Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ông Trần Cầm Tú làm Thường trực Ban bí thư thay ông Lương Cường

RFA, 26/10/2024

Bộ Chính trị Việt Nam vào ngày 25/10 bổ nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cầm Tú vào vị trí Thường trực Ban bí thư thay tướng Lương Cường - người vừa được Quốc hội bỏ phiếu làm Chủ tịch nước thay ông Tô Lâm.

trancamtu01

Tổng bí thư Tô Lâm trao quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư, ngày 25/10 - TTXVN via VnExpress

Truyền thông Nhà nước cho biết, Tổng bí thư Tô Lâm đã trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Trần Cẩm Tú vào ngày 25/10 và phát biểu rằng "Bộ Chính trị "hoàn toàn tin tưởng" ông Trần Cẩm Tú, người được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, có chuyên môn sâu và nhiều kinh nghiệm công tác, đã kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng ở Trung ương và địa phương".

Ông Trần Cẩm Tú (sinh năm 1961) là Ủy viên Bộ Chính trị (từ tháng 1/2021) và đã từng là Bí thư Thái Bình trước đó. Vào tháng 5/2018, ông được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam - một vị trí quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

Vị trí Thường trực Ban Bí thư được cho là một trong những vị trí quyền lực nhất của Đảng chỉ sau Tứ trụ gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội.

Để được vào chức vụ này, theo quy định của Ban Bí thư, người được chọn ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn chung về tư tưởng, đạo đức, trình độ, còn phải phục vụ trong Bộ Chính trị một nhiệm kỳ trở lên và phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành trung ương.

Trước ông Trần Cẩm Tú, những người từng nắm chức vụ này trong nhiệm kỳ từ 2021 - 2026 là đương kim Chủ tịch nước Lương Cường, bà Trương Thị Mai và cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Bà Mai và ông Thưởng đều bị Đảng xác định có những sai phạm trong thời gian công tác, vi phạm những điều đảng viên không được làm và do đó đều buộc phải tự nguyện xin nghỉ hưu giữa chừng.

Nguồn : RFA, 26/10/2024

*************************

Trần Cẩm Tú thay Lương Cường làm Thường trực Ban bí thư, kiêm chức cũ

VOA, 25/10/2024

Ông Trần Cẩm Tú, người đứng đầu bộ máy kỷ luật của Đảng, vừa được chỉ định làm Thường trực Ban bí thư, thay cho ông Lương Cường, người mới được bầu làm Chủ tịch nước vài ngày trước đó, truyền thông trong nước đưa tin.

trancamtu2

Ông Trần Cẩm Tú, thứ 4 từ trái sang, cùng tập thể Bộ Chính trị (trừ Thủ tướng Phạm Minh Chính) tại buổi lễ nhận nhiệm vụ Thường trực Ban bí thư

Quyết định này đã được Bộ Chính trị công bố vào sáng ngày 25/10 tại trụ sở Trung ương Đảng, theo Nhân dân, tờ báo vốn là tiếng nói của Đảng cộng sản Việt Nam, cho biết.

Các hình ảnh trên Nhân dân và Vietnam Plus của TTXVN cho thấy sự hiện diện của ông Tú bên cạnh Tổng bí thư Tô Lâm cùng gần như toàn thể Bộ Chính trị, trừ Thủ tướng Phạm Minh Chính hiện đang công du ở Nga để tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng.
Theo quyết định này, bên cạnh chức danh mới, ông Tú vẫn kiêm nhiệm các chức vụ cũ là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Bí thư Trung ương Đảng.

Ông Lâm được báo Nhân Dân dẫn lời phát biểu khi giao nhiệm vụ cho ông Tú rằng việc phân công này được "Bộ Chính trị thống nhất rất cao" và rằng chức vụ này "rất quan trọng" trong bối cảnh Đảng đang chuẩn bị cho Đại hội 14.

Theo lời ông Lâm, Bộ Chính trị "hoàn toàn tin tưởng" ông Tú ở cương vị mới này vì ông Tú "có chuyên môn sâu và nhiều kinh nghiệm công tác, đã kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng ở Trung ương và địa phương".

Đặc biệt, theo Nhân Dân, ông Lâm chỉ ra vai trò của ông Tú ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Với chức năng giám sát và kỷ luật các quan chức trong Đảng có vi phạm, cơ quan này đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến chống tham nhũng mà cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động. Bản thân ông Tú cũng là phó Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Dưới thời ông Tú làm chủ nhiệm, từ đầu khóa 13 cho đến nay đã có đến 14 ủy viên trung ương và 7 ủy viên Bộ Chính trị bị đưa ra kỷ luật, trong đó có những người bị kỷ luật ở mức cao nhất là khai trừ.

Khen ngợi thành tích này của ông Tú, ông Lâm được Nhân Dân dẫn lời nói vị tân Thường trực Ban bí thư đã "thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ việc mới, khó khăn, phức tạp, nghiêm trọng".

Bảy đương kim ủy viên Bộ Chính trị từng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương của ông Tú ra kết luận kỷ luật gồm có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ngoài ra còn một cựu ủy viên Bộ Chính trị là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Hải cũng bị cơ quan ông Tú ra quyết định kỷ luật.

Theo tiểu sử được Báo Chính phủ đăng tải, ông Tú quê ở Hà Tĩnh và vào Bộ Chính trị từ đầu khóa 13. Ông xuất thân là kỹ sư lâm nghiệp, từng kinh qua các chức vụ bí thư huyện Hương Sơn, bí thư tỉnh Thái Bình, trước khi được điều ra trung ương làm công tác kiểm tra Đảng.

Do đặc thù làm công tác kiểm tra Đảng nên ông Tú rất ít khi xuất hiện trước công chúng. Năm nay mới 63 tuổi, ông còn đủ tuổi để ở lại Bộ Chính trị thêm một nhiệm kỳ nữa.

Thường trực Ban bí thư là người xử lý công việc hàng ngày của Đảng và được xem như là "phó Tổng bí thư" trong cơ cấu của Đảng cộng sản Việt Nam. Chức vụ này trong hệ thống chính trị của Việt Nam chỉ đứng sau ‘tứ trụ’.

Khác với các khóa trước, khi mỗi khóa chỉ có một Thường trực Ban bí thư, khóa 13 này từ đầu cho đến nay đã trải qua 3 đời Thường trực Ban bí thư – gồm ông Thưởng (trước khi làm chủ tịch nước), bà Mai và ông Cường – trước khi ông Tú được bổ nhiệm vào vị trí này.

Nguồn : VOA, 25/10/2024

****************************

Lý do ông Trần Cẩm Tú được Bộ Chính trị chọn làm thường trực Ban Bí thư

BBC, 25/10/2024

Vị trí thường trực Ban Bí thư nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay đã chứng kiến đến bốn sự thay đổi về nhân sự.

trancamtu2

Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú

Ngày 25/10, Tổng bí thư Tô Lâm đã trao quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - giữ chức thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Nhiệm kỳ 2021-2026 đã chứng kiến tới nay là bốn lần thay đổi nhân sự vị trí thường trực Ban Bí thư cũng có nhiều lần thay đổi.
Ngày 5/2/2021, Bộ Chính trị phân công ông Võ Văn Thưởng giữ chức thường trực Ban Bí thư. Sau khi ông Thưởng được bầu lên làm chủ tịch nước vào 2/3/2023 thì bà Trương Thị Mai được chỉ định thay ông Thưởng ở vị trí thường trực Ban Bí thư.

Đến ngày 16/5/2024, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 9, bà Trương Thị Mai được cho thôi chức vì mắc khuyết điểm. Bộ Chính trị đã phân ông Lương Cường tham gia Ban Bí thư và giữ chức vụ thường trực Ban Bí thư thay cho bà Mai.

Ngày 21/10/2024, ông Lương Cường được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước. Vì vậy, Bộ Chính trị đã sớm triệu tập cuộc họp để đồng ý cho ông Cường thôi giữ chức thường trực Ban Bí thư và phân công một ủy viên Bộ Chính trị đảm đương trọng trách này.

Như vậy, ông Tú là người thứ tư sau ông Võ Văn Thưởng, bà Trương Thị Mai và ông Lương Cường giữ chức thường trực Ban bí thư trong khóa 13.
'Trường hợp đặc biệt' Trần Cẩm Tú

trancamtu3

Ông Trần Cẩm Tú là người thứ tư đảm nhận chức thường trực Ban Bí thư, sau ông Võ Văn Thưởng, bà Trương Thị Mai và ông Lương Cường

Thường trực Ban Bí thư là một chức vụ quan trọng, chỉ xếp sau Tứ Trụ, nên tiêu chuẩn đề ra cho chức danh này cũng có những điểm tương tự các chức danh trong Tứ Trụ.

Cụ thể, để làm thường trực Ban Bí thư thì theo Quy định 214 QĐ/TW năm 2020, ngoài các tiêu chuẩn chung về tư tưởng, đạo đức, trình độ thì cá nhân phải tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên.

Bên cạnh đó, Quy định 214 còn đặt tiêu chuẩn cho vị trí thường trực Ban Bí thư là "đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương".

Bộ Chính trị hiện tại là khóa đầu tiên mà ông Trần Cẩm Tú tham gia nên ông chưa thỏa mãn tiêu chí "tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên".
Tuy nhiên, Quy định 214 cũng nêu rằng Bộ Chính trị có quyền quyết "trường hợp đặc biệt" cho chức vụ này.

Phát biểu giao nhiệm vụ, Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao, đồng ý việc phân công ông Trần Cẩm Tú đảm nhiệm chức danh thường trực Ban Bí thư. Có thể thấy, dù ông Tú còn thiếu một số tiêu chuẩn theo Quy định 214 nhưng ông vẫn được phân công. Đây là do Bộ Chính trị đã áp dụng thuật ngữ vạn năng "trường hợp đặc biệt".

Không chỉ ông Trần Cẩm Tú, tân Chủ tịch nước Lương Cường cũng là người được Ban Chấp hành Trung ương xem xét trường hợp đặc biệt vì ông Cường cũng chưa làm trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị trở lên như yêu cầu đã đặt ra cho chức danh chủ tịch nước.

Trước đây, khi ông Lương Cường được Bộ Chính trị phân công làm thường trực Ban Bí thư thay cho bà Trương Thị Mai vào tháng 5/2024 thì ông cũng thuộc diện trường hợp đặc biệt, dù Đảng cộng sản Việt Nam không công khai chi tiết này.

Thông báo về việc điều động nhân sự của Bộ Chính trị còn cho thấy ông Trần Cẩm Tú sẽ kiêm nhiệm hai chức vụ Thường trực Ban Bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Như vậy, trường hợp của ông Tú kiêm nhiệm cả hai chức Thường trực Ban Bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương là tương tự ông Trần Quốc Vượng thời điểm giữa khóa 12.

Vào 2018, ông Vượng đang là chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì được Bộ Chính trị phân công giữ thêm chức thường trực Ban Bí thư thay cho ông Đinh Thế Huynh - người phải chữa bệnh dài hạn.

Có thể ông Tú sẽ giữ cả hai vị trí từ đây tới cuối nhiệm kỳ nhưng cũng có thể ông Tú được miễn nhiệm chức chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nếu vậy, Ban Chấp hành Trung ương phải triệu tập hội nghị để chọn người thay thế vì đây là chức danh do Trung ương Đảng bầu, không phải do Bộ Chính trị chỉ định.

Vì sao Trần Cẩm Tú ?

Thường trực Ban Bí thư là một vị trí quan trọng trong hệ thống của Đảng cộng sản Việt Nam, chính đảng đóng vai trò độc tôn lãnh đạo toàn diện đất nước.

Những người nắm giữ vị trí này có cơ hội lên đảm nhiệm những cương vị cao hơn trong bộ máy lãnh đạo đảng và nhà nước. Trong đó, ba trường hợp mới nhất là ông Trương Tấn Sang, Võ Văn Thưởng và Lương Cường, sau thời gian làm thường trực Ban Bí thư, đã thăng tiến lên làm chủ tịch nước.

Trong các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thường trực Ban Bí thư được xếp ngồi cùng với Tứ Trụ. Các cuộc họp lãnh đạo chủ chốt do Tổng bí thư chủ trì cũng thường có thường trực Ban Bí thư.

Thường trực Ban Bí thư phải thuộc Ban Bí thư. Ông Tú lại là một trong ba ủy viên Bộ Chính trị được phân công tham gia Ban Bí thư từ đầu khóa (tháng 4/2021) nên việc chọn ông cho vị trí này sẽ không gây quá nhiều xáo trộn.

Đặc biệt là khi đã có tiền lệ Trần Quốc Vượng, người giữ chức chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiêm luôn chức thường trực Ban Bí thư nên Bộ Chính trị phân công ông Tú là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, việc ông Trần Cẩm Tú - người quê ở Hà Tĩnh - được chọn làm thường trực Ban Bí thư cũng có thể là nỗ lực duy trì cân bằng quyền lực trong nhóm đảng viên cấp cao nhất, ở đây là trong Bộ Chính trị và Tứ Trụ.

Bộ Chính trị hiện tại có 15 ủy viên. Trong đó, sáu người có nền tảng từ Bộ Công an và bốn người từ quân đội.

Ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự của Đại học New South Wales (Úc), phân tích rằng tuy Bộ Chính trị có nhiều ủy viên đi lên từ Bộ Công an nhưng không có bằng chứng gì cho thấy những người này một lòng đoàn kết, bắt tay nhau dưới sự chỉ đạo của ông Tô Lâm.

Thay vào đó, ông Thayer gợi ý rằng Bộ Chính trị gồm các đại diện từ một số nhóm gồm : nhóm Hưng Yên, nhóm Nghệ An- Hà Tĩnh, nhóm miền Nam, nhóm quân đội và nhóm công an.

trancamtu4

Bộ Chính trị khóa 13 hiện có 15 ủy viên

Nếu xét dựa trên các nhóm mà Giáo sư Thayer gợi ý thì có thể thấy việc ông Trần Cẩm Tú được phân công làm thường trực Ban Bí thư là để tạo sự cân bằng giữa các nhóm khi mỗi nhóm đều có đại diện của mình ở năm vị trí chủ chốt của đảng và nhà nước.

Tổng bí thư Tô Lâm được cho là đại diện của nhóm công an và Hưng Yên ; Chủ tịch nước Lương Cường được cho là đại diện của quân đội ; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là một người có quê quán ở miền Nam ; ông Trần Cẩm Tú gốc gác Hà Tĩnh được xem là đại diện cho nhóm Nghệ An-Hà Tĩnh.
Bên cạnh đó, ông Tú là người có nhiều kinh nghiệm khi đã tham gia Trung ương Đảng bốn khóa, gồm khóa 10 (dự khuyết), 11, 12, 13 và là chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương hai khóa 12 và 13.

Ông còn là phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và là đại biểu Quốc hội khóa 15. Trong quá trình công tác, ông Tú từng làm bí thư tỉnh ủy Thái Bình, còn hầu hết thời gian ông đều công tác trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú

Báo chí đưa tin Bộ Chính trị "hoàn toàn tin tưởng ông Trần Cẩm Tú, một lãnh đạo cấp cao, đã được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, có chuyên môn sâu và nhiều kinh nghiệm công tác, đã kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng ở Trung ương và địa phương".

Đặc biệt, theo đánh giá của Bộ Chính trị, với cương vị chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Tú đã "cùng tập thể Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ việc mới, khó khăn, phức tạp, nghiêm trọng, góp phần quan trọng vào thành công của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua".

Ủy ban này còn có chức năng "đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc yêu cầu tổ chức và cá nhân có thẩm quyền thi hành kỷ luật, thay đổi hình thức kỷ luật và Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với đảng viên".

Việc xử lý cán bộ cấp lãnh đạo cao, gồm cả các ủy viên Bộ Chính, đều dựa trên báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Từ đầu năm 2024 đến nay, có tới năm ủy viên Bộ Chính trị, hai trong số này thuộc Tứ Trụ, đã phải xin thôi chức vì "vi phạm những điều đảng viên không được làm", theo báo cáo và kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Năm người này gồm : Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Phát biểu tại buổi lễ nhận nhiệm vụ mới, ông Trần Cẩm Tú trân trọng cảm ơn Tổng bí thư Tô Lâm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tin tưởng giao phó nhiệm vụ quan trọng của Đảng. Theo ông, đây là sự ghi nhận, động viên và cũng là yêu cầu đặt ra đối với cá nhân để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ông Trần Cẩm Tú nhấn mạnh "đây là vinh dự lớn lao, đồng thời là trách nhiệm nặng nề vào thời điểm cả nước đang tập trung nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng ; tích cực triển khai công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ 14 của Đảng, đại hội đánh dấu giai đoạn phát triển mới của đất nước, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", theo Thông tấn xã Việt Nam.

Ông Tú khẳng định "sẽ không ngừng nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các đồng chí đi trước để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của Đảng và nhân dân".

Ông Trần Cẩm Tú mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tổng bí thư Tô Lâm đề nghị ông Trần Cẩm Tú nhanh chóng tiếp cận và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của thường trực Ban Bí thư. Trước mắt, ông Tú sẽ tập trung chỉ đạo Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan hoàn thành tốt công tác chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ 14 của Đảng.

Nguồn : BBC, 25/10/2024

****************************

Ông Bùi Văn Cường bất ngờ thôi chức tổng thư ký Quốc hội

BBC, 25/10/2024

Ông Bùi Văn Cường, người vắng mặt bất thường trong thời gian qua, đã bất ngờ bị miễn nhiệm các chức vụ tại Quốc hội, nghỉ hưu sớm. Hiện ông vẫn còn chức ủy viên Trung ương Đảng.

trancamtu5

Ông Bùi Văn Cường vừa được miễn nhiệm chức vụ tổng thư ký Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15

Theo thông cáo của Văn phòng Quốc hội, tại phiên làm việc ngày 25/10 của kỳ họp 8 Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã biểu quyết về việc miễn nhiệm chức vụ tổng thư ký Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Bùi Văn Cường.

"Ông Bùi Văn Cường thôi giữ các chức vụ tổng thư ký Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ; thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 ; nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân và hưởng chế độ, chính sách theo quy định hiện hành," thông cáo của Quốc hội nêu.

Trước khi có thông tin chính thức từ Quốc hội, ông Cường đã vắng bóng một thời gian.

Đặc biệt, vào ngày 20/10, trong cuộc họp báo của tổng thư ký Quốc hội về nội dung dự kiến chương trình làm việc trong kỳ họp thứ 8, người chủ trì sự kiện là Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, trong khi đây vốn là công việc của Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Trước đó, vào ngày 19/5, tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 15, ông Cường là người chủ trì cuộc họp và phụ trách trả lời báo chí.

Ngược lại, ngày 20/10 vừa rồi, người trả lời các câu hỏi của báo chí về vấn đề nhân sự lại là bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Công tác đại biểu - chứ không phải ông Cường. Trong các hình ảnh và video về phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 ngày 21/10, ông Cường cũng không được trông thấy phát biểu hay ngồi trên bục Quốc hội như thường lệ.

Ông Bùi Văn Cường năm nay 59 tuổi - so với các lãnh đạo chủ chốt và cấp cao hiện nay (đa phần đã trên 65), thì ông còn khá trẻ và sự nghiệp vẫn có thể tiếp tục thăng tiến trong tương lai. Do đó, việc ông được thông báo "nghỉ hưu theo nguyện vọng" là điều bất ngờ.

Ông Cường là ủy viên Trung ương Đảng khóa 11 (dự khuyết), 12, 13 ; đại biểu Quốc hội khóa 13, 14, 15 ; tổng thư ký, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa 15.

Ông Bùi Văn Cường có bằng tiến sĩ kỹ thuật an toàn hàng hải, kỹ sư điều hành tàu biển, cử nhân Anh văn.

Ông từng kinh qua các chức vụ : phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, phó trưởng ban Dân vận, bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Năm 2019, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk và vào tháng 10/2020, ông tái đắc cử giữ chức vụ này cho nhiệm kỳ 2020-2025.

Đến tháng 1/2021, ông được bầu làm ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 và tháng 4 cùng năm, ông được Quốc hội khóa 15 bầu làm ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng thư ký Quốc hội kiêm chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho đến thời điểm miễn nhiệm.

Quốc hội khóa 15 đã có nhiều đại biểu bị cho thôi nhiệm, hiện Quốc hội chỉ còn khoảng 480 người, so với con số đầu khóa là 499 đại biểu.

Sau khi bị cho thôi các chức vụ tại Quốc hội, ông Bùi Văn Cường vẫn còn là ủy viên Trung ương Đảng. Việc cho thôi chức ủy viên Trung ương Đảng thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Từng bị 'bôi nhọ'

Ở thời điểm trước Đại hội 13 vào năm 2021, ông Bùi Văn Cường bị tố đạo văn luận án tiến sĩ, khi ông đang giữ chức bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Vào khoảng cuối tháng 8/2020, Tạp chí Môi trường và Xã hội đã đăng tải bài viết Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố "đạo" luận án, gian dối học thuật ? được cho là của tiến sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh).

Bài viết thuật lại nội dung đơn tố cáo rằng luận án tiến sĩ của Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường có ba chương nghiên cứu lý thuyết đã sao chép khoảng 70% các công trình được xuất bản trước đó nhưng lại không trích dẫn nguồn tài liệu và trích dẫn tài liệu ngụy tạo.

Ông Quý cho rằng đây là gian dối trong học thuật và viện dẫn, theo quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, ông Cường không đủ điều kiện bảo vệ luận án. Tuy nhiên, ông Cường vẫn được cấp bằng tiến sĩ.

Vụ tố đạo văn này đã làm Tiến sĩ Phạm Đình Quý và học trò ông Quý là võ sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn bị bắt.

Ngày 21/9/2020, Công an Đắk Lắk đã bắt võ sư - Tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn (sinh năm 1980, là học trò Tiến sĩ Quý), người đứng đơn tố cáo ông Cường đạo văn, khi người này đang trên đường từ nơi cư trú ở huyện Cư Kuin di chuyển xuống Khánh Hòa.

Chiều 30/9, Công an tỉnh Đắk Lắk đã thông báo "bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp" đối với ông Phạm Đình Quý về hành vi vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự.

Sau đó, nhiều người đã chỉ ra rằng luận án tiến sĩ của Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường đã bị xóa trên trang web của Viện Đào tạo sau Đại học - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Thời điểm đó, BBC ghi nhận rằng sau vụ Công an tỉnh Đắk Lắk bắt người khẩn cấp, luận án tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường với nhan đề tài Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt-bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng đã biến mất trên trang web của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Sau đó, luận án này đã xuất hiện lại.

trancamtu6

Tạp chí Môi trường và Xã hội năm 2020 đã bị Cục Báo chí xử phạt vì thông tin sai về bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường

Lúc bấy giờ, báo chí đã trích lời ông Bùi Văn Cường nói rằng có một "chiến dịch truyền thông" bôi nhọ cá nhân ông trước thềm Đại hội Đảng.

Theo ông Cường, chiến dịch bôi nhọ ông làm rất bài bản. Ban đầu, nhóm này làm blog, gửi email để phát tán thông tin bôi nhọ ; sau đó thuê "quân xanh" đứng tên trên đơn tố cáo ; thuê báo, tạp chí viết bài và cuối cùng thuê KOL (Facebook cá nhân có nhiều người theo dõi) trên mạng xã hội để làm "bão táp tin bẩn" bôi nhọ.

Ngày 19/10/2024, lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk dẫn kết luận của Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương về kết quả giải quyết đơn tố cáo đối với ông Bùi Văn Cường rằng ông Cường "không có hành vi đạo luận án tiến sĩ" sau nhiều tháng xem xét.

Cụ thể, ông "không đạo văn, không vi phạm nghiêm trọng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam năm 2018, không sử dụng văn bằng tiến sĩ không hợp pháp, không vi phạm quy định số 126 ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng".

Tuy nhiên, việc bắt giữ khẩn cấp Tiến sĩ Phạm Đình Quý và võ sư - Tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn thời điểm năm 2020 đã gây nhiều bức xúc trong dư luận với việc các luật sư, nhà báo đặt câu hỏi về hành vi của Công an tỉnh Đắk Lắk. Nhiều người cho rằng thời điểm đó chưa có cơ quan nào khẳng định việc tố cáo không có cơ sở, hoặc tố cáo sai sự thật nên công an bắt người là chưa hợp lý.

Chưa kể, xét trên góc độ pháp luật, tội vu khống là tội ít nghiêm trọng, trong khi việc tạm giam, bắt khẩn cấp chỉ áp dụng đối với bị cáo về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Ngày 2/10/2020, Công an tỉnh Đắk Lắk đã lên tiếng, nói rằng "Hoàng Minh Tuấn và Phạm Đình Quý đều đã khai nhận hành vi bàn bạc, thống nhất, có tổ chức thực hiện tội phạm, cố ý loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác".

"Đây là hoạt động có dấu hiệu hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, thông qua bôi nhọ, vu khống lãnh đạo cấp cao của Đảng trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp. Quá trình giải quyết vụ án đã được các cơ quan tố tụng tiến hành công tâm, khách quan, trên quan điểm "thượng tôn pháp luật".

Nguồn : BBC, 25/10/2024

Additional Info

  • Author RFA, VOA, BBC
Published in Việt Nam