Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đà Nẵng trưng bày tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Biển Đông (RFA, 29/05/2019)

Một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng bị tàu sắt Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa được đưa đến Nhà trưng bày Hoàng Sa sau 5 năm lai dắt về bờ.

tau1

Tàu cá có số hiệu ĐNa 90152TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa, hồi ngày 26/05/14 được trưng bày tại khuôn viên Nhà trưng bày Hoàng Sa. Courtesy : Ảnh chụp màn hình infonet.vn

Truyền thông trong nước vào ngày 29 tháng 5 cho biết tàu cá có số hiệu ĐNa 90152TS, do ngư dân Huỳnh Thị Như Hoa hiến tặng cho thành phố Đà Nẵng được đặt tại mặt tiền đường Hoàng Sa, thuộc khuôn viên Nhà trưng bày Hoàng Sa, ở quận Sơn Trà.

Vào ngày 26/05/14, chiếc tàu cá này bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm khi đang đánh bắt hợp pháp ở ngư trường Hoàng Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền khiến10 ngư dân trên tàu bị hất văng xuống biển. Các ngư dân Việt đến ứng cứu còn bị phía tàu sắt Trung Quốc gây cản trở.

Chủ nhân của tàu cá, bà Huỳnh Thị Như Hoa quyết định tặng cho Chính quyền thành phố Đà Nẵng chiếc tàu còn nguyên dấu tích bị đâm phía mạn trái với những thớ gỗ bị xé toang như là một chứng tích lịch sử tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Hoàng Sa, ông Đặng Công Ngữ, được báo giới trích lời cho biết theo thiết kế ban đầu của Nhà trưng bày Hoàng Sa là không có hạng mục trưng bày tàu cá, tuy nhiên chiếc tàu cá này bị tông chìm vào thời điểm Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong lãnh hải Việt Nam nên tàu cá này được quyết định cho trưng bày với mục đích như là một hiện vật để nhắc nhở các thế hệ người Việt rằng quần đảo Hoàng Sa đang bị cưỡng chiếm trái phép.

Truyền thông trong nước cũng cho biết bà Huỳnh Thị Như Hoa đã làm thủ tục khởi kiện tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá của bà, thế nhưng vụ kiện vẫn chưa được thực hiện vì nhiều lý do, nhưng không nói rõ lý do là gì.

Trung Quốc và Việt Nam hiện đang có tranh chấp về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo này từ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974.

*******************

Công an thu giữ 7 tấn ma túy trong vòng 5 tháng (RFA, 29/05/2019)

Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã thu giữ 7 tấn ma túy các loại, trong khi con số của cả năm 2018 chỉ có 2,2 tấn.

tau2

11 nghi phạm, trong đó có 8 người Trung Quốc, 3 người Việt vận chuyển 300kg ma túy đá vừa bị công an Việt Nam bắt giữ hôm 20/3. AFP

Đó là thống kê được nêu ra tại Hội thảo tập huấn về Phòng Chống ma túy ở Hà Tĩnh hôm 28/5.

Truyền thông trong nước loan tin dẫn phát biểu của ông Nguyễn Dịch Nam, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy cho biết tình hình tội phạm ma túy trong nước đang phát triển khó lường, do tác động từ thế giới và khu vực, đặc biệt là ở các nước láng giềng.

Tại buổi hội thảo, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy khẳng định Việt Nam không sản xuất ma túy nhưng là nước bị ma túy xâm nhập. Ông cho biết ma túy được vận chuyển vào Việt Nam 90% bằng đường bộ từ Trung Quốc, Lào và Campuchia, còn lại qua đường hàng không (sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài), đường biển (cảng lớn Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh).

Ông Nam cho biết hiện nay biên giới Việt Nam – Lào vẫn là một điểm nóng về nạn buôn bán và vận chuyển ma túy.

Việt Nam hiện đang xem xét sửa đổi một số quy định trong Luật phòng chống ma túy, được nhận định là cản trở cuộc chiến chống ma túy.

Các dạng ma túy như ma túy đá, cần sa, ketamine, thuốc ảo giác được nhận định đang trở nên phổ biến nhất là trong giới trẻ.

Thống kê năm 2018 cho thấy cơ quan chức năng đã xử lý hơn 24 ngàn vụ án hình sự liên quan đến ma túy và bắt giữ hơn 30 ngàn người. Thống kê Bộ Công an Việt Nam cho biết hiện có hơn 200 ngàn người nghiện ma túy, nhưng con số thực tế được đánh giá cao hơn nhiều.

Việt Nam cũng là nước có luật chống buôn bán ma túy được coi là khắc nghiệt. Theo luật, những người bị bắt giữ vận chuyển hoặc buôn bán hơn 600 gram heroin hay cocaine hoặc 2,5 kg ma túy có thể bị tử hình.

Published in Việt Nam