Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tu viện Dòng Mến Thánh Giá và nhà thờ Thủ Thiêm sắp bị phá bỏ ? (Người Việt, 02/05/2018)

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 2 tháng Năm, lãnh đạo của nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn "yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án di dời những cơ sở tôn giáo trong khu đô thị này (tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm) cũng như thu hồi đất của trường tiểu học Thủ Thiêm để bàn giao cho nhà đầu tư thi công tuyến đường ven sông và công viên bờ sông theo đúng tiến độ".

thuthiem1

Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Hình : Tuổi Trẻ)

Phát ngôn của lãnh đạo thành phố Sài Gòn được cho là hành động báo trước việc chính quyền sắp có biện pháp mạnh với hai cơ sở tôn giáo nêu trên.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm nằm trên bán đảo Thủ Thiêm ở quận 2. Dự án được phê duyệt từ năm 1996 và "được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế", theo báo Tuổi Trẻ.

Từ năm 2015, tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cùng với chùa Liên Trì, phải đối mặt với sức ép di dời để nhường đất cho khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Chùa Liên Trì là một trong số vài ngôi chùa còn lại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất từ sau biến cố năm 1975. Ngày 8 tháng Chín, 2016, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn huy động tới 400 công an dùng vũ lực cưỡng chế chùa Liên Trì, làm dấy lên suy đoán kết cục tương tự sắp đến với tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm.

Năm ngoái, Tổng Lãnh sự quán Canada tại Sài Gòn đã lên tiếng về việc nhà cầm quyền thành phố này dự định phá dỡ tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm, đồng thời nói rằng đây là các di sản "còn lâu đời hơn cả Canada".

thuthiem2

Bí thư Thành ủy Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân đến thăm Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm dịp Tết Mậu Tuất 2018. (Hình : Người Lao Động)

Theo website của Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, thời vua Minh Mạng, đạo bị bách hại dữ dội, tàn phá các nhà thờ, tu viện. Nhiều tu viện bị phá hủy hoàn toàn, chính vì thế các nữ tu của các tu viện này đã chạy tứ tán khắp nơi. Một số gặp nhau ở Thủ Thiêm và dừng chân ở đây vào khoảng năm 1840.

Còn theo website Giáo Xứ Giáo Họ Việt Nam, nhà thờ Thủ Thiêm thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn hình thành từ năm 1859. Khi đó, nhiều giáo dân ở các nơi vùng Gia Định, Biên Hòa kéo đến sinh sống, cất nhà cửa. Lúc đó chính quyền đã bán rẻ đất cho dân và đặc biệt còn tặng cho các tín hữu một ngôi đình bỏ hoang gần chợ, rồi cho thêm đất đai… thế là một ngôi nhà thờ được hình thành. Cả hai cơ sở tôn giáo này đều đã được xây dựng hơn 150 năm.

Một chi tiết khác đáng lưu ý được công bố tại cuộc họp báo nêu trên là hiện các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân thành phố Sài Gòn "không tìm thấy" bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 kèm theo bản quyết định ngày 4 tháng Sáu, 1996 của thủ tướng là văn bản pháp lý về quy hoạch dự án.

Cũng cần nhắc lại, ngay trước Tết Mậu Tuất, hôm 9 tháng Hai, 2018, báo Người Lao Động cho hay Bí thư Thành ủy Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân đến thăm và chúc Tết các soeur ở Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.

Tờ báo viết : "Bí thư Nhân ân cần thăm hỏi tình hình hoạt động và mong Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm luôn giữ vững đức tin. Ông chúc các soeur năm mới mạnh khỏe, góp phần làm cho cuộc sống đồng bào bình yên nhằm chung sức xây dựng và phát triển đất nước". (T.K.)

****************

Giải trình ‘mật’ của phó bí thư Thành ủy Sài Gòn bị rò rỉ (Người Việt, 02/05/2018)

Chỉ vài ngày trước hạn chót 8 tháng Năm buộc Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Sài Gòn báo cáo về vụ bán 32.4 ha đất Phước Kiển, một văn bản giải trình vụ việc được cho là của Phó Bí thư thường trực Thành ủy Sài Gòn Tất Thành Cang đã bị rò rỉ.

thuthiem3

Ông Tất Thành Cang (áo xanh). (Hình : Báo Pháp Luật)

Ông Cang là nhân vật chính trong thương vụ công ty đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy Sài Gòn) bán khu đất ở huyện Nhà Bè cho công ty Quốc Cường Gia Lai với giá chỉ 1.290.000 đồng (56,7 USD)/m2 hồi tháng Sáu, 2017.

Vụ việc cũng làm lộ ra chuyện Thành ủy Sài Gòn mua bán đất với nhiều khuất tất và nghi vấn về việc cấu kết "lợi ích nhóm" với các doanh nghiệp bất động sản.

Ông Cang bị cáo buộc chịu trách nhiệm chính về việc "gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng (hơn 87,9 triệu USD) trong vụ này.

Nhiều Facebooker share văn bản giải trình vụ bán đất Phước Kiển đóng dấu "mật" của ông Cang và dự báo phen này ông Tất Thành Cang sẽ "thành than" trong "cái lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Văn bản nhiều trang giấy đề ngày 25 tháng Tư, 2018, được cho là của ông Cang ghi : "Tôi xin có ý kiến giải trình, nhận trách nhiệm cá nhân trước tập thể thường trực Thành ủy về thiếu sót và thiếu cẩn trọng của mình, qua đây nghiêm túc rút kinh nghiệm".

Ông Cang cũng viết thêm : "Bản thân tôi nhận thức đây [khu đất bán cho Quốc Cường Gia Lai] không phải là đất công sản, không phải là tài sản công".

Ông Cang "nhận trách nhiệm là có thiếu sót, chưa yêu cầu cụ thể để Văn Phòng Thành ủy, công ty Tân Thuận phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước kịp thời trợ giúp thẩm định lại theo giá thị trường trước khi ký hợp đồng [bán đất cho Quốc Cường Gia Lai]".

"Xin khẳng định bản thân tôi không có ý lạm quyền và vấn đề này theo điều lệ công ty thuộc thẩm quyền Hội Đồng Thành Viên và Văn Phòng Thành ủy. Tuy nhiên, khi đã cho xử lý việc này, tôi xin nhận khuyết điểm việc không báo cáo…", những lời được cho là của ông Cang trong các trang văn bản bị rò rỉ.

Hôm 19 tháng Tư, 2018, báo Tiền Phong đưa tin : "Một ngày sau khi nhập viện theo dõi các dấu hiệu của bệnh lý tim mạch, ông Tất Thành Cang, ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy Sài Gòn đã ổn định sức khỏe và xuất viện, xóa tan đồn đoán ông bị bệnh nặng".

Trước khi xảy ra vụ bê bối bán đất cho Quốc Cường Gia Lai, ông Cang thường được truyền thông "lề phải" ghi nhận là chuyên gia "lên lớp giáo huấn" về đạo đức cán bộ đảng viên.

Hôm 17 tháng Tư, 2018, báo Pháp Luật dẫn phát ngôn của ông Cang : "Cần phát huy việc nắm bắt dư luận xã hội để nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, nhân dân của địa phương, đơn vị mình và tập trung chỉ đạo xử lý, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, hạn chế những vấn đề phát sinh dẫn đến việc phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân", tờ báo trích lời ông Cang.(T.K.)

**********************

79 người chết trong kỳ nghỉ dài ngày ở Việt Nam (CaliToday, 02/05/2018)

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông, sau 4 ngày nghỉ cả nước Việt Nam xảy ra 113 vụ tai nạn giao thông làm chết 79 người và cũng bị thương 79 người.

thuthiem4

Một vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam. Ảnh : Vnexpress

Đại đa phần các vụ tai nạn giao thông đều xảy ra trên đường bộ với tất cả 113 vụ. Theo Ủy ban An toàn giao thông, số vụ tai nạn giảm hơn so với năm ngoái và số người tử nạn cũng ít hơn.

Các con số trên chỉ phần nào phản ánh tình trạng giao thông tệ hại ở Việt Nam chưa được cải thiện. Cứ trung bình mỗi năm có đến cả vạn người chết do tai nạn giao thông ở Việt Nam. Nếu tính ra, cứ mỗi ngày có đến 30 người chết do tai nạn giao thông. Vậy nhưng, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông trong 4 ngày lễ chỉ có 79 người chết, những con số này được các báo dẫn lại khiến cho dư luận không khỏi thắc mắc.

Tại nhiều địa phương, vì để không mất điểm thi đua nên lãnh đạo không công bố số người chết do tai nạn.

Ở Việt Nam, rất nhiều cơ quan, ban ngành được lập ra nhưng không rõ chức năng của nó là gì, Ủy ban An toàn giao thông là một trong số đó. Cho đến nay, ủy ban này chưa hề có bất cứ đề xuất nào hữu hiệu nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn xảy ra. Sau khi các vụ tai nạn xảy ra, thông qua các tờ báo, truyền thông trong nước thường đổ thừa phần lỗi cho người dân "thiếu ý thức khi tham gia giao thông". Trong khi tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Trên diễn đàn của các nhà báo trong nước, đã có ý kiến đề ra nên giải tán Ủy ban An toàn giao thông vì cơ quan này ngoài việc tiêu tốn ngân sách nhà nước thì chẳng có bất cứ đề xuất nào cho việc hạn chế các vụ tai nạn. Công việc của cơ quan này chỉ là thống kê số người chết trong những dịp nghỉ lễ, hoặc cung cấp các con số tai nạn vào mỗi cuối năm mà thôi.

Trước đây, khi Ủy ban An toàn giao thông chưa được thành lập, các con số thương vong được cung cấp cho tỉnh, rồi từ tỉnh gởi lên Trung ương. Từ Ủy ban An toàn giao thông được thành lập, cơ quan này là nơi tiếp nhận các con số về vụ tai nạn giao thông. Nhiệm vụ của cơ quan này chỉ là như vậy.

Trong các ngày nghỉ lễ, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn làm việc, nhưng chỉ để tìm cách để phạt người dân nhằm tăng thu ngân sách.

Người Quan Sát

*********************

Gần 2 triệu khách Trung Quốc đến Việt Nam trong 4 tháng (RFA, 02/05/2018)

Việt Nam đã đón tiếp tổng cộng khoảng 1 triệu 800 ngàn khách du lịch Trung Quốc trong vòng 4 tháng qua, chiếm 32% trong tổng số khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, tăng hơn 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết như vậy hôm 30/4.

thuthiem5

Du khách Trung Quốc thăm quan phố cổ Hội An - AFP

Trong 4 tháng qua, Việt Nam đã đón hơn 5 triệu 500 ngàn khách du lịch nước ngoài, tăng hơn 29% so với năm ngoái, trong đó khách du lịch từ Nam Hàn có mức tăng cao nhất là 67,3%, tiếp theo đó là Phần Lan và Trung Quốc.

Vào năm ngoái, khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 12 triệu người, tăng hơn 29% so với năm trước đó.

Báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hiệp Quốc xếp tăng trưởng du lịch của Việt Nam vào hàng thứ 7 trên toàn cầu và là nước Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 nước có tăng trưởng du lịch cao như vậy.

Chính phủ Việt Nam thời gian qua cũng đã bật đèn xanh cho việc phát triển du lịch, coi du lịch là một động lực giúp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Du lịch được hy vọng có thể đóng góp 10% GDP của Việt Nam từ nay đến năm 2020 khi Việt Nam dự kiến đón 20 triệu khách du lịch nước ngoài với doanh thu đạt 35 tỷ đô la.

Mặc dù vậy Việt Nam vẫn còn thua Thái Lan về số khách du lịch nước ngoài. Theo Bloomberg, Thái Lan dự kiến sẽ đón 37 triệu du khách nước ngoài trong năm nay.

Published in Việt Nam