Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vì bị Trung Quốc ngăn cản không cho tìm kiếm và khai thác dầu khí trên thềm lục địa, Việt Nam nhiều phần phải tìm kiếm các nguồn năng lượng khác cho nhu cầu ngày một tăng cao.

nangluong1

Tàu hải giám của Trung Quốc, ngày 15 tháng Năm, 2014, lao vào mấy tàu cảnh sát biển của Việt Nam để chặn không cho tiến tới giàn khoan HD981 đang khoan tìm dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, phía nam quần đảo Hoàng Sa. (Hình : Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Theo một bài phân tích của tạp chí Asian Today, Việt Nam đã bắt đầu khai thác dầu khí trên thềm lục địa từ những năm cuối thập niên 1980. Nhiều mỏ dầu và mỏ khí đã được khám phá và khai thác êm xuôi cho đến những năm gần đây khi Trung Quốc lên giọng xác định chủ quyền lãnh thổ, chiếm hơn 80% Biển Đông, lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực.

Bắc Kinh đã nhiều lần cho tàu ngăn cản các tàu dò tìm dầu khí của Việt Nam trên các vùng biển mà họ có cái vạch chủ quyền "Lưỡi Bò" vắt ngang. Lần mới đây nhất, tháng Sáu vừa qua, tàu khoan dầu của công ty Rapsol mà Việt Nam thuê, đã phải hủy bỏ ngang cuộc trắc nghiệm tầm mức của trữ lượng dầu khí tại lô 136-3 Đông Nam Vũng Tàu 200 hải lý, khi Bắc Kinh đe dọa đánh chiếm các vị trí của Việt Nam.

Năm 2014, lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam, dù nhỏ bé về mọi mặt so với Trung Quốc, đã phải đối diện với đoàn tàu hải giám của Bắc Kinh suốt hai tháng rưỡi ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa cho tới khi giàn khoan của họ rút đi.

Vì nhu cầu năng lượng, tuy phải tạm đình hoãn bởi Trung Quốc cảnh trở, nhưng Việt Nam sẽ phải nỗ lực tìm kiếm các địa điểm khác để khoan tìm. Nền kinh tế của Việt Nam cần năng lượng để phát triển cũng như các nhà đầu tư quốc tế, và cả các công ty dầu khí quốc tế, nhìn thấy viễn ảnh không sáng sủa, trước sau sẽ theo nhau bỏ chạy.

Trong sô các dự án, dự án khai thác khí đốt tại mỏ Cá Voi Xanh – lô 118 – ngoài khơi miền Trung đã có thỏa thuận tiến hành với hàng Exxon-Mobil của Mỹ đầu tư $10 tỷ để khai thác. Mỏ này cũng có cái vạch "Lưỡi Bò" vắt chéo qua. Người ta không rõ rệt lắm đối với các đe dọa của Bắc Kinh với lô này nhưng các công ty dò tìm và khai thác dầu khí đều bị Bắc Kinh cảnh cáo không được hoạt động trên vùng biển mà họ ngang ngược gọi là "chủ quyền" trên Biển Đông.

Trữ lượng dầu của Việt Nam ước tính khoảng 600 triệu thùng, đứng hàng thứ nhì ở khu vực Đông Á Châu. Theo thống kê, nhà máy điện chạy than là nguồn năng lượng chính chiếm 34.4% nguồn lực năng lượng của Việt Nam năm 2015. Vì sử dụng than tương đối rẻ hơn nên Việt Nam dự tính gia tăng sản lượng từ các nhà máy chạy than lên 42.6%.

Việt Nam là nước bán dầu thô rồi nhập các lại các sản phẩm tinh lọc từ dầu mỏ. Cho đến nay, dầu khí vẫn là nguồn cung cấp tài chính chính yếu cho tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Việt Nam. Từ năm 2000 trở lại đây, sản lượng dầu thô của Việt Nam suy giảm dần vì một số mỏ lớn khai thác từ lâu đã và đang cạn dần. Việt Nam cần phải tìm kiếm dầu khí các nơi khác không bị cản trở.

Mức tiêu thụ điện của Việt Nam, theo đầu người, năm 1995 chỉ có 156kw/giờ nhưng đã lên tới 1,415kw/giờ vào năm 2014. Nhu cầu tiêu thụ điện năng gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 10.5% cho giai đoạn từ 2016-2020. Sau đó, dự báo gia tăng lối 8% cho giai đoạn từ 2020 đến 2030 với giả định là chương trình cung cấp điện năng đạt kế hoạch. Hiện một số khu vực vùng sâu vùng xa vẫn chưa được kết nối vào với lưới điện quốc gia.

Việt Nam tùy thuộc nhiều vào than đá để có điện nên vấn đề cam kết giảm bớt 25% ô nhiễm môi sinh đã không đạt được. Ngay như tại thủ đô Hà Nội, ô nhiễm không khí cao hơn 2.5 chỉ số theo tiêu chuẩn của tổ chức Y Tế Thế Giới đề ra. Bệnh tật liên quan đến tim, phổi vì thế sẽ gia tăng nhiều hơn.

Trước khi quá muộn, Việt Nam cần phải phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo để thỏa mãn cả nhu cầu điện năng và vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, cả khả năng tài chính cũng như kiến thức khoa học kỹ thuật để phát triển lãnh vực này đều thiếu.

Trong số 50 dự án điện gió, mới chỉ có 4 dự án đã hoạt động với tổng công suất khiêm tốn 160MW. Nếu được phát triển, các hệ thống điện mặt trời có thể cung cấp đến 35% nhu cầu điện của Việt Nam và điện gió cung ứng được khoảng 13% , nhưng như ở trên trình bày, Việt Nam thiếu cả tài chính và kiến thức khoa học kỹ thuật.

Năm ngoái, Việt Nam đã phải tạm gác dự án xây dựng hai lò điện nguyên tử tại tỉnh Ninh Thuận dù đã ký hợp đồng với Nga. Tốn phí đến $18 tỷ lại có nhiều nguy hiểm, chuyên viên chưa đào tạo được bao nhiêu.

Đối diện với nhiều lực cản, đặc biệt là cái vạch "Lưỡi Bò," trong khi nhu cầu điện năng mỗi ngày mỗi gia tăng, tìm các nguồn cung ứng điện năng cho Việt Nam là bài toán đầy thử thách. (TN)

Published in Việt Nam