Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sáng 11 tháng 1 vừa qua, mạng xã hội lan truyền một văn bản xin tiền đón Tết. Văn bản có dấu đỏ do ông Đoàn Tấn Dũng, Chánh Văn phòng HĐND-UBND Thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương ký và gửi đích danh một doanh nghiệp xin 500 triệu đồng.

tet1

Một cơ sở sản xuất nhang cho mùa Tết ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh chụp hôm 12 tháng 1 năm 2022. AFP

Chiều hôm sau, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND Thành phố Thuận An chỉ đạo mau chóng thu hồi văn bản, yêu cầu Chánh Văn phòng HĐND-UBND Thành phố Thuận An tổ chức kiểm điểm về việc ban hành văn bản này. Ông Tâm giải thích, do Chánh Văn phòng chuẩn bị chuyển công tác nên đã nóng vội, muốn xử lý những vấn đề khó khăn trước khi bàn giao công việc, nên đã có văn bản nêu trên.

Lãnh đạo Thành phố Thuận An khẳng định văn bản ‘xin’ tiền doanh nghiệp lan truyền trên mạng xã hội là có thật, đơn vị này đã nhận tiền và sẽ tổ chức trao trả lại cho doanh nghiệp.

Chuyện lãnh đạo địa phương xin tiền doanh nghiệp bằng nhiều hình thức được cho là phổ biến, không chỉ vào dịp Tết.

Ông Nhân, một chủ doanh nghiệp mua bán nội thất trong nước, cho hay :

"Cái chuyện này nó đã là truyền thống, nghĩa là nó thành thông lệ việc chính quyền vòi vĩnh các doanh nghiệp rồi. Nó rất bình thường trong xã hội này. Các doanh nghiệp muốn yên ổn làm ăn thì phải mặc nhiên chấp nhận chuyện đó. Hơn nữa, chính quyền họ lấy lý do phải chăm lo Tết cho người nghèo, những người diện chính sách, những nạn nhân chất độc da cam… Họ lấy cái mác đó để quyên tiền của doanh nghiệp. Đó là chuyện rất thường.

Họ đến bất chợt bất cứ lúc nào. Khi họ đến là các doanh nghiệp biết mình phải làm gì rồi. Vì mình sống trong địa bàn của họ, họ có nhiều lý do, nhiều lý cớ để làm khó doanh nghiệp nên buộc doanh nghiệp phải chấp nhận dù doanh nghiệp nào cũng không hài lòng chuyện đó".

Ông Nhân mỉa mai rằng, luật pháp của Việt Nam được thiết kế rất tài tình, lúc nào cũng có đường cho phía chức năng làm khó doanh nghiệp. Ông giải thích :

"Luật là vậy nhưng nếu ngoan ngoãn nghe lời họ thì không có vấn đề gì. Còn nếu mình bất tuân, mình phản ứng lại thì lập tức cũng luật đó, họ sẽ áp dụng kiểu khác cho mình. Nếu quan hệ tốt, tức biết điều, biết chi thì dễ sống cho nên đường nào thì doanh nghiệp cũng bị tròng, bị gài hết".

Chuyện chính quyền địa phương, mà cụ thể là công an phường, xã vòi tiền các doanh nghiệp nhỏ từng bị báo chí quốc tế lên tiếng. Hôm 23 tháng 12 năm 2021, tờ Al Jazeera có bài viết mang tựa "In Vietnam, ‘feeding the police’ just a cost of doing business", tạm dịch "Tại Việt Nam, tình trạng ‘nuôi công an’là một trong những chi phí hoạt động kinh doanh".

Theo đó, cơ sở làm ăn nhỏ cần phải đóng tiền ‘lót tay’ để tránh bị công an sách nhiễu. Al Jazeera nêu điển hình trường hợp của một quán cà phê nhỏ tại Phố Cổ Hà Nội và một quán lẩu ở Thành phố Hòa Bình phải đóng phí thường xuyên cho công an để tránh bị sách nhiễu.

Al Jazeera cũng hỏi một cựu viên chức công an tại Hà Nội, với điều kiện giấu tên, và được thừa nhận rằng công an địa phương dựa vào các cơ sở kinh doanh nhỏ để kiếm chác và phải nạp cho cấp trên một phần khoản tiền mà họ thu được. Còn những doanh nghiệp lớn có quan hệ chặt chẽ với cấp cao nên họ không thể đụng đến.

Một số người dân từng là chủ các doanh nghiệp nhỏ cho biết, muốn làm ăn yên ổn thì họ buộc phải lót tay cho công an, lãnh đạo sở tại dù họ làm ăn hợp pháp.

Bà Đức, từng kinh doanh thực phẩm ở quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay :

"Hồi đó nhà tôi kinh doanh thực phẩm. Như luật bất thành văn, cứ mỗi khi ông chủ nhiệm hợp tác xã ghé ngang là tôi bắt đầu lo. Ổng nói rằng ‘chiều nhà tôi có khách’ là chúng tôi hiểu phải cung cấp thức ăn cho họ. Còn chuyện đưa ‘bì thư’ hàng tháng là chuyện không cần phải nhắc nhở vì nó thành luật rồi. Khi họ muốn làm phiền thì mình đúng vẫn cứ sai như thường. Nếu mình không đưa sẽ gặp rất nhiều rắc rối trong buôn bán nên đành ‘nhắm mắt đưa bì thư’ chứ đâu ai muốn, phải không ?"

Cô Phương, từng sản xuất, kinh doanh nước đá ở quận Gò Vấp. Thành phố Hồ Chí Minh kể lại :

"Hồi trước tôi sản xuất nước đá. Công an phường, công an quận là mua chuộc hết luôn bằng tiền bạc, thuốc men. Có vải vóc, hàng hóa nước ngoài gởi về là bà vợ ông trưởng công an đến lựa trước. Bả lựa cái nào là mình phải đưa bả cái đó. Phường nó xuống nó cúp điện mình trước có văn bản đàng hoàng. Mình cho tiền xong là nó mở điện lại liền. 

Mua được công an phường thì không sợ nó bắt nữa nhưng đến công an quận xuống bắt. Nó làm khó dễ, nó quần dữ lắm luôn. Quận nó xuống mình cho nó ăn tiếp. Khi nó quen rồi là nó tới nó xin thẳng luôn. Nó nói mé mé là nó kẹt tiền. Mình nghe là mình biết mình đưa rồi.

Xong quận thì tới thành phố xuống gỡ đồng hồ điện, phải kiếm người mai mối để mua chuộc, xong nó đem đồng hồ khác tới gắn, tốt hơn cái cũ luôn. Cho nó ăn riết lỗ vốn phải nghỉ luôn. Sao làm nổi nữa. Việt Nam nó là như vậy".

Câu chuyện xin tiền đón Tết ở Thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương vừa qua bị dư luận lên tiếng mạnh mẽ hơn trên mạng xã hội bởi hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang khốn đốn sau đợt dịch Covid-19.

Con số do Tổng Cục Thống kê đưa ra cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2021, mỗi tháng có gần 10 ngàn doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Nguyên nhân được cho là do dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp, đồng thời số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có sự sụt giảm nghiêm trọng.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến Chỉ thị số 10/CT-TTg, diễn ra vào sáng ngày 27 tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lúc đó là ông Trương Hòa Bình thẳng thắn cho rằng cán bộ, công viên chức của nhiều ngành, ở nhiều cấp lợi dụng chức vụ, kẽ hở về chính sách và pháp luật, lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân và doanh nghiệp để sách nhiễu, gây phiền hà, giải quyết không đúng quy định… dẫn đến hậu quả cản trở sự phát triển kinh tế xã hội.

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam