Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu tỉnh Ninh Thuận nên tạm dừng đề xuất nhà máy thép Cà Ná do tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư và cần đánh giá kỹ lưỡng yếu tố môi trường cùng nhiều yếu tố quan trọng khác để phát triển dự án được hiệu quả.

cana1

Hình ảnh dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận. Courtesy of hoasengroup.vn

Quyết định đúng đắn

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam yêu cầu chính quyền tỉnh Ninh Thuận cần tính toán kỹ lưỡng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu mặt hàng thép để có quyết định thích hợp về quy mô, tổng vốn đầu tư, công suất và thời điểm phát triển dự án. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu cần đánh giá kỹ lưỡng về công nghệ và thiết bị của dự án thép Cà Ná để đảm bảo an toàn cho môi trường, không để xảy ra sự cố như nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa trước đây. Ông Thủ tướng nhấn mạnh sau khi nghiên cứu và làm rõ các vấn đề vừa nêu thì tỉnh Ninh Thuận cần phối hợp với các cơ quan ban ngành để báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét.

Thông tin về đề nghị tạm dừng dự án thép Cà Ná được dư luận cho là nhà nước có lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của người dân vì dự án này gặp làn sóng phản đối dữ dội do biến cố thảm họa môi trường biển bởi nhà máy thép Hưng nghiệp Formosa gây ra, khiến không chỉ dân chúng ở bốn tỉnh Bắc miền Trung chịu tác hại nặng nề mà hàng triệu người dân Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS cho biết nhận định của ông đối với đề nghị tạm dừng dự án thép Cà Ná của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc :

"Đấy là quyết định đúng đắn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Việc đặt vấn đề như thế của ông Phúc là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nên quyết định dẹp hẳn dự án chứ không phải xem xét lại. Bởi vì có thể với việc tạm dừng này thì đã làm dư luận yên lòng được một chút, rồi họ ngấm ngầm sửa lại một chút xong cuối cùng họ nói đến lúc thuận tiện để cho làm tiếp. Nguy cơ đấy là nguy cơ vẫn có thể xảy ra".

Không chỉ riêng Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng việc xây dựng nhà máy thép ở Cà Ná, Ninh Thuận là một "nguy cơ" mà gần như hầu hết những chuyên gia trong các lãnh vực đầu tư, kinh tế, môi trường và cả pháp lý đều có nhận định tương tự.

Bão dư luận nổi lên khi Bộ Công thương Việt Nam ra quyết định số 3516/QĐ-BCT chấp thuận bổ sung Dự án "Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận" là một dự án trọng điểm, góp phần vào hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn 2020-2025 của Việt Nam hồi cuối tháng 8 năm ngoái. Lên tiếng với RFA về tính không khả thi của dự án, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích :

"Việc quy hoạch mà vẫn bám vào quy hoạch đã đưa ra cách đây 10 năm thì đã là một điều hoàn toàn không hơp lý. Bởi vì quy hoạch đưa ra trong bối cảnh kinh tế vào lúc đó chứ còn vào lúc này khi mà thị trường thép trên cả thế giới đã có sự dư thừa công suất cực kỳ lớn, đặc biệt sự dư thừa đó đang xuất hiện khắp Việt Nam và bây giờ thép Trung Quốc đã tràn sang Việt Nam như thế nào, gây điêu đứng như thế nào cho các công ty thép đã có tại Việt Nam thì điều đó ai cũng biết rõ".

Không đủ điều kiện để luyện thép

VIETNAM-CHINA-POLITICS-ECONOMY-RIOT

Khu vực cầu cảng nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh chụp hôm 4/12/2015. AFP photo

Dự án thép Cà Ná do tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư với tổng vốn được nói lên đến 10 tỷ Mỹ kim cũng khiến cho các chuyên gia trong lãnh vực đầu tư đưa ra lập luận không loại trừ khả năng các nhà đầu tư Trung Quốc đổ vốn vào dự án này và sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, chẳng hạn đầu tư bằng công nghệ và trang thiết bị phục vụ cho công việc luyện thép. Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường, Giáo sư-Tiến sĩ Trần Hiếu Nhuệ từng lên tiếng Trung Quốc là nước hàng đầu có hệ thống xử lý môi trường tồi tệ nhất và ai đảm bảo tập đoàn Hoa Sen không làm theo cách của Trung Quốc để hạ thấp giá thành sản phẩm.

Câu hỏi về hiệu quả kinh tế và tác hại môi trường của dự án thép Cà Ná cũng được các đại biểu quốc hội nêu ra trong buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vào sáng ngày 15 tháng 11 năm 2016. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại buổi chất vấn đã khẳng định chủ trương của chính phủ là không đánh đổi môi trường để lấy những dự án công nghiệp bằng mọi giá và hướng tới phát triển những tập đoàn công nghiệp lớn của quốc gia có điều kiện tốt để khai thác nếu như đáp ứng được những yêu cầu, đặc biệt về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Kỹ sư Nguyễn Minh Quang, chuyên gia về môi trường ở Hoa Kỳ nói với Đài Á Châu Tự Do Chính phủ Việt Nam cần giải đáp được ba vấn đề liên quan trong dự án thép Cà Ná, nếu dự án này được triển khai :

"Thứ nhất, tôi không thấy ở vùng Ninh Thuận có quặng sắt nào hết, làm nhà máy thép 16 triệu tấn/năm thì cần rất nhiều quặng. Họ sẽ dùng quặng từ đâu, hoặc họ sẽ nhập cảng quặng sắt từ nước ngoài ? Điều đó tôi không rõ. Thứ hai nữa làm thép cần nhiều điện, nhưng hiện tại ở Ninh Thuận chưa có nhà máy điện nào lớn hết, ngoại trừ nhà máy gần nhất mà tôi biết là nhà máy thủy điện Đa Nhim, nhưng không biết nguồn điện đó có đủ để cung cấp cho nhà máy thép ở Ninh Thuận hay không, vì cần luyện 24/24 giờ đồng hồ nên lúc nào cũng cần một lượng điện như nhau. Điểm thứ ba là vùng Ninh Thuận ít mưa nhất Việt Nam. Khi làm thép phải cần nước. Tôi không rõ phải dùng nước ở đâu cho việc luyện thép ? Muốn làm thép thì phải trả lời ba câu hỏi đó".

Yếu tố môi trường

Trong khía cạnh đảm bảo an toàn môi trường của dự án như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập, Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ từng tuyên bố rằng không xả thải một giọt nào ra biển và sự cố môi trường do Formosa gây ra là bài học để cơ quan nhà nước cùng doanh nghiệp nhận thấy đó là trách nhiệm hàng đầu. Ông Lê Phước Vũ cũng nhấn mạnh nếu dự án thép Hoa Sen Cà Ná gây ô nhiễm môi trường thì sẽ đóng cửa nhà máy và giao toàn bộ tài sản cho nhà nước. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho là cam kết như thế không có giá trị pháp lý. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, Giảng viên Luật và chính sách công, quản trị nhà nước Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright cho biết quan điểm của ông với RFA :

"Một cá nhân anh tuyên bố như thế nhưng sau này gây thiệt hại rất là lớn và lâu dài thì cá nhân ấy làm sao chịu trách nhiệm được vì không có năng lực chịu trách nhiệm. Những thiệt hại sau này lớn hơn rất nhiều khả năng anh ta chịu được thì làm sao truy được trách nhiệm ? Thành ra những tuyên bố như vậy rất ít giá trị về mặt pháp lý sau này"

Qua thảm họa môi trường tại khu vực bốn tỉnh Bắc miền Trung do Fomosa thải độc tố ra biển, Chính phủ Hà Nội vẫn còn lúng túng trong việc giải quyết hậu quả cũng như chưa công bố phương án kỹ thuật để xử lý nếu có sự cố xảy ra trong tương lai. Đây là một trong những nguyên nhân chính mà dự án thép Cà Ná không nhận được sự đồng thuận của giới chuyên gia và dân chúng vì tai nạn tiềm tàng luôn hiện diện và những quy trình đối phó của nhà nước Việt Nam không mang tính thuyết phục.

Dư luận cho rằng thay vì đề nghị tạm dừng dự án thép Cà Ná, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần yêu cầu dừng hẳn như lời bình luận của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh rằng "Đây là dự án phải hy sinh quá nhiều mà không rõ có mang lại hiệu quả gì không ?"

Hòa Ái, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 18/04/2017

Published in Việt Nam