Việt Nam đòi Trung Quốc ngưng tổ chức du lịch ở Biển Đông (RFI, 13/03/2017)
Du khách Trung Quốc trước tượng Quan Âm Nam Hải ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, ngày 14/04/2008. AFP PHOTO/Frederic J. BROWN
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 13/03/2017 tuyên bố "Việt Nam phản đối mạnh mẽ" việc Trung Quốc đưa tàu du lịch đến Hoàng Sa, "yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng luật pháp quốc tế và ngưng ngay lập tức những hoạt động này".
Hãng tin Reuters nhắc lại, đầu tháng 3/2017, tàu du lịch của Trung Quốc đã khởi hành từ thành phố Tam Á, thuộc đảo Hải Nam, đưa hơn 300 du khách đến nhóm đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan cùng khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Hà Nội mạnh mẽ lên án các tour du lịch đến vùng đảo mà "Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa"
Về phía Manila, sau khi tố cáo tàu khảo sát Trung Quốc thâm nhập hải phận Philippines hồi năm 2016 tại khu vực Benham Rise, hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, ông muốn tin vào giải thích của Bắc Kinh, theo đó tàu Trung Quốc đã vào hoạt động ở Benham Rise trong ba tháng liền vì mục đích "nghiên cứu", nhưng điều này không cấm cản "Manila tăng cường các chiến dịch tuần tra trong vùng biển giàu tàu nguyên thiên nhiên này". Benham Rise là một khu vựcrộng 13 triệu hecta và được xem là nơi giàu khí đốt.
Năm 2012, Liên Hiệp Quốc đã công nhận Benham Rise thuộc chủ quyền của Philippines.
Thanh Hà
************************
Việt Nam đòi Trung Quốc ngừng du lịch Biển Đông (VOA, 13/03/2017)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình.
Hôm thứ Hai, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc ngừng đưa tàu du lịch tới Biển Đông, phản hồi một trong những động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm củng cố yêu sách của Trung Quốc trong tuyến hải lộ chiến lược.
Hồi đầu tháng này, một chiếc tàu du lịch Trung Quốc chở hơn 300 hành khách đến thăm quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
"Việt Nam phản đối mạnh mẽ điều này và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và luật pháp quốc tế, lập tức chấm dứt và không tái diễn những hoạt động đó nữa", người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói với Reuters. "Những hành động đó đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và luật pháp quốc tế".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết khu vực Biển Đông giàu năng lượng. Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trên vùng biển có lưu lượng thương mại hàng hải đi qua hàng năm lên đến khoảng 5 nghìn tỷ đôla.
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói bà chưa nhận được những phát biểu từ phía Việt Nam, nhưng tái khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.
Các quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đều tìm cách củng cố tuyên bố của mình bằng cách khuyến khích ngày càng nhiều dân chúng đến các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông. Những chuyến hải hành đầu tiên của Trung Quốc tới quần đảo Hoàng Sa là do công ty Vận hành tàu Hải Nam đưa ra vào năm 2013.
Bên lề cuộc họp quốc hội thường niên tại Bắc Kinh hôm thứ Ba, thị trưởng của khu vực mà Trung Quốc gọi là thành phố Tam Sa, ông Tiêu Kiệt, cho biết kể từ năm 2013, hai tàu du lịch giải trí từ Tam Sa đã thực hiện 120 chuyến đi vòng quanh quần đảo Hoàng Sa.
Năm 2012, Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, để quản lý các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên vào thời điểm đó, dân số Trung Quốc tại đây không quá vài ngàn người. Nhiều đảo, đá nhỏ xung quanh không có người ở.
Ông Tiêu Kiệt nói : "Ba năm qua cho thấy, các chuyến du lịch đến Hoàng Sa là loại hình du lịch rất phù hợp cho Tam Sa. Vì vậy, Tam Sa trong tương lai sẽ chú trọng đến loại hình du lịch này và chủ động mở rộng các tuyến đường du lịch".
Ngoài Việt Nam, Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa.