Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tô Lâm đi Trung Quốc cho thấy hai nước ‘coi trọng lẫn nhau’

VOA, 21/08/2024

Việc nhà lãnh đạo Tô Lâm của Việt Nam có chuyến công du rất sớm đến Trung Quốc và được nước này đón tiếp trọng thị cho thấy hai nước rất coi trọng mối quan hệ song phương và muốn giữ cho mối quan hệ này ổn định trong thời gian tới, các nhà quan sát nói với VOA.

chuyentham4

Đây là lần đầu tiên hai ông Tô Lâm và Tập Cận Bình tiếp xúc ở vị trí lãnh đạo cao nhất của hai nước

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa có chuyến thăm kéo dài 3 ngày đến Trung Quốc theo lời mời của người tương nhiệm Tập Cận Bình. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Lâm trên cương vị tổng bí thư và mặc dù là chuyến thăm cấp nhà nước, nó được hai bên sắp xếp trong thời gian rất ngắn, chỉ hai tuần sau khi ông Lâm lên làm lãnh đạo Đảng.

Việt Nam và Trung Quốc hiện có khuôn khổ quan hệ cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện. Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Hà Nội hồi cuối năm ngoái khi ông cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra tuyên bố thành lập "Cộng đồng chia sẻ tương lai" giữa hai nước.

Tiếp đón trọng thị

Việc ông Lâm đi Trung Quốc ngay cho thấy quan hệ hai nước "vẫn đang trên đà ổn định và phát triển sâu rộng" ngay cả khi Việt Nam đột ngột thay đổi lãnh đạo sau sự ra đi của ôn Trọng, Tiến sĩ Vũ Xuân Khang, học giả thỉnh giảng về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Boston, nhận định với VOA.

Nguyên thủ Việt Nam đã được Trung Quốc dành cho những nghi thức tiếp đón cao nhất như bắn 21 phát đại bác chào mừng, được Ngoại trưởng Vương Nghị ra tận sân bay đón và khi về còn được Bộ trưởng Công an Vương Tiểu Hồng tiễn đến sân bay.

Ngoài cuộc hội đàm với ông Tập, ông Lâm còn tiếp xúc với toàn bộ lãnh đạo ‘chóp bu’ của Trung Quốc, bao gồm Thủ tướng Lý Cường, Chủ tịch Nhân đại Triệu Lạc Tế và Chủ tịch Chính hiệp Vương Hỗ Ninh.

Tiến sĩ Khang lưu ý về sự tiếp đón trọng thị của phía Trung Quốc, nói rằng điều này cho thấy Trung Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam cũng như thực sự coi Việt Nam là trọng tâm trong chính sách đối ngoại láng giềng.

Về phần mình, ông Lâm dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu có đến năm ủy viên Bộ Chính trị bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng và Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang. Ngoài ra tham gia đoàn còn có các quan chức cả bên Đảng lẫn chính quyền như Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng một loạt bộ trưởng.

Chuyến thăm này đánh tín hiệu của Hà Nội đến Bắc Kinh là "quan hệ Việt-Trung sẽ không có thay đổi dưới thời ông Tô Lâm", Tiến sĩ Khang nói với VOA.

Với nhận định tương tự, Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, học giả thỉnh giảng về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc gia Đài Loan, nói với VOA rằng chuyến thăm của ông Lâm cho thấy Hà Nội "tôn trọng Trung Quốc, nhất là vị thế của cường quốc này trong khu vực, và mối quan hệ Việt-Trung".

"Về tổng thể thì khó có nhiều thay đổi vì nhìn chung quan hệ hai nước đang theo hướng có lợi cho cả Hà Nội và Bắc Kinh. Hà Nội giữ ổn định quan hệ với Bắc Kinh trong khi Bắc Kinh giữ được Hà Nội trong phạm vi ảnh hưởng của mình", ông phân tích.

‘Sáu hơn’

Tuyên bố chung giữa hai nước sau chuyến thăm được báo chí trong nước dẫn lại ghi rằng quan hệ Việt-Trung là "lựa chọn chiến lược của hai bên".

"Trung Quốc luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Việt Nam khẳng định luôn coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu", tuyên bố chung ghi.

Tại cuộc hội đàm với ông Tập tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh hôm 19/8, ông Lâm được Tuổi Trẻ dẫn lời nói rằng ông mong muốn "kế thừa và phát huy" quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước để đưa mối quan hệ này "phát triển ngày càng ổn định, bền vững lâu dài".

Tuyên bố chung ngoài nhắc lại phương châm ‘16 chữ vàng’ và ‘tinh thần 4 tốt’ còn đề cập đến phương hướng ‘6 hơn’, đó là tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Khang không cho rằng Hà Nội đang gắn kết chặt chẽ hơn với Bắc Kinh mà quan hệ Việt-Trung "vẫn là được duy trì theo quỹ đạo từ năm 1991", tức là khi hai nước bình thường hóa quan hệ.

Trả lời câu hỏi liệu chuyến thăm Bắc Kinh của ông Lâm có làm cho Washington lo ngại, ông Khang nói : "Nếu Mỹ hiểu được ngoại giao cây tre của Việt Nam, họ sẽ không phải quá lo khi quan hệ Việt-Trung nồng ấm cũng sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển quan hệ với Mỹ để cân bằng ngoại giao".

Sức mạnh của kênh Đảng

Điểm đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là ngoài kênh Nhà nước còn có kênh Đảng vì hai nước đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản nắm quyền. Ông Lâm đến Trung Quốc ngoài tư cách đại diện Nhà nước Việt Nam còn là lãnh đạo đảng cầm quyền.

Tuyên bố chung nhấn mạnh đến tương quan giữa hai đảng Cộng sản, cho rằng hai đảng này đang "gánh vác sứ mệnh lịch sử" và "khắc ghi sứ mệnh chung, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước".

Trong chuyến thăm này, ông Tô Lâm đã có những hoạt động mang nặng tính Đảng, chẳng hạn như đến thăm Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, nơi nghiên cứu lý luận của Đảng cộng sản và là nơi đào tạo về lý tưởng cho quan chức Trung Quốc mà ông Tập từng làm hiệu trưởng, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.

Thực ra, ông Lâm bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc hôm 18/8 không phải ở Bắc Kinh mà bằng một hoạt động về nguồn Đảng cộng sản Việt Nam ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông. Ông Lâm đã đến thăm trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội mà ông Hồ Chí Minh đã thành lập tròn 100 năm trước và viếng mộ Liệt sĩ Phạm Hồng Thái tại Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương.

"Điểm đến này (Quảng Châu) mang tính biểu tượng vì nó góp phần cho thấy Việt Nam đánh giá cao sự giúp đỡ của Trung Quốc trong lịch sử", Tiến sĩ Sáng nói.

Khi nghe ông Lâm thuật lại những hoạt động tại Quảng Châu, ông Tập được Tuổi Trẻ dẫn lời nhấn mạnh rằng "những năm tháng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết nên mối tình thắm thiết Việt- Trung, vừa là đồng chí vừa là anh em".

Tiến sĩ Khang chỉ ra quan hệ hai nước kể từ năm 1991 đã "luôn được duy trì thông qua kênh Đảng với mục tiêu chung là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước".

Tranh chấp Biển Đông

"Việc liên lạc qua kênh Đảng sẽ giúp Việt Nam và Trung Quốc giải quyết bất đồng tốt hơn so với Philippines", ông Khang nói và dẫn ra việc từ đầu năm đến giờ, Bắc Kinh "chỉ bắt nạt Philippines chứ không phải Việt Nam trên Biển Đông".

Về tranh chấp trên Biển Đông, tuyên bố chung cho biết hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị để tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài, phù hợp với luật pháp quốc tế và chấp nhận được với cả hai bên, và không có hành động làm phức tạp tình hình.

Sau khi ông Trọng lên làm tổng bí thư, trong chuyến thăm Trung Quốc hồi cuối năm 2011, ông Trọng đã cùng lãnh đạo Trung Quốc khi đó đưa ra nhận thức chung về giải quyết các vấn đề trên biển, thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước về các sự cố trên Biển Đông. Tuy nhiên, những việc này không hề ngăn được Bắc Kinh có những hành động gây hấn trên Biển Đông, điển hình là vụ đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm 2014.

Tiến sĩ Sáng nhận định rằng mức độ gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian tới một phần phụ thuộc vào khả năng ứng phó của Việt Nam.

"Lãnh đạo Việt Nam đang khá khéo léo trong việc xử lý quan hệ với nước láng giềng lớn hơn", ông nói. "Bằng chứng là Việt Nam không chịu nhiều sức ép như Philippines và các hoạt động cải tạo đảo của Việt Nam cũng chỉ bị Trung Quốc phản đối có lệ".

Quan hệ Lâm-Tập

Chuyến thăm này cũng là lần đầu tiên ông Lâm gặp gỡ ông Tập ở cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam nên nó được xem là cơ hội để ông xây dựng mối quan hệ cá nhân với chủ tịch Trung Quốc. Người tiền nhiệm của ông Lâm là cố Tổng bí thư Trọng được cho là có mối quan hệ thân tình với ông Tập khi hai ông đã gặp nhau tổng cộng 8 lần, cả ở Bắc Kinh lẫn Hà Nội.

Tiếp nối truyền thống các cuộc gặp Tập-Trọng, sau cuộc hội đàm ở Bắc Kinh hôm 19/8 ông Tập đã mời ông Lâm dự tiệc trà đàm đạo. Hai nhà lãnh đạo "đã cùng ôn lại truyền thống hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước" và "trao đổi thân tình về văn hóa trà trong phong tục tập quán của mỗi nước", theo tường thuật của Tuổi Trẻ.

"Mối quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo vẫn cần thời gian để vun đắp, nhưng tín hiệu là tích cực", ông Sáng nói và cho biết mối quan hệ giữa ông Lâm với ông Tập vẫn chưa thể sánh bằng quan hệ giữa ông Trọng với ông Tập.

"Ông Tô Lâm vừa nhậm chức và vẫn cần thời gian để thể hiện khả năng cũng như đưa ra các quyết sách lớn có liên quan đến quan hệ Việt-Trung", ông Sáng nói thêm.

Tiến sĩ Khang thì cho rằng việc hai ông gặp nhau chỉ 2 tuần sau khi ông Lâm nhậm chức "sẽ là tiền đề tốt để hai nhà lãnh đạo hiểu nhau hơn".

Trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Lâm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến việc ký kết nhiều văn kiện hợp tác, trong đó có ‘kết nối cứng’ giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu, ‘kết nối mềm’ về cửa khẩu thông minh, hải quan thông minh, nghiên cứu thí điểm khu hợp tác kinh tế qua biên giới

Ông Tập hứa với ông Lâm rằng Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam sớm mở thêm các văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc.

"Ông Tô Lâm có thể ưu tiên cho hoạt động kinh tế, và vì ông không có nhiều kinh nghiệm bên Đảng nên các vấn đề ý thức hệ có thể nhạt hơn so với ông Trọng", Tiến sĩ Sáng nói.

Nguồn : VOA, 21/08/2024

********************************

Ông Tô Lâm kết thúc chuyến thăm Trung Quốc : những điểm đáng lưu ý

BBC, 20/08/2024

Trong chuyến thăm ba ngày tới Trung Quốc, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có một lịch trình nghị sự dày đặc, với các nội dung về hợp tác chính trị, kinh tế và giải quyết bất đồng trên Biển Đông.

chuyentham1

Việt Nam khẳng định "luôn coi trọng và ưu tiên" quan hệ ngoại giao với Trung Quốc

Vào trưa 20/8, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng phu nhân Ngô Phương Ly và đoàn công tác đã rời Bắc Kinh, kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc.

Chuyến thăm của ông Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội 14, còn Trung Quốc vừa tổ chức xong Hội nghị Trung ương 3 khóa 20.

Ông Tô Lâm khởi đầu chuyến công du vào hôm 18/9 tại Quảng Châu, nơi ông đã thăm các địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam, sau đó tham gia các cuộc họp thượng đỉnh tại Bắc Kinh trong ngày 19/8, trước khi có một số hoạt động khác vào sáng 20/8.

Trong ngày 19/8, nhà lãnh đạo Việt Nam đã hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ; hội kiến với Thủ tướng Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Hỗ Ninh và dự nhiều sự kiện quan trọng khác.

Trấn an Trung Quốc

Ông Tô Lâm và ông Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm vào ngày 19/8 tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.

Trong cuộc hội đàm, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc coi Việt Nam "là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng". Tương tự, ông Lâm khẳng định Việt Nam "luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu" quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Sau khi ông Tô Lâm, một người có xuất thân từ công an và ít kinh nghiệm đối ngoại, nhậm chức tổng bí thư, chính sách ngoại giao của Việt Nam đang được chú ý.

Khi chỉ còn khoảng 16 tháng cho tới Đại hội 14, Việt Nam được cho là sẽ tập trung hơn vào công tác đối nội và giữ nguyên đường lối "ngoại giao cây tre".

Việc khẳng định "luôn coi trọng và ưu tiên" quan hệ với Trung Quốc được cho là để Trung Quốc cảm thấy yên lòng trước những tiến triển trong quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ.

Trong bài viết ngày 12/8, Reuters dẫn lời hai quan chức nói rằng ông Tô Lâm sẽ tới dự cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng Chín với tư cách chủ tịch nước. Hai quan chức này cũng nói rằng ông Tô Lâm sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ngày 20/8, The Diplomat có bài viết đánh giá về thông điệp Việt Nam muốn gửi cho Trung Quốc qua chuyến thăm của ông Tô Lâm. Theo bài viết, Việt Nam muốn khẳng định rằng "mọi lo ngại về sự lệch hướng trong quan hệ Việt-Trung là không cần thiết".

Bài viết này cũng nhắc tới một bài viết khác được đăng ngày 21/7 trên trang Guancha.cn, một website tin tức thân chính phủ của Trung Quốc.

Bài viết trên Guancha nhận định rằng quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc "không nên chệch hướng" sau khi ông Trọng qua đời.

Theo The Diplomat, đây không phải là một lời đe dọa nhưng là một "lời nhắc nhở đáng để tâm" mà Trung Quốc muốn gửi tới Việt Nam.

chuyentham2

Thời điểm ông Tô Lâm mới nhậm chức tổng bí thư, nhiều nhà quan sát đã so sánh ông Tô Lâm với ông Tập Cận Bình.

Biến động chính trị ở Việt Nam trong thời gian gần đây cũng được đánh giá là khiến Trung Quốc lo ngại.

Trước đây, có nhiều ý kiến cho rằng công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng được xây dựng dựa trên chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" của ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, chiến dịch "đốt lò" đã trở nên vô cùng dữ dội trong thời gian gần đây. Từ đầu năm, chiến dịch "đốt lò" đã khiến một loạt quan chức cấp cao mất chức, tạo ra môi trường được đánh giá là "bất ổn chính trị" ở Việt Nam.

Theo báo South China Morning Post (SCMP), các nhà quan sát Trung Quốc và nước ngoài đều đánh giá rằng Bắc Kinh đang lo ngại về những biến động chính trị chưa từng có trong thời gian qua ở Việt Nam.

"Tôi tin rằng chuyến thăm của ông Tô Lâm có mục đích trấn an Trung Quốc về cam kết của Việt Nam trong việc duy trì một mối quan hệ thân thiết, đặc biệt là trong bối cảnh những thay đổi chính trị và kế thừa lãnh đạo gần đây ở Việt Nam", SCMP dẫn lời ông Nguyễn Khắc Giang, một nhà phân tích tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore.

Trong cuộc hội đàm với ông Tập, ông Tô Lâm đã thông báo với ông Tập Cận Bình về tình hình Việt Nam gần đây, đặc biệt là về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng và các hoạt động đối ngoại.

Một số chuyên gia cho rằng việc ông Tô Lâm nhận chức vụ mới là dấu hiệu "tạm ngưng đấu đá nội bộ" và báo hiệu một tương lai ổn định hơn cho chính trị Việt Nam.

Sau khi nghe thông báo về tình hình ở Việt Nam của ông Tô Lâm, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc "ủng hộ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện đất nước, tiến sâu hơn trên sự nghiệp cải cách và hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa".

Đáp lại, ông Tô Lâm chúc mừng Trung Quốc đạt được những "thành tựu to lớn" dưới sự lãnh đạo "hạt nhân" của ông Tập Cận Bình, báo điện tử Chính phủ của Việt Nam đưa tin.

Thời điểm ông Tô Lâm mới nhậm chức tổng bí thư, nhiều nhà quan sát đã so sánh ông Tô Lâm với ông Tập Cận Bình.

Nói với BBC News Tiếng Việt ngày 3/8, Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) cho rằng "ông Tô Lâm rất thích trường hợp của Chủ tịch Tập Cận Bình".

Trong bài viết ngày 3/8, đài Al Jazeera dẫn lời chuyên gia nhận định rằng nếu tiếp tục giữ hai chức vụ lãnh đạo đảng và nhà nước như ông Tập Cận Bình, ông Tô Lâm sẽ có cơ hội gia tăng quyền lực và áp dụng phong cách lãnh đạo độc đoán hơn.

Tăng cường hợp tác

chuyentham3

Ngày 19/8, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết tổng cộng 14 văn kiện

Việt Nam và Trung Quốc đồng tình phát triển hợp tác thực chất, báo điện tử Chính phủ đưa tin.

Theo đó, hai bên "nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư, trong đó thúc đẩy kết nối 'hai hành lang, một vành đai' với 'vành đai và con đường'".

Cũng trong cuộc họp, hai nước đã ký kết 14 văn kiện, bao gồm công thư hợp tác đường sắt, trong đó có dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, và một số bản ghi nhớ về xuất khẩu thực phẩm từ Việt Nam sang Trung Quốc, theo Thông tấn xã Việt Nam.

Về đường sắt, trong bảy tháng đầu năm nay, hơn 6.800 container đã được vận chuyển qua đường sắt Trung Quốc-Việt Nam, tăng gấp 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái, bài viết ngày 19/8 của Global Times dẫn thông tin từ giới chức khu tự trị Nam Ninh ở miền nam Trung Quốc.

Theo bài viết ngày 16/8 của Reuters, sự thiếu tin cậy giữa hai nhà nước cộng sản - đã từng đánh nhau trong một cuộc chiến tranh biên giới ngắn vào cuối thập niên 1970 và thường xuyên xảy ra tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông - từ lâu đã cản trở tiến trình xây dựng các tuyến đường sắt kết nối hai nước.

Bên cạnh đó, trước sự chứng kiến của ông Tô Lâm và ông Tập Cận Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu Việt Nam qua Trung Quốc, báo VnExpress đưa tin.

Nghị định thư này sẽ có hiệu lực ngay từ ngày ký.

Theo báo Thanh Niên, sầu riêng tươi của Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh với sầu riêng đông lạnh của Thái Lan tại thị trường Trung Quốc. Việc có thể xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ giúp khả năng cạnh tranh của Việt Nam tại Trung Quốc.

Ngoài ra, hai nước cũng ký kết một số bản ghi nhớ về hợp tác giữa các bộ, ngành của hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, y tế…

Trong bài viết ngày 19/8 trên trang Fulcrum của Viện Nghiên cứu ISEAS (Singapore), Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng ông Tô Lâm sẽ "tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế để khẳng định tính chính danh của Đảng và khả năng lãnh đạo của bản thân".

Về công tác giáo dục chính trị, hai nước đã kí bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Đảng Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.

Bài toán tranh chấp trên Biển Đông

Liên quan tới vấn đề ở Biển Đông, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả.

DOC được giới quan sát đánh giá là không thực chất, bởi không có tính ràng buộc.

Năm 2022, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã soạn xong bản dự thảo đầu tiên của COC, được kỳ vọng sẽ có tính ràng buộc hơn. Tuy nhiên, đến nay COC vẫn chưa được hoàn thiện.

Trên thực tế, dù có những tuyên bố đẹp đẽ trong các cuộc gặp giữa các lãnh đạo, tình hình thực địa Biển Đông vẫn tồn tại nhiều xung đột trong thời gian qua. Theo phía Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục có những yêu sách và hành động xâm phạm tới chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông.

Vào tháng 5/2024, Việt Nam đã lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh điều một tàu bệnh viện đến Hoàng Sa.

Đầu tháng này, Việt Nam và Philippines lần đầu tiên có buổi diễn tập chung của cảnh sát biển.

Ngay trước cuộc diễn tập này, Trung Quốc đã cho một máy bay không người lái Wing Loong-10 (WZ-10) hai lần bay gần bờ biển Việt Nam, một lần cách bờ biển 100km, một lần đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo bài viết ngày 20/8 trên The Diplomat, nhiều chuyên gia đánh giá động thái này là "một bài kiểm tra" về chính sách ngoại giao của Việt Nam dưới thời ông Tô Lâm.

Cho đến hiện tại, Việt Nam vẫn chưa lên tiếng chính thức về sự việc máy bay không người lái bay sát bờ biển của mình.

Báo SCMP dẫn lời các nhà phân tích Trung Quốc nhận định rằng, trước những "bất ổn chính trị ngày càng tăng" ở Việt Nam trước thềm Đại hội 14, quan hệ Việt-Trung hiện đang đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt là về những tranh chấp trên Biển Đông.

Nguồn : BBC, 20/05/2024

Published in Việt Nam

Thấy gì từ cuộc gặp ở Bắc Kinh ?

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh vào thứ Hai 19/8.

tapto1

Trung Quốc là điểm đến đầu tiên của ông Tô Lâm sau khi chính thức đảm nhiệm chức vụ tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam từ ngày 3/8 vừa qua

Theo truyền thông Việt Nam, lễ đón cấp nhà nước dành cho ông Tô Lâm đã được cử hành trọng thể với sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nước chủ nhà thực hiện nghi thức bắn 21 phát đại bác chào mừng.

Trung Quốc là điểm đến đầu tiên của ông Tô Lâm sau khi chính thức đảm nhiệm chức vụ tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 3/8 vừa qua.

Chuyến thăm của ông Tô Lâm diễn ra từ ngày 18 đến 20/8 theo lời mời của ông Tập Cận Bình.

Lịch trình hoạt động của ông Tô Lâm tại Trung Quốc bắt đầu vào ngày Chủ nhật 18/8 bằng việc thăm các địa chỉ đỏ cách mạng ở Quảng Châu, sau đó mới lên Bắc Kinh gặp lãnh đạo trung ương.

Lịch trình tại Bắc Kinh

tapto2

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong cuộc gặp với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh vào thứ Hai 19/8

Ông Tập Cận Bình và ông Tô Lâm đã tham dự lễ ký kết các văn bản hợp tác, theo Tân Hoa Xã. Hiện chưa rõ nội dung của những văn kiện hợp tác này là gì.

Trước đó, Reuters dẫn lời các quan chức cho biết kết nối đường sắt sẽ là chủ đề hàng đầu  trong chương trình nghị sự khi ông Tô Lâm gặp ông Tập Cận Bình.

Các tuyến đường sắt liền mạch được coi là rất quan trọng cho chuỗi cung ứng, khi ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc chuyển hướng một số hoạt động xuất khẩu sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Hai quốc gia hiện được kết nối bằng hai tuyến đường sắt từ miền nam Trung Quốc đến thủ đô Hà Nội, cũng là trung tâm công nghiệp phía bắc của Việt Nam.

Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, cũng như thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Trước đó, truyền thông Việt Nam dẫn lời Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết hai nhà lãnh đạo của Việt Nam và Trung Quốc sẽ có "những trao đổi ở cấp chiến lược cao nhất của hai Đảng và hai nước về quan hệ giữa hai Đảng, hai nước".

Theo báo Tuổi Trẻ, ông Tô Lâm còn hội kiến với Thủ tướng Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Triệu Lạc Tế và Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Hỗ Ninh vào ngày thứ Hai 19/8.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói gì?

tapto3

Ông Tập Cận Bình và ông Tô Lâm duyệt đội danh dự trong buổi tiếp đón trọng thể vào thứ Hai 19/8 tại thủ đô Bắc Kinh

Trước chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tô Lâm đến Trung Quốc, truyền thông nhà nước Bắc Kinh đã có một số bài bình luận.

Viết trên tờ Hoàn Cầu Thời báo ngày thứ Bảy 17/8, Giáo sư Vu Hướng Đông, Giám đốc Viện Việt Nam học từ Đại học Trịnh Châu (Trung Quốc), nhận định ông Tô Lâm sẽ tiếp tục chiến lược cân bằng ngoại giao với Trung Quốc, Mỹ, Nga và các quốc gia khác.

"Việc ông Tô Lâm chọn Trung Quốc là điểm công du đầu tiên sau khi nhậm chức tổng bí thư cho thấy Việt Nam vẫn đặt mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc ở vị trí rất quan trọng".

"Nhưng song song đó, kinh nghiệm cho thấy Việt Nam không thể thờ ơ với Mỹ được".

Ngày 18/8, một bài xã luận trên tờ Trung Quốc Nhật báo (China Daily) đánh giá rằng chuyến đi của ông Tô Lâm "sẽ giúp tăng cường nỗ lực chung của hai nước để tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa, cùng xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai và bảo vệ sự công bằng và công lý quốc tế".

"Ông Lâm gần đây nói rằng Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ với Trung Quốc, quốc gia duy nhất đáp ứng mọi yếu tố ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 3/8 vừa qua đã cho thấy rõ nét về việc Hà Nội rất xem trọng phát triển quan hệ song phương giữa hai đảng và hai nước".

Tiếp nối 'ngoại giao cây tre'

tapto4

Đoàn quan chức Việt Nam và đoàn Trung Quốc trong cuộc hội đàm ngày thứ Hai 19/8 tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh

Theo truyền thông Việt Nam, ông Tô Lâm khẳng định "Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ với Trung Quốc".

Bình luận với BBC ngày thứ Hai 19/8, Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế làm việc cho Quỹ Taiwan NextGen Foundation, Đài Loan, nhận định về tầm quan trọng của chuyến đi đến Trung Quốc của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam.

"Với xuất thân công an, Tổng bí thư Tô Lâm hiểu rõ tầm quan trọng của sự ổn định nội bộ trong việc đảm bảo sự ủng hộ của nhân dân. Đảm bảo ổn định trong nước cũng tối quan trọng để thúc đẩy chính sách đối ngoại. Ông Lâm trước đây cũng có các chuyến thăm đến Trung Quốc và được lãnh đạo Trung Quốc coi trọng cũng như khá quen thuộc. Nhìn ở tầm cao hơn, quan hệ giữa Việt Nam với Nga và Mỹ là tương đối ổn định, chỉ có quan hệ với Trung Quốc vẫn rất nhạy cảm và còn nhiều khúc mắc, chẳng hạn như vấn đề Biển Đông. Do đó, ông Lâm sẽ khôn ngoan khi ưu tiên đầu tư cho việc củng cố tính ổn định trong quan hệ Việt-Trung và có thể thông qua hợp tác kinh tế để thúc đẩy quan hệ".

Xét về dòng thời gian, Trung Quốc và Nga là hai quốc gia đầu tiên trong số 7 nước Việt Nam xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Cụ thể, Việt Nam đã xác lập mối quan hệ ngoại giao ở bậc cao nhất đối với Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023) và Úc (2024).

Nhận định về định hướng ngoại giao sắp tới của ông Tô Lâm, Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng nói :

"Ông Tô Lâm khó mà đưa con tàu đối ngoại Việt Nam đi trật đường ray. Kế thừa di sản của ông Nguyễn Phú Trọng là cần thiết vì nó tạo thế vững chắc cho ông Tô Lâm về quyền lực chính trị. Và khi mà chính sách cân bằng của Việt Nam (thường được biết đến với tên gọi 'ngoại giao cây tre') đã khá thành công thì không có việc gì phải điều chỉnh quá nhiều".

Trong bài viết gần đây trên trang Fulcrum của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS có trụ sở tại Singapore, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cũng nhận định chính sách ngoại giao của Việt Nam "sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể" sau khi ông Tô Lâm lên nắm quyền.

"Ông Tô Lâm sẽ tiếp tục nền ngoại giao cây tre của ông Trọng. Với xuất thân làm trong ngành công an, ông Tô Lâm có thể dễ dàng làm việc với các nhà lãnh đạo chuyên chế như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa Việt Nam sẽ phớt lờ mối gắn kết với các quốc gia phương Tây".

Trung Quốc, một siêu cường đang trỗi dậy, quyết tâm thách thức trật tự đơn cực do Mỹ dẫn đầu thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Việt Nam thì lại thuộc nhóm quốc gia quyền lực tầm trung, khai thác tối đa lợi ích và an ninh trong lúc vẫn cân bằng quan hệ Mỹ - Trung nhưng vẫn coi trọng giao hảo truyền thống lịch sử với Nga.

Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, ông Tô Lâm sẽ tiếp tục cân bằng quan hệ ngoại giao với các cường quốc, đặc biệt với Trung Quốc và Mỹ, và theo đuổi quan hệ thân thiện với các quốc gia quan trọng trên toàn cầu.

"Cách tiếp cận này hiện nay là lựa chọn chính sách ngoại giao tốt nhất cho Việt Nam, dù người đứng đầu Đảng cộng sản có là ai", Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp viết trên Fulcrum.

Nguồn : BBC, 19/08/2024

Published in Việt Nam