Nghị định số 06/2023/NĐ-CP vừa ban hành quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Theo đó, từ ngày 1/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.
"Kiểm định" gắt, tìm người giỏi ?
Nghị định 06 còn nêu rõ, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức sẽ áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khi trả lời RFA về vấn đề này, nhận định :
"Chủ trương của Nhà nước là sẽ rà soát lại các đối tượng, mà trước đây do lý do nào đó đã tuyển dụng không đúng tiêu chuẩn, hay có tiêu cực chạy chức chạy quyền, thân quen. Trên cơ sở xác minh chứng cứ, nhà nước sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chứ không để tình trạng tồn tại, để cho dư luận phản ứng".
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân khi trả lời phiên chất vấn tại quốc hội liên quan những sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ, từng nhìn nhận : "Tôi biết có những đồng chí sai phạm trong tuyển dụng hiện là cán bộ cấp cao. Thế nên việc xử lý vấn đề này hết sức nhạy cảm và phải theo từng tình huống cho phù hợp".
Trước đó, báo Nhà nước khi đăng tải thông tin điều tra vụ án Trường Đại học Đông Đô cấp hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả, cho biết, cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều cán bộ công chức nhà nước cũng đã tham gia mua bằng giả. Đáng chú ý, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ.
Cũng cách đây vài năm câu chuyện về "công chức dốt, con ông cháu cha" được truyền thông Nhà nước bình luận khá sôi nổi. Lúc bấy giờ, một giám đốc đài truyền hình từng tuyên bố trên tờ Giao thông rằng nguyên nhân của những bất cập "biên chế nhiều nhưng người làm được việc quá ít" là do khâu tuyển chọn đầu vào quá thấp. Vậy với tiêu chuẩn "kiểm định" của năm 2023/2024 cao hơn nhiều thì việc công chức đạt chất lượng sẽ tăng ?
Nhìn nhận về việc "kiểm định" công chức, nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang cho RFA biết :
"Lâu nay trong việc tuyển dụng cán bộ công nhân viên trong khối Nhà nước có sự bất công, những người có năng lực tâm huyết thì chưa chắc đã được nhận vào làm. Nhưng con ông cháu cha, những người lo lót mua việc bằng tiền… những người này không phải vào để lãnh đồng lương ba đồng ba cọc, mà họ phải tìm mọi cách nhũng nhiễu, tham nhũng đục khoét của ngân sách, của đồng bào…".
Không chỉ công tác tuyển dụng công chức có vấn đề, việc giữ chân công chức có khả năng làm việc trong bộ máy Nhà nước cũng không hiệu quả. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Việt Nam, từ tháng 4/2020 đến tháng 10/2022 có gần 40 ngàn cán bộ công chức bỏ việc chuyển sang khu vực tư nhân. Mặc dù vậy, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khi trả lời báo nhà nước lại nhìn nhận đó là chuyện ‘hết sức bình thường’ trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay.
Tuy nhiên, nhà báo Võ Văn Tạo lại cho rằng câu ‘bình thường’ là câu cửa miệng, khi xảy ra chuyện gì ‘không bình thường’ thì thông thường các quan chức Nhà nước luôn lấp liếm là nó ‘bình thường’…Với quan điểm của ông Tạo, đó là việc không bình thường chút nào.
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng đa phần những người bỏ việc nhà nước là những người có năng lực nhưng không được sử dụng đúng mức. Ông dẫn chứng rằng thực tế đã có rất nhiều chuyên gia giỏi đi đào tạo nước ngoài, sau khi về nước, họ không chịu được cách làm việc, đã phải nghỉ. Hoặc có những người đủ năng lực, có phẩm chất, có liêm sỉ đã không chịu được môi trường không trong lành tại các cơ quan nhà nước, cuối cùng cũng phải rời đi. Ông Tạo đưa thêm dẫn chứng khác :
"Một số khác là do đồng lương quá thấp, không đủ sống… xin nghỉ ra ngoài để có thể sống được. Ví dụ như hầu hết lương Nhà nước cho kỹ sư ra trường chỉ vài ba triệu, trong khi người giúp việc ở tỉnh lẻ như Nha Trang đã năm triệu, còn Sài Gòn hay Hà Nội thì bảy tám triệu, thậm chí 10 triệu một tháng. Để lương như thế thì làm sao giữ được người làm việc".
Chỉ riêng tại Văn phòng Chính phủ, theo con số thống kê của truyền thông nhà nước, trong năm 2022 đã có 89 công chức, viên chức thôi việc.
Hay, tìm người trung thành ?
Từ Hà Nội Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên cộng sản cao niên đã từ bỏ đảng, nói với RFA rằng, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là vì Chủ nghĩa cộng sản, Chủ nghĩa Mác Lê Nin không thích hợp nữa, thế nhưng đảng cộng sản Việt Nam vẫn dựa vô học thuyết này để vạch ra các đường lối, trong đó có đường lối tuyển dụng cán bộ. Do đó, ông nói tiếp :
"Họ độc quyền, độc đoán theo cách đảng cử dân bầu, đảng đưa ra cho dân, bắt dân phải bầu cho những con người ấy, chứ dân không có quyền tự do lựa chọn. Hơn nữa, đảng cộng sản Việt Nam chỉ muốn dùng những cán bộ trung thành với họ, những cán bộ một lòng một dạ đi theo đường lối Mác Lê Nin, chứ những người có tài có đức, tinh hoa của dân tộc, thì đảng cộng sản tìm cách loại bỏ, vì những người ấy không bao giờ chịu trung thành với đường lối Mác Lê Nin. Họ sẽ phản biện và người ta tìm đủ mọi cách loại bỏ họ, triệt hạ họ".
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, những điều ông vừa nêu trong lịch sử đã có xảy ra rõ ràng và rất nhiều lần, như trường hợp Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Trần Độ… hay những nhà khoa học của Việt Nam Cộng Hòa ở lại như Nguyễn Duy Xuân thì không được đảng cộng sản Việt Nam tin dùng. Ông kết luận :
"Thành thử điều hạn chế của đảng cộng sản Việt Nam là họ tự cho mình có quyền quyết định 100% công tác cán bộ, cái quy trình đào tạo cán bộ, quy hoạch cán bộ của họ phạm phải 3 điều : phản dân chủ, phản khoa học và phản tiến bộ".
Nguồn : RFA, 27/02/2023