UPR Vietnam 2019 : Nhân quyền vẫn còn tồi tệ (RFA, 24/01/2019)
Hơn 300 người đến từ khoảng 11 quốc gia đã có mặt lúc 10 giờ sáng ngày thứ Ba, 22/1/2019, tại công trường Nhân quyền, nơi có chiếc ghế 3 chân, trước trụ sở Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để biểu tình lên tiếng về việc đàn áp Nhân quyền của Việt Nam nhân dịp Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền của Việt Nam.
Biểu tình trước trụ sở Liên Hiệp Quốc nhân Kiểm điểm định kỳ phổ quát đối với Việt Nam hôm 22/1/2019 Photo : RFA
Những tiếng hô vang và những biểu ngữ với nội dung tố cáo Việt Nam vi phạm Nhân quyền đã nói lên quan điểm cũng như mục tiêu của những người biểu tình, trong đó có những người đã phải vượt hàng chục ngàn dặm đường đến đây về tình trạng nhân quyền của Việt Nam khi tập trung tại Geneva trong một ngày mùa đông giá lạnh. Anh Quân Trương, đến từ Sydney, Úc Châu cho biết lý do anh vượt hàng chục ngàn cây số để có mặt nơi đây :
"Em đi rất là xa, vé tàu em đi đến 43 tiếng mới tới. nhưng em rất vui hôm nay được tham gia cùng các cô bác anh chị ở đây để phản đối Việt Nam vi phạm Nhân quyền và em cũng mong rằng càng ngày càng nhiều các bạn trẻ hơn hoặc là người Việt Nam ở hải ngoại nói lên tiếng nói của người Việt trong nước để giúp cho họ mau có được tự do, nhân quyền cho người Việt Nam".
Dưới sự kêu gọi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất Âu Châu, cùng với hơn 100 đồng hương khác đến từ Pháp, anh Lâm Hoàng Tùng cho biết lý do tham dự cuộc biểu tình.
"Tôi có mặt hôm nay, chuyện thứ nhất là để hỗ trợ các anh em trẻ tiếp tục con đường đấu tranh của chúng tôi và ngoài ra tố cáo cho cộng đồng quốc tế biết sự vi phạm nhân quyền của Đảng cộng sản Việt Nam".
Cuộc biểu tình bắt đầu từ 10 giờ sáng và kéo dài đến 12g30 trưa, được khởi xướng bởi 4 tổ chức chính là Phong Trào Việt Hưng, Liên Minh Dân Chủ Việt Nam khu bộ Âu Châu, Phong Trào Chống Trung Cộng Bành Trướng tại Âu Châu và Phong Trào giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền. Cuộc biểu tình cũng được 50 tổ chức xã hội dân sự, đoàn thể tôn giáo cũng như chính trị ký tên ủng hộ.
Cô Trần Kiều Ngọc, chủ tịch Phong trào Giới trẻ Thế giới vì Nhân quyền, tổ chức đã kêu gọi cuộc biểu tình này cho biết lý do :
"Phong trào Giới trẻ Thế giới vì Nhân quyền của chúng em tham gia vào Ban Tổ chức cùng với một số tổ chức, hội đoàn người Việt Quốc gia tổ chức cuộc biểu tình ngày hôm nay để lên án nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã lừa dối dân tộc của chúng ta qua nhiều năm qua. Họ đã hứa hẹn rất nhiều điều, nhưng mà trong thời gian qua thì vấn đề nhân quyền tại Việt Nam càng trở nên trầm trọng. Nhân tiện có cuộc kiểm điểm định kỳ phổ quát tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày hôm nay, chắc chắn là nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục nói dối là họ đã tuân thủ theo nhưng điều khoản để cải tiến nhân quyền Việt Nam, nhưng thực sự chúng ta biết rằng họ chưa hề làm chuyện đó mà thậm chí con số tù nhân lương tâm càng ngày càng cao hơn và đời sống người dân càng ngày càng khổ sở, đất đai, biển cả của chúng ta họ đã từ từ hiến tặng hết cho Trung quốc".
Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) là cơ chế đặc biệt của Liên Hiệp Quốc hướng đến việc cải thiện Nhân quyền của 193 thành viên Liên Hiệp Quốc. UPR được diễn ra theo chu kỳ 4-5 năm 1 lần.
Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham gia Kiểm điểm Định Kỳ Phổ quát của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Việt Nam tham gia UPR lần đầu tiên vào tháng 5 năm 2009. Ở phiên Kiểm điểm định kỳ Phổ quát năm 2014, Việt Nam đã chấp thuận 182 trong tổng số 227 khuyến nghị được 106 quốc gia đưa ra trong phiên đối thoại. Trong đó, Việt Nam có chấp thuận tạo môi trường thuận lợi và đảm bảo quyền tự do biểu đạt cho những người bảo vệ Nhân quyền, trong đó có luật sư ; bảo đảm quyền tiếp cận luật sự bảo chữa được thực hiện công bằng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội Luật Gia và tổ chức LRWC (Lawyers' Rights Watch Canada), những kiến nghị trên tới thời điểm này vẫn chưa được thực hiện. Anh Đoàn Phú Hòa đến từ Tiệp nhận xét :
"Tất cả những gì do Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc đặt ra, thì chính quyền Việt Nam không thực hiện được, bất kỳ một điểm nào mà càng ngày càng tìm cách đàn áp".
Biểu tình trước Liên Hiệp Quốc hôm 22/1/2019 - Photo : RFA
Các tổ chức bảo vệ Nhân quyền thế giới cũng khẳng định Việt Nam không có một tiến bộ nào trong việc cải thiện nhân quyền. Báo cáo Nhân quyền của Bộ Ngoại gGiao Hoa Kỳ đã đưa ra những trường hợp cụ thể về trường hợp đàn áp nhân quyền tại Việt Nam như Mẹ Nấm hay các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ.
Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do cũng cho biết Việt Nam vẫn còn ngăn cấm việc thành lập các nghiệp đoàn độc lập và mạnh tay đàn áp thành viên của tổ chức này. Thông cáo báo chí của Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải cũng ghi nhận từ UPR 2014, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã thẳng tay đàn áp những người đấu tranh.
Sau khi biểu tình, đại diện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu và Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới vì Nhân quyền vào bên trong trụ sở Hội đồng Nhân quyền để theo dõi cuộc kiểm điểm của Việt Nam được diễn ra từ 14g30 đến 18 giờ. Trong lúc đó bên ngoài, một cuộc biểu tình nữa do Hội người Việt Quốc gia Lausanne và Ủy ban Thụy Sĩ-Việt Nam cũng được tổ chức.
Đến từ Á Châu, anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, con tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Tôn đã gặp gỡ một số quốc gia và NGO để vận động các quốc gia này đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam :
"Em rất là ngạc nhiên về sự hiểu biết của cộng đồng quốc tế, của những dân biểu liên bang, những dân biểu quốc hội tại đây. Họ hiểu rất rõ về tình hình Việt Nam. Họ muốn nhấn mạnh với Việt Nam rằng họ phải sửa đổi. Họ có rất nhiều khuyến nghị đề nghị Việt Nam sửa đổi. Tuy nhiên, thời gian mà mỗi quốc gia chỉ có từ 45 giây đến 1,5 phút để phát biểu. Cho nên họ chỉ khuyến nghị được vài điều trong khi họ rất muốn khuyến nghị nhiều điều hơn nữa".
Trong buổi kiểm điểm, các nước Pháp, Canana, Na Uy, Thụy điển, Hoa Kỳ, Cộng hòa Czech, v.v… đều đưa ra các khuyến nghị về việc thay đổi luật an ninh mạng, bỏ án tử hình, chống tra tấn, thông qua các quy định về quyền của người lao động theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cũng như đòi thả các tù nhân lương tâm.
Tường An
******************
Kiểm điểm nhân quyền : Việt Nam nói vẫn cần án tử hình và Luật An ninh mạng (BBC, 24/01/2019)
Trả lời câu hỏi của quốc tế trong phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tại Geneva hôm 22/1, đại diện Việt Nam nói vẫn duy trì án tử hình cho tội phạm đặc biệt nguy hiểm và cần luật an ninh mạng để ngăn tội phạm trên mạng.
Việt Nam nói hiện vẫn cần dùng án tử hình và luật an ninh mạng (ảnh minh họa)
Trong 125 quốc gia nêu khuyến nghị với chính phủ Việt Nam về tình hình nhân quyền tại phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review - UPR) diễn ra ở Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, có một số nước đặc biệt quan tâm tới luật An ninh mạng và việc thi hành án tử hình tại Việt Nam.
Việt Nam hiện có gần 900 cơ quan báo chí, 18.000 nhà báo được cấp thẻ.
Số lượng người dùng internet ở Việt Nam hiện khoảng 50 triệu người, chiếm 54% dân số.
Số tài khoản Facebook đang hoạt động là 58 triệu, đứng thứ 7 trên thế giới.
(Phát biểu của đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ngày 22/1/2019)
'Luật an ninh mạng để ngăn ngừa nguy cơ khủng bố'
Hoa Kỳ đặt câu hỏi :
"Chính phủ Việt Nam sẽ làm gì để đảm bảo rằng bất kỳ luật lệ nào về an ninh mạng cũng không xâm phạm quyền riêng tư, tự do ngôn luận, hoặc khả năng truy cập thông tin của người dùng ? Liệu chính phủ Việt Nam có thể giải thích rõ cách sử dụng, quản lý, và bảo vệ các dữ liệu được lưu trữ nội địa không ?".
Đáp lại, đại diện Việt Nam nói "quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ, quyền tiếp cận thông tin của người dân đã được đảm bảo tốt hơn, với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, internet, và mạng xã hội".
Việt Nam cho hay để bắt kịp cách mạng công nghệ 4.0 thì không gian mạng trở thành "hạ tầng thiết yếu", nhưng "cũng tồn tại những đe dọa, thách thức tới an ninh".
"Các tổ chức như Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) cũng đã có nhiều văn kiện đề cập đến các tội phạm mạng và có nhu cầu hợp tác với các quốc gia để ứng phó với tội phạm mạng. Do vậy, nhiều quốc gia đã ban hành các đạo luật về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ tốt quyền lợi của người sử dụng internet".
"Tại Việt Nam, hoạt động tội phạm mạng thời gian qua có tốc độ gia tăng. Thông tin sai sự thật, vu khống các cá nhân, các tổ chức lan truyền trên mạng, nguy cơ khủng bố và đe dọa tới an ninh quốc gia. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cho chính phủ Việt Nam phải xây dựng luật an ninh mạng".
Đại diện Bộ Công an nói hiện ở Việt Nam có "ba triệu blogger đang hoạt động bình thường" nhưng "việc bày tỏ chính kiến phải tuân thủ pháp luật, và không được lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm các quyền, lợi ích khác".
"Ở Việt Nam, không có cái gọi là gia tăng bắt giữ, kết án những người bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động bày tỏ chính kiến một cách hòa bình", đại diện Bộ Công an khẳng định.
Báo cáo của Việt Nam dường như mâu thuẫn với bản Phúc trình về Tình hình nhân quyền tại Việt Nam do Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) công bố hôm 17/1.
Bản phúc trình 2019 của HRW lên án Việt Nam 'gia tăng chính sách đàn áp có hệ thống lên quyền dân sự và chính trị cơ bản' với nhận định 'nhân quyền Việt Nam xuống cấp nguyên trọng'.
Báo cáo này đơn cử việc chính quyền Việt Nam không cho báo chí tư nhân hoạt động, ngoài ra còn cấm người dân thành lập các tổ chức nhân quyền, công đoàn độc lập hay các nhóm chính trị.
Báo cáo cũng nêu lên việc những người 'dám' đặt câu hỏi về các dự án, chính sách của chính phủ, hoặc tìm cách bảo vệ đất đai và tài nguyên địa phương thì sẽ bị theo dõi, tước quyền đi lại, quản thúc tại gia, giam giữ tùy tiện và bị thẩm vấn.
"Trong khi đó, côn đồ dường như hợp tác với công an trong các vụ đàn áp các nhà hoạt động. Cảnh sát thẩm vấn kéo dài người bất đồng chính kiến, giam giữ họ trong nhiều tháng mà không cho gặp gia đình hoặc tư vấn pháp lý. Các tòa án thì được chỉ đạo để ra bản án trong các vụ án chính trị với án tù ngày ngày nặng hơn".
Bản phúc trình cũng điểm lại danh sách 12 nhà bất đồng chính kiến bị Việt Nam bỏ tù năm 2018 với tội danh "tuyên truyền chống phá nhà nước".
Ngoài ra, báo cáo đề cập đến các vụ tấn công người bất đồng chính kiến như ném đá và vật liệu nổ tự chế vào nhà hoạt động công đoàn độc lập Nguyễn Thị Minh Hạnh, không cấp hộ chiếu cho luật sư Lê Công Định, tạm giữ tiến sỹ Nguyễn Quang A trong nhiều giờ để ngăn cản ông bay đi Australia...Hiện có hơn 180 tù nhân chính trị Việt Nam còn bị giam cầm trong các nhà tù trên khắp Việt Nam, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế.
Duy trì án tử hình
Liên quan đến một số kiến nghị về giảm án tử hình từ một số nước như Nauy, Italy, Bồ Đào Nha, đại diện Bộ Tư pháp Việt Nam nói "Việt Nam vẫn duy trì án tử hình, xem đây là biện pháp cần thiết để ngăn ngừa các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng", và rằng điều này hoàn toàn phù hợp với công ước quốc tế.
Việc nông dân Đặng Văn Hiến bị y án tử hình thời gian qua đã gây nhiều dư luận
Đại diện Bộ Tư pháp Việt Nam cho biết đang sửa đổi Bộ Luật hình sự theo hướng hạn chế án tử hình, đồng thời đang xem xét gia nhập công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) để tiến tới xem xét bãi bỏ án tử hình.
Vị này nói việc thi hành án tử hình của Việt Nam luôn 'công khai và đúng thủ tục của Bộ Luật Tố tụng hình sự', nhưng từ chối công bố số liệu án tử hình vì "liên quan đến bí mật nhà nước".
Theo truyền thông Việt Nam hồi tháng 2/2017, Bộ Công an công bố Báo cáo thi hành án hình sự trong 5 năm (2011-2016) tiết lộ Việt Nam có 1.134 tử tù.
Trong ba năm (2013-2016), có 429 phạm nhân bị tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc và còn một nửa trong số đó chưa thi hành án.
Hai án tử hình gây xôn xao dư luận thời gian qua tại Việt Nam có thể kể đến án của nông dân Đặng Văn Hiến và án của Hồ Duy Hải.
Vụ ông Hiến dùng súng hoa cả tự chế bắn vào đoàn người cho xe ủi vào tàn phá ruộng rẫy nhà ông ở Đắk Nông khiến ba người thiệt mạng, 13 người bị thương đã kéo daift ừ năm 2005 tới nay. Hồi tháng Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã yêu cầu xem xét lại vụ án.
Trong khi đó, vụ án Hồ Duy Hải dai dẳng từ năm 2008 tới nay vẫn chưa ngã ngũ. Ông Hải, sinh năm 1985, bị kết án tử hình trong vụ giết hại hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).
Vụ án sau đó được cho là có dấu hiệu bị rút bớt hồ sơ, làm sai lệch bản chất vụ án. Tuy nhiên chục năm nay mẹ và em gái Hồ Duy Hải vẫn phải tiếp tục hành trình kêu cứu, đòi công lý chưa có điểm dừng.
Phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền năm 2019 của Việt Nam diễn ra khi vụ việc chính quyền cưỡng chế đất của người dân vườn rau Lộc Hưng tại TP Hồ Chí Minh chưa bớt nóng.
Trước đó, vụ Thủ Thiêm gây nhiều phẫn nộ trong dư luận với hàng trăm hộ dân 20 năm qua tìm công lý, đòi lại nhà, đất bị chính quyền lấy ngoài quy hoạch.
********************
Kiểm điểm nhân quyền : Các nước hỏi gì Việt Nam (BBC, 23/01/2019)
Hôm thứ Ba, 22/1, Việt Nam vừa trải qua phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Liên Hiệp Quốc diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ.
Vấn đề tự do ngôn luận, tự do tụ họp vẫn là chủ đề được các quốc gia tra vấn phía Việt Nam nhiều nhất
UPR diễn ra 5 năm một lần, nơi tất cả các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc đều lần lượt được đặt câu hỏi, bình luận, quan ngại và khuyến nghị tới các nước bị kiểm điểm.
Việt Nam năm nay đã nhận được tổng cộng 428 khuyến nghị.
Dưới đây là một số câu hỏi các quốc gia đã dành cho Việt Nam :
Các nước phương Tây
Các nước phương Tây thì đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhân quyền, tự do báo chí, tự do ngôn luận, các tổ chức xã hội dân sự và vấn đề tra tấn những người bị giam giữ.
Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland : Chính phủ sẽ có những bước đi nào để đáp ứng các nghĩa vụ theo Công ước về các quyền Dân sự và Chính trị trong việc thiết lập một hệ thống truyền thông độc lập, bao gồm việc giải quyết tình trạng ngăn chặn một số trang web truyền thông đưa tin thời sự và bằng việc không hình sự hóa việc xúc phạm ?
Chính phủ đang có những bước đi nào để thúc đẩy một môi trường an toàn cho xã hội dân sự, bao gồm việc điều tra các vụ sử dụng vũ lực với các nhà hoạt động ?
Chính phủ Việt Nam có cân nhắc đưa ra lời mời ngỏ với các Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền không, và có trả lời tích cực với yêu cầu thăm quốc gia của Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tụ họp không ?
Bỉ : Chính phủ Việt Nam sẽ đảm bảo như thế nào, theo khuyến nghị của Ủy ban Chống Tra tấn, để tất cả những người bị giam giữ có thể có được , trong luật và trong thực tế, các đảm bảo pháp lý căn bản ngay từ bắt đầu bị tước tự do ?
Việt Nam có sửa hoặc thu hồi Luật Báo chí và Luật An ninh mạng để tuân thủ nghĩa vụ của mình theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị không ?
Hoa Kỳ : Chúng tôi hoan nghênh những tăng trưởng kinh tế liên tục của Việt Nam. Hoa Kỳ lưu ý rằng sự tăng trưởng này đã không đi cùng việc mở rộng các biện pháp bảo vệ công nhân lao động.
Luật Công đoàn hiện nay quy định rằng Liên đoàn Lao động Việt Nam là liên minh công đoàn duy nhất trong thực tế.
Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra và thực thi các luật như thế nào để đáp ứng các chuẩn mực lao động được quốc tế công nhận về tự do hiệp hội, thương lượng tập thể, lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, và không phân biệt đối xử trong lĩnh vực việc làm ?
Đức : Việt Nam có kế hoạch khi nào thông qua một luật về hội họp/biểu tình để thực thi quyền tự do hội họp biểu tình đã được hiến định ?
Vì sao Luật Báo chí 2016 lại cho quyền thành lập cơ quan báo chí chỉ với các tổ chức được liệt kê theo điều 14, và không cho tư nhân hay tổ chức tư nhân quyền này ?
Hà Lan : Việt Nam sẽ sửa đổi khung pháp lý thế nào để tuân thủ điều 21 và 22 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự chính trị đẻ đảm bảo tự do hiệp hội và tụ họp để xã hội dân sự có thể đóng hóp hiệu quả trong việc hiện thực hóa những khả năng trọng vện của Việt Nam và được bảo vệ khỏi những can thiệp vô lý ?
Việt Nam có công nhận quyền sở hữu đất của cá nhân và tổ chức không, bao gồm của các dân tộc thiểu số, khi sửa đổi Luật đất đai năm 2019 ?
Việt Nam sẽ tăng sự minh bạch trong việc trưng thu và đền bù đất đai trong khi sửa đổi Luật đất đai năm 2019 ?
Việt Nam sẽ cho phép cử tri trực tiếp đề cử ứng cử viên, kiểm tra chứng minh thư hoặc giấy tờ tùy thân trước khi bỏ phiếu, kiểm phiếu công khai và ngay lập tức công bố kết quả kiểm phiếu sơ bộ trong suốt các kỳ bầu cử tiếp theo tinh thần điều 25 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị không ?
Việt Nam sẽ đảm bảo việc phòng chống quấy rối tình dục ở nơi làm việc khi khái niệm này đã được định nghĩa toàn diện và các chế tài phù hợp đã được đưa ra trong Luật Lao động sửa đổi 2019 ?
Úc : Chúng tôi đánh giá cao thêm thông tin từ Chính phủ về việc các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở Việt Nam như thế nào, bao gồm các chi tiết về các tiến trình tham vấn giữa Chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự.
Thụy Điển : Chính phủ sẽ tăng cường việc thụ hưởng đầy đủ các quyền con người của người LGBT như thế nào ?
Một số nước hỏi Việt Nam về tình hình quyền lợi của cộng đồng LGBT
Các nước Cộng sản và 'thân thiện'
Các nước Cuba, Lào, Trung Quốc thì lại hay tập trung vào vấn đề người cao tuổi, người khuyết tật, và quyền phụ nữ.
Lào : Việt Nam đã đưa ra chính sách gì trong những năm gần đây để bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người cao tuổi ?
Cuba : Hãy cho biết về những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng các chương trình xã hội cho nông dân, người lao động nông nghiệp và ngư dân ?
Làm thế nào để những dân tộc thiểu số không nói tiếng phổ thông biết đến các quyền của họ và các quyền này được bảo vệ như thế nào trong các thủ tục tư pháp ở Việt Nam ?
Việt Nam đảm bảo giáo dục cho trẻ em khuyết tật như thế nào và hỗ trợ thế nào để người khuyết tật hòa nhập vào thị trường lao động ?
Trung Quốc : Quyền được xét xử công bằng được đảm bảo như thế nào trong hệ thống tư pháp của Việt Nam ?
Việt Nam có thể mô tả thêm về những nỗ lực của mình nhằm ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới và cung cấp chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ ?
Venezuela : Xin hãy cho biết Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự mới đáp ứng các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Việt Nam như thế nào ?
Việt Nam có bất kỳ kế hoạch quốc gia nào về nâng cao nhận thức và giáo dục về quyền con người ? Nếu có, xin hãy cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch này ?
Một số khác hỏi về tình trạng quyền lợi của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Các quốc gia khác
Các quốc gia khác quan tâm đến vấn đề luật đất đai, sự minh bạch trong hệ thống tư pháp, và tự do tôn giáo.
Nam Phi : Chính phủ đã thực hiện những biện pháp tích cực nào để đảm bảo quyền có nhà ở thích đáng trong hoàn cảnh đô thị hóa ? Có kết quả nào không ?
Bolivia : Những chính sách Việt Nam đã đưa ra trong những năm gần đây để bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ là gì ?
Pakistan : Chính phủ đã làm gì để tạo điều kiện cho việc đăng ký và hoạt động của các nhóm tôn giáo ở Việt Nam ?
Việt Nam đã làm gì để cải thiện tính minh bạch và độc lập của tòa án ?
Ai Cập : Việt Nam có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm về đảm bảo và bảo vệ quyền của người cao tuổi và Việt Nam thúc đẩy vai trò của người cao tuổi trong các hoạt động gia đình và xã hội như thế nào ?