Hàng ngàn người dân vùng núi Tây Bắc đối mặt với khan hiếm lương thực sau lũ (RFA, 02/07/2018)
Lũ quét ở vùng Tây Bắc Việt Nam do mưa lớn kéo dài hồi tuần trước đã khiến 5 xã với hơn 50 bản và hàng nghìn gia đình tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu bị cô lập trong nhiều ngày và phải đối mặt với tình trạng thực phẩm cạn kiệt. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 2/7.
Hình chụp hôm 25/6/2018 : một người đàn ông đang đứng nhìn đống đổ nát từ căn nhà của mình do lũ ở tỉnh Hà Giang. AFP
Những xã trong tình trạng cô lập bao gồm Tá Bạ, Mù Cả, Pa Vệ Sủ, Pa Ủ, và Thu Lũm.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 2/7, mưa lũ ở vùng Tây Bắc xảy ra từ ngày 23/6 đã khiến ít nhất 24 người chết. Riêng tại tỉnh Lai Châu, con số người thiệt mạng vì sạt lở đất đá, nhà sập là 16 người, và số người mất tích là 9 người.
Theo truyền thông trong nước, dù huyện Mường Tè đã huy động tối đa lực lượng, máy móc để thông tuyến, nhưng vì khối lượng sạt lở lớn ở hầu hết các tuyến liên xã, liên bản nên công tác khắc phục hậu quả của lũ vẫn chưa thể hoàn tất. Người dân địa phương hoàn toàn phải đi bộ trong khi các mặt hàng thiết yếu đã tăng giá do khan hiếm.
Ông Mai Văn Thạch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Tè được truyền thông trong nước trích lời cho biết thiệt hại về giao thông của huyện và của các xã là rất nặng. Mặc dù huyện tập trung khắc phục thông tuyến với các xã nhưng kể cả trong điều kiện thời tiết thuận lợi, việc thông đường với các xã đang bị cô lập cũng phải mất nửa tháng nữa.
Lũ quét và sạt lở đất tại nhiều khu vực vùng núi phía Bắc trong những ngày qua ngoài yếu tố thiên tai mưa to còn bị cho bởi nạn phá rừng lâu nay ; cũng như do thủy điện xả lũ.
Thanh Hóa là một trong những tỉnh nghèo tại Việt Nam. Nhiều người dân tại các vùng thuộc tỉnh này như Mường Lát, Quan Hóa, Ngọc Lặc phải sống dưới mức nghèo khổ...
Hình ảnh người dân tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh minh họa) AFP
Tuy nhiên, vừa qua cơ quan chức năng tỉnh này có đề xuất chi hơn 100 tỷ đồng Việt Nam để tổ chức các hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa.
Công luận phản ứng gay gắt về kế hoạch đó.
Ngày 27 tháng 6 thông tin từ Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã xác nhận việc có công văn gửi Sở Tài chính dự toán tổng số kinh phí 104,722 tỷ đồng cho việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa. Trong đó, 82 tỷ đồng là từ ngân sách quốc gia và số còn lại được huy động từ xã hội.
Ông Phạm Duy Phương, giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, nói với truyền thông trong nước rằng "Đây là tổng hợp các ý kiến từ nhiều đơn vị, địa phương, sau đó sở mới làm tờ trình gửi Sở Tài chính để họ xem xét, thẩm định và ra báo cáo gửi chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh ký. Đây mới là báo cáo tổng hợp thôi, chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện"
Còn ông Nguyễn Đình Xứng, chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, trả lời báo Lao Động rằng đó mới chỉ là dự chi do Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch lập ra, còn việc xét duyệt hay không còn phải tính toán nhiều yếu tố, ông Xứng nhấn mạnh "Sự việc có chi đâu mà ồn ào. Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch mới chỉ tập hợp các kiến nghị của các đơn vị thôi chứ có ai quyết định gì đâu"
Mặc dù mới chỉ là dự trù kinh phí nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc chi hơn 104 tỷ đồng để làm lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa là lãng phí, trong khi mà địa phương hàng năm vẫn phải xin hỗ trợ ngân sách từ trung ương và vẫn xin gạo cứu đói cho người dân nghèo. Nhiều trường, phòng học của học sinh vùng cao còn trong tình trạng "tranh- tre- nứa- lá"…
Nhà báo Phạm Dương viết trên Báo Người Lao Động số ra ngày 27 tháng 6 năm 2018 nhấn mạnh "100 tỉ đồng là số tiền đủ mua 10.000 tấn gạo ! Ngay con số lẻ của tổng số tiền đề xuất là 4 tỉ đồng cũng đủ mua 400 tấn gạo, tức là đủ để hỗ trợ cho chính người dân trong tỉnh mùa giáp hạt !"
Ông Lê Văn Cuông, nguyên đại biểu quốc hội khóa 11 và 12, trưởng đoàn đại biểu Thanh Hóa cho biết tình hình tỉnh Thanh Hóa hiện nay còn rất nhiều khó khăn, nhiều hộ nghèo và thiếu lương thực vì vậy việc chi tiêu cho các vấn đề lễ hội phải tính toán cho chặt chẻ và phải ưu tiên những khó khăn cấp bách trước.
Ông cho biết thêm "Những vấn đề lễ kỷ niệm, danh xưng thì nó cũng là kỷ niệm để tưởng nhớ những giai đoạn lịch sử nhất định, để thông báo người dân biết được thời điểm hình thành của tỉnh Thanh Hóa, qua đây phát động người dân phát huy truyền thống nó cũng cần thiết nhưng cũng không quá mức để mà chi lớn cho vấn đề này. Cho nên tôi rằng cần một khoản lớn để chi cho các vấn đề bức xúc khác thì tôi thấy nó sẽ rất phù hợp thỏa đáng chứ khong có vấn đề gì".
Đồng quan điểm với nhà báo Phạm Dương, luật sư Trần Thu Nam tại Hà Nội cho rằng, so với lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thì con số hơn 100 tỷ cho lễ xứng danh chỉ là ‘muỗi’, nhưng trong hoàn cảnh này thì nó thật sự không phù hợp.
Hình ảnh cứu trợ lương thực trong đợt lũ tại tỉnh Thanh Hóa, hôm 12 tháng 10 năm 2017. AFP
Luật sư Trần Thu Nam phát biểu : "Thanh Hóa phải nói là nhiều xã, nhiều huyện có nhiều người nghèo bậc nhất và cần cứu trợ, cứu đói của nhà nước hàng năm. thứ nhất không nên làm những điều phí phạm ngân sách của nhân dân. thứ hai là trong lúc một số tỉnh khác đang bão lũ như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu nên việc bỏ ra số tiền lớn như vậy mà tổ chức các lễ lớn không mang lại tác dụng gì cho người dân cả thì đó là một điều rất là lãng phí".
Hồi đầu năm 2017, Thanh Hóa cũng từng khiến dư luận bức xúc với dự định xây dựng một công viên ngay giữa trung tâm Thành phố Thanh Hóa với tổng kinh phí đầu tư lên tới hơn 2.500 tỉ đồng.
Thống kê của Bộ Tài chính vào năm 2017, tỉnh Thanh Hóa đã thu ngân sách khoảng 13.000 tỷ đồng nhưng chi lên tới hơn 23.000 tỷ đồng. Luật sư Trần Thu Nam cho rằng, Thanh Hóa chỉ cần bỏ ra 1/3 số tiền của 104 tỉ để giúp đỡ người dân nghèo thì cái danh xưng Thanh Hóa không cần làm lễ thì người dân cũng tự xướng tên trên khắp đất nước này.
Vị luật sư này còn cho biết, vấn đề xứng danh nó không nhất thiết phải được tổ chức rầm rộ và đình đám như thế, vì theo luật sư lễ kỷ niệm có nhiều khoản chi nhưng trong đó chi phí hơn 2 tỷ đồng mua quà cáp đó là điều lãng phí và đi ngược lại với chủ trương của nhà nước là đang tiết kiệm ngân sách.
Đồng ý với quan điểm đó ông Lê Văn Cuông cho biết "Tôi ủng hộ quan điểm là cần hết sức là tiết kiệm, nên dành đầu tư cho những hộ nghèo, khó khăn và các vấn đề trường học, giao thông đi lại của người dân nên dành nguồn đó đầu tư khắc phục những khó khăn đó thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ và dư luận cũng thấy được vấn đề đó thỏa đáng chứ còn lấy số tiền lớn chi tiêu lãng phí không tiết kiệm nhất là trong các cái lễ hội chi tiêu những việc không cần thiết, quà cáp lễ tân tốn kém thì nó sẽ phản cảm nhân dân sẽ không đồng tình".
Anh Thắng Lê, một người con Thanh Hóa nhưng phải đi làm ăn xa quê, Nội trao đổi với chúng tôi qua email rằng vấn đề của Thanh Hóa cũng là vấn đề về sử dụng ngân sách bất hợp lý trên khắp đất nước Việt Nam.
Anh chia sẻ "Không khó để lý giải vì sao các tuyến đường sắt trên cao, metro lại ì ạch và chậm tiến độ suốt từ nhiệm kỳ trước qua nhiệm kỳ này như vậy - nó chậm để "đội vốn" hàng nghìn tỷ chứ không chỉ chậm thông thường. Nó không chỉ mất tiền ngân sách đơn thuần, nó làm cho nhân dân ách tách khốn khổ, kinh tế yếu kém và Quốc gia tụt hậu".
Thực tế cho thấy lâu nay tại Việt Nam xảy ra hiện tượng tất cả các địa phương đều có những dự án mà khoản kinh phí chi ra rất lớn. Một tỉnh nghèo như Sơn La cũng đề nghị thực hiện dự án Cụm Công trình Tượng Đài ông Hồ Chí Minh cả nghìn tỷ đồng.
Gần đây nhất, vào tháng 5 vừa qua, Thanh Tra Chính Phủ Hà Nội nêu ra kết quả kiểm tra 10 trên 62 dự án chỉ riêng tại tỉnh Ninh Bình, số kinh phí khai khống cho mỗi dự án là từ vài trăm tỷ đến cả ngàn tỷ đồng.
***************
Tỉnh Bình Thuận nói xử lý nghiêm những người biểu tình bạo loạn (RFA, 02/07/2018)
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Ngọc Hai, vào ngày 2 tháng 7 phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương rằng tỉnh này có chỉ đạo các cơ quan chức năng sau ngày 10 tháng 7 sẽ xử lý nghiêm các đối tượng bị cho là gây rối trong hai ngày biểu tình bạo loạn 10 và 11 tháng 6 tại địa phương.
Hình ảnh tại trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận sau phản đối của người dân. AFP
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hai cho rằng một bộ phận người dân bị kẻ xấu lôi kéo, kích động và đập phá một số cơ quan của tỉnh này gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an ninh trật tự tại khu vực này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, cơ quan chức năng đã bắt giữ được 32 đối tượng bị cho là chủ mưu kích động người dân và quyết sẽ xử lý nghiêm các đối tượng này. Mục tiêu được nói rõ nhằm răn đe người dân biểu tình.
Cũng tại phiên họp của chính phủ ngày 2 tháng 7, Bộ trưởng Bộ Công An, Thượng tướng Tô Lâm, cho biết đã triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh và kế hoạch giải quyết những vụ việc phức tạp, nhất là ổn định tình hình biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng diễn ra tại tỉnh Bình Thuận và một số địa phương trong thời gian vừa qua.
Ngoài ra, Thượng tướng Tô Lâm còn cho biết Bộ công an đã mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp, triệt phá các đường dây tội phạm có sử dựng vũ khí, vật liệu gây nổ và tội phạm xâm hại trẻ em.
Theo Thượng tướng Tô Lâm, Bộ Công an đã điều tra hơn 12.000 vụ và bắt nhiều tội phạm liên quan đến mua bán và vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn. Ông nhấn mạnh tình hình tội phạm nhìn chung được kiềm chế và giảm so với năm 2017.
Ông Bộ trưởng Công An Tô Lâm cũng báo cáo ngành này phối hợp giải quyết hơn 170 vụ với gần 2145 lượt khiếu kiện lên trung ương liên quan đến đất đai, chính sách pháp luật về môi trường.
*******************
Tỉnh Bình Thuận đề nghị không nhận chìm bùn xuống biển (RFA, 02/07/2018)
Tỉnh Bình Thuận kiến nghị với Thủ tướng và các bộ, ngành trung ương tận dụng khoảng 4,5 triệu m3 bùn thải ra từ các nhà máy nhiệt điện này để xây dựng kè đá chống sạt lở.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận. RFA
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Ngọc Hai cho biết như vừa nêu vào chiều ngày 2 tháng 7, trong phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương.
Ông nguyễn Ngọc Hai nhấn mạnh là nếu thực hiện được như vậy thì sẽ giải quyết được sự cố môi trường, đẩy nhanh tiến độ và an dân.
Ông Nguyễn Ngọc Hai còn đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành có hướng giải quyết việc tiêu thụ tro sỉ và điều chỉnh thông tư 36 theo chiều hướng sỉ than không phải là chất gây hại đầu vào, để sử dụng cho việc san lấp.
Vào năm 2015, người dân Bình Thuận biểu tình chặn Quốc Lộ 1 vì Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân bị cho gây ô nhiễm tác hại đến đời sống của họ.
Đợt biểu tình gây bạo loạn trong những ngày 10, 11 tháng 6 vừa qua được giới quan sát cho rằng cũng từ những bức xúc quá lớn của người dân bùng phát bởi bị tác hại do ô nhiễm, mất nguồn sinh kế từ biển…
Trong khi đó, vào ngày 2 tháng 7, truyền thông trong nước loan tin, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 vừa được Chính phủ quyết định mở rộng dự án, thuộc Danh mục dự án ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ năm 2018.
Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm thực hiện toàn bộ dự án này, cũng như chịu trách nhiệm về vốn chủ sở hữu phù hợp với tiến độ triển khai dự án hàng năm theo đúng kế hoạch.
EVN phải báo cáo lên Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương giám sát EVN liên quan vốn chủ sở hữu.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, có tổng mức đầu tư dự án gần 24 tỷ đồng, tương đương 104 triệu USD, với một tổ máy có công suất 600 MW, sản xuất hàng năm 3,9 tỷ kWh và dự kiến sẽ được vận hành chính thức vào cuối năm 2019.
Trước đó, vào ngày 29 tháng 6, EVN đã kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Công An đưa Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân vào diện bảo vệ an ninh đặc biệt. Kiến nghị này của EVN nhận được sự đồng thuận của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, là địa phương đặt bản doanh của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.