Vụ Trịnh Xuân Thanh : Việt Nam phản đối Slovakia trục xuất một nhà ngoại giao (RFI, 07/02/2020)
Ngày 06/02/2020, Hà Nội lên tiếng phản đối Slovakia ra lệnh trục xuất một nhà ngoại giao Việt Nam có liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức hồi năm 2017.
Ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, Đức. Ảnh chụp ngày 20/10/2016. Bui Thanh Hieu (Nguoi Buon Gio)/via Reuters
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Slovakia đã trao công hàm cho đại sứ Việt Nam tại Bratislava, với nội dung là một nhân viên ngoại giao trong sứ quán Việt Nam không được "hoan nghênh" và người này phải rời khỏi Slovakia trong vòng "48 tiếng".
Thông báo đăng trên website của Bộ Ngoại giao Slovakia cho biết thêm : Slovakia đã đưa ra một biện pháp nghiêm trọng trong khuôn khổ phán quyết của Tòa Án Đức. Bộ ngoại giao Slovakia đã lưu ý từ trước về những hậu quả ngoại giao nặng nề nếu như những nghi ngờ nghiêm trọng về sự lạm dụng lòng hiếu khách của Slovakia được khẳng định chính thức.
Phía Hà Nội cho rằng phản ứng của Bratislava không phản ánh mối "quan hệ hữu nghị truyền thống" giữa hai hai nước. Ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc tại Đức năm 2017 và đã bị đưa về Việt Nam qua ngả Slovakia.
Vụ Trịnh Xuân Thanh gây căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam, Đức và Slovakia. Hôm 04/02/2020 Tòa Án Tối Cao của Đức bác đơn kháng cáo của ông Nguyễn Hải Long, một người có liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đường phố Berlin tháng 7/2017.
Ngày 31/07/2017 Việt Nam cho biết ông Trịnh Xuân Thanh đã ra "đầu thú". Ông này bị đưa ra xét xử vì nhiều tội danh, trong đó có tội cố ý làm sai trái và tham ô tài sản khi còn là chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, một chi nhánh của tập đoàn Dầu Khí Việt Nam.
Thanh Hà
********************
Việt Nam ‘lên án’ Slovakia vì trục xuất nhà ngoại giao liên quan vụ bắt cóc (VOA, 07/02/2020)
Một ngày sau khi Slovakia thông báo trục xuất một nhà ngoại giao Việt Nam vì dính dáng đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Hà Nội lên án Slovakia và nói rằng hành động này là "không phù hợp với tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước", theo Reuters.
Hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh "về nước thú tội" được chiếu trên truyền hình Việt Nam.
Vào ngày 6/2, Bộ Ngoại giao Slovakia cho biết đã gửi thông báo trục xuất đến cho Đại sứ Dương Trọng Minh ở Bratislava với nội dung "một trong những nhà ngoại giao của ông phải rời khỏi đất nước trong vòng 48 giờ" vì lý do "không được hoan nghênh", do liên quan đến vụ bắt cóc doanh nhân-cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh khi ông này đang xin tị nạn tại Đức vào năm 2017.
"Slovakia đưa ra quyết định nghiêm trọng này có liên quan đến phán quyết cuối cùng của tòa án phúc thẩm Đức về vụ bắt cóc một người Việt Nam", hãng thông tấn Slovakia TASR dẫn lại thông báo 6/2, đồng thời cho biết thêm rằng "sẽ có những hậu quả nghiêm khắc về ngoại giao" một khi "những nghi ngờ nghiêm trọng về việc (Việt Nam) lạm dụng lòng hiếu khách của Slovakia được chính thức được xác nhận".
Phản ứng về quyết định trục xuất của Slovakia, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong một tuyên bố gửi qua email cho Reuters rằng "Chúng tôi sẽ xem xét đến các biện pháp phù hợp với quan hệ song phương, luật pháp và thông lệ quốc tế".
Trong khi đó, trả lời truyền thông Slovakia, luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh – bà Petra Isabel Schlagenhauf – nói rằng động thái trục xuất nhà ngoại giao Việt Nam của Slovakia là "đúng đắn", nhưng "quá trễ" và "chưa đủ".
"Với Slovakia, điều cần thiết phải làm là điều tra xem ai đã tham gia vào vụ bắt cóc thân chủ của tôi bằng cách sử dụng máy bay của chính phủ", tờ Aktuality dẫn lời luật sư của ông Thanh nói.
Trước quyết định trục xuất của Slovakia, ngày 4/2, tòa án liên bang Đức đã bác bỏ kháng cáo của bị cáo Long N.H., nghi phạm cuối cùng trong vụ bắt cóc. Ông Long đã bị một tòa án quận Berlin kết án 3 năm và 10 tháng tù vào tháng 7/2018 về tội gián điệp và tòng phạm trong vụ bắt giữ phi pháp ông Trịnh Xuân Thanh vì đã thuê xe chở ông Thanh sang Slovakia.
Phía Đức nói ông Trịnh Xuân Thanh đã bị tình báo Việt Nam bắt cóc trên một con phố ở thủ đô Berlin và được chở qua Slovakia, sau đó mang về Việt Nam bằng máy bay mượn của Slovakia để đưa sang Nga, từ đó đem về Hà Nội, nơi ông bị xét xử và kết án tù chung thân vào năm 2018 vì tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản".
Vụ bắt cóc đã làm căng thẳng mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam sau khi Đức lên án Việt Nam "vi phạm luật pháp quốc tế" và trục xuất nhà ngoại giao Việt Nam, mà phía Đức nói là tình báo, có dính dáng đến vụ bắt cóc.
*******************
Việt Nam lên án Slovaka vì trục xuất nhân viên ngoại giao liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh (RFA, 07/02/2020)
Bộ Ngoại giao Việt Nam lên án Slovakia vì đã trục xuất một nhà ngoại giao do cáo buộc có liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức hồi năm 2017, đồng thời đe dọa sẽ có những biện pháp tương ứng trong quan hệ hai nước, theo luật quốc tế.
Hình minh họa. Đài truyền hình Việt Nam chiếu cảnh Trịnh Xuân Thanh đầu thú trên truyền hình quốc gia hôm 3/8/2017 Reuters
Ông Trịnh Xuân Thanh là một cựu quan chức ngành dầu khí của Việt Nam hiện đang thụ án tù chung thân vì cáo buộc tham nhũng.
Reuters hôm 7/2 cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi tuyên bố phản ứng của mình qua email cho hãng tin này.
"Chúng tôi sẽ xem xét các biện pháp tương ứng trong quan hệ song phương, phù hợp luật pháp và thông lệ quốc tế", tuyên bố của phía Việt Nam viết.
Trước đó, báo chí Slovakia trích thông tin từ Bộ Ngoại giao Slovakia cho biết, vào ngày 5/2, bộ này đã triệu Đại sứ Việt Nam đến để thông báo về quyết định trục xuất. Nhân viên ngoại giao không được nêu tên được cho biết phải rời Slovakia trong vòng 48 tiếng.
Phía Slovakia hiện vẫn đang điều tra việc giới chức Bộ Nội vụ nước này cho Bộ Công an Việt Nam mượn máy bay để chuyển Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc từ Đức về Việt Nam qua ngả Slovakia.
Bộ Ngoại giao Slovkia hôm 5/2 có thông báo trên trang web, cho biết nước này đã có những cảnh báo về hệ quả trong quan hệ ngoại giao mạnh mẽ nếu những nghi ngờ về việc Việt Nam lợi dụng lòng hiếu khách của Slovakia trong vụ này được xác định.
Chính phủ Đức từ năm 2017 đã chính thức cáo buộc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay trên đất Đức và coi đây là hành vi vi phạm pháp luật Đức và luật quốc tế, đồng thời đòi Việt Nam phải trao trả Trịnh Xuân Thanh về cho Đức.
Việt Nam nói không có vụ bắt cóc và khẳng định Trịnh Xuân Thanh đã về nước đầu thú.
*******************
Tòa án Đức công khai bêu tên Tình báo Việt Nam "bắt cóc quốc tế" (RFA, 06/02/2020)
Hôm 3/2/2020, trang tin điện tử của Tòa án Công lý Liên bang Đức ra thông cáo báo chí nói rằng tình báo Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế khi tiến hành hoạt động "bắt cóc quốc tế" và kết án một đồng phạm vì tội hoạt động gián điệp và hỗ trợ bắt cóc.
Tòa án Công lý Liên bang Đức (Ảnh : bundesgerichtshof.de)
Tuyên bố được đưa ra sau khi Tòa án Công lý Liên bang ra phán quyết phúc thẩm bác kháng cáo và tuyên y án 3 năm 10 tháng tù giam đối với người này. Phán quyết của Tòa án Công lý Liên bang là quyết định cuối cùng.
Thông cáo này không nêu rõ danh tính người bị kết án, nhưng cho biết là một người gốc Việt.
"Người này không phải là thành viên của Cơ quan Tình báo Việt Nam, nhưng đã tham gia hỗ trợ cho cơ quan này, mua sắm phương tiện hoạt động và giúp xóa dấu vết", thông cáo viết.
Theo nội dung phán quyết của tòa đề ngày 7/8/2019 kết luận "nạn nhân là một cựu giám đốc của một công ty xây dựng nhà nước Việt Nam, ông ta đến Đức vào năm 2016 và xin tị nạn chính trị tại đây, sau đó bị Cơ quan Tình báo Việt Nam bắt cóc từ Berlin về Việt Nam vào mùa hè năm 2017 sau những nỗ lực dẫn độ ông ta không thành công".
"Ông ta hiện giờ đã bị kết án chung thân tại Việt Nam", thông cáo cho biết.
Phán quyết của tòa dài 16 trang, được đăng tải công khai trên mục cơ sơ dữ liệu tại trang thông tin điện tử của tòa án Đức, nhưng che đi danh tính thật của nạn nhân lẫn thủ phạm, và nhà nước chủ mưu cho hoạt động này được viết tắt là "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa V".
Một số cơ quan truyền thông Đức cho biết, nạn nhân trong vụ án này là ông Trịnh Xuân Thanh và người bị kết án là ông Nguyễn Hải Long.
Sau vụ bắt cóc, nhà nước Đức đã trục xuất một nhà ngoại giao Việt Nam và đình chỉ mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Phán quyết của tòa mô tả "nạn nhân là người có khuynh hướng thân phương Tây, bị thanh trừng trong cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ của đảng sau khi khuynh hướng thân Trung Quốc thắng thế".
Phán quyết còn nói rằng vụ bắt cóc này đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Cộng hòa Liên bang Đức.
Minh Luật
Nguồn : RFA, 06/02/2020 (minh-luat's blog)