Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lồng đèn Việt hồi sinh (RFA, 05/10/2017)

Sau gần chục năm các mặt hàng đèn điện tử chiếm ưu thế trên các gian hàng lồng đèn trung thu, năm 2017, đèn truyền thống có dấu hiệu trở lại mạnh mẽ.

den1

Lồng đèn trung thu truyền thống tại phố lồng đèn quận 5. RFA

Nhận định của các hộ kinh doanh

Bà Nguyễn Thị Tươi, chủ một đại lý lồng đèn tại Phú Bình, Quận 11, nơi cung cấp sỉ lồng đèn lớn nhất Sài Gòn cho chúng tôi biết.

"Năm nay có vẻ đèn truyền thống lên ngôi em.Truyền thống bắt đầu lên ngôi lại. Chứ mấy năm trước, cách đây hai năm thì hàng truyền thống hơi bị tụt dốc. Nhưng năm vừa rồi với năm nay là hàng truyền thống lên ngôi vù vù á. Mặt hàng làm ra cung không đủ cầu. Có nhiều người trời mưa, mặc áo mưa đi kiếm đèn mà không đủ hàng mà không có bán, thấy cũng tội cho họ".

Ông Tùng, người kinh doanh mặt hàng này hơn 10 năm tại phố lồng đèn Lương Nhữ Học, Quận 5 cũng có nhận định :

"Bắt đầu nó muốn quay lại truyền thống rồi đó. Tại thấy đèn điện tử này kia bán chậm. Năm nay giờ cuối người ta kiếm đèn truyền thống đèn giấy này kia đồ nhiều, thì mình nghĩ vậy thôi. Mà người ta cũng hết hàng luôn đó".

Một người bán hàng giấu mặt tại phố lồng đèn Lương Nhữ Học cho hay, lượng hàng truyền thống bán ra trong năm nay vượt năm ngoái 2-3 lần.

"Năm nay bán chạy hơn năm ngoái rất nhiều. Mọi người bán ở đây năm nay bán được nhiều lắm. Đèn truyền thống bên chị không là một mùa năm nay cũng phải bán được mấy trăm cái là ít á. Chứ còn mấy cơ sở khác còn bán được nhiều hơn ấy. Năm nay chắc bán được hơn nhiều á. Ví dụ như tầm năm ngoái thì bán được tầm trăm mấy hai trăm, năm nay cũng được ba bốn trăm cái. Cũng được tầm đấy".

Ông Huỳnh Ngọc Khang, người làm đèn truyền thống suốt 25 năm nay tại phố Lương Nhữ Học cho biết, năm nay ông làm nhiều hàng hơn mọi năm.

"Năm nay làm nhiều hơn. Khách nó mua đèntruyền thống nhiều hơn đèn hiện đại, vậy thôi".

Chủ cửa hàng giấu mặt tại phố Lương Nhữ Học có đơn vị gia công đèn cho hay nhu cầu mua hàng truyền thống nhiều,nhưng thời gian thợ có hạn nên cũng chỉ gia công vừa đủ giao các công ty.

"Mình chỉ giao đi mấy cái công ty thôi. Không có chừng đâu, tại vì cái này dán, dán là thủ công mà, phải có thời gian mới dán được. Một ngày vậy dán được có mấy chục cái thôi".

Chia sẻ về lí do các mặt hàng truyền thống có xu hướng lên ngôi trở lại, bà Tươi tại cơ sở Phú Bình cho hay, rất đông người tìm đến mua hàng truyền thống vì họ không thích các mặt hàng khác.

"Giờ nhiều trường học như là, có nhiều đơn vị người ta không thích mặt hàng kia, thích đèn truyền thống thôi. Nhiều khi kêu họ bắt đèn này đi, họ nói chứ "thích đèn truyền thống hơn". Cách đây chừng một tuần, thì mặt hàng này người ta chen chúc nhau người ta mua, không có chỗ mà đứng luôn á. Xe cộ nối đuôi nhau dài dài luôn á. Mà ra ngoài đường đông đến nỗi ra tới đường luôn. Thấy các em mua được cái lồng đèn thấy cũng vui cho các em".

Người bán hàng tại phố lồng đèn Lương Nhữ Học thì cho biết, khu vực là nơi có nhiều người Hoa sinh sống nên cuối mùa trung thu đèn giấy kiếng bán rất chạy.

"Nếu mà theo xu hướng thì đến gần ngày cuối gần ngày trung thu thì đèn truyền thống bán được nhiều hơn. Vì khúc Quận 5 này nhiều người Hoa. Mà người Hoa thì họ có tục lệ là trưng mấy cái đèn kiếng này ở nhà. Cho nên cuối mùa thì đèn kiếng bán rất là được".

den2

Hình ảnh buôn bán lồng đèn. Photo : RFA

Theo ông Tùng, nhóm người mua mặt hàng truyền thống phần lớn là đi từ thiện, do giá cả phải chăng hơn.

"Năm nay ta đi mua từ thiện đồ nhiêu á. Đi làm từ thiện đồ đó, đi làm từ thiện thì người ta mua ba cái đèn giấy đèn kiếng đồ nhiều. Nói chung là đèn đồ của Việt Nam. Ba cái pin đồ của Việt Nam đó. Chứ điện tử thì người ta cũng ít coi lắm. Giá của đèn truyền thống thì nó cũng hơi "nới" hơn so với điện tử. Người ta mua mấy đó rồi cho từ thiện nhiều. Với mấy cái tổ chức rồi đó. Ta mua giấy kiếng, truyền thống đồ".

Sự quan tâm của khách hàng

Tuy vậy, nhiều người không lựa chọn đèn truyền thống do lo lắng về sự an toàn khi sử dụng đèn cầy vì khả năng gây cháy cao. Số khác thì vì các mặt hàng hiện đại đẹp, và tiện hơn nên họ mua những mặt hàng đó.

"Đèn pin thì ta không có sợ nó cháy, còn đèn truyền thống thì tới cuối người ta mới mua để rước đèn trung thu là đúng hơn, tại thấy kiểu dáng nó đẹp, thấy nó đẹp hơn thì mình mua. Lồng đèn cổ truyền của mình thì nó không ưa thích bằng. Với cái này khả năng sang năm có thể xài lại được. Này chơi xong là trang trí luôn á. Còn cái loại mặt kính của mình á, đôi khi mình gắn đèn cầy vô thì nó bất tiện lắm".

"Đèn điện tử thì nó nhiều màu sắc hơn, căn bản là vậy, với lại nó không có cháy nổ như những đèn cầy này nọ".

"Dẫu vậy, số người còn trung thành với đèn truyền thống vì những lí do khác vẫn yêu thích loại đèn này".

Một học sinh ghé gian hàng lựa mùa đèn truyền thống cho biết, chỉ gần đây bạn mới bắt đầu thích đèn truyền thống hơn do cây nến làm nên sự hấp dẫn.

"Em mới thích à. Tại vì em thích cắm cái cây nến vô cho nó sáng. Mấy bạn em cũng thích đèn giống vầy".

Còn theo Oanh, một bạn trẻ đội mưa đi mua đèn truyền thống cho rằng, trung thu sẽ đúng nghĩa hơn với lồng đèn loại này.

"Tại vì lồng đèn truyền thống mình mới thấy được đúng nghĩa trung thu. Mình nghĩ lồng đèn hiện đại thì giống như là cho mấy em nhỏ nhỏ chơi thì thích hơn. Còn mình thì lớn rồi thì mình lại thích tìm về mấy cái này thì nó dễ thương, mà nó ấm áp nữa. Với lại mình cũng thích đốt đèn hơn là dùng đèn pin".

Cầm trên tay chiếc lồng đèn bằng nhựa có gắn đèn điện tử, bé gái phân vân chỉ tay về phía đèn giấy kiếng khi người cha hỏi "Con thích lồng đèn nào hơn ?". Bé cho biết, nếu ba đồng ý, bé sẽ thích mua lồng đèn truyền thống hơn.

"Nếu ba cho thì con sẽ lựa lồng đèn bên kia"

Một phụ huynh dắt con trai đi chơi phố lồng đèn với đèn truyền thống cho hay :

"Mình thích đèn này có đèn cầy vì nó có không khí trung thu hơn. Tại vì cái đèn pin là chuyện bình thường rồi. Lúc nào mình cũng bấm lên cái là mình đã xài được rồi. Cái nào cũng là công nghệ hết. Tại vì mình thích cái này nó xưa xưa chút xíu á".

Tại các con phố, những chiếc đèn đủ kiểu dáng, mẫu mã bắt mắt người dùng từ ngôi sao cá, bướm, đèn kéo quân, đến các con tàu ghi Việt Nam – Hoàng Sa hay những mẫu đèn hoạt hình bằng điện tử phong phú cho người mua hàng rất nhiều lựa chọn.

Trung Thu, hay lễ hội Trăng Rằm, là một sinh hoạt của nhiều người dân Châu Á ; tuy nhiên đối với người Việt vẫn có những nét riêng, và những chiếc đèn truyền thống là một trong những nét riêng đó.

***********************

Trung Thu cho trẻ em Thượng tị nạn tại Thái (RFA, 05/10/2017)

Trung thu xứ người

Các em được phát bánh trung thu, đèn lồng và cả bánh pizza. Cuộc sống ở một nước xa lạ bấp bênh đời tị nạn, có em mới lần đầu biết đến trung thu là gì. Bà Grace Bùi, Giám đốc Dự án hỗ trợ người Thượng cho hay :

"Cộng đồng này họ sống chung với nhau khoảng chừng 105 gia đình, khu chung cư này có đông người Thượng ở nhất do đó chúng tôi tổ chức ở đây để cho các em khỏi đi xa, nhưng cũng có một số em không đến được vì trời mưa. Họ sống với nhau rất vui vẻ và có sự đoàn kết rất chặt chẽ trong cuộc sống của họ tại đây".

den3

Trẻ em người thượng tại Thái Lan đón tết trung thu. RFA

Hôm chủ nhật, ngày 1/10 hội thánh Tin Lành của mục sư Nguyễn Hành cũng tổ chức phát bánh trung thu cho hơn chục trẻ em người Thượng. Ông chia sẻ :

"Người tị nạn ở đây có khoảng hơn 20 em. Nhân dịp trung thu có một vài ân nhân giúp đỡ ít quà bánh cho các em. Một năm mới có 1 lần, cũng cảm ơn các ân nhân đã mua bánh quà cho các em. Hôm nay các em rất vui vì từ trước tới giờ chúng tôi chưa có buổi nào vui như trung thu hôm nay. Các em nhận được món qùa đầy tình thương của ân nhân các nơi để các em có được trung thu vui như vậy".

Có khoảng 150 gia đình người Thượng đang xin qúy chế tị nạn ở Thái Lan, nhưng không nhiều trong số họ được đậu phỏng vấn của Liên hợp quốc.

"Cuộc sống ba mẹ thế nào thì con sẽ bị ảnh hưởng. Ba mẹ các em tị nạn ở đây rất khổ, mà lại ko đi làm được. Nếu họ đi làm thì bị cảnh sát bắt, nếu ko đi làm thì ko có tiền sinh sống. Nếu ba mẹ ko có tiền sẽ ảnh hưởng đến con, nhất là các bé bị bệnh vặt. Dưới 5 tuổi bị bệnh thì được Cao Ủy giúp đỡ, nhưng từ 6 tuổi trở lên thì ko được nên có những gia đình ko may có con bị bệnh thì rất khó khăn trong việc đưa con đi bệnh viện. Còn việc ăn uống hàng ngày cũng rất khó khăn. Các cháu có gì ăn đó, thiếu chất nên các em còi chứ ko cao lớn như người Thái được".

Tuy nhiên dù có quy chế hay không các em vẫn may mắn có được cơ hội học tiếng Thái miễn phí.

Tương lai của những đứa con của người Thượng Tây Nguyên phải lánh nạn sang Thái Lan không mấy sáng sủa như ánh đèn mà các cháu rước trong đêm Trung Thu năm nay tại xứ người.

Published in Việt Nam