Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Từ chủ trương tới thực hiện còn xa vời

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030.

glasgow1

Bức ảnh này được chụp vào ngày 12 tháng 3 năm 2013 cho thấy một nhóm người dân tộc thiểu số Ê Đê đang trồng sắn trên một ngọn đồi bị phá rừng ở tỉnh Đăk Lăk. AFP

Mục tiêu của kế hoạch là quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên và không làm mất rừng và suy thoái đất. Cụ thể đến năm 2025 phải giữ được diện tích rừng tự nhiên hiện có ; hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác ; hạn chế tình trạng suy thoái rừng và suy thoái đất. Đến năm 2030, đẩy lùi tình trạng mất rừng, suy thoái tài nguyên rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa, bảo đảm hài hòa phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, nhận định hiện trạng rừng cũng như chủ trương của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này :

"Theo tôi, bây giờ Chính phủ đã nhận thức được vai trò rất quan trọng của rừng trong việc bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ môi trường và chống lại biến đổi khí hậu, cho nên Chính phủ có ra những chính sách để phát triển rừng. Theo tôi, đây là một chính sách đúng đắn. Tuy nhiên, từ chính sách tới triển khai trong thực tế có một số điều không như mong muốn.

Thứ nhất là diện tích để trồng lại rừng không còn nhiều bởi vì trong thời gian qua đã khai hoang rừng để chuyển thành những khu trồng cây công nghiệp, cây cao su, cây cà phê hoặc biến thành khu dân cư. Bây giờ diện tích đất để trồng rừng rất khó khăn. Thứ hai, những nơi có đất để trồng rừng thì rừng trồng không thể nào giống như rừng nguyên sinh hay rừng tự nhiên trước đó được, nên chất lượng rừng trồng nó cũng là một vấn đề. Thứ ba, việc trồng rừng đã khó, việc giữ cho cây rừng sống lại là một khó khăn khác".

Tại phiên họp "Sáng kiến về Rừng và sử dụng đất" do Thủ tướng Vương quốc Anh chủ trì diễn ra ngày 2 tháng 11 năm 2021 nhằm công bố Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất ; Thủ tướng Vương quốc Anh lúc đó là ông Boris Johnson nói rằng : "Chúng ta không thể đối phó với sự mất mát nghiêm trọng của môi trường sống và các loài mà không giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, và chúng ta không thể ứng phó với biến đổi khí hậu mà không bảo vệ môi trường tự nhiên của chúng ta và tôn trọng quyền của người dân bản địa.

Chúng ta phải hành động ngay bây giờ và chấm dứt vai trò của loài người với tư cách là người chinh phục thiên nhiên, và thay vào đó trở thành người bảo vệ thiên nhiên. Và không có nhiệm vụ nào cấp bách hơn để hoàn thành sứ mệnh này là ngăn chặn sự tàn phá của những khu rừng của chúng ta. Vì vậy, nếu chúng ta muốn giữ mục tiêu không tăng quá 1,5 độ C, chúng ta phải bảo vệ và phục hồi các khu rừng trên thế giới. Và tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được".

Nội dung chính của Tuyên bố Glasgow tập trung vào vai trò và mối tương quan giữa rừng, đa dạng sinh học và sử dụng đất bền vững. Tuyên bố gồm sáu lĩnh vực hành động, trong đó có việc bảo tồn và đẩy nhanh quá trình phục hồi rừng và các hệ sinh thái trên cạn ; thực hiện các chính sách thương mại, phát triển, sản xuất và tiêu dùng hàng hóa bền vững không làm mất rừng và suy thoái đất ; giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của rừng và đất ; khẳng định lại các cam kết tài chính quốc tế, tăng đóng góp tài chính từ nhiều nguồn khác nhau để phát triển nông nghiệp và quản lý rừng bền vững, bảo tồn và phục hồi rừng, hỗ trợ cho người dân và cộng đồng địa phương.

105 quốc gia chịu trách nhiệm về hơn 85% diện tích rừng trên thế giới đã đưa ra cam kết cùng nhau ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng và suy thoái đất vào năm 2030. Việt Nam với đại diện là Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng cam kết.

Tuy các quốc gia cam kết cùng nỗ lực thực hiện Tuyên bố Glasgow, nhưng mỗi quốc gia có thể lựa chọn lĩnh vực hành động phù hợp với bối cảnh cụ thể của mỗi quốc gia. Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu quan điểm của ông với RFA về việc triển khai Tuyên bố theo quyết định do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký :

"Việt Nam về mặt tinh thần mà nói thì rất ủng hộ việc bảo vệ rừng và chống biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng là nước hiện nay đang thực hiện chương trình của Ngân hàng Thế giới về thương mại carbon, và cũng là một trong những nước tích cực trong việc thụ hưởng những lợi ích của những nước phát thải nhiều. Việt Nam cũng đã được sử dụng một số tiền nhất định từ chương trình của Ngân hàng Thế giới. Thế nhưng mà cái câu chuyện bảo vệ rừng ở Việt Nam vẫn còn nhiều cái gọi là khuyết tật.

Phải nói rằng, sự suy giảm rừng tự nhiên ở Việt Nam hiện đang ở con số báo động. Chính vì vậy, Việt Nam phải rất nghiêm khắc trong việc giữa nguyên rừng tự nhiên không để suy giảm ; rồi trồng cây gây rừng nhiều hơn…

Tất cả những cái đấy chủ trương của Chính phủ thì rất rõ nhưng thực tế ở các địa phương thì câu chuyện lợi ích từ việc phá rừng nó vẫn là do trên thực tế không thi hành đúng chủ trương của Chính phủ".

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, việc để mất rừng tự nhiên vì yếu kém quản lý hay vì lợi ích tư nhân có thể ghép vào hành vi lãng phí, tham nhũng với tổng giá trị thất thoát bằng giá trị rừng đã mất cộng với giá trị thiệt hại bởi tai biến thiên nhiên do mất rừng gây ra.

Để bảo vệ rừng tự nhiên thì ngoài ý thức của người dân bản địa, mức hỗ trợ của chính phủ dành cho họ cũng là một yếu tố ngăn họ phá rừng để làm nơi ở hay nơi kinh doanh, buôn bán. Đó là lý do Bộ Tài chính ban hành Thông tư 21/2023/TT-BTC tháng 4 vừa qua, quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, trong đó quy định về mức hỗ trợ hoạt động bảo vệ rừng. Theo đó, mức hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm các khu rừng đặc dụng 40 triệu đồng/thôn, bản/năm. Mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân 300.000 đồng/ha/năm.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất quy định phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết hình thành nhóm hộ. Theo đó, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc nhóm hộ tự nguyện xây dựng phương án quản lý rừng bền vững thì chủ rừng hoặc đại diện nhóm hộ tự phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững đối với trường hợp không tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Nguồn : RFA, 28/08/2023

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam