Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vụ Trịnh Xuân Thanh và hai án lớn 'xử cận nhau' (BBC, 24/01/2018)

Bình luận việc ông Trịnh Xuân Thanh phải ra tòa một vụ khác sau hai ngày vụ xử trước vừa xong, một luật sư từ Việt Nam nói với BBC rằng "ít thấy các vụ án lớn được xếp lịch xử cận nhau như vậy".

txt1

Ông Trịnh Xuân Thanh bị tuyên án chung thân trong phiên xử hôm 22/1

Hai ngày sau khi bị tuyên án chung thân trong vụ án tại PVC, ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) lại tiếp tục bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử tội tham ô tài sản hôm 24/1.

Ra tòa cùng ông là các "đồng phạm" trong số đó có ông Đinh Mạnh Thắng, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty cổ phần đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà, em trai ông Đinh La Thăng.

Yêu cầu đặc biệt ?

Cáo buộc "tham ô tài sản" xảy ra trong vụ chuyển nhượng cổ phần bất động sản tại dự án Nam Đàn Plaza của Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).

Cáo trạng nêu ông Thanh và bảy bị cáo "chiếm đoạt 49 tỷ đồng tiền chênh lệch trong thương vụ này".

Riêng ông Thanh bị cáo buộc "tham ô 14 tỷ đồng".

Trả lời BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh hôm 24/01, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nói :

"Chắc chắn hai vụ án hình sự về tội danh "Cố ý làm trái…", "Tham ô tài sản" xảy ra tại PVN và PVC và vụ "Tham ô tài sản" tại PVP Land có khối lượng hồ sơ rất lớn".

"Tuy nhiên, hai vụ này lại được đưa ra xét xử cách nhau hai ngày là sẽ là áp lực rất lớn đối với bản thân các bị cáo và các luật sư bào chữa cho họ". "Tôi thật sự khâm phục các luật sư nào đã nhận tham gia cả hai vụ án này".

"Thông thường, chúng ta ít thấy các vụ án lớn được xếp lịch xét xử cận với nhau vậy. Rõ ràng đã có những yêu cầu đặc biệt tác động đối với lịch xét xử".

Trước đó, Jonathan Head, phóng viên BBC về Đông Nam Á bình luận về ông Thanh và phiên xử trước vừa kết thúc hôm đầu tuần :

"Một phiên tòa cấp cao tại Việt Nam xét xử hai quan chức cao cấp của công ty dầu khí quốc gia về tội tham nhũng được xem như là một nỗ lực của phe bảo thủ của Đảng Cộng sản nhằm khẳng định quyền lực của mình".

"Kể từ khi phe bảo thủ của đảng Cộng sản nắm quyền kiểm soát Bộ Chính trị tại đại hội Đảng cách đây hai năm, phe này đã để mắt đến các quan chức được cho rằng đã trở nên giàu có bất thường trong suốt nhiệm kỳ dài 10 năm của Thủ tướng đã bị loại (ousted) Nguyễn Tấn Dũng".

"Được công bố rộng rãi, phiên tòa cho thấy một cảnh tượng về những vị trước đây từng 'không ai chạm tới được' đang khóc lóc xin khoan hồng".

"Lãnh đạo Đảng đang sử dụng các phiên tòa này để bẻ gãy bất kỳ sự phản đối tiềm ẩn nào từ những người thân cận ông Dũng, đồng thời để cho công chúng biết rằng họ nghiêm túc trong việc chống nạn tham nhũng", phóng viên Jonathan Head viết trong bài hôm 22/01 trên trang BBC News bằng tiếng Anh.

Theo báo InfoNet của Bộ Thông tin và truyền thông, ngoài mức án chung thân trong vụ án tại PVC, ông Thanh còn bị buộc bồi thường 34,3 tỷ đồng "đã chiếm đoạt và làm thất thoát".

*************************

Trịnh Xuân Thanh sẽ thoát án tử và được ‘trả lại’ Đức ? (CaliToday, 23/01/2018)

Phiên tòa "Thăng – Thanh" vào tháng đầu tiên của năm 2018 đã kết thúc với cái kết không đến nỗi quá tệ đối với Trịnh Xuân Thanh : chung thân chứ không phải tử hình, dù trước đó nhiều đồn đoán cho rằng Thanh sẽ phải nhận án tử ở ngay phiên tòa đầu tiên. Cũng bởi thế Trịnh Xuân Thanh – tuy nằm trong trại B14 của Bộ Công an nhưng có lẽ cảm nhận được tình thế đối ngoại không đến nỗi bế tắc – đang lóe lên một tia hy vọng rằng trong những tháng hoặc những năm tới, ông ta có thể được nhà cầm quyền Việt Nam "trao trả" cho phía Đức.

https://youtu.be/Rp801N5tyVQ

Thoibao.de – một trang tin của người Việt ở Đức, dẫn nhận định của Hãng thông tấn Đức DPA cho rằng, với khéo léo ngoại giao cũng có thể sẽ đạt được điều như sau, ông Thanh [ngồi tù] trong một vài năm thực sự có thể quay trở lại Berlin – mặc dù ông bị kết án tù chung thân. Do đó người ta có thể hiểu được, thay vì chỉ trích, Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin đã tuyên bố : "Những quan sát mà chúng tôi nhận được từ trong phòng [dành cho báo chí theo dõi phiên tòa qua màn hình] thì phần lớn phù hợp với nhà nước pháp quyền, [theo nghĩa thực hiện đúng] những gì mà được ấn định trong Bộ luật hình sự Việt Nam"…

Thái độ có vẻ mềm mại trên của Bộ Ngoại giao Đức là khác hẳn với sự cứng rắn trước đó khi nước này tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017, đồng thời củng cố thêm một giả thiết trước đó cho rằng có thể Tổng bí thư Trọng đã tìm cách hứa hẹn gì đó với người Đức để "vừa giải quyết đối nội vừa không phải trả giá đối ngoại".

txt2

Trịnh Xuân Thanh (giữa) bị dẫn ra tòa ở Hà Nội hôm 22/1/2018. Ảnh : AP

Vào cuối tháng 11/2017, 4 tháng kể từ khi vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" kéo theo cuộc khủng hoảng Đức – Việt, một tín hiệu đầu tiên về khả năng Hà Nội có thể nhượng bộ Berlin mới hiện ra. Theo đó, VOA tiếng Việt cho biết phía Đức đã phản hồi sau khi Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng muốn "khẩn trương" xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh. Một nguồn tin không muốn nêu tên trong Bộ Ngoại giao Đức nói rằng chính quyền Berlin "hiện vẫn trao đổi với chính phủ Việt Nam" về vụ ông Thanh. Khi được hỏi phía Hà Nội đã hồi đáp như thế nào trước các đề nghị Berlin đưa ra hồi tháng Chín, trong đó có yêu cầu Việt Nam xin lỗi và cam kết không lặp lại việc vi phạm pháp luật của Đức, nguồn tin ngoại giao này nói : "Việt Nam biết cần phải làm gì để sửa chữa thiệt hại đã gây ra và để từng bước đưa mối bang giao song phương trở lại quan hệ đối tác chiến lược"…

Kể từ tháng 10/2017 khi tạo nên cơn động đất khi đột ngột tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, đó là lần đầu tiên người Đức – dù chỉ là gián tiếp mà chưa có một thông báo chính thức nào – hé ra ý có thể phục hồi mối quan hệ này, do đó cũng mang lại một tia hy vọng cho giới chóp bu Việt Nam bị cáo buộc đã dùng lực lượng mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào cuối tháng 7/2017.

Bản án chung thân đối với Trịnh Xuân Thanh, cho dù ông Trọng hoàn toàn có quyền "tử hình" nhân vật này, cho thấy một khả năng đang dần lộ rõ : nhằm vớt vát thể diện trước người Đức, phục hồi quan hệ đối tác chiến lược với nước này và quan trọng không kém là nhằm vận động quốc hội các nước Châu Âu bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA), Tổng bí thư Trọng đã tìm cách "cam kết" với Đức một vấn đề quan trọng nào đó.

Vấn đề đó là gì mà đã khiến người Đức tạm nguôi cơn giận dữ ?

Chỉ có thể là chiếu theo yêu cầu bất di bất dịch của Nhà nước Đức về việc Việt Nam phải trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức, nhưng không hẳn để Đức làm thủ tục tị nạn chính trị cho Thanh, mà rất có thể chỉ làm động tác trục xuất cho đúng với thể thức một nhà nước pháp quyền. Còn trục xuất đi đâu, về Việt Nam hay sang một nước thứ ba nào đó thì chưa biết.

Hẳn đó là lý do để ông Trọng tự tin giữ riệt Trịnh Xuân Thanh, không chịu trả trước khi xử án, mà chỉ có thể trả lại sau khi Thanh đã hoàn tất các phiên tòa, kể cả một phiên tòa nữa sẽ được xét xử vào tháng Giêng năm 2018. Khi đó, Trịnh Xuân Thanh sẽ hết "giá trị sử dụng", còn Tổng bí thư Trọng cũng sẽ vớt vát được "thể diện" của ông và nhìn về tương lai EVFTA.

Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang Châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.

EVFTA, mặc dù đã được hoàn tất đàm phán từ cuối năm 2015, nhưng còn phải trải qua thủ tục ký và bỏ phiếu, phê chuẩn ở nghị viện các nước Châu Âu. Có đến 27 nước như vậy, mà chỉ cần một nước không đồng ý thì EVFTA coi như không thành và Việt Nam cũng "mất cả chì lẫn chài".

Ngay trước mắt, Đức là nước đang có nhiều lý do đủ thuyết phục nhất để bỏ phiếu phủ quyết đối với EVFTA.

Vừa khai thác triệt để Trịnh Xuân Thanh nhằm "xử lý nội bộ", vừa cù cưa, câu kéo vụ Trịnh Xuân Thanh để vận động Châu Âu sớm thông qua EVFTA có thể đang là chiến thuật được Tổng bí thư Trọng tâm đắc.

Thiền Lâm

********************

Trần Bắc Hà ‘đi chữa bệnh’ nhưng sao không có hình ảnh ? (CaliToday, 23/01/2018)

Khoảng trống mà cựu chủ tịch Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà để lại ở phiên tòa xử Phạm Công Danh – Trầm Bê vào tháng 1/2018 ngày càng bao trùm bí ẩn.

Dấu hỏi rất lớn đang được đặt ra là tại sao người đại diện của ông Trần Bắc Hà đã nộp giấy tờ chứng minh ông Hà đang chữa bệnh tại Singapore, đã phẫu thuật vào này 15/1/2018, Hội đồng xét xử đã có vẻ chấp nhận động tác này, nhưng vẫn không có bất cứ hình ảnh nào được công bố cho công luận và báo chí để chứng minh ông Trần Bắc Hà thực sự đang nằm trên giường bệnh ở Singapore ?

Những "triệu chứng" về bệnh nhân Trần Bắc Hà đang khá giống với một trường hợp nổi đình nổi đám vào cuối năm 2014 : Trưởng ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh.

Từ giữa năm 2014, ông Nguyễn Bá Thanh bất ngờ vướng phải một căn bệnh nan y và đã phải đi Mỹ điều trị. Tuy nhiên vào thời gian đó, và tuân theo một căn bệnh truyền thống quá khó chữa, Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trung ương cùng Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam đã không hề có bất kỳ thông tin nào cho câu hỏi của giới cán bộ về hưu về tình trạng của nhân vật "bắt liền hốt liền" này. Chỉ đến những tháng cuối năm 2014, một trang mạng bất ngờ gây đình đám và cực kỳ nguy hiểm đối với một bộ phận chóp bu Việt Nam – trang Chân Dung Quyền Lực – đã bất ngờ công bố nhiều hình ảnh và tài liệu y khoa về bệnh nhân Nguyễn Bá Thanh trong bệnh viện Mỹ, cùng căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, gây nên một cơn bão dư luận ghê gớm và lôi kéo cả những ông xem ôm, bà bán thịt hồi hộp theo dõi số phận của nhân vật gần đất xa trời này.

Cực chẳng đã, cuối cùng "trung ương" đành phải đưa ông Nguyễn Bá Thanh về nước, nhưng lại theo cách nửa kín nửa hở, đặc biệt không có hình ảnh mà chỉ tường thuật lời ông Thanh qua một người trung gian như "tau khỏe mà, có chi mô"…

Chỉ vài tháng sau phát ngôn bất hủ trên, Nguyễn Bá Thanh chính thức qua đời, tạm khép lại một bộ hồ sơ chính trị nội bộ gây quá nhiều nghi ngờ trong lòng công luận.

Giờ đây, công luận cũng đang nghi ngờ, và trên thực tế có quyền nghi ngờ, về trường hợp "không không thấy" của ông Trần Bắc Hà.

Trước khi ông Trần Bắc Hà "phẫu thuật" ở Singapore, vào ngày 13/1 báo Tuổi Trẻ Online đã xác minh rằng theo cơ sở dữ liệu của cơ quan chức năng Việt Nam, ông Trần Bắc Hà đang có mặt tại Việt Nam. Theo nguồn tin này, dữ liệu quản lý của cơ quan chức năng cho thấy lần cuối cùng ông Trần Bắc Hà làm thủ tục xuất – nhập cảnh là tại cửa khẩu Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum – giáp ranh với Lào) vào đầu tháng 11-2017. Từ đó đến nay, dữ liệu chưa ghi nhận ông Trần Bắc Hà làm thủ tục xuất cảnh ra nước ngoài. Nói cách khác, nguồn tin từ cơ quan chức năng cho thấy ông chưa xuất cảnh.

Mới đây, trang điện tử Zing.vn lại tung ra một điều tra riêng, cho thấy bản chụp hộ chiếu được hợp pháp hóa lãnh sự cho thấy ông Trần Bắc Hà đã dùng hộ chiếu được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse (Lào) cấp vào tháng 11/2017. Tại một trang hộ chiếu cho thấy ngày 7/12/2017, ông Trần Bắc Hà xuất cảnh rồi sau đó nhập cảnh vào ngay cửa khẩu La Lay từ Quảng Trị qua tỉnh Salavan (Lào). Trong thời gian cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, ông Trần Bắc Hà đi lại giữa Thái Lan và Lào bằng đường bộ thông qua cửa khẩu Vang Tao. Ngày 7/1, ông Trần Bắc Hà tiếp tục đi qua cửa khẩu Vang Tao qua Thái Lan, rồi từ đó đáp chuyến bay từ Bangkok đi Singapore… 

txt3

Ảnh : Zing.vn

Như vậy, một khả năng lớn là ông Trần Bắc Hà đã từ Lào qua Thái Lan và bay đến Singapore.

Tại sao phải đi một đường lòng vòng quá mất công như thế, trong khi từ Hà Nội chỉ mất hơn một giờ đồng hồ lại đáp xuống sân bay Singapore ?

Lào – Thái Lan – Singapore lại là lộ trình rất có thể được thực hiện bởi Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ – tức đại gia Vũ "Nhôm", vào những này cuối năm 2017 khi nhân vật này chính thức "ra đi tìm đường cứu nước".

Ngày càng lộ ra mâu thuẫn lớn giữa lời giải trình của người đại diện của ông Trần Bắc Hà với thực tế Trần Bắc Hà chưa xuất cảnh khỏi Việt Nam từ tháng 11/2017, hoặc Trần Bắc Hà quả thực đã xuất cảnh nhưng "không biết đi đâu". Trong trường hợp đó, một sự thật "kinh khủng" đang xảy đến là hoặc ông Trần Bắc Hà đã xuất cảnh lậu sang Singapore không phải để chữa bệnh mà đã cao chạy xa bay, hoặc ông Hà vẫn còn nguyên trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không ai biết ông ở đâu.

Nếu quả thực Trần Bắc Hà vẫn còn ở Việt Nam, tại sao ông ta không lên tiếng, không trả lời cho tòa án ? Phải chăng đây là thái độ cố ý "lánh mặt" – từ ngữ nhẹ nhàng chỉ sự vắng mặt cố ý của ông Trần Bắc Hà, nếu không nói là hành động trốn tránh ? Cơ quan hay những cá nhân nào đã giúp ông Trần Bắc Hà ẩn nấp ở một chỗ nào đó trong lãnh thổ Việt Nam ?

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà vào những ngày này đang lao xao tin đồn về "sắp bắt Trần Bắc Hà".

Trần Bắc Hà không chỉ là một đại gia mà còn là một chính trị gia – hiểu theo một cách nào đó, và đương nhiên đã biết được không ít tin tức cung đình, đặc biệt những tin tức liên quan đến an nguy của mình. Rất có thể trong thời gian gần đây và đặc biệt sau khi Đinh La Thăng bị bắt, ông Hà đã nắm được một nguy hiểm nào đó sẽ xảy đến với mình.

Hay ông Hà đã bị bắt nhưng chưa được công bố ?

************************

Ai đã 'đánh cắp' cảng Quy Nhơn ? (Người Lao Động, 24/01/2018)

Làm sao lấy lại được cảng Quy Nhơn sau khi được cổ phần hóa chớp nhoáng, bán cho tư nhân giá rẻ mạt - là câu hỏi đau đáu của người dân.

txt4

Tiến hành cổ phần hóa và thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn đã diễn ra nhanh đến bất thường. Kết quả cuối cùng là toàn bộ tài sản của cảng biển chiến lược ở miền Trung rơi vào tay một doanh nghiệp với giá chỉ vài trăm tỉ đồng.

Việc cổ phần hóa diễn ra rất bất thường, đến nỗi người dân Quy Nhơn - Bình Định cho rằng cảng Quy Nhơn đã bị "đánh cắp" bởi một nhóm lợi ích mà nhiều người ở thành phố biển này biết rất rõ họ là những ai.

Cảng Quy Nhơn trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) - Bộ Giao thông vận tải nhưng vì sao tháng 7-2015, khi đang giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, ông Nguyễn Văn Thiện lại có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải khẩn trương bán phần vốn còn lại cho "nhà đầu tư chiến lược" để tạo nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, mở rộng cảng (?).

Cũng vì văn bản này mà ngày 25/5/2017, Ban Bí thư đã có quyết định kỷ luật ông Nguyễn Văn Thiện với hình thức Cảnh cáo vì đã ký văn bản không thông qua tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Vì sao việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn không thuộc trách nhiệm của tỉnh Bình Định nhưng bí thư Thiện lại sốt sắng đến vậy ? Đó cũng là lý do vì sao Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc. Đó cũng là lý do vì sao cuối tháng 7-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai trong việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.

Câu hỏi này sẽ được làm sáng tỏ trong nay mai.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra đã cho thấy có dấu hiệu lợi ích nhóm trong việc bán cảng Quy Nhơn, khi mà "ai đó" đã ép cán bộ - công nhân cảng Quy Nhơn phải ký một lá đơn gửi Thủ tướng Chính phủ với nội dung khẳng định việc cổ phần hóa, thoái vốn ở cảng biển này là đúng pháp luật và rõ ràng !

Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại 1, có cơ sở hạ tầng rất quy mô. Theo nhiều chuyên gia, riêng cầu tàu tiếp nhận được tàu 50.000 tấn vốn xây dựng phải hơn 1.000 tỉ đồng. Cảng còn có 165 phương tiện, thiết bị chuyên dùng trị giá hàng trăm tỉ đồng. Nếu tính riêng cần cẩu bờ di động sức nâng 100 tấn có giá trên 150 tỉ đồng. Đó là chưa kể kho bãi, đất đai thuộc cảng rất lớn. Với khối tài sản đồ sộ như vậy nhưng trước khi cổ phần hóa, cảng Quy Nhơn chỉ được định giá hơn 404 tỉ đồng.

Tháng 9-2013, cảng Quy Nhơn tổ chức bán đấu giá thành công, bán ra 10% vốn điều lệ cho cổ đông tự do, tương đương 4,04 triệu cổ phần. Ngoài ra, còn bán 4,04 triệu cổ phần khác cho "nhà đầu tư chiến lược" là Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (Hà Nội). Sau nhiều lần Vinalines chuyển nhượng, Hợp Thành nắm giữ đến 86,23% cổ phần với tổng trị giá chỉ 440 tỉ đồng.

Điều đáng nói là trước khi chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Hợp Thành trong đợt 2 và đợt 3, giữa năm 2015, lãnh đạo cảng Quy Nhơn có văn bản gửi Vinalines và Bộ Giao thông vận tải đề nghị giữ lại 51% phần vốn nhà nước nhưng không được xem xét. Và tất nhiên, cảng Quy Nhơn ngay lập tức bị nuốt trọn !

Vì sao một cảng lớn như vậy, thoắt một cái đã trở thành cảng của tư nhân với giá bèo đến thế ? Vì sao và ai phải chịu trách nhiệm cổ phần hóa cảng này khuất tất, để tài sản của nhà nước chạy vào tay tư nhân với giá như cho ? Và còn rất nhiều câu hỏi khác…

Làm sao lấy lại được cảng Quy Nhơn sau khi đã cổ phần hóa là một câu hỏi đau đáu không chỉ với dân Bình Định mà là của cả nước. "Cái gì của Caesar phải trả về cho Caesar", tài sản của nhà nước phải trả lại cho dân cho nước.

Nhưng trước hết phải vạch mặt cho được nhóm lợi ích đã tìm mọi cách "đánh cắp" cảng Quy Nhơn, lôi ra ánh sáng...

Lưu Nhi Dũ

*************

"Người đổ vỏ" Ngô Văn Tuấn bị miễn nhiệm chức vụ cuối cùng (CaliToday, 24/01/2018)

Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức kỳ họp bất thường để bãi nhiệm chức danh đại biểu Hội đồng nhân dân đối với ông Ngô Văn Tuấn trong nhiệm kỳ 2016-2021. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam, ông Ngô Văn Tuấn đã "nâng đỡ không trong sáng" đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh.

txt5

"Người đổ vỏ" Ngô Văn Tuấn. Ảnh : Internet

Theo truyền thông trong nước cho biết, sáng ngày 24/1 kỳ họp bất thường Hội đồng nhân dân chỉ mời 95 đại biểu, ngoài ra, phóng viên không được phép tham dự.

Tại phiên họp, 90/91 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã bỏ phiếu thống nhất miễn nhiệm tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân đối với ông Ngô Văn Tuấn. Phiên họp diễn ra nhanh chóng, gần 9 giờ sáng đã kết thúc.

Cũng trong sáng 24/1, ông Ngô Văn Tuấn đã không có mặt tại phiên họp xử lý mình.

Sau khi kỳ họp kết thúc, phóng viên báo chí dù cố gắng tiếp xúc các ông Trịnh Văn Chiến-Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa nhưng không nhận được câu trả lời.

Việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân chỉ mang tính thủ tục, vì trước đó, vào ngày 18/1, ông Nguyễn Xuân Phúc-thủ tướng cộng sản Việt Nam đã ký quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đối với ông Ngô Văn Tuấn. Quyết định này được đưa ra sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương và ông Tuấn đã bị cách chức mọi chức vụ trong đảng. Ông Tuấn không còn là Tỉnh ủy viên tỉnh Thanh Hóa nữa.

Ông Ngô Văn Tuấn (sinh năm 1966) cho đến nay không còn bất cứ chức vụ nào và số phận của ông cũng sẽ giống như Nguyễn Xuân Anh (cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng), nghĩa là sẽ phải về hưu non, do không được điều chuyển đến nơi khác làm việc theo quy định mới mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới ban hành gần đây.

Ông Ngô Văn Tuấn được coi là "người đổ vỏ" cho ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, vì cô Trần Vũ Quỳnh Anh là vợ bé của ông Chiến và có với ông này hai người con. Từ một nhân viên hợp đồng, cô Trần Vũ Quỳnh Anh đã dùng nhan sắc để tiến thân. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, cô Quỳnh Anh đã trở thành trưởng phòng Nhà đất và thị trường Bất động sản của Sở Xây dựng. Lúc này, ông Ngô Văn Tuấn chính là giám đốc sở.

Ông Chiến mới đích thị là người "nâng đỡ không trong sáng" cô Trần Vũ Quỳnh Anh thông qua ông Ngô Văn Tuấn. Từ sau Đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII, nội bộ đảng cộng sản Việt Nam có những xáo trộn lớn, một cuộc thanh trừng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đích thân cầm đầu đã khiến rất nhiều lãnh đạo cao cấp phải điêu đứng, trong đó ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị đã phải vào tù. Ông Trịnh Văn Chiến cũng nằm trong số bị đưa vào lò. Tuy nhiên, không rõ bằng cách nào, dù với rất nhiều tai tiếng nhưng ông Trịnh Văn Chiến lại bình chân như vại, tiếp tục ngồi chiếc ghế Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Thay vào đó, người phải chịu trận cho ông là Ngô Văn Tuấn, phó Chủ tịch tỉnh.

txt6

"Kẻ ăn ốc" Trịnh Văn Chiến. Ảnh : Internet

Còn cô Trần Vũ Quỳnh Anh, sau khi những tai tiếng bị phanh phui, báo chí, truyền thông trong nước cũng như hải ngoại đưa tin, cô đã nhanh chóng sắp xếp tẩu tán tài sản cùng với hai người con sang New Zealand định cư.

Người Quan Sát

Published in Việt Nam