Trung Quốc tăng cường hoạt động. Các tàu cá của ngư dân Việt Nam thường xuyên bị tấn công, gây thiệt hại về vật chất, tinh thần trong thời gian này.
Người Quan Sát
*******************
Ngư dân Quảng Nam bị "tàu lạ" tấn công phá hoại ngư cụ khi ở Hoàng Sa (RFA, 22/03/2018)
Một tàu cá ở tỉnh Quảng Nam vừa trình báo Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà về việc bị tàu lạ (theo cách gọi của báo chí trong nước) phá hoại ngư cụ khi đang ở ngư trường Hoàng Sa.
Một tàu cá ở tỉnh Quảng Nam vừa trình báo Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà về việc bị tàu lạ (theo cách gọi của báo chí trong nước) phá hoại ngư cụ khi đang ở ngư trường Hoàng Sa. Screen capture
Anh Nguyễn Tấn Sơn chủ tàu cá QNa 90822 TS, cư ngụ tại thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, vào ngày 22 tháng 3 cho truyền thông Việt Nam biết, tàu cá của ông bị một số người trên tàu lạ tấn công, cướp phá ngư lưới cụ khi đang hành nghề ở ngư trường Hoàng Sa.
Ngư dân Nguyễn Tấn Sơn trình bày cụ thể tàu anh xuất bến tại cảng Kỳ Hà vào ngày 11/3. Đến 2 giờ 30 phút, ngày 18/3, khi các thuyền viên trên tàu cá QNa 90822 TS đang thả lưới hành nghề tại vùng biển cách Bắc Tây Bắc đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 16 hải lý, thì bất ngờ một tàu lớn không rõ số hiệu xuất hiện đuổi theo, rọi đèn và thả ca nô chở theo 8 người áp sát mạn tàu, 6 người nhảy lên tàu và cầm theo 1 khẩu súng dài và 5 dùi cui điện, khống chế Anh Sơn và các thuyền viên.
Anh Sơn cho biết những người này nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ gì không rõ, chỉ nghe được hai chữ "Việt Nam, Việt Nam". Sau đó những người này lên ca nô bỏ đi khoảng 15 phút, rồi quay lại bẻ gãy cột ăng ten bộ đàm và đập phá tài sản.
Anh Sơn cũng cho biết tổng thiệt hại khoảng 60 triệu đồng gồm 3 bóng đèn cao áp và 30 tấm lưới cụ bị hư hại.
Đại diện Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà cũng đã xác nhận với báo chí trong nước về vụ việc và cho biết đã trình báo lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn.