Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 29 décembre 2017 16:20

Top ten ấn tượng 2017

Khắc họa toàn cảnh xã hội Việt và thời tiết chính trường, qua bộ "top ten ấn tượng 2017".

1. Chiến cuộc "nhóm lò"

top1

Một chiến cuộc "nhóm lò" rúng động chính trường Việt 2017. "Thiêu đốt" Uỷ viên Bộ chính trị Đinh La Thăng. Cuộc truy bắt có một không hai đưa Trịnh Xuân Thanh từ Đức về nước "đầu thú", và các cuộc kỷ luật, triệt hạ hàng loạt tên tuổi đình đám khác. Bất luận bình xét theo chiều nào (chống tham nhũng hay triệt hạ phe cánh), "cái lò ông Trọng" là sự kiện chính trị nóng bỏng, ấn tượng nhất, khắc họa chân thật nhất tình hình đảng sự, cũng như sức khỏe quốc gia qua từng thanh củi lửa.

2. Những nghi án sức khỏe

top2

Sau "sự cố" Nguyễn Bá Thanh, Phùng Quang Thanh từ các năm 2015, 2016, những nghi án sức khỏe trong năm 2017 tiếp tục nhắm vào Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Uỷ viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh. Ông Huynh, coi như kết thúc sự nghiệp. Chủ tịch Trần Đại Quang thì lúc ẩn lúc hiện với hàng loạt đồn đoán về bệnh tình. Những nghi án sức khoẻ, khiến dân tình dễ liên tưởng đến một "bóng ma" Nguyễn Bá Thanh nào đấy ám ảnh chính trường Việt.

3. Đà Nẵng, điểm nóng chính trường Việt

top3

Tựa chuyện Trịnh Xuân Thanh, câu chuyện Đà Nẵng được khơi mào từ chiếc xe của Bí thư Nguyễn Xuân Anh. Từ chiếc xe doanh nghiệp tặng, đến điểm nóng Sơn Trà, và sau đó là hàng loạt những bê bết về đất đai. Từ việc phế truất trung ương uỷ viên, tước hàm Bí thư thành uỷ đối với Nguyễn Xuân Anh, cảnh cáo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, và cuối cùng là cuộc khám xét, khởi tố, truy nã Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm). Không chỉ thiêu đốt Đà Nẵng, biến đô thị "hiện tượng" này thành điểm nóng chính trường Việt 2017.

4. Sự cố Đồng Tâm và cuộc bắt giam vô tiền khoáng hậu 19 cảnh sát cơ động Hà Nội

top4

Nếu những năm trước là Tiên Lãng, Dương Nội, Văn Giang, Vụ Bản… thì 2017, điểm nóng đất đai nổi sóng nhất là sự cố Đồng Tâm, cùng cuộc bắt giam 19 cảnh sát cơ động tại nhà văn hóa thôn Hoành (Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội). Cuộc bắt giữ vô tiền khoáng hậu khiến Chủ tịch Hà Nội, Nguyễn Đức Chung phải thân chinh vào làng giải cứu. Chiến dịch giải cứu thành công, nhưng sự lật kèo từ chính Chủ tịch Chung và cuộc khởi tố điều tra nhắm vào dân làng Hoành sau đó đã đẩy chiến cuộc đất đai thôn Hoành lên một nấc thang mới, chưa biết đâu là đỉnh điểm. Dân Đồng Tâm có thể bị bắt, nhiều người có thể vào tù. Nhưng sự nghiệp chính trị của tướng Chung, Chủ tịch Hà Nội mãi hằn một vết nhơ về đức liêm sỉ và tính trung thực sau bản cam kết cùng cú lật kèo có một không hai của ông với dân chúng Đồng Tâm. Thắng dân là mất dân. Nhưng tướng Chung và chính quyền Hà Nội đã chọn cách thắng dân. Một "chiến thắng" hiếm có chính quyền liêm sỉ nào dám thắng.

5. BOT Cai Lậy và cuộc "cách mạng tiền lẻ"

top5

Khởi phát từ BOT Bến Thuỷ (Nghệ An). Nhưng phải đến BOT Cai Lậy (Tiền Giang), chiến thuật dùng tiền lẻ qua trạm của cánh tài xế mới bùng lên như một cao trào, được ví như cuộc "cách mạng tiền lẻ" có một không hai trong lịch sử. Cuộc cách mạng không chỉ lột tẩy những mánh khoé cướp trấn tiền dân của các tập đoàn Mafia núp dưới hình thức BOT, mà còn minh chứng cho một sự trưởng thành từ nhận thức dân chúng, và hơn nữa, thành một phương cách phản kháng dân sự phi bạo lực mẫu mực. Để không chỉ là những cuộc "cách mạng tiền lẻ", sẽ là tiền đề cho những cuộc "cách mạng khác", những trận tuyến khác, không chỉ BOT.

6. Tràn ngập bắt bớ giới đấu tranh dân chủ, và những bản án nặng nề

top6

Trên 30 người bị bắt, chủ yếu nhắm vào nhóm "Anh em dân chủ" của luật sư Nguyễn Văn Đài và các nhà đấu tranh dân chủ, các blogger phản biện độc lập. Cùng hàng loạt chiến dịch bắt bớ, là những bản án nặng nề đến tàn độc. Điển hình là các bản án 10 năm tù đối với Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 9 năm với Trần Thị Nga, và 7 năm với Nguyễn Văn Hoá… Có thể nói, chưa năm nào bắt bớ dồn dập đến vậy. 2017 là năm đỉnh điểm nhắm vào giới đấu tranh dân chủ, nhân quyền.

7. Cuộc chiến vỉa hè và hiện tượng "Hải cẩu"

top7

Một phong trào đầu voi đuôi chuột, như mọi phong trào khác, vô vàn trên nước Việt, không riêng gì thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng nó trở thành hiện tượng, bởi phương cách tàn khốc và hình ảnh khiếp sợ của một quan chức mang nickname "Hải cẩu" đầy mai mỉa. Sau vài tháng tan hoang như chiến trận, quận 1 vẫn không thể thành… Singapore, vỉa hè vẫn trở lại muôn dặm vỉa hè như cũ. Không thấy ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 "cởi áo về vườn" như tuyên bố hùng hồn trước đó. Còn lại, lan truyền trên mạng chỉ là những bức ảnh ngài "Hải cẩu" với ánh mắt kinh sợ, và những đoạn clip cực hài về một vị quan suốt ngày ra đường rình bắt dân đi ị…

8. Những biệt phủ quan & nghề làm giàu của quan chức Việt

top8

2017 là năm phát lộ nhiều khu biệt phủ quan cực đỉnh. Từ cụm biệt phủ đồi- đồi biệt phủ của giám đốc sở Tài nguyên- môi trường (em ruột Bí thư tỉnh uỷ Yên Bái) Phạm Sỹ Quý ; đến biệt thự khủng của cựu Phó Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Phước Thanh ; biệt phủ của cựu Thứ trưởng Tài nguyên- môi trường Bùi Cách Tuyến ; dinh thự của cựu Phó ban nội chính tỉnh uỷ Đăk Lăk, Nguyễn Sỹ Kỷ ; biệt phủ của Trưởng ban quản lý khu kinh tế tỉnh Kon Tum, Phạm Thanh Hà ; dinh thự của Bí thư huyện Duy Tiên (Hà Nam) Nguyễn Đức Vượng ; biệt thự của "cậu ấm chơi chim", giám đốc sở Kế hoạch- đầu tư Quảng Nam, Lê Phước Hoài Bảo ; lầu son gác tía của "hot girl xứ Thanh" Trần Vũ Quỳnh Anh… "Ấn tượng" và khôi hài ở chỗ : Các cuộc thanh tra, chẳng không truy được một dấu hiệu tham nhũng hay bất minh nào từ những khối tài sản khủng, mà còn cho thấy quan chức Việt biết tranh thủ làm giàu từ nhiều nghề cực sốc như : nuôi heo, chạy xe ôm, bán chổi đót, buôn men rượu, làm giá đỗ…

9. Dự luật "an ninh mạng" và nguy cơ về những cuộc "xâm lăng mới"

top9

Một dự luật, được xem là giống nhau như hai giọt nước nếu so với Luật an ninh mạng Trung Quốc. Không chỉ về thuật ngữ, mà còn ở việc buộc phải cung cấp thông tin cá nhân, buộc đặt máy chủ trong nước, buộc người dùng và các doanh nghiệp cung cấp thành những "tên chỉ điểm", ép doanh nghiệp công nghệ phải tuân thủ các "qui chuẩn kỹ thuật" của nhà nước, ép doanh nghiệp liên quan đến "thông tin quan trọng" phải thông qua "thẩm định của chính quyền" khi mua phần cứng, phần mềm… Một dự luật, nếu thông qua, không chỉ tước đoạt quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của công dân, không chỉ rào chắn cản ngăn những công cụ giao tiếp, truyền thông hiện đại, mà có thể còn là cuộc đánh đuổi những nền văn minh mới của nhân loại khỏi nước Việt. Không chỉ xây "Vạn lý trường thành" đánh đuổi Google, Facebook, Youtube, Twitter, Viber… Nhiều người đang đặt dấu hỏi về một nguy cơ khác : Đó là các cuộc "xâm lăng mới" của người Tàu mang tên Baidu, Renren, Youku, Tudou, Weibo, Baidu, Alibaba… thông qua dự luật này. Một dự luật an ninh, nhưng đầy rẫy những bất an.

10. Những "binh đoàn mạng"

top10

Tiết lộ từ Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, tại hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017 gây sốc : đã hình thành một lực lượng trên 10.000 "chiến sĩ" là hạt nhân trên mặt trận không gian mạng (lực lượng mang bí số 47). Theo tướng Nghĩa, đây là lực lượng "vừa hồng vừa chuyên, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao". Ngoài binh đoàn 1 vạn quân biên chế quân đội, còn lực lượng nào nữa từ Bộ Công an, Ban Tuyên giáo… ? Chắc chắn là một quân số khủng. Con số tiết lộ từ năm 2013, đã cho thấy cả nước có hơn 8 vạn "tuyên truyền viên miệng". Riêng Hà Nội, đã tổ chức được đội ngũ 900 "dư luận viên", 19 trang điện tử và hơn 400 tài khoản mạng. Thế giới mạng với những nguy cơ an ninh cùng chiến tranh mạng, thì việc hình thành những "binh đoàn mạng" là tất yếu. Nhưng, cứ liên tưởng đến những trận bom report và comment bẩn trên mạng, khiến rùng mình. 

Trương Duy Nhất

Nguồn : RFA, 29/12/2017 (truongduynhat's blog)

Published in Diễn đàn
lundi, 11 décembre 2017 14:41

B14

Vậy là anh em nhà Đinh La Thăng- Đinh Mạnh Thắng cùng vào B14. Trước đó, anh em Dương Chí Dũng- Dương Tự Trọng cũng ở trại này.

b141

Hình chụp trại giam B14 - Courtesy Báo Công An Nhân Dân

Đây, cũng là nơi giam tôi suốt 240 ngày đầu, từ khi bị bắt (26/5/2013 đến 20/1/2014), thuộc đoạn điều tra lấy cung. Nó là một trại đặc biệt, dành cho các án an ninh đặc biệt, thuộc Cục an ninh điều tra, Tổng cục an ninh, Bộ Công an, nằm trên địa bàn xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, và nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong giới đấu tranh cũng đang bị giam ở đây. Trước đó, là Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh.

Nhiều "tên tuổi" lớn khác, cũng từng "đi qua" B14 này : Phạm Thanh Bình, cùng toàn bộ nhóm "đầu não" của tập đoàn Vinashin. Cựu Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng, uỷ viên trung ương đảng Bùi Quốc Huy ; cựu uỷ viên trung ương, giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Trần Mai Hạnh ; Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Phạm Sĩ Chiến… Nghe nói, nhân vật cao nhất từng bị giam tại đây là Thượng tướng Chu Văn Tấn, Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên thời Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Những ngày này, nhân chuyện Đinh La Thăng, nghe thiên hạ nhắc nhiều quá về trại giam khét tiếng, nhưng cũng đầy "huyền thoại" mang tên B14. Lục trên mạng, tình cờ gặp hai bức ảnh trên báo Công an nhân dân.

b142

Trại B14 nơi từng giam giữ Trương Duy Nhất

Ở bức 1. Nhìn từ bên ngoài, vòng tròn khoanh dấu đỏ là khu tầng 2, phòng B12. Ở bức 2 là nhìn từ khu vực sân trại, nơi quản giáo và lính canh hay xếp hàng thể dục mỗi chiều.

Tầng 3, ngay trên đầu tôi là buồng giam Dương Chí Dũng. Dương Tự Trọng bị kỷ luật nên giam tầng 1, bên dưới.

Hai bức ảnh gợi tôi nhớ một chuyện vui, kể chơi :

Chiều chiều, chừng 16 giờ 30, quản giáo và lính canh tập trung xếp hàng thể dục như trong ảnh 2. Tôi, ở buồng giam bịt bùng ngay vị trí khoanh tròn đỏ ấy, không nhìn thấy, chỉ nghe tiếng vọng vào. Họ tập võ, vung chân múa tay "hừ hự" theo nhịp một hai- hai một gì đấy. Xong, lần nào cũng kết thúc bằng bài hô :

- Thể dục - Khoẻ !

- Thể dục - Bảo vệ tổ quốc !

- Thể dục - Bảo vệ chủ nghĩa xã hội !

- Thể dục - Khoẻ !

- Thể dục - Khoẻ !

- Thể dục - Khoẻ !

Nghe vui tai. Riết rồi muốn nghĩ ra trò gì chọc vui. Khi tất thảy vừa rập chân hô xong, tôi bèn tằng hắng mấy phát báo hiệu cho anh em các phòng bên, rồi dõng dạc, nhái theo nhịp bọn quản giáo :

- N…g…h…i…ê…m !

- Ở tù – Khoẻ !

- Ở tù - Bảo vệ tổ quốc !

- Ở tù - Bảo vệ chủ nghĩa xã hội !

- Ở tù - Khoẻ !

- Ở tù - Khoẻ !

- Ở tù - Khoẻ !

Thằng quản giáo lộp cộp giày, chạy ngang trợn mắt :

- Anh Nhất hô gì đấy, muốn nổi loạn hả ?

Tôi làm mặt nghiêm, rập chân bập bập, thẳng lưng, chụm gót đúng chữ V, rồi "khuyến mại" thêm câu nữa :

- Ở tù - Khoẻ !

Mấy ông bạn tù phòng bên nghe sướng quá, cứ khúc khích khục khịch mãi. Như chọc tức thêm hắn.

Tội, nhìn cái mặt hắn cứ đơ ra, trông đần như ngỗng ỉa.

Mấy hôm sau. Hắn trả thù bằng cách chuyển buồng. Đẩy tôi sang dãy lẻ, buồng số 19. Vẫn tầng hai, nhưng đấu lưng lại với khu này (Dũng Bắc Kạn, trùm giang hồ khét tiếng Hải Phòng, người tổ chức cho Dương Chí Dũng chạy trốn sang Campuchia, ở đấu đít với tôi, buồng B20).

Bịt bùng. Thêm mấy lớp tường cách âm, không còn nghe được tiếng hô.

Tưởng tếu cho vui. Vậy mà cái trò "chủ nghĩa xã hội" ấy lại khiến mấy thằng bạn tù buồng bên nhớ. Chiều, cứ chừng bốn rưỡi hơn, xong bốn hồi kẻng là chúng gõ tường "nhà báo ơi, anh Nhất ơi, bảo vệ chủ nghĩa xã hội đi !".

Nghiệt nỗi, xa tiếng hô của bọn quản giáo, một mình đâm hết hứng.

Chuyện thể dục "chủ nghĩa xã hội" ấy cũng chỉ thấy ở B14. Sau này đi hai trại Hòa Sơn (Đà Nẵng) và trại 6 (Nghệ An), không nghe bọn quản giáo "chủ nghĩa xã hội" kiểu này nữa.

B14, có điều rất đặc biệt : Họ không xóa bất cứ dòng chữ nào của tất cả các thế hệ tù nhân trước giờ. Kể cả những câu cực kỳ "phản động", chống Cộng, chửi đảng, bằm lôi cả mồ cha mả mẹ "lũ X"… chi chít bốn vách tường.

Trên vách cửa buồng B12, chắc chắn vẫn còn hai câu tuyên ngôn tôi khắc : "Chỉ có thể cưỡng bức được hành vi, chứ không cưỡng bức nổi tư tưởng", "Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang".

Không biết, Đinh La Thăng có được vào đúng buồng B12 ấy ?

Dù sao, ông và tôi cũng là chỗ từng biết nhau. Có thể, biết đâu đấy, khi đọc được những dòng chữ cùng cái tên "nhà báo Trương Duy Nhất" trên bức tường buồng giam, sẽ giúp ông tìm được cảm giác gì đó như thể "thân quen", giúp ông nhẹ nhàng, thư thái, đỡ cô độc hơn ?

Một mình, đối diện với bốn bức tường biệt giam bịt bùng, lởm chởm xám xịt ấy. Rồi ông cũng sẽ quen thôi, cũng phải đếm kiến, nuôi thạch sùng làm bạn. Sẽ là những tháng ngày dài không thể chợp mắt trước màn đêm đen ngòm, thăm thẳm. Dần, ông sẽ thuộc, quen với từng tiếng gót giầy của mỗi tay quản giáo. Nhận ra từng tiếng chó sủa, trong những giàn "đồng ca chó" đêm khuya vọng từ bên ngoài.

Đến tôi cũng ngạc nhiên, hay gọi giật mấy tay quản giáo hỏi "vì sao càng ra ngoài này, càng gần Hà Nội lại nhiều… chó thế ?".

Ừ. Ông đã có đến 3 đêm nghe chó sủa rồi nhỉ.

Từng mang phận tù, cũng là chút cám cảnh ngẫm đến ông. Chứ thật ra, cái loại tù của ông, không phải như tù chúng tôi. Tù của ông là tù nhục, tù ô.

Trương Duy Nhất

Nguồn : RFA, 11/12/2017

Published in Diễn đàn
vendredi, 24 novembre 2017 01:10

Cái lò ông Trọng & lò Formosa

Sự nguội lạnh từ cái lò ông Trọng và những chỉ dấu bất thường

Sau cuộc thiêu đốt Đà Nẵng, với cú triệt hạ Nguyễn Xuân Anh, cái lò ông Trọng có vẻ nguội lạnh. Huỳnh Đức Thơ, uy tín đã ở mức bê bết sau hàng loạt những đồn đoán về nhà đất, tài sản, cổ phần… dù bị "cảnh cáo" vẫn tại vị.

lo1

Những "bó củi" Yên Bái, Thanh Hóa, Hà Giang… có vẻ như không còn nghe nhắc đến, kể cả thanh củi Đinh La Thăng. 

Quá nhiều chỉ dấu bất thường. Một cuộc họp Quân ủy trung ương nhưng vắng mặt ông Trọng (Bí thư quân uỷ). Người thay ông dự, chỉ đạo hội nghị Quân ủy trung ương lại là Chủ tịch Trần Đại Quang.

Hội nghị 6 trước đó, cái tên Đinh La Thăng cũng không được nhắc đến. Thậm chí, ông Thăng còn chễm trệ ngồi ngay hàng đầu.

Một hội nghị trung ương giữa bộn bề sóng gió ngoại giao sau sự cố Trịnh Xuân Thanh, nhưng không một dòng nói về đối ngoại. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh lại được giao trình bày báo cáo về công tác dân số, sinh đẻ.

Dường như, đang có vấn đề gì đấy không thuận ở nấc thượng triều. Có vẻ như cái lò ông Trọng đã bị tạt từ đâu đó những gàu nước lạnh. Đang hừng hực nóng, tưởng như "củi khô củi ướt" quăng vào cháy thiêu hết, bỗng dưng tắt ngấm.

Nóng lại lò Formosa

Cuộc chiến từ cái lò ông Trọng, nóng đến mức khiến dân tình nhiều khi quên mất… Formosa. Khi cái lò ông Trọng bắt đầu nguội lạnh, thì hơi nóng từ cái lò Formosa đã trở lại.

Một bài viết đặc biệt trên báo Tiền Phong hôm qua 24/11/2017 : "Bộ Tài nguyên và môi trường đặc cách cho Formosa xả thải vượt chuẩn ?".

Theo bài báo, "Mặc dù quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép năm 2013 (QCVN 51:2013/BTNMT) quy định hàm lượng oxy tham chiếu là 7%, tuy nhiên Bộ Tài nguyên và môi trường lại cho phép Formosa áp dụng hàm lượng oxy tham chiếu lên 15%. Hệ quả là nồng độ độc hại trong khí thải của Formosa đang vượt ngưỡng nhiều lần so với quy chuẩn Việt Nam".

Người ký văn bản cho phép Formosa đạp qua quy chuẩn quốc gia, để Formosa đang xả thải vượt ngưỡng chính là cựu Thứ trưởng Tài nguyên và môi trường Bùi Cách Tuyến, vị Thứ trưởng hưu sở hữu khu biệt thự khủng đứng tên vợ ông, vừa khiến ầm ĩ dư luận cách đây không lâu.

Kỳ lạ hơn, vẫn theo báo Tiền Phong, để xử lý sai phạm tày trời này, Bộ Tài nguyên và môi trường lại đang giao Tổng cục môi trường biên soạn một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới (QCVN 51 : 2017/BTNMT) về khí thải công nghiệp sản xuất thép, để thay thế bộ quy chuẩn 2013 (QCVN 51 :2013/BTNMT). Bộ quy chuẩn mới, cơ bản vẫn giữ nguyên các thông số kỹ thuật khí thải công nghiệp trong sản xuất thép, nhưng lại thay đổi hàm lượng oxy tham chiếu từ 7% (QCVN 51 : 2013) lên 15% (QCVN 51 : 2017), tức bằng đúng mức sai phạm của Formosa.

Như vậy, thay vì buộc Formosa phải thực hiện đúng quy chuẩn quốc gia như các doanh nghiệp khác, Bộ Tài nguyên và môi trường lại đi sửa quy chuẩn quốc gia để… phục vụ cho Formosa.

Cái lò Formosa chẳng những không nguội, mà ngày một nóng hơn. Chỉ bằng mắt thường, dễ thấy những cột khói khủng phun lên từ cái lò Formosa ra sao. 

Lời hứa "sẽ đóng cửa Formosa nếu tái phạm" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước quốc hội và quốc dân đồng bào liệu có trôi vào quên lãng ?

Trương Duy Nhất

Nguồn : RFA, 24/11/2017 (truongduynhat's blog)

--------------- 

"Kết quả quan trắc khí thải hằng ngày tại Formosa Hà Tĩnh của Viện công nghệ môi trường trong năm 2017 cho thấy thông số SO2 và NOx liên tục vượt quy chuẩn quốc gia về khí thải : ngày 2/7 vượt 1,07 lần, ngày 24/7 vượt 2,47 lần, ngày 26/7 vượt 2,13 lần, ngày 23/8 vượt 1,6 lần, ngày 21/8 vượt 1,59 lần, ngày 23/9 vượt 1,71 lần, ngày 26/9 vượt 1,84 lần, ngày 27/10 vượt 2,03 lần…" (nguồn : báo Tiền Phong).

Published in Diễn đàn
mercredi, 08 novembre 2017 21:00

Dự luật an ninh mạng

"Bức tường Ba Đình" & chiến thuật dọn đường cho những cuộc xâm lăng mới

Chưa biết Google, Facebook... sẽ phản đòn sao, trước "bức tường Ba Đình" vừa hăm he dựng lên bởi dự luật An ninh mạng. Với Google, Facebook... có thể chỉ thuần đơn về lợi nhuận. Nhưng với gần 100 triệu công dân Việt, đó là bức tường giam hãm tự do tư tưởng, biểu đạt và giao tiếp.

anninh1

"Bức tường Ba Đình"

Đừng xem Google, Facebook... chỉ là mạng truyền thông hay một công cụ kiếm tìm. Luật an ninh mạng, nếu được thông qua như dự thảo trình quốc hội, sẽ không chỉ tước đoạt quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của công dân, không chỉ rào chắn cản ngăn những công cụ giao tiếp, truyền thông hiện đại, mà còn là cuộc đánh đuổi những nền văn minh mới của nhân loại khỏi nước Việt. 

Có lẽ, do quá chủ tâm đến mục tiêu ngăn chặn những tiếng nói phản biện, bất đồng, lo sợ những cuộc "khởi nghĩa trên mạng" vạch mặt quan tham, chỉ trích chính quyền, dự luật An ninh mạng đã vô tình xem Google, Facebook... như "kẻ thù" của chế độ.

Một chính phủ mở mồm là "kiến tạo", là "chính phủ điện tử", là "4.0"... nhưng lại đang cố công rào dựng "Vạn lý trường thành" cản ngăn những cuộc cách mạng công nghệ tiến bộ của loài người.

Thế gian này, ngoài gã Ủn điên cuồng và bạo chúa Tập Cận Bình, còn quốc gia nào xây "Vạn lý trường thành" ngăn Google, Facebook ?

Lịch sử, đã có những cuộc chiến tranh ngỡ là "giải phóng", nhưng thực chất là đánh đuổi những nền văn minh. Không nhìn thấy điều này, dự luật An ninh mạng sẽ thành một "cuộc chiến tranh" mới đánh đuổi tiếp những nền văn minh khổng lồ mang tên Google, Facebook... khỏi bờ cõi Việt.

Những cuộc xâm lăng mới ?

Tôi chú ý đến một bài phân tích trên trang "Luật khoa tạp chí" của tác giả Trịnh Hữu Long (bài "Dự luật an ninh mạng : hàng Việt Nam made in China ?").

Theo ông Long, có đến 7 điểm đặc biệt chú ý ở bản dự thảo Luật an ninh mạng Việt Nam rất giống với Luật an ninh mạng Trung Quốc. Không chỉ về các thuật ngữ, mà còn ở mục tiêu nhắm trực diện đến "thông tin gây nguy hiểm cho chế độ", việc ép người dùng phải cung cấp thông tin cá nhân, ép đặt máy chủ trong nước, buộc người dùng và các doanh nghiệp cung cấp thành những "tên chỉ điểm", ép doanh nghiệp công nghệ phải tuân thủ các "qui chuẩn kỹ thuật" của nhà nước, ép doanh nghiệp liên quan đến "thông tin quan trọng" phải thông qua "thẩm định của chính quyền" khi mua phần cứng, phần mềm...

Những nội dung, theo tác giả là giống "như hai giọt nước".

Như vậy, không chỉ xây "Vạn lý trường thành" đánh đuổi Google, Facebook, Youtube, Twitter, Viber... Từ những điểm "giống" kỳ lạ này, cộng với cuộc rước đón ông chủ Jack Ma một cách rầm rộ đến khác thường vừa qua, nhiều người đang đặt dấu hỏi về một nguy cơ lớn ở các cuộc "xâm lăng mới" của người Trung Hoa mang tên Baidu, Renren, Youku, Tudou, Weibo, Baidu, Alibaba... 

Vì thế, bản dự thảo An ninh mạng đang trình quốc hội phải chăng chính là "chiến thuật" dọn đường cho những cuộc xâm lăng này, những cuộc xâm lăng mới của người Tàu ?

Trương Duy Nhất

Nguồn : RFA, 08/11/2047 (truongduynhat's blog)

Published in Diễn đàn
vendredi, 27 octobre 2017 20:17

Khi kẻ thù là… nhân dân

Lại tiếp thêm một "chiến trận" Biên Hòa

bot1

Hàng trăm cảnh sát giao thông bảo vệ quyền thu phí cho trạm BOT Biên Hòa.

Thay vì bảo vệ quyền đi lại bình thường của người dân, chính quyền đã huy động một lực lượng hùng hậu như dàn trận, với trên 100 cảnh sát giao thông, cơ động tác chiến các loại lăm lăm gậy gộc, dùi cui, còng tay và súng đạn để bảo vệ quyền thu phí cho trạm BOT Biên Hòa.

Cuộc dàn trận thành công. Không một tài xế nào dám dùng tiền lẻ. BOT Biên Hòa trở lại với "tiến trình tiền" như cũ.

Không biết "chiến trận" Biên Hòa lần này có được xem như một "trận đánh đẹp", để tiếp tục nhân rộng áp dụng cho tất thảy các trạm BOT toàn quốc ?

BOT Biên Hòa không phải trận đầu. Đất nước hết chiến tranh, nhưng những "trận đánh đẹp" như vậy vẫn ngày một nhiều lên. Những trận đánh nhắm vào dân, coi dân như kẻ thù.

Sẽ chẳng bao giờ và không ai quên được các tháng ngày đỉnh điểm của "chiến trận Formosa". Thay vì khởi tố, tống cổ "kẻ xâm lược" Formosa, chính quyền lại lập rào kẽm gai, huy động cả những sư đoàn, với bọc thép, chiến xa tối tân để… bảo vệ "kẻ xâm lược", dàn trận đánh dân, trấn áp dân như kẻ thù và kết tội, bỏ tù những ai biểu tình lên tiếng chống đối Formosa.

Rồi các cuộc chiến đất đai...

bot2

"Chiến trận" Đồng Tâm - Ảnh minh họa (Dân Làm Báo)

Thay vì tấn công các tập đoàn "cá mập đất", lấy đất trả lại cho dân, chính quyền lại lập án, dàn quân đánh dân. Những Tiên Lãng, Dương Nội, Văn Giang, Vụ Bản… và gần nhất là "chiến trận" Đồng Tâm.

Thay vì kỷ luật, thậm chí tước hàm, bỏ tù những sĩ quan chỉ huy đánh dân, thì ngược lại, những viên chỉ huy lăm lăm súng đạn bắn vào dân như kẻ thù ấy lại được phong tướng, vinh tôn như những "anh hùng".

Những trận đánh dân, chĩa súng vào dân, trấn áp, tấn công bỏ tù dân được gọi là "những trận đánh đẹp". Những trận đánh "có thể viết thành sách làm giáo trình chiến thuật cho lực lượng công an nhân dân".

Từ BOT đến Formosa, đất đai, và còn những "chiến trận" nào khác ? "Những trận đánh đẹp" nhắm vào dân, khi đất nước đã không còn kẻ thù. Hay nói đúng hơn : khi kẻ thù là… nhân dân, khi chính quyền xem nhân dân như kẻ thù !

Trương Duy Nhất

Nguồn : RFA, 27/10/2017 (truongduynhat's blog)

Published in Diễn đàn
mardi, 22 août 2017 14:31

Cái lò ông Trọng

Ông Trọng miệt mài nhen củi nhóm lò. 5 năm rồi, từ bận rút khăn sụt sùi bất lực không kỷ luật được "đồng chí X". Khái niệm "nhóm lò", được ông nhắc lần đầu, sau hội nghị trung ương 6 (2012).

lo1

5 năm nhen củi. Cái lò ông Trọng sẵn sàng thiêu đốt bất cứ "đồng chí" nào.

Lặng lẽ, âm thầm, nín chịu. Đến đầu 2016 mới loại được Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng, cái lò ấy vẫn không nghe nhắc lại dù chỉ một lần. Nó chỉ được nhắc đến, và lửa lò chỉ thật sự bùng cháy mới đây, khi bắt Trịnh Xuân Thanh, Trầm Bê, và kỷ luật tước hàm Bộ chính trị Đinh La Thăng.

5 năm nhen củi. Cái lò ông Trọng đang vào độ nóng hơn lúc nào hết, như thể sẵn sàng thiêu đốt bất cứ "đồng chí" nào. Trước, ông sụt sùi, giờ ông hả hê, lời ông như lửa : củi khô củi ướt rồi sẽ chun hết, cháy hết !

Hẳn dễ hiểu, những thanh củi khác ông Trọng nhắm đến không chỉ dừng ở Trịnh Xuân Thanh, Trầm Bê, Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình, mà cái đích, mồi lửa đang lan gần, rất gần đến cánh cửa tư gia cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Diệt trừ tham nhũng, không ai không ủng hộ. Thậm chí, nếu tước được hàm cựu Thủ tướng và trước khi lôi X ra tòa, tôi muốn được tận tay đấm vào giữa mặt thằng X ăn tàn vét tận ấy một phát mới hả dạ.

Nhóm lò thiêu X, tôi ủng hộ. Nhưng, để triệt tiêu những mầm mống hậu X, cần tiến tới xây dựng một cơ chế quản trị quốc gia thật sự minh bạch, dân chủ. Hay nói phớ ra là cải cách chính trị, thay đổi thể chế, nhen một cái "lò" thiêu đốt mớ "lý luận hồng" chết tiệt ấy đi.

Đấy mới là cái "lò" quốc gia này, dân tộc này cần. 

Quản trị quốc gia, không phải túc tắc ê a nhóm củi như cái cách một lão làng đốt lò vậy.

Nhân loại đã tiến đến mức chỉ một nút ấn, trong tích tắc có thể thiêu vùi một lãnh thổ/quốc gia. Ông Trọng nhà ta lại vẫn miệt mài nhóm củi đốt lò. Cái lò than củi mông muội chết tiệt, với tư duy chổng mông thổi lửa ấy sẽ kéo dân tộc thụt lùi tới đâu ?

Với thứ tư duy lò liếc ấy, thì diệt xong X, sẽ đến phiên chính các "đồng chí" đang nhóm củi bây giờ biến thành những thế hệ hậu X nay mai. Những cái lò, rồi sẽ chỉ trở thành công cụ để thiêu đốt các thế lực đối thủ của các "đồng chí" Cộng sản với nhau, chứ không vì mục tiêu cho lợi ích quốc gia, dân tộc.

Ông Trọng, dường như mới chỉ nhìn ra nguy cơ cho đảng, cho chính ông và các "đồng chí" của mình, chứ chưa nhìn ra nguy cơ cho quốc gia, dân tộc. Trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, Hà Nội hôm 6/8, sau khi ví von lại chuyện cái "lò", ông bảo : "tham nhũng đã bức xúc đến mức thành nguy cơ mất chế độ, mất đảng".
Nhìn trong cái lò diệt thiêu các "đồng chí" của ông thì đúng. Nhưng trên bình diện lợi ích quốc gia, dân tộc thì ông vẫn chưa vượt qua tư duy một giáo viên trường đảng.

Mất đảng (cộng sản), sẽ có nhiều đảng khác. Mất chế độ này, sẽ có một chế độ khác dân chủ, tiến bộ hơn. Vì thế, nguy cơ của đảng lại chính là cơ hội cho quốc gia, dân tộc.

Cái "lò" cần nhen lúc này là để cứu nước, chứ không phải cứu đảng. 

Tôi biết, ông Trọng muốn làm sạch đảng. Cái lò ông muốn nhen lên, cũng vì mục tiêu này. Trong khi chưa mất đảng, cái đảng của ông chưa chết, thì thiêu đốt những rác rưởi cho đảng sạch hơn là đúng. Nhưng đấy chỉ là cho đảng, vì đảng. Nếu thật sự biết nhìn, dám nhìn ra lợi ích và sự sống còn của quốc gia, dân tộc lớn hơn lợi ích và sự sống còn của đảng, thì có thể phải chấp nhận mất đảng để cứu nước - tại sao không ?

Trương Duy Nhất

Nguồn : RFA, 22/05/2017 (truongduynhat's blog)

Published in Diễn đàn
Trang 4 đến 4