Lo Việt Nam thành bãi thải công nghệ Trung Quốc (VietnamNet, 26/03/2017)
Vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm tăng mạnh. Vài năm trước, Trung Quốc đã thay đổi quy trình công nghệ để môi trường sạch hơn. Điều này dẫn đến nguy cơ công nghệ lạc hậu từ nước này sẽ tuồn về Việt Nam.
Vốn Trung Quốc tăng mạnh
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), vốn FDI của Trung Quốc (không tính Đài Loan, Hồng Kông) vào Việt Nam tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2017.
Cụ thể, quý I/2017 Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là gần 824 triệu USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư, xếp sau Hàn Quốc, Singapore. Tuy nhiên, nếu chỉ tính các dự án được cấp phép mới thì Trung Quốc đứng vị trí thứ 2.
Vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh.
Trong khi đó, cả năm 2016 vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam chỉ ở mức 1,8 tỷ USD. Như vậy, chỉ 3 tháng đầu năm vốn Trung Quốc đổ vào Việt Nam đã bằng một nửa năm 2016.
Tháng trước, Trung Quốc cũng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 721 triệu USD, chiếm 21% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng các dự án được cấp phép mới trong hai tháng đầu năm 2017 thì Trung Quốc vươn lên là nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư hơn 600 triệu USD.
Việc Trung Quốc liên tục có mặt trong top 3 các nhà đầu tư vào Việt Nam không phải là chuyện quá lạ. Những năm trước đây, vốn FDI Trung Quốc cũng thường có mặt trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Vị trí cao nhất của Trung Quốc trong các nhà đầu tư vào Việt Nam là đứng thứ 4 vào 2016 và thấp nhất là đứng thứ 10 vaf0 2015.
Các năm gần đây, vốn đầu tư của Trung Quốc rót vào Việt Nam thường được nhận định là để đón đầu cơ hội của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng nay số phận TPP rất mong manh khi Mỹ rút khỏi hiệp định này, thì việc Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam khiến nhiều người băn khoăn.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho hay : Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam có xu hướng tăng lên do hiện nước này đang thừa vốn và sẽ thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó, quan hệ của Việt Nam với các nước như Mỹ, Nhật Bản,... cũng khiến Trung Quốc phải tính toán, do đó chính sách kinh tế sẽ có thay đổi.
Trung Quốc đang dư thừa nhiều sản phẩm nên muốn đẩy đầu tư sang các nước.
Sợ nhất là ô nhiễm môi trường
Trước việc dòng vốn đầu tư Trung Quốc gia tăng ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng Việt Nam không từ chối hay phân biệt đối xử với luồng vốn nào, nhưng cần có cách ứng xử phù hợp để hạn chế thấp nhất các ảnh hưởng tiêu cực.
Chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng : Nhiều sản phẩm của Trung Quốc đối mặt dư thừa công suất, có tình trạng chuyển sang Việt Nam đầu tư. Cho nên, việc nguồn vốn FDI Trung Quốc dồn dập tăng không phải là dấu hiệu môi trường đầu tư của Việt Nam tốt hơn và chưa chắc đãcó lợi
"Những vấn đề về môi trường, giá điện haycác vấn đề khác chúng ta cần phải xem xét, tránh việc phải hứng công nghệ cũ họ thải ra", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh lưu ý.
Ông Doanh lưu ý : "Tôi rất mong việc cấp phép đầu tư nước ngoài cần có sự chọn lọc, giám sát và đảm bảo chất lượng hơn, tránh việc chạy theo số lượng một chiều".
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng đánh giá tiếp thu vốn của Trung Quốc là điều "cần lưu tâm về mặt môi trường ".
"Tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc ngày càng tăng, nếu năm 2005 tỷ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ khoảng 16%, thì đến năm 2015 tỷ lệ này đã lên 30%, trong đó hơn 90% lượng nhập khẩu là cho sản xuất (khoảng 60% là nguyên vật liệu đầu vào và hơn 30% là máy móc thiết bị). Như vậy, có thể thấy công nghệ của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, điều này không chỉ làm thâm hụt thương mại mà còn dẫn đến nguy cơ nhập khẩu "ô nhiễm" nếu không chọn lọc kỹ càng", Tiến sĩ Bùi Trinh phân tích.
Tính toán nhu cầu về năng lượng cho một đơn vị tăng lên của sản phẩm cuối cùng, Tiến sĩ Bùi Trinh thấy rằng : Lượng phát thải CO2 bình quân cho một đơn vị sản phẩm cuối cùng của Trung Quốc cao hơn Việt Nam khoảng 26%. Hầu hết các ngành Trung Quốc có lượng phát thải CO2 cao hơn Việt Nam, trừ ngành xây dựng. Do vậy, khi thu hút FDI Trung Quốc trong hầu hết các ngành, cần phải kiểm tra quy trình xử lý chất thải nghiêm ngặt.
"Môi trường là vấn đề phải quan tâm nhất", Tiến sĩ Bùi Trinh khẳng định. "Năm 2012 Trung Quốc đã thay đổi quy trình công nghệ để môi trường sạch hơn trong khi Việt Nam không có nhiều thay đổi. Điều này dẫn đến nguy cơ công nghệ lạc hậu sẽ đưa về Việt Nam, dẫn đến lượng chất thải trên một đơn vị sản phẩm ở Việt Nam tăng cao ở mức đáng lo ngại".
Lương Bằng
***************************
Nở rộ xin đầu tư dự án nhiệt điện than tỷ "đô" (VnEconomy, 26/03/2017)
Loạt nhà máy nhiệt điện than có vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD được chấp thuận xây dựng...
Nhiệt điện than có giá thành rẻ, phù hợp với hoàn cảnh thực tế nền kinh tế, song có rủi ro môi trường.
Gần đây liên tục các dự án nhiệt điện than với quy mô hàng chục tỷ USD được đề xuất, chấp thuận đầu tư. Mới đây, Bộ Công thương đã lấy ý kiến về vị trí cụ thể của trung tâm nhiệt điện Long An. Dự kiến trung tâm này sẽ được xây dựng và vận hành từ năm 2024 để giúp giải quyết việc thiếu điện của miền Nam. Vốn đầu tư cho dự án lên tới 5 tỷ USD.
Các dự án tỷ USD được cấp phép
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự kiến nhu cầu than tiêu thụ cho trung tâm nhiệt điện Long An sẽ lên đến gần 10 triệu tấn/năm. Nguồn than sẽ lấy từ Úc, Indonesia. Vị trí dự án được đề xuất chọn là tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc (Long An), sát với Thành phố Hồ Chí Minh.
Loạt dự án nhiệt điện than khác cũng trong kế hoạch thực hiện trong thời gian tới. Chẳng hạn, dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Quảng trạch 1 với vốn đầu tư 33.000 tỷ đồng, thuộc Trung tâm điện lực Quảng Trạch.
Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dự kiến khởi công cuối năm 2017, phát điện tổ máy 1 vào năm 2021 và phát điện tổ máy 2 vào năm 2022. Còn nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 sẽ được xây dựng năm 2019.
Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) vừa ký thỏa thuận đầu tư dự án BOT nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, tổng công suất tổ máy 1 đạt 1.200MW gồm 2 tổ máy 600MW.
Dự án sẽ vận hành tổ máy số 1 vào năm 2021, tổ máy số 2 năm 2022. Khi đi vào vận hành nhà máy sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu. Nhà máy được xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Cuối năm 2016, dự án dự án BOT nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2, có vốn đầu tư 2,3 tỷ USD đã được chấp thuận đầu tư chính thức. Dự án có tổng công suất 1.200 MW gồm 2 tổ máy 600 MW, sản xuất điện bằng nguyên liệu than nhập khẩu.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất đặt máy 13.110 MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm. Lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15.700 triệu tấn/năm.
Dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động và tổng công suất lắp đặt là 24.370 MW.
Theo Quy hoạch điện VII, Việt Nam sẽ có thêm 40 nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030.
Vào năm 2030 tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi vốn đang chịu tổn thương nặng nề do biến đổi khí hậu và tác động của việc dùng nước trên thượng nguồn, sẽ có tới 14 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt hơn 18.000 MW.
Hiện nhiệt điện than dung cấp 40% sản lượng điện cho cả nước, trong tương lai con số này tiếp tục nâng lên, thuỷ điện có xu hướng giảm đi. Việc ồ ạt xây dựng các nhà máy nhiệt điện than có thể được lý giải dựa trên hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, tiềm lực xây dựng nhà máy thuỷ điện gần như đã cạn kiệt do nguồn thuỷ văn hạn chế, theo mùa ảnh hưởng đến vận hành của nhà máy. Các nguồn năng lượng sạch, năng lượng sinh học, điện gió,…có ưu điểm bảo vệ môi trường song giá thành đắt.
Trong khi nhiệt điện than đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên, giá thành rẻ, phù hợp với hoàn cảnh thực tế nền kinh tế, song có rủi ro môi trường.
Thứ hai, nhu cầu dùng điện của Việt Nam tăng quá nhanh do vận hành một nền kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng nên áp lực lên ngành điện rất lớn.
Nhu cầu 30 tỷ USD đầu tư trong 5 năm
Ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt, tổng công suất của các nhà máy điện năm 2020 phải đạt 60.000 MW, nghĩa là trong 5 năm 2016-2020, cần đưa vào thêm 21.650 MW.
Theo ước tính của Viện Năng lượng, số tiền đầu tư trong 5 năm của các nhà máy điện từ nay đến năm 2020 là gần 30 tỷ USD. Đó là chưa kể việc xây dựng các nhà máy điện, hệ thống lưới điện truyền tải. Tổng số tiền cần đầu tư trong giai đoạn này là 40 tỷ USD, tức mỗi năm gần 7,9 tỷ USD.
Dù nhà máy nhiệt điện quy hoạch ồ ạt, song Bộ Công thương cũng đang tỏ ra cẩn trọng trong vấn đề này. Mới đây khi dư luận lo lắng về nguy cơ ô nhiễm về việc phát triển Trung tâm điện lực Long An - vốn đầu tư 5 tỷ USD, Bộ Công thương đã trấn an dư luận là chỉ phê duyệt quy hoạch khi thấy phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo an ninh quốc phòng, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt.
Đồng thời, Bộ Công thương sẽ quản lý quá trình triển khai các dự án. Ngay từ việc đề xuất lựa chọn nhà đầu tư phải có năng lực, kinh nghiệm, áp dụng công nghệ tiên tiến, có cam kết đảm bảo môi trường trong đầu tư cũng như vận hành nhà máy.
Khi thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, các dự án phải có giải pháp kỹ thuật tuân thủ báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM) được Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt, đặc biệt xem xét kỹ các nội dung liên quan đến môi trường : công nghệ áp dụng, giải pháp xử lý phát thải, giám sát của cộng đồng…
Gần đây, hiện tượng ô nhiễm môi trường từ các nhà máy nhiệt điện than tại đồng bằng sông Cửu Long, khiến lãnh đạo Bộ Công thương phải yêu cầu các nhà máy nhiệt điện xây dựng và thực hiện quy trình thải tro xỉ nhà máy nhiệt điện, đảm bảo không phát tán tro xỉ ra môi trường.
Bộ Công thương cũng ban hành một danh sách các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Trong đó có nhiều dự án nhiệt điện góp mặt trong danh sách này : nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng và Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh.
Bạch Dương