Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Buổi ra mắt quyển sách "From Enemies To Partners", tạm dịch là "Từ thù đến bạn" được tổ chức tại CSIS Trung Tâm Chiến Lược Và Nghiên Cứu Quốc Tế ở Washington ngày 1 tháng 11 năm 2017.

ban1

Từ trái qua : Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Phạm Quanh Vinh ; Giáo sư Charles R. Bailey ; Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS, ông Murray Hiebert ; Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Kế Sơn ; Chuyên viên cấp cao,Thư ký phe thiểu số Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ ông Tim Rieser tại buổi ra mắt sách -  RFA

Những dự án hợp tác khắc phục hậu quả chất độc da cam dioxin đã và đang thực hiện bởi chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã được trình bày tại sự kiện.

Cùng nhau khắc phục hậu quả

40 năm sau khi kết thúc chiến tranh, Việt Nam-Hoa Kỳ, hai đất nước từng được gọi là "kẻ thù" của nhau, nay cùng là "bạn" bắt tay nhau, nỗ lực thực hiện những dự án khắc phục hậu quả về sức khoẻ và môi trường do chất dioxin để lại cho người Việt Nam từ những năm tháng chiến tranh.

Đó là nội dung được đề cập trong quyển sách "Từ thù đến bạn" do Phó Giáo sư Tiến sĩ , Phó chủ tịch Hội Khoa Học kỹ Thuật An Toàn và Vệ Sinh Lao Động Việt Nam, ông Lê Kế Sơn và Giáo sư Charles R. Bailey là đồng tác giả.

Giáo sư Charles R. Bailey cũng chính là Giám đốc của Agent Orange Việt Nam - Hội nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng, một tổ chức từ thiện và xã hội của các nạn nhân chất độc da cam.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, từ năm 1962 đến năm 1971, quân đội Hoa Kỳ đã rải gần 20.000.000 US gallon (76.000.000 lít) các chất có chứa thuốc diệt cỏ và chất làm rụng lá hóa học trộn lẫn với nhiên liệu máy bay phản lực ở Việt Nam, Lào và các bộ phận phía đông của Campuchia.

ban2

Hình ảnh nạn nhân của chất dioxin được trình dẫn trong buổi ra mắt sách. RFA

Riêng ở Việt Nam, sân bay Biên Hoà, sân bay Đà Nẵng là hai trong ba vùng chịu ảnh hưởng chất độc dioxin nặng nề nhất. Theo nghiên cứu của một công ty Canada, mức ô nhiễm dioxin tại một số điểm ở sân bay Đà Nẵng cao gấp hàng trăm lần mức an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trả lời câu hỏi của RFA về việc làm sao để xác định chính xác, hỗ trợ ở mức nhiều nhất có cho tất cả nạn nhân của chất độc màu da cam trong và sau chiến tranh, Giáo sư Lê Kế Sơn cho biết.

"Để xác định hậu quả của dioxin ở sân bay Đà Nẵng hay Biên Hoà thì việc đầu tiên là phải xác định nồng độ dioxin trong môi trường đất, bùn, không khí và tính toán được khối lượng đất bùn cần phải xử lý. Đó là khía cạnh môi trường. Nhưng quan trọng hơn nữa là chúng ta phải nghiên cứu xác định là chất độc da cam dioxin đó ảnh hưởng đến con người trong vùng lân cận như thế nào và có biện pháp phòng bệnh tật cho họ. Để làm cái đó thì có mấy việc cần phải làm. Thứ nhất là giúp người dân hiểu rõ tác hại của chất độc da cam dioxin để có những biện pháp phòng ngừa trong ăn uống sinh hoạt. Thứ hai là cần phải có những chăm sóc y tế cho người ta, nhất là việc theo dõi xem người ta có bị phơi nhiễm dioxin hay không và có những biện pháp hỗ trợ, trong đó có tư vấn sinh sản để làm sao hạn chế sinh ra những đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh".

Vào tháng 5 năm 2016, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ đã tổ chức lễ công bố hoàn thành giai đoạn 1 xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng.

Theo số liệu được Giáo sư Charles R. Bailey trình bày trong sự kiện, 112 triệu USD là tổng số ngân sách đã được dùng cho dự án khắc phục hậu quả dioxin tại sân bay Đà Nẵng.

Đài RFA đặt câu hỏi về thời gian dự tính có thể hoàn thành, ông Lê Kế Sơn cho biết :

"Như chúng tôi đã dự tính, dự án ở sân bay Đà Nẵng lẽ ra đã hoàn thành cách đây hai năm. Nhưng vì có những vấn đề nảy sinh khá phức tạp nên tôi tin rằng nó không thể hoàn thành cho đến cuối năm 2018".

Riêng với dự án khắc phục hậu quả dioxin ở sân bay Biên Hoà, theo số liệu Giáo sư Charles R. Bailey đưa ra, ngân sách ước tính sẽ là 800 triệu USD và thời gian dự tính hoàn thành là năm 2030.

Điều này được Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Phạm Quang Vinh có mặt tại buổi ra mắt quyển sách có nhắc đến. Ông Đại sứ nhấn mạnh "Sân bay Biên Hoà có diện tích lớn (more bigger) và hậu quả của chất độc dioxin ở đây phức tạp, nghiêm trọng (more complicated) hơn sân bay Đà Nẵng". Do đó, ông có đưa ra ý kiến rằng nên có những chuyên gia nghiên cứu kỹ về tình trạng ô nhiễm còn để lại trong bùn, đất.

Trả lời thêm về dự toán ngân sách dành cho khắc phục hậu quả nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Biên Hoà, ông Lê Kế Sơn cho biết.

"Tôi có thể nói rằng không một ai của tổ chức USAID - Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ, là tổ chức thực hiện những dự án khắc phục hậu quả dioxin có thể biết chính xác bao nhiêu diện tích đất, trầm tích, bùn, bao nhiêu tiền, hay bao nhiêu thời gian để hoàn thành dự án sân bay Biên Hoà. 10 năm hoặc cũng có thể hơn.

Nhưng tôi có thể nói rằng dự án cần phải được tiến hành càng sớm càng tốt. Chính vì vậy cần phải chuẩn bị rất nhiều nguồn tư liệu và quỹ ngân sách".

ban3

Trang bìa quyển sách "Từ kẻ thù đến đồng minh"' - RFA

Theo những số liệu cho biết tại Việt Nam ước tính có 3 triệu người bị ảnh hưởng bởi phơi nhiễm chất dioxin. Năm ngoái, một nhóm nghiên cứu hỗn hợp Việt - Mỹ đã công bố một báo cáo cho rằng cần có 300 triệu USD để tẩy độc và hỗ trợ các nạn nhân chất da cam/dioxin ở Việt Nam.

Khẳng định mối quan hệ song phương

Trung tuần tháng 10 vừa qua, Đoàn nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ đã đến Việt Nam và có chuyến đi thực tế tại dự án xử lý dioxin sân bay quốc tế Đà Nẵng. Chuyến đi này được truyền thông trong nước ghi nhận là một trong những hoạt động nhằm khẳng định sự tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực.

Chính ông Đại sứ Toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ, Phạm Quang Vinh đã nhấn mạnh nhiều lần trong buổi ra mắt sách về điều này.

"Dự án khắc phục hậu quả chất độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng là một minh chứng rất rõ và ý nghĩa cho mối quan hệ chặt chẽ, toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ. Chính phủ Việt Nam trong suốt nhiều năm qua rất quan tâm đến dự án này và hỗ trợ Hoa Kỳ trong việc xử lý tồn lưu chất độc hóa học/dioxin, khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam".

Những dự án khắc phục hậu quả để lại từ cuộc chiến hơn 40 năm trước đã phản chiếu đúng như tiêu đề của quyển sách mà hai tác giả, Giáo sư Lê Kế Sơn và Giáo sư Charles R. Bailey đã chọn, "Từ thù đến bạn". Cũng như lời ngỏ của quyển sách này : Hậu quả và bi kịch của cuộc chiến chưa bao giờ kết thúc dù đã im tiếng súng, mà đó chính "là trách nhiệm được thể hiện cụ thể như thế nào và kết quả cuối cùng quan trọng nhất là phối hợp cùng nhau để khắc phục hậu quả đó" như lời Giáo sư Lê Kế Sơn chia sẻ với chúng tôi.

Published in Việt Nam