Nếu trung thu của trẻ em thành phố tưng bừng tiếng trống, tiếng lân, các chương trình thiếu nhi hoặc hát hò đoàn đội, với bánh hiệu, đồ chơi, quà của ông bà, cha mẹ… thì trung thu với trẻ em nông thôn sẽ rộn ràng với những con lân tự dán, những cái bánh rẻ tiền mẹ mua. Trung thu của trẻ em miền núi lại đến trong vài gói kẹo chanh trộn lẫn một ít kẹo, bánh Trung Quốc được các cô các thầy phát ở sân trường hoặc các thôn, xã phát về nhà theo chỉ tiêu nhà nước. Thế nhưng còn có một góc khuất khác chẳng bao giờ biết trung thu là gì, mặc dù trung thu đang diễn ra khắp nơi, ngoài phố, trong ngõ nơi các em cùng cha mẹ, ông bà hoặc đôi khi một mình tá túc qua ngày trên những vỉa hè đầy gió, những gầm cầu đầy sương, trung thu của những trẻ vô gia cư chẳng bao giờ đến !
Trung thu nào cho trẻ vô gia cư ? RFA
Ngày mới bắt đầu, những người vô gia cư lại tất bật kiếm cơm khắp mọi ngã Sài Gòn. Họ đến đây từ nhiều nơi và làm nhiều nghề để kiếm sống, từ đạp xích lô, xe thồ, bán vé số đến lượm ve chai, tìm việc vặt… nhưng họ có chung một điểm đó là : Không nhà.
Chia sẻ về những người vô gia cư ở quanh khu vực quận 1, chị Nguyễn Thùy Trang, một người bán rau củ quả cho hay : "Vòng vòng ở đây nè, như người ta có đi chợ người ta cho vài ngàn hoặc từ thiện thỉnh thoảng họ cho hộp cơm, cháo, bánh mì… lâu lâu cũng thấy đoàn phường họ mang về phường mà không biết sao…".
Bà Lý Thu Thủy, cư dân thành phố Sài Gòn chia sẻ : "Giờ ngủ ngoài đường vậy đâu có nhà có cửa, rồi không có nhà có cửa vậy họ biết thế nào, thì tấp vào mái hiên hoặc sao đó ngủ thôi chứ cuộc sống không có nhà biết đi đâu. Giờ cướp giật đầy người ta cũng sợ, không xin vào nhà ai ngủ được đâu, giờ tự mình phải lo cho mình thôi."
Chị Trang và bà Thủy chia sẻ thêm rằng mặc dù cũng phải vất vả kiếm cơm hằng ngày nhưng họ rất cảm thông với những người vô gia cư ở thành phố này, nhất là những người lượm ve chai. Bởi nếu như với một xe rau củ, đứng từ sáng tới chiều, những người buôn bán như họ có khi kiếm được vài trăm nghìn đồng thì những người lượm ve chai nhiều khi cả ngày kiếm được chưa tới năm chục ngàn, đó là chưa nói tới việc con cái, cháu chắt của họ không được đến trường, đa phần họ tá túc qua đêm ở nhờ những mái hiên nhà, hoặc có người ngủ ngay trên xe xích lô, hoặc trải những tấm carton nhặt được ra để ngủ.
Chị Trang chia sẻ rằng mùa trung thu trước, chị từng nói chuyện với một bé gái theo bà đi bán vé số, khi nghe chị hỏi nó có ước mơ gì, nó tròn xoe mắt bảo muốn có một cái bánh trung thu để nếu được về quê nó sẽ khoe với bạn đã thấy trung thu ở thành phố, rằng ở đây có những con lân chớp nháy mắt sáng, những tiệm bánh với tấp nập người ra vào, những chương trình mừng trung thu hoành tráng với băng rôn giới thiệu treo đầy đường. Chị hỏi sao phải vậy, nó bảo vì nó không muốn các bạn ở quê biết nó phải ngủ ngoài đường cùng với bà, bởi nếu vậy các bạn sẽ trêu nó và không còn chơi với nó nữa và bởi lẽ nó chắc chắn những bạn đó cũng như nó, chưa biết vị bánh trung thu là gì nên các bạn sẽ nể nó hơn khi nó mang bánh về cho các bạn. Nó bảo nó còn có một ước mơ to hơn nữa mà nó biết rất khó để thực hiện, đó là có một ngôi nhà để bà cháu nó che mưa che nắng, để bà cháu nó khỏi giật mình chạy nữa đêm vì bị mưa tạt lúc ngủ dưới mái hiên nhà người ta.
Lồng đèn-món đồ chơi trong mơ của trẻ vô gia cư. RFA
Nghe những lời lí nhí của con bé xong, chị không cầm được nước mắt và ngay hôm sau, chị đã mua một chiếc bánh trung thu nhỏ với giá 30 ngàn đồng mang tặng cho con bé. Nhưng mặt nó không vui mừng như chị nghĩ, nó cảm ơn chị rồi cầm chiếc bánh rồi chạy nhanh về phía công viên. Sau này hỏi ra chị mới biết, dạo đó bà con bé bị bệnh nặng, và từ mùa trung thu đó, mãi đến nay, chị không còn thấy hai bà cháu dạo bán vé số quanh khu vực chị bán nữa.
Chia sẻ về cảnh ngộ của mình, bà Nguyễn Việt Hường, một người vô gia cư ở Sài Gòn chia sẻ : "Đi lượm ve chai này rất vô chừng, cơm nhiều khi từ thiện người ta cho, cũng đỡ phần nào…"
Theo bà Hường, với việc hằng ngày theo bà đi lượm ve chai khắp các con phố, đứa cháu nhỏ của bà không biết cái chữ là gì. Thi thoảng, đi qua các ngã tư vào sáng sớm, nhìn các bạn khác được ba mẹ chở đi học, nó cũng muốn lắm, nhưng bà bảo giờ tiền ăn còn chạy từng bữa lấy đâu ra tiền học, mà nếu bà có để dành được tiền học thì cũng không thể xin cho cháu vào trường nào vì bà không có hộ khẩu ở thành phố mà nếu xin vào trường tư thì lấy đâu ra tiền ?
Câu chuyện của bà Hường cứ quẩn quanh những mảnh đời như bà, nào là hôm rồi có được một nhóm từ thiện tìm đến cho bà mấy hộp cơm, có nhóm còn cho bà mấy chục ngàn. Rồi thì chuyện ông xe ôm ngủ gần vỉa hè đường Bùi Thị Xuân mà bà vẫn thường ngủ vừa đăng ký xin được một xuất kẹo trung thu cho cháu bà, chuyện một người ăn xin trốn thoát được khỏi trung tâm xã hội vì bảo nhớ nghề… nhưng bà không giấu nổi vui mừng vì trung thu này, cháu bà có kẹo trung thu !
Nhóm phóng viên
Mùa Trung Thu tới, với những trẻ em nghèo Vân Kiều, phía Tây Quảng Trị, dường như chẳng có gì ngoài bữa cơm không thay đổi gồm rau, dưa, muối của gia đình và các em lại chờ đợi phần bánh Trung Thu từ nhà nước. Có lẽ suốt một năm dài, dịp Trung Thu, được nhà nước phát cho một gói bánh kẹo Trung Thu là dịp vui nhất, hạnh phúc nhất của trẻ em nơi đây.
Trẻ em Vân Kiều bỏ học sớm để đi lấy chuối, ớt, măng rừng đem đi bán kiếm tiền mua gạo - TTVN
Một người từng có nhiều năm đi phát bánh kẹo Trung Thu cho trẻ em nghèo, chia sẻ : "Năm nay biển giã, kinh tế không phát triển, mọi thứ khó khăn, hai năm nay trở lại đây rồi. Mùa trung thu là mùa tựu trường, các cháu tốn rất nhiều chi phí, chi phí học tập, bảo trợ, nộp tiền xây dựng, chi phí đè nặng lên trung thu của các cháu. Và múa lân để kiếm chút tiền mùa thu sắm dụng cụ học tập."
Theo vị này, bánh kẹo Trung Thu là cả một thiên đường của trẻ em nghèo đồng bào thiểu số. Mà đã là đồng bào thiểu số, mặc dù sống giữa rừng vàng, sống cách quốc lộ chẳng bao xa và luôn cố gắng, nỗ lực vượt khó, học hỏi, nhưng cái nghèo vẫn cứ hoàn nghèo. Và món quà tặng Trung Thu của nhà nước vẫn luôn giống như một ngôi sao may mắn rơi xuống cánh rừng tuổi thơ.
Hằng năm, khi mặt biển chuyển sang màu xám lục, sóng lớn dần và những đàn ngựa bờm trắng từ khơi xa kéo nhau vào bờ, những đám mây trắng hình bờm ngựa cũng phủ phục nơi đỉnh núi, với người Vân Kiều, đây là lời báo hiệu của mùa Thu. Núi rừng ít có lá vàng, bởi các loại cây ở đây chỉ rụng lá vào cuối Đông để chờ trổ lộc mới vào mùa Xuân. Chính vì vậy, mùa thu nơi núi rừng Tây Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh không có lá vàng rơi báo hiệu mùa thu, hãn hữu lắm có vài cây lẩn khuất đâu đó với lá vàng lã chã như người con gái Pa Kô, Vân Kiều đang khóc thầm.
Mùa Thu đến vùng đất Tây Bắc Trung Bộ Việt Nam có chút gì đó âm thầm, lặng lẽ như chính cuộc đời, số phận của những người đồng bào thiểu số nơi đây. Họ chỉ hiện hữu nhưng lại ít có dấu hiệu tồn tại giữa xã hội loài người. Họ quanh năm suốt tháng chật vật kiếm sống, lo chuyện miếng ăn, cái mặc và chỗ ở, không có thời gian và điều kiện để thử nghiệm hay sáng tạo bất kỳ chuyện gì. Ngay cả kho tàng văn hóa dân gian của bộ tộc, theo thời gian cũng nhanh chóng phai tàn, dường như mọi thứ giá trị văn hóa của họ đều bị nhấn chìm và mất dấu dần dưới cái bóng thời đại.
Và khái niệm Tết Trung Thu, một cái Tết rất gần gũi và thân thuộc của trẻ em các dân tộc thiểu số nơi núi rừng phía Tây Việt Nam cũng đang mất dần màu sắc của nó. Dường như hiếm thấy những đội lân người lớn hay những con lân của các bé thơ dắt nhau đi múa dạo trong các bản làng, các xóm. Bởi cái ăn, cái mặc còn chưa đủ thì mấy gia đình quan tâm đến múa lân ? Mà có quan tâm thì lấy gì để cho sau khi lân múa xong ? Chính cái nghèo, sự khó khăn đã lấy mất mùa Trung Thu và những chiếc đèn lồng, nhưng ông địa, con lân cũng như tiếng trống giục tùng cắc rộn rã của trẻ em nơi đây.
Cháu Hồ Văn Lũy, học sinh lớp 5, dân tộc Vân Kiều ở Dakrong, Quảng Trị, chia sẻ : "Đi học xa lắm, đi bằng xe đạp, qua khe suối, đi học thì ăn cơm rồi đi, ngày học hai buổi, đường đi khó, trung thu không có quà !"
Cháu Lũy cho biết thêm là suốt nhiều năm nay, kể từ ngày hiểu được các ngày Tết là gì, cháu và các bạn cùng xóm chẳng bao giờ có được quà Tết Nguyên Đán hay bánh Trung Thu. Bởi do cha mẹ các cháu ở đây nghèo quá, tiền ăn còn không có thì lấy đâu ra tiền mà mua bánh Trung Thu. Cháu chỉ ước mơ làm sao cho xóm làng khá giả hơn một chút, các bạn trong làng ai cũng có thể xin được cha mẹ 50 ngàn đồng hoặc 100 ngàn đồng để cùng nhau chung lại mua một cái đầu lân, một cái trống, một chiếc mặt nạ để cùng nhau đi múa lân kiếm tiền, để dành mua sách vở, dụng cụ học tập và nếu còn dư chút đỉnh thì gởi cha mẹ mua thức ăn.
Khi chúng tôi hỏi cháu Lũy có bao giờ được ăn bánh Trung Thu bằng bột nếp dẻo hoặc bánh có lòng đỏ trứng gà, ay hạt điều lần nào chưa thì Lũy tỏ ra rất ngạc nhiên vì trên đời này có những loại bánh như vậy. Có cả bánh nhưn lòng đỏ trứng gà, với Lũy, đây là chuyện khó tưởng tượng nổi. Cháu chỉ ước mơ làm sao sau này lớn lên vẫn được đi học và học để trở thành bác sĩ, chữa bệnh cho bà con trong xóm, nếu có được nhiều tiền thì cháu sẽ mua bánh Trung Thu có nhưn lòng đỏ trứng gà cho ba mẹ. Bởi ba mẹ của Lũy cũng chưa biết đó là loại bánh gì.
Điều ước nhỏ nhoi, giản dị của Lũy cũng là điều ước chung, rất phổ biến của hầu hết các trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đặc biệt, trẻ em nghèo dân tộc thiểu số ở các vùng có biển chết đi qua như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, ước mơ ấy càng thêm phần cháy bỏng bởi nó được sản sinh từ chỗ khó khăn nhất, nghèo khổ nhất và mọi chuyện gần như tuyệt vọng. Càng tuyệt vọng, người ta càng thêm ước mơ cháy bỏng.
Lại một mùa Trung Thu nữa đi qua, mỗi mùa Trung Thu lần một lần gắn vào ký ức trẻ thơ những hình ảnh thơ mộng, êm đềm và những phút giây thần tiên của thời con nít. Nhưng liệu với điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc, không dám bước ra đường bởi mình quá nghèo mà mọi thứ vật giá đều leo thang như những người đồng bào thiểu số thì con em của họ, trẻ em ở đây sẽ có được những ký ức gì ?
Khi viết bài tường trình này, chúng tôi đã cố gắng bỏ đi những phần quá thân phận bởi chúng tôi không muốn gửi đến quí độc giả một mùa thu xám xịt. Nhưng đã có đôi ba mùa thu như thế nơi vùng biển chết đi qua !
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam