Trung Quốc không vui khi tàu sân bay Mỹ ghé Đà Nẵng (RFA, 07/03/2018)
Bắc Kinh không hài lòng việc tàu sân bay Mỹ ghé thăm Việt Nam.
Phó Đô đốc Mỹ Phillip Sawyer tiếp các sĩ quan Việt Nam trên tàu sân bay Carl Vinson, 5/3/2018. FP
Đó là bình luận của tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng cộng sản Trung Quốc, đọc thấy trên bản tiếng Anh phát hành vào ngày hôm nay 7/3/2018.
Tờ báo vốn mang giọng dân tộc chủ nghĩa rất cứng rắn này không nói rõ lý do tại sao Bắc Kinh không hài lòng, nhưng nói rằng sự không hài lòng đó là không tránh khỏi, tuy nhiên nhấn mạnh rằng sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ không thể làm đảo lộn cán cân quân sự tại Biển Đông, không thể gây sức ép đặc biệt nào lên Trung Quốc, và người Mỹ chỉ phí tiền để làm việc đó mà thôi.
Trong khi đó thì Phó Đô đốc chỉ huy hạm đội Bảy của Mỹ ở Thái Bình Dương là ông Phillip Sawyer nói với các nhà báo ở Đà Nẵng rằng sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Carl Vinson, cũng như sự có mặt của ông ở Đà Nẵng là vì Việt Nam, vì quan hệ toàn diện Mỹ Việt trong đó có quân hệ quân sự.
Hàng không mẫu hạm Carl Vinson với 5000 thủy thủ đoàn hiện đang thả neo tại cảng Tiên Sa, Thành phố Đà Nẵng, trong một chuyến viếng thăm kéo dài bốn ngày bắt đầu từ ngày 5/3/2018.
Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc cách đây gần 43 năm.
Chuyến thăm này lại tiếp nối những chuyến tuần tra mang tên tự do hàng hải của tàu chiến Mỹ ngang qua các vùng tranh chấp tại Biển Đông. Động thái này khiến giới quan sát cho rằng đó là sự tiếp nối ngày càng tăng của sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Biển Đông để đối trọng với việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông. Trong khi đó Washington nói rằng không đứng về phía nào trong việc tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Phó Đô đốc Sawyer không kết nối chuyện viếng thăm của hàng không mẫu hạm Carl Vinson với những hoạt động quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Biển Đông, nhưng ông nói rằng việc làm của Trung Quốc gây lo lắng sâu sắc trong vùng, và nguyên nhân của nó là tính không minh bạch của Bắc Kinh, mọi người sẽ hỏi rằng Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông để làm gì vậy.
******************
Trung Quốc không vui về chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay Mỹ (VOA, 08/03/2018)
Trung Quốc không hài lòng về chuyến viếng thăm của một tàu sân bay Mỹ lần đầu tiên ghé thăm một bến cảng của Việt Nam kể từ sau chiến tranh, theo một tờ báo do Đảng cộng sản Trung Quốc điều hành. Tờ Hoàn cầu Thời báo còn cho biết là Bắc Kinh đang theo sát các diễn biến liên quan.
USS Carl Vinson, tàu sân bay lớp Nimitz thứ 3 của Hoa Kỳ, đi ngang qua Biển Đông. Nhóm tàu tác chiến do tàu Carl Vinson dẫn đầu hiện đang hoạt động tại Tây Thái Bình Dương (U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist Third Class Jasen Morenogarcia)
Tờ báo nói thêm rằng chuyến thăm của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson không thay đổi thế cân bằng quyền lực ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ và đã ra sức củng cố các cấu trúc quân sự trên những đảo nhân tạo mà họ xây dựng.
Hoàn cầu Thời báo, tờ báo được điều hành bởi tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, viết như sau trong một bài xã luận :
"Việc Trung Quốc đề cao cảnh giác và tỏ ra không vui là điều khó tránh khỏi, nhưng chúng tôi không tin là cuộc hành trình của USS Carl Vinson tới thăm Việt Nam có thể gây ra những rắc rối trên Biển Nam Trung Hoa".
Theo tờ báo thì chuyến thăm "sẽ không tạo ra bất kỳ công cụ đặc biệt nào để gây áp lực với Trung Quốc", và việc Mỹ điều các tàu chiến tới Biển Đông sẽ chỉ "lãng phí tiền bạc" mà thôi.
Các giới chức Mỹ nói chuyến thăm Đà Nẵng của tàu sân bay Carl Vinson thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực và là biểu tượng mạnh mẽ của quan hệ đối tác với Việt Nam.
Trao đổi với truyền thông báo chí trong một cuộc gọi từ cảng Đà Nẵng hôm 6/3, nơi tàu sân bay Carl Vinson cập cảng ngày hôm trước, thứ Hai 5/3, Tư lệnh Hạm đội 7 - Hạm đội Thái Bình dương của Hải quân Hoa Kỳ, Phó Đô đốc Phillip Sawyer nói :
"Sự hiện diện của tàu Carl Vinson ở đây, việc tôi có mặt ở đây, tất cả đều là vì Việt Nam. Chuyến thăm này là về mối quan hệ giữa chúng ta với Việt Nam, cả quan hệ quân sự lẫn quan hệ đối tác toàn diện".
Phó Đô đốc Sawyer và các quan chức Mỹ khác không liên kết chuyến thăm của tàu sân bay Carl Vinson với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng ông đề cập tới những quan ngại của Washington về những động thái của Trung Quốc để khẳng định các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của nước này, và nêu lên những nghi vấn chưa được giải đáp về mục đích của Trung Quốc khi nhanh chóng nâng cấp và bành trướng quân sự trong khu vực.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nói :
"Quan điểm của tôi là cả hai vấn đề, lắp đất xây đảo, và quân sự hoá các đảo này, đã gây lo lắng trong khu vực. Nỗi lo lắng đó thực ra là do sự thiếu minh bạch".
Phó Đô đốc Sawyer nói những gì xảy ra trên Biển Đông chưa thực sự rõ ràng, và nỗi lo âu về sự thiếu minh bạch về những gì xảy ra ở đó có nguy cơ tác động tới an ninh và sự ổn định của khu vực. Ông nói đó chính là điều gây quan tâm.
Tàu sân bay USS Carl Vinson với hơn 5.000 thủy thủ ghé cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, đánh dấu sự hiện diện quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ tại Việt Nam kể từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt hồi năm 1975, dẫn đến một nước Việt Nam thống nhất.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đang ở khu vực Trường Sa (CaliToday, 25/02/2018)
Hải đội Hàng Không Mẫu Hạm (hàng không mẫu hạm) Strike của Hoa Kỳ đã đi đến vùng biển tranh chấp Biển Đông từ thứ Sáu và hiện đang ở quần đảo Trường Sa.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson là chiến hạm hàng đầu của Carrier Strike Group 21. Photo Credit : JMSDF
Các quan chức Hải quân Mỹ cho biết không có gì bất thường về sự hiện diện của Hải đội Strike Group trong khu vực.
"Đây là những hoạt động thường lệ. Hải quân Hoa Kỳ là một hải quân toàn cầu. Sự hiện diện của chúng ta là để bảo đảm đại dương vẫn tự do đi lại", phát ngôn viên của Chỉ huy trưởng Tim Hawkins tuyên bố trong một cuộc họp báo trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson.
Tướng Hawkins giải thích rằng Biển Đông là một ngã tư hàng hải, nơi có rất nhiều hoạt động của ngành hàng hải đang xảy ra được. Các phóng viên nhà báo đến từ Singapore, Mỹ, Malaysia, Indonesia và Philippines và nghỉ qua đêm trên hàng không mẫu hạm Carl Vinson.
Ông cho biết 90% thương mại thế giới vận chuyển qua lại trong vùng biển đang tranh chấp và cần sự lưu thông hàng hải vẫn mở, "Phải có một nước nào đó trông coi ở xung quanh vùng này". Ông bổ sung vai trò hiện đang được Hải đội Strike hợp tác với các đồng minh trong khu vực.
Ông Hawkins nói rằng điều này phù hợp với nhiệm vụ của Hải quân Hoa Kỳ nhằm bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ, ngăn chặn xung đột, đối phó với khủng hoảng, đánh bại xâm lược, bảo vệ các hàng hải, tăng cường hợp tác và tiến hành các hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thảm hoạ.
Trong suốt chuyến đi, một sĩ quan hải quân đã thông báo rằng Hải đội Strike bây giờ đang hiện diện "tại Trường Sa", nhưng từ chối nói thêm.
Ngọc Thạch (Theo Philstar)
********************
Tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam, báo Trung Quốc lên tiếng (VOA, 26/02/2018)
Hoàn cầu Thời báo dẫn lời chuyên gia Trung Quốc nói rằng sự kiện đội tàu tấn công của Mỹ tới Việt Nam đầu tháng tới cho thấy Washington tăng cường hợp tác quân sự với Hà Nội để "kiềm tỏa" Bắc Kinh.
Tàu sân bay USS Carl Vinson ở đảo Guam.
Ngoài ra, các chuyên gia Trung Quốc còn cho rằng sự hiện diện thường xuyên của các tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông trong năm nay có thể làm trầm trọng căng thẳng khu vực và có thể dẫn tới sóng gió trong mối quan hệ Trung - Mỹ.
Nhận định trên được đăng tải hôm 26/2 sau khi truyền thông Philippines đưa tin rằng một nhóm tàu tấn công của Mỹ, do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu, hôm 25/2 đã đi qua các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông từ hôm 23/2 và đã hiện diện trong vùng biển thuộc Quần đảo Trường Sa hôm 25/2.
Trang mạng Philstar.com của Philippines trích lời Thiếu tá Tim Hawkins, người phát ngôn của Hải quân Hoa Kỳ, cho biết : "Đây là những hoạt động thường lệ. Hải quân Hoa Kỳ là một lực lượng hải quân toàn cầu. Sự hiện diện của chúng tôi là nhằm đảm bảo rằng các vùng biển được thông thoáng". Thiếu tá Hawkins cho biết 90% thương mại thế giới lưu thông trong vùng biển đang có tranh chấp, và để chắc rằng việc lưu thông hàng hải vẫn còn thông thoáng thì phải có "quốc gia nào đó thực hiện tuần tra".
Giáo sư Li Haidong, Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói với tờ Hoàn Cầu Thời báo : "Chuyến viếng thăm thường lệ của tàu sân bay Mỹ đến vùng biển đang tranh chấp nằm trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng thống Donald Trump được công bố vào tháng 12/2017 trong đó xem Trung Quốc là "cường quốc cạnh tranh" và năm nay với các chuyến tuần tra của các tàu sân bay và máy bay Hoa Kỳ, Biển Đông sẽ chứng kiến nhiều hành động khiêu khích hơn".
Ông dự đoán rằng mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ chứng kiến nhiều tranh chấp trong năm nay, và điều này sẽ không chỉ giới hạn trong các vấn đề Biển Đông, nhất là khi Hoa Kỳ cố đối đầu với một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Trên boong tàu sân bay USS Carl Vinson
Đây là lần thứ hai trong tháng này tàu sân bay của Hoa Kỳ vào vùng Biển Đông. Như các quan chức Mỹ nói, tàu Carl Vinson đã tiến hành một sứ mệnh thường lệ đi xuyên qua khu vực Biển Đông vào ngày 14/2, mà hãng tin AFP loan báo là một thông điệp rất trực tiếp Mỹ gửi tới Trung Quốc.
Dù phía Mỹ chưa có thông báo chính thức, Thông tấn xã Việt Nam hôm 25/2 đưa tin rằng đoàn tàu hải quân Mỹ gồm tàu sân bay USS Carl Vinson, tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer "sẽ thăm thành phố Đà Nẵng từ ngày 5 đến 9/3".
Theo tờ New York Times, nhóm tàu này "đánh dấu sự hiện diện lớn nhất của lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975".
Hoàn cầu Thời báo dẫn lởi ông Chen Xiangmiao, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Quốc gia về Biển Đông, nói : "Chuyến viếng thăm Việt Nam này cho thấy Mỹ có thể sẽ chuyển hướng sang Việt Nam và tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam để kiềm tỏa Trung Quốc, khi mà hiện nay mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đang được cải thiện".
Tờ báo từng nhiều lần chỉ trích Mỹ trích lời các chuyên gia cảnh báo rằng Mỹ, với mục tiêu cuối cùng là nhằm duy trì sự thống trị ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, có thể sẽ phá vỡ sự ổn định của khu vực.
"Trung Quốc nên thiết lập thêm các cơ sở quân sự như radar, máy bay và các tàu tuần duyên bờ biển ở Biển Đông để đối phó với những động thái khiêu khích của Mỹ", ông Chen nói.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ hôm 5/2 đã tuyên bố rằng các tàu chiến Mỹ sẽ duy trì các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.
Đáp lại tuyên bố của Mỹ, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 6/2 nói : "Trung Quốc tôn trọng quyền tự do đi lại trên biển và trên không ở Biển Đông theo luật quốc tế, nhưng phản đối việc một quốc gia đe dọa hoặc làm suy yếu quyền chủ quyền và an ninh của Trung Quốc và các quốc gia ven biển khác dưới danh nghĩa tự do hàng hải và hàng không".
************************
‘Trả đũa’ Mỹ, Trung Quốc dọa đem thêm vũ khí đến Biển Đông (Người Việt, 25/02/2018)
Bắc Kinh bắn tiếng dọa sẽ mang thêm nhiều vũ khí đến trang bị các đảo trên Biển Đông năm nay để trả đũa cho các hành động "khiêu khích" của Mỹ ở khu vực.
Mẫu hạm USS Carl Vinson tập trận với tàu chiến Nhật Bản trên Thái Bình Dương. (Hình : Getty Images)
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cái loa tuyên truyền bán chính thức của Bắc Kinh, hôm Chủ Nhật 25 tháng Hai, 2018 vừa mượn lời của hai học giả thường được tờ báo phỏng vấn để gián tiếp bắn tiếng biện minh cho các hành động bá quyền bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Bài viết của tờ Hoàn Cầu xuất hiện hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump họp với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Tòa Bạch Ốc. Trong đó, tin tức quốc tế tường thuật hai ông có đề cập đến vấn đề hải quân hai nước tập trận chung "tự do hải hành" trên Biển Đông. Mấy năm trước, Úc cũng đã có ý định tham gia nhưng đã phải dẹp vì phản ứng rất mạnh của Bắc Kinh.
Bài viết của Hoàn Cầu cũng như một phản ứng bán chính thức của Bắc Kinh vì chuyến viếng thăm Việt Nam sắp diễn ra của mẫu hạm USS Carl Vinson hiện đang quanh quẩn trên Biển Đông sau khi đã đậu tại vịnh Manila 5 ngày.
"Cuộc thăm viếng thường xuyên của mẫu hạm Mỹ tại các vùng biển tranh chấp tương ứng với chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng thống Trump công bố hồi tháng Mười Hai, 2017 trong đó gắn cho Trung Quốc cái nhãn "lực lượng đối nghịch". Năm nay, Biển Đông sẽ chứng kiến thêm nhiều hành động khiêu khích với các cuộc thăm viếng của các mẫu hạm và máy bay Mỹ". Lý Hải Đông, giáo sư của Viện Đại Học Ngoại Giao của Trung Quốc nói trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo.
Đảo nhân tạo Đá Chữ Thập với các cơ sở quân sự và vị trí phòng không nhìn từ vệ tinh. (Hình : CSIS/Digital Globe)
Ông này dự đoán sẽ có thêm nhiều tranh chấp giữa Trung Quốc và Mỹ trong năm nay không chỉ giới hạn trong vấn đề Biển Đông khi Hoa Kỳ cố gắng đối phó với một nước Trung Quốc quân sự ngày một hùng mạnh hơn, tiến nhanh hơn.
Tuy chưa có tin tức chính thức nhưng mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson dự trù sẽ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, khoảng tuần lễ nữa. Cuộc thăm viếng được coi như chỉ dấu mối quan hệ an ninh quốc phòng giữa Việt Nam với Mỹ ngày một chặt chẽ hơn, tuy chậm chạp vì Hà Nội vẫn phải ngó chừng phản ứng phương Bắc.
"Chuyến thăm Việt Nam chứng tỏ Mỹ muốn quay sang Việt Nam để tăng hợp tác quân sự với nước này để kiềm chế Trung Quốc trong khi mối quan hệ giữa Trung Quốc với Philippines đã cải thiện". Tờ Hoàn Cầu dẫn lời Trần Hương Miêu, một chuyên viên nghiên cứu tại Học Viện Quốc Gia về Biển Đông.
"Trung Quốc sẽ thiết trí thêm nhiều cơ sở quân sự như radar, máy bay, thêm nhiều tàu hải cảnh trên Biển Đông để đối phó với các hành động khiêu khích của Mỹ," Trần Hương Miêu nói. (TN)