Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thông qua Báo cáo sơ bộ về kết quả rà soát UPR của Việt Nam (RFA, 28/01/2019)

Nhóm Làm việc về Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo về kết quả rà soát UPR của Việt Nam, tại một phiên họp tại trụ sở của Liên Hợp Quốc tại Geneva vào ngày 25 tháng 1 năm 2019.

upr1

Ảnh minh họa : Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở Geneva vào ngày 5 tháng 11 năm 2018. AFP

Mạng báo VietnamNet, phiên bản Tiếng Anh, vào ngày 27 tháng 1 loan tin vừa nêu. Theo đó báo cáo của Nhóm Làm việc ghi nhận 291 khuyến nghị do 122 nước đưa ra, đề cập đến nhiều lĩnh vực như xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiếp tục thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản, tăng cường hợp tác với các cơ chế về quyền con người của Liên Hợp Quốc.

Các nước cũng kêu gọi Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong bảo đảm quyền của các nhóm yếu thế, xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội và tạo việc làm.

Phát biểu tại Phiên UPR đối với Việt Nam vào ngày 22 tháng 1 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, được dẫn lời đánh giá cao tinh thần hợp tác, xây dựng của các quốc gia, khi nêu lên nhiều đánh giá tích cực trong việc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.

Ông Trung đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ nghiên cứu các khuyến nghị để quyết định việc chấp thuận hoặc ghi nhận đối với các khuyến nghị nhận được, phù hợp với quy định, thủ tục và thực tiễn của Hội đồng Nhân quyền, để bảo đảm việc thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các khuyến nghị này trong tương lai.

Báo cáo về kết quả rà soát UPR của Việt Nam sẽ được xem xét phê duyệt chính thức tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 41 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc dự kiến vào tháng 6/2019.

Phiên họp thứ 32 của Nhóm làm việc về UPR chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc diễn ra từ 21/01 đến 01/02/2019 đã rà soát tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại 14 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó có Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu.

****************

Việt Nam đứng thứ 20/50 nước đàn áp Thiên Chúa giáo (RFA, 28/01/2019)

Việt Nam đứng thứ 20 trong danh sách 50 quốc gia nguy hiểm nhất cho những người theo Thiên Chúa giáo.

upr2

Thống kê của tổ chức Open Doors USA. RFA edit

Đây là nội dung trong thống kê của tổ chức Open Doors USA, một tổ chức phi lợi nhuận, đồng thời cũng là cộng đồng Kitô hữu hỗ trợ các tín đồ bị đàn áp tại hơn 60 quốc gia.

Theo thống kê, Việt Nam với hơn 96 triệu dân, trong đó có 8,5 triệu người theo Thiên Chúa giáo và mức độ bị đàn áp rất cao.

Báo cáo của Open Doors đưa ra các thống kê phần trăm về bạo lực và truy bức đối với cộng đồng Thiên Chúa giáo ở Việt Nam. Theo thống kê này phần trăm bạo lực nhắm vào cộng đồng này là 54%, trong khi áp lực nhắm vào cuộc sống trong nhóm đạo là 85%.

Vẫn theo Open Doors, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam phải chịu đựng cả những cuộc đàn áp từ phía nhà nước và cả bộ tộc. Các cuộc họp Kitô giáo thường bị phá rối, các Kitô hữu hay bị đánh đập và trục xuất khỏi làng.

Về phía chính phủ, so với trước đây, các cộng đồng Kitô giáo đã có nhiều tự do hơn nhưng nếu có liên quan đến hoạt động chính trị thì sẽ bị chính quyền nhắm đến.

Open Doors cho rằng chính phủ Cộng sản giám sát hoạt động của các nhóm theo Thiên Chúa. Ở các vùng nông thôn ở miền trung và nam Việt Nam, những người theo đạo Tin Lành bị truy bức với mức độ mạnh.

*****************

Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội từ chức (RFA, 28/01/2019)

Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội Lorenso Chu Văn Minh vừa có đơn từ chức gửi Tòa thánh Vatican.

upr3

Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội Lorenso Chu Văn Minh - Courtesy of vanhoaconggiao.com

Thông báo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết vào ngày 26/1. Tuy nhiên thông báo không cho biết nguyên nhân vì sao Giám mục Lorenso Chu Văn Minh từ chức.

Theo thông tin từ Tòa Thánh, Giám mục Lorenso Chu Văn Minh năm nay 76 tuổi, trở thành Linh mục vào ngày 10/6/1994 khi đã 51 tuổi.

Đến năm 2000, Giám mục Chu Văn Minh tốt nghiệp Tiến sĩ thần học sau 5 năm du học tại Roma.

Sau đó, ông trở về nước làm giáo sư, Phó giám đốc, rồi đến Gám đốc Đại Chủng viện Hà Nội từ năm 2005.

Đến ngày 15/10/2008, Giám mục Chu Văn Minh được Tòa Thánh bổ nhiệm chức Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội.

Quan hệ giữa Vatican và Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể trong các năm gần đây. Năm 2011, Việt Nam đồng ý để Tòa Thánh bổ nhiệm một vị Đại diện không thường trú tại Việt Nam. Hai bên cũng có một nhóm công tác hỗn hợp thường xuyên nhóm họp để thảo luận các vấn đề về quan hệ giữa hai bên.

Cuộc họp vòng 7 Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa thánh Vatican đã diễn ra vào tháng 12/2018. Nội dung cuộc họp không được báo chí Việt Nam đề cập cụ thể nhưng những vấn đề chính được cho là khúc mắc giữa hai bên cho đến lúc này là tranh chấp đất đai và việc tiến cử các giám mục. Hà Nội muốn có tiếng nói trong việc tiến cử các giám mục ở Việt Nam.

Published in Việt Nam

Những diễn biến mới của việc cướp phá tài sản Tòa Tổng Giám mục Hà Nội

Ngày 5/11/2018, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã có văn bản kiến nghị khẩn cấp gửi đến các cấp chính quyền thuộc Thành phố Hà Nội về vụ việc nhà cầm quyền đã tự ý xây dựng trái phép trên đất đai, tài sản của Tòa Tổng giám mục Hà Nội tại Trường Tiểu học Tràng An, phố Nhà Chung, Thành phố Hà Nội.

tgp1

Ngày 7/11/2018, Tòa Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội ra thông báo đến tất cả tín hữu khắp nơi về tình hình cơ sở của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội bị cướp đoạt, phá phách và phi tang bất chấp mọi yêu cầu chính đáng của giáo dân, của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đối với những tài sản của mình.

Ngày 15/11/2018, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội lại ra thông báo số 2 với nội dung :

"Hiện nay Trường Tiểu học Tràng An, tại 29 phố Nhà Chung, đang bắt đầu tiến trình thi công xây dựng những tòa nhà mới với máy xúc trong sân trường và bịt kín tường rào. Từ nhiều năm nay Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã liên tục đề nghị chính quyền trao lại quyền sở hữu cho Giáo hội những khu đất tại Tòa Tổng Giám mục, nhưng không được giải quyết. Việc đề nghị cấp đất mới tại ngoại ô thành phố Hà Nội từ 3 năm nay không được chính quyền trả lời. Nay chính quyền lại thi công trên đất thuộc Tòa Tổng Giám mục Hà Nội".

Nhưng, những đơn Kiến nghị khẩn cấp, những yêu cầu của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đều trở thành việc đàn gảy tai trâu đối với nhà cầm quyền Hà Nội.

Cực chẳng đã, 14 giờ 15 ngày thứ Hai, 03/12/2018, 17 linh mục thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội đã đến Ủy Ban Nhân Dân Quận Hoàn Kiếm (số 126 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) yêu cầu phía quận Hoàn Kiếm cho dừng việc thi công và giải quyết đơn khiếu nại liên quan đến công trình quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư tại số 29 phố Nhà Chung, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thế nhưng, các cán bộ có trách nhiệm ở đây đã lẩn tránh, lấp liếm cho qua chuyện và tiếp tục việc cướp chiếm tài sản này của Giáo hội.

Thử thách mới tiếp diễn chính sách chiếm cướp và tiêu diệt tôn giáo

tgp2

Tài sản này trước đây là trường Dũng Lạc, đây là khi đất và cơ sở tồn tại trên khu đất thuộc quyền sở hữu của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội với bằng khoán điền thổ số 1794 quyển 9 trang 191. Cũng như bao tài sản khác của Giáo hội Công giáo Việt Nam, những cơ sở tôn giáo này chưa hề được tặng, hiến, bán hoặc nhượng quyền sở hữu cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

Nghĩa là tất cả mọi hành động trên tài sản đó mà không được thực hiện bởi Tòa Tổng Giám mục Hà Nội là chủ sở hữu hợp pháp duy nhất, thì đều là hành động trái với Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam qua tất cả các thời kỳ từ xưa đến nay.

Thế nhưng, trong quá trình từ khi Cộng sản cướp được chính quyền tại Việt Nam, một chế độ chính trị lấy Chủ nghĩa Mác - Lenin vô thần làm nền tảng với chính sách tiêu diệt mọi tôn giáo, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã ngang nhiên tiến hành những cuộc cướp đoạt, chiếm cứ đất đai, tài sản của hầu hết mọi tôn giáo tại Việt Nam nhằm bóp nghẹt tiến tới tiêu diệt toàn bộ.

Cái gọi là "Cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa " là một trong ba "Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa " được tiến hành dai dẳng và kiên trì bằng nhiều phương thức, chiến lược và sách lược khác nhau. Trước hết là thu hẹp cơ sở, cấm các hình thức truyền giảng, xóa bỏ các cơ sở đào tạo, bắt giam, bỏ tù hàng loạt các chức sắc…

Một thời gian dài, các cơ sở tôn giáo hầu như nằm trong mục tiêu bị tiêu diệt bằng mọi cách.

Thế rồi, sau một quá trình dài mấy chục năm không thể tiêu diệt các tôn giáo, không thề dùng Chủ nghĩa Duy vật để nhồi nhét vào đầu người dân nhằm tiêu diệt phần tâm linh của họ, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thực hiện chính sách thâm độc hơn, đó là thò bàn tay nhớp nhúa của mình vào kiểm soát các tôn giáo bằng nhiều chiêu trò bẩn thỉu.

Các tổ chức tôn giáo không có hệ thống giáo lý và tổ chức chặt chẽ, đã dần dần bị khuynh loát hoàn toàn như Phật Giáo và một số tôn giáo khác. Và điều dễ dàng nhất để tóm gọn và khuynh loát các tổ chức tôn giáo này là tìm mọi cách nắm nhân sự, tổ chức tôn giáo, thế là xong.

Khi đã khuynh loát được các tôn giáo này, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã biến nó thành công cụ cai trị dân chúng và thực hiện chính sách phá hoại các tôn giáo đó từ những bước căn bản về giáo lý, giáo luật, truyền thống…

Mặt khác, với chính sách ngu dân, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã để cho các trò mê tín, dị đoan và mọi hình thức gọi là "tâm linh" được tha hồ phát triển nhằm lợi dụng lòng tin và sự mê muội của dân chúng để vơ vét tài sản của họ. Những cuộc "Phát ấn Đền Trần", những chùa chiền được xây dựng hoành tráng và nguy nga bằng các sân sau của quan chức cộng sản như một lĩnh vực kinh doanh béo bở đều được hệ thống "sư - công an" canh gác và quản lý.

Chỉ riêng với Công giáo, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam dù đã bằng nhiều cách, nhiều hình thức khác nhau nhưng nhờ có đức tin kiên vững, lòng mến sốt sắng và sự hy sinh của hàng ngàn, hàng vạn giáo sĩ và giáo dân, những giọt máu tử đạo đổ xuống, đã làm cho giáo hội vẫn luôn tồn tại và không thể bị tiêu diệt.

Chính vì vậy, Giáo hội Công giáo luôn là một đích ngắm của chính sách thù địch, tiêu diệt từ thô bạo đến tinh vi. Từ cướp chiếm trắng trợn, bắt bớ bỏ tù không cần án, không cần lý do các linh mục, tu sĩ, giải tán các trường đào tạo tu sĩ đến mua chuộc, và giăng bẫy các chức sắc công giáo. Từ việc cấm cản, hạn chế giáo hội thực hành các phụng vụ cho đến việc lập ra cái gọi là Ủy Ban Đoàn kết Công giáo nhằm thay thế Giáo hội Công giáo Việt Nam... tạo ra một Giáo hội của Đảng Cộng sản.

Trên mặt trận tuyên truyền, tư tưởng, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vận dụng mọi phương tiện, mọi hình thức kể cả đưa vào chương trình giáo dục những điều ngược với Giáo lý, tạo ra trong xã hội những hình ảnh người Công giáo là những thành phần của lạc hậu, thù địch và phản động, là đối tượng cần phân biệt và chà đạp.

Trong hoạt động xã hội, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tìm mọi cách ngăn cấm người Công giáo kiên vững đức tin của mình tham gia các hoạt động xã hội, chính trị.

Không thể kể hết các trò bẩn thỉu mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã thi hành với Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Đặc biệt là khi các cơ sở tôn giáo khác bị nhà nước khuynh loát luôn được ưu tiên thoải mái phát triển nhằm dụ dỗ dân chúng, mở hàng loạt các cơ sở tôn giáo lừa đảo, các trường đào tạo chức sắc tôn giáo dưới sự điều khiển của công an thì riêng với Công giáo, các cơ sở luôn bị trù dập, cướp, chiếm và đủ mọi trò hạn chế.

Giáo hội Công giáo, cho đến nay vẫn còn 2.500 cơ sở bị cướp chiếm bất hợp pháp trong mọi thời kỳ từ khi tồn tại của chế độ Cộng sản cho đến nay. Riêng TGP Hà Nội, hiện vẫn còn 150 cơ sở đất đai, tài sản của Giáo hội Công giáo bị cướp đoạt.

Những cuộc phản kháng

tgp3

Cách đây 10 năm, sự kiện nhà cầm quyền Hà Nội cướp đoạt Tòa Khâm sứ của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã gây nên một làn sóng phẫn uất của toàn thể Giáo hội Công giáo. Sự kiện này đã làm cho nhà cầm quyền Hà Nội lúng túng và cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang, hệ thống truyền thông bẩn thỉu vào cuộc.

Thế nhưng, người giáo dân Việt Nam đã đứng lên, lập nên một trang mới với tinh thần quật cường, đoàn kết và biểu lộ Đức tin vững vàng hơn bao giờ hết. Tất cả đoàn kết một lòng dưới chủ chăn là Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt.

Sự kiện Tòa Khâm sứ, tiếp sau là Thái Hà đã rung một hồi chuông mạnh mẽ báo hiệu sự chịu đựng, sự nhẫn nhục của người Công giáo Việt Nam đã đến một giới hạn đỏ.

Khi đó, tinh thần đoàn kết của mọi người tín hữu đã gây nên những sự hoảng loạn cho nhà cầm quyền. Cũng chính lúc đó, nhà cầm quyền Hà Nội đã thể hiện rõ nhất sự bất chính, bất nhân và bất chấp mọi luật pháp, đạo đức để nhằm đạt được những ý đồ bẩn thỉu của mình.

Thế rồi việc chiếm cướp nhằm chia chác lẫn nhau đã không thể thực hiện. Dù đau hơn hoạn, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn buộc phải nhả ra hai miếng đất là Tòa Khâm sứ và Nhà Dòng Chúa Cứu thế Hà Nội để làm "vườn hoa" một cách khẩn cấp hơn chạy giặc, thể hiện sự bất chính và bất nhân của nhà cầm quyền tại đây.

Hai "vườn hoa" vẫn còn tồn tại, là nơi phục vụ dân chúng trong sự uất ức đến nghẹt thở của nhà cầm quyền Hà Nội. Cho đến nay, đó vẫn là nỗi nhục nhằn không thể nuốt trôi trong lịch sử đất nước.

Thế nhưng, điều lớn lao hơn mà giáo dân đã đạt được, đó là sự thể hiện tinh thần đoàn kết, thượng tôn luật pháp và mở đầu cho phong trào đấu tranh dân sự bất bạo động, đứng thẳng cất tiếng nói chính nghĩa, dõng dạc mà không sợ cường quyền.

Những cuộc xuống đường rầm rộ với băng rôn trên tay nói lên nguyện vọng của mình, điều mà từ khi cộng sản cướp chính quyền tại Việt Nam đến khi đó, chưa ai dám nghĩ đến sự phản ứng tập thể và đầy quyết tâm nói lên nguyện vọng chính đáng của mình trước súng đạn, trước cường quyền.

Và những sự kiện đó đã mở đầu cho Việt Nam một thời kỳ mới : Thời kỳ người dân dám cất tiếng nói trước bạo quyền và đồng lòng thể hiện những điều mình cần cất tiếng nói cho lương tâm, cho chính nghĩa.

Thế rồi, bằng những trò tháu cáy, những cách làm bẩn thỉu và tàn bạo, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã thực hiện những biện pháp lừa đảo, trở mặt để nhằm ve vuốt cho sự bùng lên của lòng dân tạm lắng xuống.

Thế rồi, chừng như thấy đã lại đến thời điểm mà cơn thèm khát những cơ sở vật chất, sự tiêu diệt giáo hội Công giáo đã có thể tiếp tục thi thố, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại tiếp tục thực hiện những hành động ngang nhiên coi thường giáo hội Công giáo và tiến hành cướp chiếm các cơ sở vốn đã từ lâu nằm trong đích ngắm của mình.

Và một lần nữa, tinh thần yêu mến giáo hội, bảo về Đức tin của mình trong mọi tâm hồn giáo dân được báo động.

Và không chỉ giáo dân đơn độc như trước đây, ngày nay, cả xã hội đang đứng dần về phía chính nghĩa của giáo dân khi đã nhận rõ bộ mặt bất nhân, bất chính của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Và một cơn biến động mới lại được khởi động bởi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Ngày 19/12/2018

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 19/12/2018 (nguyenhuuvinh's blog)

Published in Diễn đàn