Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tù chính trị bị phân biệt đối xử trong lao động và đặc xá

RFA, 02/09/2022

Chủ tịch nước mới ký quyết định đặc xá cho hơn 2.400 phạm nhân trong dịp Quốc khánh năm nay, không ai trong số đó là tù chính trị, Nghị quyết của Quốc hội vừa có hiệu lực về thí điểm đưa tù nhân ra lao động ngoài trại giam cũng loại trừ những tù nhân lương tâm.

tu1

Công an đứng canh giữa những người tù vỗ tay trong lễ công bố lệnh đặc xá của chủ tịch nước tại một nhà tù ở ngoại thành Hà Nội hôm 31/8/2015 - AFP

Nghị quyết số 54 do Quốc hội thông qua hồi tháng 6 và có hiệu lực năm năm kể từ ngày 01/9/2022, quy định không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam những tù nhân phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình...

Luật Đặc xá có hiệu lực từ năm 2018 cũng quy định những người bị kết tội xâm phạm an ninh quốc gia đều không là đối tượng được xét đặc xá.

Các Facebooker và nhà hoạt động bị tuyên án theo tội danh quy định tại Điều 331 của Bộ luật hình sự 2015 "lợi dụng tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước…" nằm trong chương về các Tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, cũng bị phân biệt đối xử như vậy.

Bà Đỗ Lê Na viết trên Facebook  cá nhân trong ngày 2/9 đặt câu hỏi, "Quyền tự do mà Hồ Chí Minh nhắc đến có bao gồm quyền tự do ngôn luận và quyền tự ứng cử vào Quốc hội không ?

Nếu phải thì cớ sao : Bố mẹ phải xa con, vợ phải xa chồng và các con phải xa cha chỉ vì người thân của chúng tôi đã nghiêm túc thực hiện các quyền của công dân được nhắc đến trong bản tuyên ngôn này, cũng như trong bản Hiến pháp hiện hành của nước Việt Nam ?"

Bà Na là một người bị khiếm thị, vợ của nhà báo công dân Lê Trọng Hùng- người đã bị xử năm năm tù với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" và đang thụ án tại Trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An. Bà nhận xét với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau :

"Ở Việt Nam, nhiều người bị khép vào tội liên quan đến an ninh quốc gia chỉ vì họ là những người lên tiếng vạch ra sai trái của nhà cầm quyền, họ là những người bất đồng chính kiến, do vậy, việc họ không được xét đặc xá là bất công và phi nhân đạo.

Việc không cho người tù chính trị đi lao động ở ngoài trại giam là con đường ngắn nhất và tàn bạo nhất nhằm hủy diệt tinh thần và thể chất của người bất đồng chính kiến, không cho người tù tiếp xúc với thiên nhiên mà nhốt họ trong bốn bức tường trong nhiều năm tù".

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình từng bị kết án bảy năm tù với tội danh "gián điệp" sau nhiều bài viết kêu gọi dân chủ, nhân quyền. Từ Hà Nội, ông nói nghị quyết mới của quốc hội tước đi niềm vui của tù nhân chính trị đang ở trong trại giam :

"Đúng là một sự phân biệt đối xử, bởi vì khi được ra khỏi trại thì tâm lý rất là khác, được thay đổi môi trường không khí. Nếu tù nhân lương tâm không được hưởng quyền đó mà tù thường phạm được thì đó là sự thiệt thòi".

Ông Bình cho biết tù nhân lương tâm không bị bắt buộc lao động, nhưng nhiều người cũng muốn làm việc để có sự vận động với công việc phù hợp, nhưng nếu quá nặng nhọc thì cũng không ai thích.

Cựu tù nhân Trần Thanh Phương, người mãn hạn tù đầu tháng ba năm nay, cho chúng tôi biết việc đưa tù nhân đi lao động ngoài trại giam đã được thực hiện từ lâu ở Trại giam An Phước (Bình Dương).

Theo ông Phương, tù nhân chính trị chỉ được lao động ở trong một không gian kín trong phạm vi hạn chế của trại giam trong khi người tù thường phạm thì có thể được đưa đi lao động ở ngoài trại giam. Ông chia sẻ :

"Lao động bên chỗ anh em tù nhân chính trị nằm trong khuôn viên của cái cổng đó thôi, không ra ngoài bức tường đó. Còn lao động của anh em bên án xã hội thì ở ngoài xưởng, đi xa lắm, có khi xa 1-2 cây số".

Ông Phương cho rằng cán bộ trại giam bóc lột sức lao động của tù nhân, chỉ trả tiền công bằng 1/10 so với giá trị thực tế của công lao động.

Một người có sức khỏe như ông mà lao động chăm chỉ cũng chỉ có thể được trả công 300.000-350.000 đồng/tháng còn một người tù thường phạm khỏe mạnh chỉ được trả công 60.000 đồng/ngày khi đi làm việc ở ngoài trại giam.

Trong khi người tù mang án chính trị được nhận tiền công này bằng hình thức cộng vào sổ để sử dụng mua hàng trong căng-tin của trại giam thì tù thường phạm không được nhận mà chỉ được tính vào điểm thi đua để có thể được giảm án, ông Phương cho biết.

Về vấn đề đặc xá, cựu tù nhân lương tâm, luật sư Lê Công Định chia sẻ qua tin nhắn cho rằng, tù nhân tư tưởng (tên gọi thông dụng trong ngành an ninh) chỉ được đặc xá đặc biệt theo quyết định của Chủ tịch nước căn cứ vào tình hình chính trị và đối ngoại, không thuộc diện đặc xá bình thường.

Cử nhân luật Bùi Quang Thắng từ Hà Nội cho rằng nếu xem xét theo khía cạnh pháp luật thì quy định về lao động ở ngoài trại giam và đặc xá không có gì sai. 

Tuy nhiên, ông Thắng nhấn mạnh : "Việc tòa án kết tội một người có tội về xâm phạm an ninh quốc gia có đúng hay không là một vấn đề khác".

Theo các tổ chức nhân quyền ở trong nước và quốc tế, Việt Nam hiện đang giam giữ hàng trăm tù nhân lương tâm, những người bị kết tội vì các hoạt động ôn hòa của mình như viết báo, hay chỉ trích chính phủ trên mạng xã hội...

Nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi Việt Nam xóa bỏ những điều khoản mơ hồ trên hoặc sửa đổi Bộ luật Hình sự để bảo đảm luật Việt Nam tương đồng với các luật nhân quyền quốc tế mà Hà Nội đã ký kết.

Theo một báo cáo  của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) công bố hồi tháng ba năm nay, Việt Nam hiện giam giữ hơn 150 tù chính trị là những người đã thực hiện các quyền cơ bản của mình theo Hiến pháp.

Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định Việt Nam không có tù chính trị. 

Nguồn : RFA, 02/09/2022

*************************

Hơn 2.400 người được ân xá đợt Quốc khánh, Việt Nam từ chối thả tù nhân chính trị

RFA, 31/08/2022

Việt Nam vào ngày 31/8 công bố quyết định đặc xá của chủ tịch nước nhân dịp ngày 2/9, tức quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, năm nay.

tu2

Tù nhân nhận lệnh đặc xá tại Trại giam Xuân Hà hôm 31/08/2022 - AFP

Truyền thông Nhà nước dẫn lời ông Phạm Thanh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, tại buổi họp báo công bố quyết định tại Hà Nội về tổng số người được đặc xá kỳ này là 2.434 phạm nhân đang chấp hành án tù, ba người đang được tạm đình chỉ thi hành án tù, và một người được hoãn chấp hành án tù.

Đại diện Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, tại buổi họp báo cho biết thêm trong số những phạm nhân thuộc các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, có tám người.

Đại diện Bộ Ngoại giao, thứ trưởng Hà Kim Ngọc, thông báo có 16 phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài thuộc danh sách đặc xá kỳ này. Tổng số phạm nhân người nước ngoài đang thụ án tại Việt Nam được cho biết chừng 750 người.

So với con số đặc xá 3.026 phạm nhân vào năm ngoái thì con số năm nay ít hơn. Ông Phạm Thanh Hà giải thích lần này có khác với những lần trước do có những quy định chặt chẽ hơn về điều kiện để được đặc xá và các trường hợp không đề nghị đặc xá.

Vào dịp này, Chủ tịch nước Việt Nam cũng ân giảm án tử hình xuống chung thân cho 10 tử tù ; trong đó có hai người nước ngoài.

Công bố quyết định đặc xá của chủ tịch nước Việt Nam nêu rõ những ai bị án ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ hoặc ‘hoạt động nhằm lật đổ chế độ’ đều không được đặc xá.

Nguồn : RFA, 31/08/2022

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam

12 tổ chức và 1.064 cá nhân ký tên chống ngược đãi tù nhân (Người Việt, 08/07/2019)

Tính đến buổi sáng ngày 8/7/2019, đã có 12 tổ chức dân sự và 1,064 cá nhân ký tên vào bản tuyên bố chống ngược đãi tù nhân được phổ biến trên mạng mười ngày trước đây.

tu1

Thân nhân của các tù nhân lương tâm cả 3 miền phản đối nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tra tấn và ngược đãi tù nhân. (Hình : FB Ngọc Tuyên Đàm)

Trong khi các tù chính trị tại nhiều nhà tù tại Việt Nam vẫn tiếp tục tuyệt thực để phản đối sự bạo ngược của cai tù cộng sản Việt Nam, ở bên ngoài, nhiều người cũng đã tuyên bố tuyệt thực đồng hành cùng họ. Theo báo Tham Nhũng do Phan Kim Khánh khởi xướng, số người ký tên nêu ở trên ghi nhận tới 12 giờ trưa ngày Thứ Hai 8/7/2019 giờ Việt Nam.

Ai muốn ký tên ủng hộ cuộc đấu tranh của các tù chính trị tại Việt Nam, có thể gửi điện thư tới "Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser." kèm theo tên họ, nghề nghiệp và địa chỉ cư trú.

12 tổ chức gồm có :

1. Nhóm Vì Môi Trường. Đại diên : bà Nguyễn Thị Bích Ngà, nhà báo tự do, Sài Gòn

2. Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD). Đại diện : Vũ Quốc Ngữ, Ths – giám đốc

3. Phong Trào Liên Đới Dân Oan. Đại diện : bà Trần Ngọc Anh, BR-VT

4. Hội Thánh Mennonite Cộng Đồng. Đại diện : Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng

5. Hội Dân Oan Ba Miền (Dân Oan Việt Nam). Đại diện : ông Nguyễn Trường Chinh, Phó Chủ tịch Hội

6. Hội Anh Em Dân Chủ. Đại diện : Ls Nguyễn Văn Đài

7. Hội Bầu Bí Tương Thân. Đại diện : Nguyễn Lê Hùng

8. Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự. Đại diện : TS Nguyễn Quang A

9. Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam. Đại diện : Bs Nguyễn Đan Quế

10. Giáo xứ Mỹ Khánh, GP Vinh. Đại diện : Linh mục Anton Đặng Hữu Nam

11. Báo Người Việt Xa Quê Info (nguoivietxaque.info) . Đại diện : Nguyễn Thi

12. Hội Giáo Chức Chu Văn An. Đại diện : Nhà giáo Vũ Mạnh Hùng

Cuộc vận động hậu thuẫn cho các tù chính trị đang tuyệt thực tại các nhà tù số 5 (Thanh Hóa), số 6 (Nghệ An), An Điềm (Quảng Nam) được phát động ngày 28/6/2019 sau lời báo động của bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ tù chính trị Trương Minh Đức báo động chồng bà và các ông Nguyễn Văn Túc, Đào Quang Thực, Trần Phi Dũng đã tuyệt thực từ ngày 10/6/2019, chống lại thái độ độc ác của cai tù.

Các tổ chức xã hội dân sự trong đó có hàng chục cựu tù chính trị tại Việt Nam ra bản tuyên bố phản đối hành vi ngược đãi tù nhân trong các trại giam của chế độ Hà Nội. Bản tuyên bố cũng đã được gửi khẩn cấp tới Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi cơ quan này thúc hối chế độ Hà Nội chấm dứt tra tấn, đối xử độc ác với các tù nhân lương tâm. Đồng thời đòi chế độ Hà Nội phải điều tra và trừng trịnh những tên cai tù hành hạ tù nhân.

Trên mạng Facebook, người ta thấy có lời kêu gọi đi biểu tình cuối tuần tới, ngày 13/7/2019 tại trước trụ sở lãnh sự quán cộng sản Việt Nam tại thành phố Frankfurt, Đức Quốc, ủng hộ sự đấu tranh của các tù chính trị tại Việt Nam.

Tuyệt thực là phương cách sau cùng để tù chính trị tại Việt Nam đáp trả lại chủ trương hành hạ dã man trong các nhà tù cộng sản Việt Nam. Chế độ Hà Nội bưng bít mọi thông tin nên không ai biết tính mạng của các tù chính trị đang tuyệt thực hiện nay thế nào.

Riêng tại nhà tù số 6, bà Nguyễn Kim Thanh cho hay nhiệt độ nóng khủng khiếp trên 40oC mà cai tù lấy cái quạt điện trong cái phòng giam nhỏ bé thấp lè tè nên các ông đã tuyệt thực phản đối.

Bản tuyên bố chống ngược đãi tù nhân thuật lại lời cựu tù chính trị Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (hiện đang sống lưu vong ở Mỹ) kể những gì ông đã phải trải qua ở cả hai Phân trại K1 và K2 của Trại giam số 6, Nghệ An trong thời tiết mùa hè nóng đổ lửa ở các phân trại tù này như sau :

"Trại giam ở K1 được xây tường bằng đá hộc và gạch đặc dày những 30 phân. Tường của trại giam này thấp và bên trên lợp mái tôn. Đặc biệt, Trại giam K1 lại được xây theo kiểu bát úp, là ngay trên sát trần không có khe thông gió, cho nên hơi nóng cứ lẩn quẩn bên trong mà cái nắng của miền Trung, ở Nghệ An thì nóng khủng khiếp lắm. Đã nắng nóng rồi, nhưng trong không khí còn có gió Lào thổi qua rất nóng và khô rát, thổi vào da thịt là khô quắt luôn. Cây lá ở bên ngoài buồng giam đều bị héo. Có những ngày nắng từ sáng đến trưa thôi mà cây ớt trồng ở sân trại có nửa phần lá và trái tiếp xúc với ánh nắng bị bạc trắng, héo queo, tàn tạ. Bức tường nhà giam bị nắng nung lên như thế thì thường anh em dội nước lên sàn nằm xi-măng lênh láng để làm nguội bớt và khi đó nước nóng như ở trong phòng xông hơi. Ở buồng giam số 1, K1 trại 6, nơi tôi đã ở qua và hiện nay nhốt anh Trần Huỳnh Duy Thức, nằm về hướng Tây và ngay ở đầu hồi mà khi bị nắng chiếu vào đến mức có lúc phải đổ nước cả bên trong bên bên ngoài tường. Nhưng lúc đổ nước như thế thì nước sủi bọt như nước đang sôi.

Còn K2, tường thì thấp, mái tôn như thế nhưng dãy nhà đó trên triền đồi trơ trọi và mùa hè cực kỳ nóng vì không có cây cối nào xung quanh cả. Vả lại, trong phòng chỉ có một cái quạt giống như cái quạt gắn trên trần của toa xe lửa, cứ quay đảo đảo, thế mà cái quạt này cũng bị lấy luôn thì anh em chịu sao nổi ?" (TN)

*******************

Tù chính trị tiếp tục tuyệt thực tại trại 6, Nghệ An (RFA, 08/07/2019)

Tù chính trị Trần Huỳnh Duy Thức vừa tuyệt thực ba ngày tại Trại giam số 6, Thanh Chương, Nghệ An. Gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức cho biết thông tin này sau chuyến thăm vào ngày 6 tháng 7.

tu2

Nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức tại phiên tòa ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 20/1/2010 - AFP

Gia đình ông Thức cho biết ông đã tuyệt thực bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 để phản đối việc trại giam không cho ông ra khỏi buồng giam trong giờ sinh hoạt. Biện pháp này được nói khiến ông Thức gần như bị biệt giam cô lập trong điều kiện thời tiết nóng bức hiện nay tại Nghệ An.

Bà Trần Thị Diệu Liên, chị gái của ông Trần Huỳnh Duy Thức nói với Đài Á Châu Tự do vào chiều tối ngày 8 tháng 7 :

"Hôm 6/7/2019 gia đình lên thăm anh Thức thì anh cho biết hôm 1/7/2019 anh tuyệt thực phản đối việc họ không cho anh ra ngoài để sinh hoạt như thường lệ mà để anh ở trong phòng giam 24/24 với thời tiết nóng bức.

Anh đã tuyệt thực để phản đối việc đó và đến ngày 3/7/2019 thì lãnh đạo đã xuống làm việc, ngưng việc đàn áp này, giải quyết cho anh Thức ra ngoài sinh hoạt vào thứ bảy, chủ nhật, mỗi ngày 7 giờ, anh Thức ngưng tuyệt thực.

Anh Thức cũng cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục đấu tranh, khiếu nại tới cùng những hành vi tùy tiện tước đoạt quyền lợi của người tù mà đang trở thành thông lệ. Không chỉ cho anh mà cho tất cả những người bạn tù khác".

Bà Liên cũng cho biết ông Thức dặn từ tháng 8 gia đình đừng lên thăm ông, và ông sẽ gọi điện thoại hàng tháng và chỉ lên thăm khi ông báo.

Gia đình của ông Trần Huỳnh Duy Thức còn cho biết trong hơn nửa năm nay, thư từ của ông Thức gửi ra và thư của gia đình gửi đến cho ông Thức luôn bị ngăn chặn. Phía gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức nhiều lần làm đơn, khiếu nại, tố cáo những hành vi bị cho là vi phạm pháp luật của Trại 6 lên các cấp có thẩm quyền.

Tại Trại 6, huyện Thanh Chương vừa qua cũng có tin bốn tù chính trị Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Đào Quang Thực và Trần Phi Dũng tuyệt thực để phản đối Trại giam số 6 tháo quạt điện trong buồng giam của những người này khi mà thời tiết rất nóng. Yêu cầu lắp lại quạt điện của những tù chính trị này không được đáp ứng nên họ tiến hành tuyệt thực.

Tin tuyệt thực của những tù nhân vừa nêu được bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ ông Trương Minh Đức loan đi vào ngày 20 tháng 6, sau chuyến thăm chồng về.

Bà Bùi Thị Rề, vợ của ông Nguyễn Văn Túc, cũng có chuyến thăm đến Trại 6 và xác nhận tin chồng bà cùng ba tù nhân khác tuyệt thực trong tù.

Một số tổ chức xã hội dân sự độc lập và cá nhân cho công bố Bản Tuyên bố Phản đối Ngược đãi tù nhân và tính đến ngày 8 tháng 7 số chữ ký tổng cộng hơn 1 ngàn. Một bản tiếng Anh của bản tuyên bố cũng được gửi đến báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc vào ngày 28 tháng 6 vừa qua.

Published in Việt Nam