1.500 người vừa ký thỉnh nguyện thư gửi Giáo hoàng Francis xin minh xét cho cựu Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt, người mà họ cho là đã "bị oan khiên".
Giám mục Ngô Quang Kiệt trong lễ mừng kỷ niệm 25 năm hồng ân thiên chức linh mục tại Đan Viện Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình
Tổng Giám mục Joseph Ngô Quang Kiệt, sinh năm 1952, đảm nhận chức vụ Tổng giáo phận Hà Nội từ năm 2005 - 2010.
Trong thời gian đó, ông đã gặp nhiều khó khăn với chính quyền, nhất là quanh vụ Tòa Khâm sứ ở phố Nhà Chung.
Tòa Tổng giám mục Hà Nội, đứng đầu là Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, trong một thời gian dài đã yêu cầu xin lại tòa nhà từng được dùng làm văn phòng của đại diện tòa thánh Vatican.
Giáo dân cũng tổ chức nhiều cuộc cầu nguyện đông người bên ngoài để "đòi khu đất tòa Khâm sứ cũ".
Các nỗ lực đó đã thất bại khi cuối cùng vào năm 2008, chính quyền Hà Nội thu hồi, 'quy hoạch dự án xây dựng công viên cây xanh' tại đây.
Tháng 5/2010, theo Đài Vatican, Giáo hoàng Benedict XVI nhận đơn từ chức của Tổng Giám mục Hà Nội Joseph Ngô Quang Kiệt vì lý do sức khỏe, chiếu theo khoản số 401 triệt 2 của Bộ Giáo Luật.
Sau đó, ông chuyển tới Đan viện Châu Sơn, Ninh Bình
'Oan khiên'
Thỉnh nguyện thư ký tên một số cá nhân ở Mỹ, Canada, Bỉ, Pháp… nêu : "Cựu Tổng Giám mục Joseph Ngô Quang Kiệt luôn đứng trước đàn chiên, tuyên bố sẵn sàng chết hay bị tù vì đoàn chiên. Ngài không bỏ chiên, nhưng Ngài bị chính Bề trên, quyền lực Giáo hội tại Vatican chấp nhận yêu sách của sói, buộc Ngài phải rời khỏi đoàn chiên".
"Xin Chúa phù hộ để Đức Thánh Cha [Giáo hoàng] nghĩ đến một kẻ chăn chiên biết bảo vệ đàn chiên và vâng lời Bề trên hiện đang phải ẩn mình trong trong một tu viện, như một người bị lôi ra khỏi hệ thống chăn chiên chỉ vì Vatican và các anh em Ngài đã bức bách Ngài rời bỏ đoàn chiên do áp lực của đàn sói".
Giáo hoàng chỉ nhận được thông tin qua lăng kính ngoại giao -Ảnh minh họa
Hôm 8/2, trả lời BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh, Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh, phòng Công lý Hòa bình, Dòng Chúa Cứu thế Sài Gòn, nói : "Thỉnh nguyện thư cho thấy tiếng nói của giáo dân có thể khiến Vatican nhìn lại vấn đề liên quan đến Đức cha Kiệt một cách toàn diện hơn".
"Giáo dân không đòi hỏi Vatican phải quyết định theo ý của họ mà mong nhận được những chỉ dẫn mang tính ơn Chúa chứ không phải dàn xếp chính trị".
"Lần này, nếu thỉnh nguyện thư đến được tay Giáo hoàng Francis, tôi tin là Ngài sẽ xem xét nghiêm túc, vì Ngài đang trong tiến trình cải tổ Roma và có những vấn đề mà Ngài quan tâm đến Việt Nam nhưng chỉ nhận được thông tin qua lăng kính ngoại giao hơn là từ giáo dân".
"Hiện Đức cha Kiệt tuy không có chức danh chính thức nhưng có đóng góp cho giáo dân, giáo sĩ trong và ngoài nước".
"Nếu ở vị trí chính thức, Ngài sẽ gánh vác trách nhiệm trọn vẹn hơn".
"Tôi không đặt vấn đề Đức cha Kiệt có được quay về Giáo phận Hà Nội sau thỉnh nguyện thư này hay không".
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang và Đức Giáo hoàng Francis tại Vatican 23/11/2016
"Vấn đề lớn hơn là đã đến lúc Hà Nội trả lại tự do thật sự cho cộng đồng tôn giáo và tín ngưỡng, chứ không phải sự kềm kẹp và nhả ra từ từ".
"Còn chuyện Đức cha Kiệt có trở lại Hà Nội hay không thì có khi chính quyền muốn mà chưa chắc Vatican muốn, vì ngài có thể được đặt vào một vị trí phù hợp hơn với ơn Chúa", linh mục Thanh nói với BBC.
Hôm 8/2, BBC liên hệ với Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình, nơi Cựu Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt sống từ bảy năm qua, để hỏi suy nghĩ của ông về thỉnh nguyện thư nêu trên.
Tuy vậy, ông nhắn lại qua một người khác rằng "đang muốn nghỉ ngơi".