Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đang phải đối mặt với những nguy cơ về lâu dài khi các đập thủy điện của Trung Quốc trong các tuần qua đã xả hàng tỷ mét khối nước khiến mực nước sống Mekong cao kỷ lục trong mùa khô.
AFP
Theo báo cáo của ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) và dự án Theo dõi đập Mekong (MDM) thuộc Trung tâm Stimson và Dự án quan sát trái đất (Eyes on Earth) của Mỹ, nhiều trạm đo trên sông Mekong đã ghi nhận mực nước tăng liên tục trong tuần qua. Cụ thể là tại hai trạm đo ở Chiang Khan (Thái Lan) và Vientiane (Lào), mực nước ở hai trạm này đang hơn khoảng 2,37 m so với mức trung bình nhiều năm và được coi là bất thường.
Theo MDM, từ ngày 1/3, việc xả nước ở Trung Quốc đã làm tăng mực nước sông ở Thái Lan lên hơn 1,5 mét. Từ ngày 7 đến 13/3, riêng đập Noạ Trác Độ và Tiểu Loan của Trung Quốc đã xả tổng cộng hai tỷ mét khối nước, cao hơn nhiều so với con số một tỷ mét khối nước trong các tuần trước đó.
MDM dự đoán đến hết tháng 6 các con đập trên thượng nguồn Mekong sẽ tiếp tục xả nước ở mức độ cao như tuần qua và có thể lớn hơn, làm tăng mực nước sông ở hạ lưu sông.
Báo Thanh Niên phỏng vấn một số người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long và các chuyên gia và được cho biết mực nước sông lên cao trong năm nay ở Việt Nam nhưng không đỏ quạch vì thiếu phù sa, làm ảnh hưởng đến năng suất của các vườn cây ăn trái.
Báo Thanh Niên trích lời Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, cho hay : Hoạt động tích nước mùa lũ, xả ra để phát điện trong mùa khô của các đập thủy điện Mê Kông có thể giúp giảm hạn mặn ven biển Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm bình thường. Tuy nhiên, về lâu dài, ông Thiện cho rằng hậu quả lâu dài của việc các đập thủy điện thượng nguồn tích nước mùa mưa và xả nước ồ ạt vào mùa khô như thời gian qua sẽ khiến đất đai Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bạc màu nhanh chóng, sạt lở bờ sông, bờ biển sẽ gia tăng theo thời gian.