Một loạt ‘nhà báo lớn’ sắp ‘vào lò’ theo Vũ ‘nhôm’ ? (VOA, 07/02/2019)
Một nguồn tin am tường trong nước cho VOA biết một loạt "nhà báo lớn", trong đó có thể có một cựu Tổng biên tập của báo Đại Đoàn Kết, sắp bị cơ quan chức năng bắt giữ vì liên quan đến những phi vụ thâu tóm đất đai trong vụ án Vũ "nhôm".
Ông Phan Văn Anh Vũ tại một phiên tòa ở Hà Nội, ngày 30/01/2019. Photo : TTXVN.
Theo nguồn tin này, "cấp trên" đã có chỉ thị bắt giam, nhưng việc thi hành và công bố sẽ chỉ được phép đưa ra sau dịp Tết Nguyên Đán.
Vụ án Vũ "nhôm" được xem là một đại án về tình trạng lũng đoạn của bộ máy nhà nước, liên quan đến rất nhiều người, trong đó có cả sự tiếp tay của Tổng cục Tình báo, thuộc Bộ Công an, cho đến các quan chức lãnh đạo ở địa phương và báo chí.
Vũ "nhôm", tên thật là Phan Văn Anh Vũ, 44 tuổi, là một ông trùm khét tiếng thao túng thị trường địa ốc ở Đà Nẵng và cả Thành phố Hồ Chí Minh. Trong tay Vũ là hàng loạt dự án ở các khu "đất vàng". Đại gia này còn được biết đến về khả năng chi phối cả các lãnh đạo cấp cao nhất của Đà Nẵng nhờ mác thượng tá tình báo.
Theo Cáo trạng từ các phiên tòa xử Vũ "nhôm" và hai tướng công an, cựu Thứ trưởng công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân vào tháng trước, Vũ "nhôm" đã được tuyển vào làm nhân viên tình báo thuộc Tổng cục 5 Bộ Công an từ năm 2009, sau đó leo lên chức thượng tá, Phó phòng Biệt phái, Tổng cục 5, Bộ Công an, trong một thời gian ngắn dù không có thông tin cho thấy ông này có bằng cấp hay được đào tạo chuyên môn.
Báo chí trong nước dẫn thông tin từ các phiên tòa xử Vũ "nhôm" cho biết đại gia Đà Nẵng này đã thành lập 2 công ty bình phong là Công ty xây dựng Bắc Nam 79 và công ty Nova Bắc Nam 79 để thâu tóm 7 khu "đất vàng" công sản ở các vị trí đắc địa của Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 1.159 tỷ đồng. Để làm được điều này, Vũ "nhôm" đã được các lãnh đạo của Cục Tình báo là Thứ trưởng Bùi Văn Thành và Thứ trưởng Trần Việt Tân, và một số quan chức khác ký các văn bản, giấy tờ bảo kê cho hoạt động lũng đoạn đất đai của mình, trong đó có cả tài sản của Bộ Công an là khu đất 129 Pasteur, phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài khả năng chi phối các lãnh đạo cấp cao, Vũ "nhôm" còn "nắm" luôn cả giới báo chí trong thời gian tung hoành với công việc kinh doanh mà đại gia này khai trước tòa rằng "được giao làm phát triển kinh tế".
Hồi tháng 9/2017, một nhà báo tại miền Trung, bà Dương Thị Hằng Nga – Trưởng phòng đại diện khu vực miền Trung và Tây Nguyên của Tạp chí Giao Thông Vận Tải, đã bị cấm xuất cảnh theo chỉ thị của Công an Đà Nẵng chỉ vì viết bài "đụng" đến các dự án đất đai của Vũ "nhôm".
Vì vậy, gần như không một nhà báo "chính thống" nào dám "đụng" đến Vũ "nhôm", dù biết rõ những sai phạm về đất đai của ông này. Lý do, theo một số nguồn tin trong giới báo chí, có thể là vì họ bị đe dọa, hoặc đã được Vũ "nhôm" chi tiền dưới các hình thức hoạt động xã hội hay tổ chức sự kiện, thậm chí là bằng việc sang nhượng đất đai.
Một trong những cơ quan báo chí được cho là có liên quan đến những "lùm xùm" về đất đai với Vũ "nhôm" là báo Đại Đoàn Kết, sau khi báo này chuyển nhượng Văn phòng đại diện ở miền Trung, mà tờ báo xin mua theo diện công sản nhà nước và năm 2004, cho Công ty Xây dựng 79 của Vũ "nhôm" vào năm 2011 để Vũ biến nơi đây thành nhà riêng của mình, khiến cho nhiều người, trong đó có một vài nhà báo của Đại Đoàn Kết, bức xúc vì "đất công" đã bị biến thành "đất tư" dưới bàn tay điều khiển của Vũ "nhôm".
Vào tháng 8/2014, báo Đại Đoàn Kết đã ra thông báo tuyển Tổng biên tập mới để thay cho Tổng biên tập tờ báo vào thời gian này là ông Đinh Đức Lập bị điều chuyển "do có nhiều sai phạm trong công tác điều hành tờ báo", theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ.
Sau phiên xử ngày 30/1 vừa qua, tòa án tại Hà Nội đã tuyên Vũ "nhôm" 8 năm tù về tội "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" và 17 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong vụ án ngân hàng Đông Á.
Trong một diễn biến khác, nhà báo-blogger Trương Duy Nhất gần đây được tin là mất tích ở Thái Lan, sau khi ông đến Bangkok xin tị nạn chính trị vào đầu tháng 1.
Trong lúc các tổ chức nhân quyền kêu gọi nhà chức trách Thái Lan điều tra về sự mất tích của ông Nhất, nguồn tin trong nước cho VOA biết ông Trương Duy Nhất đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ.
Ông Trương Duy Nhất trước đây từng làm việc cho báo Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và sau đó là báo Đại Đoàn Kết.
Do Việt Nam đang trong thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán, VOA chưa thể liên lạc được với các cơ quan chức năng liên quan để xác minh các thông tin trên.
Khánh An
********************
Việt Nam sẽ công bố việc bắt giam Trương Duy Nhất sau tết 2019 ? (VNTB, 08/02/2019)
Đang diễn ra hai động thái khá trái ngược xung quanh vụ blogger Trương Duy Nhất đột nhiên mất tích ở Thái Lan vào đầu năm 2019.
Blogger Trương Duy Nhất (trái) và nhà báo Huy Đức. Ảnh minh họa.
Trong khi vài tổ chức nhân quyền và tự do báo chí quốc tế, trong đó có Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) lên tiếng yêu cầu chính quyền Thái Lan điều tra vụ mất tích trên và đang có những dư luận về khả năng Trương Duy Nhất đã bị mật vụ của chính quyền Việt Nam bắt cóc, thì lại có những đồn đoán về việc ông Nhất ‘dính’ vụ Vũ ‘Nhôm’.
Trương Duy Nhất đã được RSF vinh danh ‘Anh hùng thông tin’ vào năm 2014. Blogger này với blog ‘Một góc nhìn khác’ đã viết phản biện khá mạnh mẽ trước khi bị công an Việt Nam tống giam vào năm 2013. Sau khi ra tù, Trương Duy Nhất vẫn tiếp tục viết phản biện.
Một luồng dư luận cho rằng do nắm được những thông tin liên quan đến các vụ làm ăn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Quảng Nam (quê ông Phúc) nên Trương Duy Nhất đã bị Thủ tướng Phúc chủi đạo cho Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo - Bộ Quốc phòng) điều quân sang thái ngầm bắt cóc Nhất trong khi ông đến Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc ở Bangkok để làm thủ tục xin tị nạn chính trị (dư luận này không thể được kiểm chứng).
Gần đây nhất, VOA Việt ngữ đưa tin "Một loạt ‘nhà báo lớn’ sắp ‘vào lò’ theo Vũ ‘nhôm’ ?"
Theo đó, "Một nguồn tin am tường trong nước cho VOA biết một loạt "nhà báo lớn", trong đó có thể có một cựu Tổng biên tập của báo Đại Đoàn Kết, sắp bị cơ quan chức năng bắt giữ vì liên quan đến những phi vụ thâu tóm đất đai trong vụ án Vũ "nhôm". Theo nguồn tin này, "cấp trên" đã có chỉ thị bắt giam, nhưng việc thi hành và công bố sẽ chỉ được phép đưa ra sau dịp Tết Nguyên Đán".
Đáng chú ý là ở phần cuối bản tin trên, VOA Việt ngữ đề cập :
"Trong một diễn biến khác, nhà báo-blogger Trương Duy Nhất gần đây được tin là mất tích ở Thái Lan, sau khi ông đến Bangkok xin tị nạn chính trị vào đầu tháng 1.
Trong lúc các tổ chức nhân quyền kêu gọi nhà chức trách Thái Lan điều tra về sự mất tích của ông Nhất, nguồn tin trong nước cho VOA biết ông Trương Duy Nhất đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ.
Ông Trương Duy Nhất trước đây từng làm việc cho báo Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và sau đó là báo Đại Đoàn Kết".
Cho đến nay, vụ ‘Trương Duy Nhất mất tích’ đã dần chuyển thành ‘Trương Duy Nhất bị bắt cóc’ lan rộng với mối nghi ngờ xoáy sâu vào chính quyền Việt Nam và không ít so sánh vụ này với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin vào tháng 7 năm 2017 mà Nhà nước Đức đã cáo buộc rất mạnh mẽ đối với Việt Nam.
Do đó, nhiều khả năng là sau tết nguyên đán 2019, chính quyền Việt nam sẽ phải có thông báo về vụ này, trong đó hoặc phủ nhận việc chính quyền này ra lệnh bắt cóc Trương Duy Nhất, hoặc chính thức xác nhận Trương Duy Nhất đã bị bắt nhưng là ‘tự nguyện đầu thú’ do hành vi phạm pháp…
Còn với giới đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam, Trương Duy Nhất là người được dành cho một số thiện cảm vì hoạt động viết phản biện, nhưng cũng khá nhiều người bất đồng chính kiến nêu dấu hỏi ‘Trương Duy Nhất là ai ?’, bởi ngoài việc được xem là một cựu tù nhân lương tâm, từ trước và sau khi ra tù đến nay ông Nhất không tham gia bất kỳ tổ chức xã hội dân sự độc lập nào.
Minh Quân
****************
Thái Lan điều tra vụ blogger Trương Duy Nhất mất tích 'RFI, 08/02/2019)
Chính quyền Thái Lan, ngày 07/02/2019 cho biết sẽ điều tra về vụ nhà báo Việt Nam Trương Duy Nhất, một nhà báo và blogger bất đồng chính kiến, bị tình nghi là đã mất tích ở Bangkok khi đến thủ đô Thái Lan nộp đơn xin tị nạn với Liên Hiệp Quốc.
Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất từng bị tòa án Đà Nẵng kết án hai năm tù. Reuters/Van Son/VNA/Handout via Reuters
Trả lời hãng tin Reuters, ông Surachate Hakparn, lãnh đạo cơ quan di trú Thái Lan, cho biết chính quyền Thái Lan không có tài liệu chính thức về việc ông Trương Duy Nhất nhập cảnh vào Thái Lan. Tuy nhiên, cơ quan của ông đang tìm hiểu xem ông Nhất có nhập cư Thái Lan một cách trái phép hay không, và xem điều gì có thể đã xảy ra cho đương sự. Vị quan chức Thái Lan còn xác nhận : "Tôi đã ra lệnh mở điều tra về vụ này".
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế trong tuần này có nêu khả năng ông Trương Duy Nhất đã bị bắt cóc tại Bangkok vào khoảng ngày 26/01 vừa qua, sau khi trốn khỏi Việt Nam vì sợ bị bắt. Ông Nhất dường như đã chạy qua Bangkok nộp đơn xin tị nạn tại văn phòng của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc HCR.
Sau lời báo động kể trên, các tổ chức bảo vệ nhân quyền và nhà báo như Human Rights Watch hay Phóng Viên Không Biên Giới RSF đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi Thái Lan tiến hành điều tra về nghi án mất tích này.
Một đại diện của tổ chức Ân Xá Quốc Tế không ngần ngại đưa ra giả thuyết về sự can dự của chính quyền Việt Nam trong vụ mất tích. Bà Minar Pimple, giám đốc cấp cao của Amnesty International phụ trách các hoạt động toàn cầu giải thích : "Việt Nam đã có tiếng là từng bắt cóc những người lưu vong và tị nạn ở nước ngoài. Chính quyền Thái Lan và Việt Nam phải khẩn trương đưa ra thông tin về vụ ông Trương Duy Nhất mất tích".
Hiện tại, giới chức chính quyền Việt Nam chưa có bình luận gì về vụ việc này do còn trong kỳ nghỉ Tết. Còn văn phòng HCR tại Bangkok cho biết là không thể bình luận hoặc xác nhận các trường hợp riêng lẻ.
Hãng tin Anh Reuters nhắc lại rằng ông Trương Duy Nhất từng bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vào năm 2013, sau đó bị kết án 2 năm tù với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước". Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, ông đã trốn sang Thái Lan sau khi được bắn tin là ông có nguy cơ bị bắt trở lại.
Theo ông Phil Robertson, phó giám đốc Châu Á của Human Rights Watch, thì ông Trương Duy Nhất đã đến Thái Lan với một lý do duy nhất là xin tị nạn, nhưng "một ai đó rõ ràng là không muốn ông làm điều đó".
Trọng Nghĩa
******************
Việt-Nga khai thác mỏ dầu mới tại Biển Đông (VOA, 08/02/2019)
Một liên doanh Việt-Nga bắt đầu sản xuất dầu thô tại một địa điểm mới ở Biển Đông. Dự án này hy vọng sẽ mang lại hơn 1 tỉ đô la cho Hà Nội trước năm 2032, theo Nikkei Asian Review.
Hoạt động của Vietsovpetro
Công ty Vietsovpetro, do công ty quốc doanh PVEP của Việt Nam cùng đối tác Nga kiểm soát, hiện đang thăm dò một giếng dầu cách bờ biển phía nam Việt Nam 160 km.
Địa điểm này gần giếng Bạch Hổ lớn nhất Việt Nam cũng do Vietsovpetro điều hành. Tuy nhiên giếng dầu này nằm bên ngoài "Đường Chín Đoạn" một khu vực tại Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền.
Mức thu hàng ngày của giếng này dự kiến lên tới 230 thùng dầu, tờ Nikkei Asian Review cho biết.
Giếng dầu Bạch Hổ bắt đầu sản xuất vào năm 1986 biến Việt Nam trở thành một trong các nước sản xuất dầu hàng đầu tại Châu Á. Tuy nhiên sản lượng đầu ra tiếp tục giảm sau khi lên đến cao điểm vào năm 2004, khi sản lượng từ Bạch Hổ sụt giảm. Hậu quả là Việt Nam được cho là đã trở thành một nước nhập khẩu dầu vào khoảng năm 2010.
Hà Nội có kế hoạch thăm dò thêm trong vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc khẳng định chủ quyền tại nhiều địa điểm trong khu vực khiến cho một số dự án phải ngưng lại.
(Nguồn Nikkei Asian Review)