Dù muốn dù không, dù yêu mến hay coi thường, vẫn phải chấp nhận và công nhận, các lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhứt của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam là những người mang đầy đủ tính ĐẠI DIỆN cho người dân Việt Nam, theo khoản 1 điều 2 Hiến Pháp quy định : "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân".
Thay vì báo động, đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh cáo, đối với cấp lãnh đạo cao cấp và cấp cao nhứt của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, về cách xuất hiện của họ trước dư luận trong và ngoài nước.
Hình ảnh đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính xuất hiện trong Hội nghị cấp cao giữa Asean và Hoa Kỳ, đang dấy lên những cười cợt và chê bai, trước bàn dân thiên hạ. Đặc biệt, lời phát ngôn "Rõ ràng, sòng phẳng. Mẹ nó. Sợ gì" của ông Chính khiến người ta ngỡ ngàng, bàng hoàng và chết lặng đôi giây, trước khi bật ra vô số lời sỉ vả, cười cợt. Dù hoàn cảnh để ông Chính phát ngôn mang đậm chất "giang hồ", không phải xảy ra trong cuộc gặp chính thức giữa các nguyên thủ quốc tế hay trả lời phỏng vấn báo chí nhưng người dân không thể phớt lờ, bởi ông Chính nói riêng và hầu hết những lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhứt, họ dường như không ý thức được : Họ là ai - Họ đang ở đâu - Họ đang làm gì. Điều này có nghĩa : Họ đang đại diện cho hàng chục triệu người Việt Nam chứ không phải họ xuất hiện với tư cách cá nhân - Họ không phải đang ở nhà riêng - Họ đang giao thiệp/giao tế/giao đãi trước công chúng và trước thế giới.
Dường như vô cùng hiếm hoi, người Việt Nam may mắn được nhìn thấy những hình ảnh lịch lãm - văn minh, với lời ăn tiếng nói có chiều sâu tâm hồn và bề dày tri thức tích lũy theo thời gian từng trải, từ các lãnh đạo cao cấp và cấp cao nhứt của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, để (may ra) nở mặt nở mày với thế giới. Thay vào đó, người Việt Nam hầu như chỉ nhận lấy sự ê chề và nhục nhã, vốn dĩ không đáng phải nhận lãnh, trong cách nhìn của quốc tế, như là một dân tộc có mức độ văn minh ở mức dưới trung bình.
Dư luận vẫn chưa quên những hình ảnh và hành vi xấu xí, quê mùa và đua đòi của những lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhứt, đã từng xảy ra trước đây, như :
- Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khi đón tiếp cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama đi thăm "ao cá bác Hồ", rồi mời ông Obama cùng rải thức ăn cho cá. Bốc vài miếng cho có lệ, bà Ngân lẹ tay và gọn gàng - không hề thua kém một phụ nữ dân quê chuyên nghề nuôi và bán cá - bằng cách hất cả rổ thức ăn xuống ao, trước tiếng ồ lên ngạc nhiên pha lẫn sự khó hiểu từ ông Obama (!).
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, khi đón tiếp cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama đi thăm "ao cá bác Hồ", hất cả rổ thức ăn xuống ao
- Đương kim Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm há miệng đớp lấy miếng bò nạm vàng, tại một nhà hàng ở Anh quốc, trước sự hiếu kỳ của Chánh Văn phòng Bộ Công an - Tô Ân Xô quay clip trong vẻ thích thú và tò mò, với cách ăn độc đáo bằng một ngọn dao dài, bén ngót chĩa thẳng tới tận họng ( !) Bữa ăn lên đến hàng chục triệu đồng, diễn ra ngay xứ sương mù. Trong không gian ấm cúng và sang trọng, có vẻ làm cho ông Lâm và tùy tùng quên phứt hàng triệu người dân đang đói khổ vì dịch bịnh hoành hành dữ dội, hồi tháng Mười Một năm ngoái.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm há miệng đớp lấy miếng bò nạm vàng…
- Cựu Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trình diễn màn múa, như một kỹ nữ thời phong kiến, vốn nhằm mua vui cho vua chúa ngày xưa. Cho nên, bà Phóng biểu diễn cho riêng các đồng chí của bà ta, nhân dịp nghỉ hưu là một cách học đòi những tàn dư quá ư lạc hậu, trong tư cách những người cộng sản, vốn mục tiêu của họ là "đả thực - bài phong" từ thuở Hồ Chí Minh lôi kéo quần chúng đi "cướp chính quyền" cách đây gần 80 năm về trước. Sự việc bà Phóng múa may đáng đề cập, bởi nó được đài truyền hình quốc gia quay lại, như ghi nhận "tài lẻ" của một chính trị gia chuyên nghiệp (chắc nhằm mục đích khoe với dân chúng chăng ?). Với thân hình không có mức độ nào so sánh nổi với vũ công, dù nghiệp dư hay chuyên nghiệp, bà Phóng dù sao cũng tỏ ra rất cố gắng mềm mại và uyển chuyển như... một con búp bê tròn trĩnh, phốp pháp mà trẻ con thường yêu thích.
Tòng Thị Phóng trình diễn màn múa, cố gắng mềm mại và uyển chuyển như... một con búp bê tròn trĩnh, phốp pháp mà trẻ con thường yêu thích.
Trước khi thực hiện cái gọi là "đổi mới", hầu hết các lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhứt của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, luôn xuất hiện trong bộ dạng cứng ngắc, gò bó, nghiêm trang và có phần khệng khạng như những quan văn - quan võ ; quan phủ - quan huyện thời phong kiến. Có lẽ nhằm để giữ hình ảnh tôn nghiêm - bề thế trong mắt quần chúng (?). Dù là như vậy, những hình ảnh đó đã hoàn toàn lỗi thời. Có vẻ như hậu duệ kế thừa ở các chức vụ cao và cao nhứt, trong bộ máy độc đảng toàn trị, cũng nhận biết rõ như vậy.
Dĩ nhiên, nhìn nhận thực tại trong thế giới ngày càng thay đổi rất nhanh và rất mạnh, để chối từ những hình ảnh cũ mòn - lạc hậu là điều rất tốt. Tuy nhiên, tư tưởng luôn dẫn dắt hành động. Ông bà xưa để lại câu tục ngữ "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Tất cả đều phải học, nhứt là khi mang tính ĐẠI DIỆN cho quốc gia, càng phải học. Điều này không phải là sự đua đòi hay khoe mẽ, mà phải học đúng để hội nhập với thế giới. Đó không phải là điều mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cố gắng thực hiện với quyết tâm cao độ đó sao ?
Vâng ! Hội nhập cho chính chế độ này thích nghi, để tồn tại là điều không có gì bàn cãi. Vấn đề nằm ở chỗ, hầu hết họ học không ra và học không tới.
Đối với phụ nữ, các lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhứt của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thường thích chưng diện những bộ cánh lòe loẹt, dù mang dáng vóc áo dài Việt Nam nhưng khá lố lăng, bởi họ không chịu nhìn nhận, bản thân họ không phải là người mẫu chuyên nghiệp với eo co đúng chuẩn, họ cũng không còn là cô gái tuổi xuân thì, mà lại thích "đơm bông kết lá" sặc sỡ, như một con két đủ màu. Sự diêm dúa không làm cho những nữ lãnh đạo sang trọng hơn mà nghiêng về nghệ thuật... tuồng cổ (!). Không những thế, họ dễ bị quyến rũ và sa vào "mê hồn trận" quần áo lụa là, bởi những nhà tạo mẫu chuyên nghiệp với danh tiếng lâu năm trong nghề nhưng họ quên mất, họ đang là ĐẠI DIỆN cho dáng vóc và tri thức người phụ nữ Việt Nam (!) Họ cũng quên béng đi, nhà tạo mẫu chuyên nghiệp, càng danh tiếng họ càng muốn phô trương ý tưởng bằng những "mẫu mới lạ" nhưng "rất kỳ cục", đối với một người đàn bà có tuổi tác đã đi qua gần hết con dốc cuộc đời.
Đối với nam nhân, các lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhứt của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tuy không đặt nặng phần quần áo nhưng sự xuất hiện của họ lại không kém phần lố bịch. Điển hình, đa số các ông hay mang vớ không đủ dài để che toàn bộ phân cẳng chân, nên khi ngồi xuống, dễ dàng lòi ra phần da... thiếu vớ, khiến người ta dễ cảm nhận, họ không khác mấy so với những nông dân chơn chất, lần đầu làm quen với... đồ Tây. Thậm chí, có khá nhiều ông, ngồi vắc chân "chữ ngũ" (không phải tréo mẩy) trong cung cách như của một "bang chủ" khi tiếp khách. Đặc biệt nhứt, hàm răng của họ, dường như lâu lắm rồi không được... chăm sóc. Cho nên, khi họ mở miệng cười - nói, khiến người đối diện có đôi phần ngại ngùng và "dễ xa nhau lắm".
Vẻ bề ngoài không phải là điều quyết định nhưng nó là cái bắt đầu. Tạo thiện cảm với cái nhìn trân trọng từ người đối diện, là điều mà các lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhứt của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, tỏ ra quá vô tâm.
Các trợ lý - cố vấn của các lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhứt của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, dường như chỉ là đầu sai, hơn là người tư vấn chuyên nghiệp trong nhiều vấn đề liên quan đến vẻ xuất hiện lịch lãm - văn minh cho "sếp" cùng với cung cách "ăn nói", kể cả hành vi - cử chỉ, sao cho bớt đi chất "võ biền". Cũng có khi, những vị trợ lý - cố vấn biết nhưng không thể nói và không dám nói cũng nên ! Nghĩ cũng tội cho những danh phận này, khi làm việc trong chế độ độc đảng toàn trị, bởi chỉ cần nhắc khéo "sếp" cũng dễ dàng mang tội "khi quân" (!) Thế cho nên, trông chờ những bài diễn văn sáo rỗng, nhàm chán và đầy thói đạo đức giả được "thay da đổi thịt", gây xôn xao diễn đàn thế giới với những ý tưởng mới lạ là điều quá viển vông ! Vì vậy, chính trường ở xứ thiên đàng vẫn là mảnh đất màu mỡ cho "nịnh thần" xuất hiện dày đặc, hơn là nhìn thấy những "tôi trung" dù là "ngu trung" !
"Mẹ nó", "mẹ nó" làm sao ?
Đi ra thế giới vác dao tầm gì ?
Tầm ngưu ? Tầm mã ? Tầm tình ?
Tầm huynh, tầm đệ kết tình thâm giao
Bạn bè hoảng hốt chạy mau
Ta về đóng cửa sửa sang phần... người
Giá như, các lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhứt của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chỉ là những thường dân, có lẽ bài này không có lý do để viết ra.
Đại án AVG : Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son giả bệnh trốn lệnh bắt (RFA, 27/11/2018)
Trong thương vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), với giá cao ngất ngưởng tới 8.889,815 tỉ đồng, chênh lệc với giá trị thực có của AVG chỉ đáng giá vài trăm tỷ (hay không quá 1.000 tỷ) đã gây thiệt hại cho nhà nước ít nhất là hơn 7.000 tỷ đồng. Người ta không thể bỏ qua một thông tin từ báo chí nhà nước cho biết, "Vụ Mobifone mua cổ phần AVG : 6 người nhận hơn 8.051 tỷ" (1). Theo đó, trong thương vụ Mobifone mua lại cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), các cá nhân nhận đa số (khoảng 8.051 tỷ đồng) trong tổng giá trị của thương vụ là 8.889,8 tỷ đồng.
Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son và những cấp lãnh đạo liên quan đến vụ mua AVG
Những thất thoát trong tài sản nhà nước trong vụ án Đinh La Thăng và đồng bọn tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) trước đây được cho là 3.200 tỷ, nếu so với việc cố ý làm trái trong vụ án Mobifone mua AVG đã gây thất thoát đến hơn 7.000 tỷ của nhóm tội phạm này, thì cho người ta thấy sự bất bình đẳng trong việc chống tham nhũng của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng. Vì thế khi Đại Án Mobifone mua AVG sau một thời gian dài không bưng bít nổi, thì ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã buộc phải đưa nó ra ánh sáng.
Theo như đánh giá của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về Phó Ban Tuyên giáo trung ương - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn một trong những người giữ vai trò đầu vụ tham nhũng mua 95% cổ phần của công ty AVG là "đây là vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm". Và trầm trọng hơn, có thông tin, lúc còn là Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn làm việc với tổ thẩm định giá mua bán AVG mà không có đại diện của Mobifone, cũng như không thông báo cho Mobifone biết.
Nếu như chúng ta biết rằng Thứ trưởng công an Tô Lâm và Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn, vào thời điểm trước Đại hội 12 Đảng cộng sản Việt Nam đều nhăm nhe chiếc ghế Bộ trưởng hai bộ vừa kể. Song quan trọng là, để đạt được mục đích đó thì 2 ứng viên này cần phải có rất nhiều tiền để chạy vào Ban chấp hành Trung ương bằng được. Theo như triết lý " Cái gì không mua được bằng tiền, thì phải mua bằng rất nhiều tiền" của ông trùm mafia Năm Cam. Động cơ đó chính là nguồn cơn của phi vụ MobiFone mà AVG, chắc chắn số tiền chạy chọt đó đã nằm gọn trong túi các quan chức cỡ lớn trong đảng. Vì thế, nếu việc xử lý vụ việc mua AVG đến nơi đến chốn như Đinh La Thăng thì lấy gì đảm bảo rằng các bí mật đó không bị Trương Minh Tuấn bật mí ?
Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, Tổng bí thư Trọng muốn bỏ qua vụ đại án này cũng không được.
Tuy vậy đến hôm nay, sau khi đã có ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư trong việc xử lý Đại án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu AVG, thì có dấu hiệu đại án này có nguy cơ chìm xuồng. Với lý do nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn còn có thêm chức danh Phó Ban Tuyên giáo trung ương, nếu xử lý thì không chỉ riêng hệ thống tuyên giáo của Đảng cộng sản Việt Nam mất uy tín, mà trực tiếp ông Nguyễn Phú Trọng cũng mất mặt. Chính vì thế, có thể khẳng định, đại án MobiFone mua 95% cổ phần AVG là một thách thức đôí với Tổng Bí Chủ Nguyễn Phú Trọng.
Một phần chậm trễ trong đại án này cũng vì có liên quan đến vai trò của Bộ trưởng công an Tô Lâm trong việc giúp sức cũng như tiếp tay, khi xếp thương vụ này vào loại "Mật". Vì muốn bưng bít thông tin cũng như muốn dập tắt các ý kiến phản biện của thương vụ đầy khuất tất này, Bộ Thông tin và truyền thông đã đề nghị Bộ Công an cho ý kiến về thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Đó chính là nguyên nhân đại án Mobifone mua AVG, gây thất thoát của nhà nước không dưới 7.000 tỷ đồng lại được Thanh tra Chính phủ cố tình trì hoãn trong một thời gian quá dài. Dẫu rằng họ thừa biết rằng vấn đề này là nằm ngoài phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ Công an nhưng họ vẫn cứ tiến hành, để sau đó 2 Bộ công an và Bộ Thông tin và truyền thông đã lập tức xếp thương vụ này vào loại "Mật".
Trong vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son và Phạm nhật Vũ thao túng với sự chỉ đạo của Vượng Vin, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son khi ấy hoàn toản hiểu đây là một cú mua bán để ăn chênh lệch giá trên 7 ngàn tỷ đồng. Chính vì thế, tất cả các văn bản giấy tờ có liên quan đến thương vụ mua bán khuất tất này đều do Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký. Dẫu rằng nó không phải là trách nhiệm cũng như quyền hạn của Trương Minh Tuấn, song vì lời hứa sẽ nhường cho ghế Bộ trưởng từ Bộ trưởng Son nên Thứ trưởng Tuấn đã nhắm mắt làm càn. Đó là lý do vì sao cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son sẽ bị trảm trước trong những ngày tới, để để điều tra mở rộng vụ án Mobifone mua AVG.
Tin nội bộ cấp cao từ Hà Nội cho biết, vào trung tuần tháng 11/2018 Cơ quan điều tra Bộ công an đã bắt Nguyên Tổng Giám đốc MobiFone Cao Duy Hải và Phó Tổng Giám đốc Phạm Thị Phương Anh với tội danh vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Qua xét hỏi của cơ quan Công an, Phó Tổng Giám đốc MobiFone Phạm Thị Phương Anh đã khai toẹt ra rằng, là người trực tiếp đưa tiền lại quả cho cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son 155 tỷ đồng và nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn kiêm Phó Ban Tuyên giáo trung ương số tiền 98 tỷ đồng. Cũng cần được nhắc lại, Phó Tổng Giám đốc MobiFone Phạm Thị Phương Anh đã được cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son "ưu ái" đưa về MobiFone, với mục đích duy nhất để thực hiện thương vụ mờ ám này.
Ngày 17/11/2018 Ban Bí thư đã mời các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và một số người có liên quan làm việc, tại buổi làm việc ban chuyên án đã thông báo các chứng cứ điều tra liên quan đến việc nhận hối lộ hàng trăm tỷ đồng của Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Sau buổi họp, đã Ban Bí thư đã quyết định câu lưu cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son để chuẩn bị thủ tục ra lệnh bắt, còn nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn kiêm Phó Ban Tuyên giáo trung ương được cho về. Ngay trong đêm 17/11, ông Nguyễn Bắc Son đã "lên cơn" truỵ tim, phải vào viện 108 để cấp cứu. Và cho đến hôm nay cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son vẫn liên tục tục kêu mệt. Đó chính là lý do vì sao, giai đoạn cuố việc xử lý Đại án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu AVG đã phải chững lại.
Ngày 28 tháng 11 năm 2018
© Kami
(1) bit.ly/2mN9d0p
***************
Khiển trách nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh (RFA, 27/11/2018)
Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh chính thức bị Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật bằng hình thức khiển trách vì liên quan đến trách nhiệm các sai phạm xảy ra đối với Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Bộ trưởng Kế Hoạch Đầu Tư Bùi Quang Vinh phát biểu tại Đại Hội Đảng cộng sản Việt Nam lần 12 ngày 22/1/2016. Courtesy mpi.gov.vn
Quyết định trên được đưa ra trong buổi họp Ban Bí thư hôm 27/11 tại Trụ sở Trung ương Đảng ở Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhằm xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với việc kỷ luật ông Bùi Quang Vinh trước đó.
Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng ông Vinh trong thời gian giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư đã thiếu trách nhiệm trong việc ký Công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án.
Tuy nhiên, trước đó, ông Vinh được nói đã có văn bản đề nghị dừng dự án khi nhận ra sự bất thường, nhưng Bộ Thông tin và truyền thông đã quyết định phê duyệt và thực hiện dự án.
Đến nay đã có 3 nguyên bộ trưởng bị kỷ luật liên quan đến vụ công ty Mobifone mua 95% cổ phần Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG), gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Ngoài ông Vinh là hai nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn.
Ông Bùi Quang Vinh khi còn đảm nhận chức vụ bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư từng công khai phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ 12 vào tháng giêng năm 2016 rằng việc đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức bức bách đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Ông nói rõ trong suốt 70 năm trời cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy đảng, nhà nước, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị gần không có gì thay đổi.
Theo ông Bùi Quang Vinh, thực tế đó khiến Việt Nam dù có một số phát triển về mặt kinh tế nhưng nhìn toàn thể thì bị tụt hậu so với các nước láng giềng trong khu vực.
Phát biểu của ông Bùi Quang Vinh như thế dường như khác hẳn với quan điểm của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tuyên bố mới nhất khi gặp mặt với các cử tri hai quận Ba Đình, Tây Hồ, thành phố Hà Nội vào sáng 24/11/2018 rằng "Suy thoái chính trị còn nguy hiểm hơn suy thoái kinh tế !"
******************
Đại án MobiFone-AVG : Khiển trách ông Bùi Quang Vinh (BBC, 27/11/2018)
Cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam Bùi Quang Vinh bị kỷ luật khiển trách vì 'vai trò người đứng đầu'.
Ông Bùi Quang Vinh, nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (2011-2016)
Ban Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 27/11 quyết định thi hành kỷ luật ông Bùi Quang Vinh bằng hình thức khiển trách sau một phiên họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
"Theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, ông Bùi Quang Vinh đã nghiêm túc kiểm điểm, nhận rõ sai phạm, khuyết điểm và tự nhận hình thức kỷ luật", Tuổi Trẻ đưa tin.
Trong tháng 11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Bùi Quang Vinh và một số người khác thuộc Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính.
Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương từng kết luận về việc họ gọi là "làm trái quy định" trong việc việc lập, trình dự án đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư của MobiFone, Bộ Thông tin và truyền thông cùng một số bộ, ngành có liên quan.
Ông Bùi Quang Vinh, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Ban cán sự đảng, nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, được mô tả là chịu trách nhiệm ký một công văn của bộ này đề nghị Thủ tướng Chính phủ lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Mobifone mua AVG.
Thương vụ MobiFone mua cổ phần AVG được mô tả là gây thiệt hại nghiêm trọng về vốn của nhà nước tại MobiFone khoảng hơn 7.000 tỉ đồng do việc "đội giá" mua AVG với giá gần 8.900 tỉ đồng hồi cuối năm 2015.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào tuần trước nói Trung ương không bao giờ nhụt chí, mệt mỏi trong công tác phòng chống tham nhũng.
"Các bác cứ yên tâm, không bao giờ chùn lại, chùng xuống hay mệt mỏi đâu....Tôi đã nói rồi, ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói với cử tri quận Ba Đình hôm 24/11.
Bộ Công an Việt Nam mới đây điều tra mở rộng vụ án MobiFone mua AVG và khởi tố bắt giam dàn cựu lãnh đạo MobiFone.
Liên quan tới đại án này, ông Nguyễn Bắc Son hồi tháng 10 bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông sau khi bị bị cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin Truyền thông (nhiệm kỳ 2011 - 2016).
Hiện ông Trương Minh Tuấn, người kế nhiệm ông Nguyễn Bắc Son ở chức Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, cũng đã bị hạ bệ tuy ông Tuấn được điều trở lại làm Phó Ban Tuyên giáo Trung ương.
Việc thanh tra toàn diện việc MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã bắt đầu từ tháng Chín 2016
Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn cầu (AVG), có Chủ tịch là ông Phạm Nhật Vũ, được truyền thông trong nước mô tả là công ty tư nhân đầu tiên được truyền dẫn phát sóng tại Việt Nam và cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số có phạm vi phủ sóng toàn quốc lớn thứ ba tại Việt Nam, chỉ sau VTV và VTC.
Truyền hình An Viên của AVG từng có hợp tác với Truyền hình An ninh (ANTV) thuộc Bộ Công an và Truyền hình Thông tấn Xã Việt Nam (Vnews), Báo Đời sống Pháp luật đưa tin hồi tháng 3/2018.
Báo Công an Nhân dân hồi tháng 12/2012 có bài 'AVG đồng hành cùng ANTV' bàn về sự hợp tác này.
Trong vai trò Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh được cho là người giám sát và tham gia soạn thảo một số đề án chiến lược như đề án đặc khu hành chính - kinh tế Vân Đồn -Bắc Vân Phong - Phú Quốc.
Ông cũng được xem là người có những phát biểu đáng chú ý khi tại tại Đại hội Đảng 12 phát biểu về yêu cầu hết sức cấp bách là phải đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế.
******************
Cựu bộ trưởng đầu tư bị ‘khiển trách’ vì vụ Mobifone-AVG (VOA, 27/11/2018)
Cựu Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh bị Đảng Cộng sản "khiển trách"hôm 27/11 do "thiếu trách nhiệm"trong một hoạt động đầu tư với thiệt hại lên đến hàng nghìn tỉ đồng, theo cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh (hàng đầu, bên phải) tiếp khách nước ngoài năm 2014 (ảnh tư liệu)
Trang Thông tin Chính phủ cho hay Ban Bí thư của đảng đã họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội để "xem xét, thi hành kỷ luật"ông Vinh, hiện đã nghỉ hưu.
Ban Bí thư xác định rằng khi còn giữ chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Vinh đã "thiếu trách nhiệm"khi ký một công văn vào tháng 11/2015 của bộ "đề nghị thủ tướng chấp thuận"chủ trương đầu tư vào một dự án, trong đó Tổng Công ty Viễn thông Mobifone của nhà nước mua 95% cổ phần của công ty tư nhân AVG, theo Thông tin Chính phủ.
Hồi tháng 3 năm nay, thanh tra chính phủ đưa ra kết luận rằng đã có "những lỗi lớn"trong việc thẩm định, xác minh giá tài sản, các khoản nợ và lỗ của AVG, trước khi phía nhà nước chi gần 8.900 tỉ đồng để mua lại hãng này, "dẫn đến nguy cơ thiệt hại vốn nhà nước hơn 7.000 tỉ đồng".
AVG có tên đầy đủ là Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu, một công ty tư nhân cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, do doanh nhân bất động sản Phạm Nhật Vũ thành lập.
Cũng trong tháng 3, dư luận xôn xao khi hợp đồng mua cổ phần giữa Mobifone với AVG đã được hai bên "thống nhất hủy bỏ".
Mặc dù vậy, hàng loạt quan chức nhà nước liên quan đến thương vụ bất thành này vẫn bị Đảng Cộng sản kỷ luật, trong đó, mới đây nhất là cựu Bộ trưởng Vinh.
Trang Thông tin Chính phủ cho biết rằng "sau khi có thông tin bất thường"về dự án, ông Bùi Quang Vinh "đã có văn bản đề nghị dừng dự án", nhưng việc làm này đã quá muộn vì Bộ Thông tin và truyền thông – cơ quản cấp trên của Mobifone - đã "quyết định phê duyệt và thực hiện dự án".
"Xét nội dung, mức độ, hậu quả các vi phạm và quá trình công tác, đóng góp cho Đảng, Nhà nước"của ông Bùi Quang Vinh, Ban Bí thư quyết định "thi hành kỷ luật ông Bùi Quang Vinh bằng hình thức Khiển trách", vẫn theo Thông tin Chính phủ.
Việc thanh tra thương vụ giữa Mobifone và AVG diễn ra cùng lúc Đảng Cộng sản mở rộng chiến dịch chống tham nhũng.
Tiếp sau cuộc thanh tra, Bộ Công an Việt Nam hôm 10/7 đã ra lệnh bắt tạm giam ông Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Mobifone, và ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ quản lý Doanh nghiệp, thuộc Bộ Thông tin-Truyền thông vì "vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng".
Đến giữa tháng 11, Bộ Công an bắt thêm ông Cao Duy Hải, nguyên Tổng Giám đốc, và bà Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng Giám đốc Mobifone, với cáo buộc tương tự như của ông Trà.
Cũng liên quan đến vụ này, ông Nguyễn Bắc Son bị đảng kỷ luật gồm "cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá 11 và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin Truyền thông, nhiệm kỳ 2011-2016",và bị "xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông".
Người kế nhiệm ông Nguyễn Bắc Son ở chức bộ trưởng là ông Trương Minh Tuấn bị đảng kỷ luật "cảnh cáo", "cho thôi chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin Truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021". Ngoài ra, ông Tuấn cũng thôi chức bộ trưởng và được điều trở lại làm Phó Ban Tuyên giáo Trung ương của đảng.