Nhật hoàng lần đầu công du Việt Nam (RFI, 28/02/2017)
Nhật hoàng và hoàng hậu đã rời Tokyo ngày 28/02/2017 bắt đầu chuyến công du Việt Nam. Trong chuyến thăm đầu tiên này, người đứng đầu hoàng gia sẽ gặp gỡ các gia đình cựu chiến binh Nhật và thúc đẩy hàn gắn vết thương chiến tranh, khi quân đội Thiên Hoàng chiếm đóng Việt Nam trong thời kỳ đệ nhị thế chiến.
Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko đến Hà Nội ngày 28/02/2017.Reuters
Tại sân bay Haneada ở Tokyo, Nhật hoàng Akihito, hiện 83 tuổi, phát biểu với báo chí : "Chúng tôi hy vọng chuyến công này sẽ giúp hai nước hiểu nhau hơn và góp phần vào sự phát triển tình hữu nghị song phương".
Hãng tin AFP, trích thông cáo của Hoàng Gia, cho biết Nhật hoàng cùng hoàng hậu Michiko thăm Hà Nội và Huế.
Thứ Năm 02/03, Nhật hoàng sẽ gặp gỡ một số thành viên gia đình của khoảng 700 quân nhân Nhật ở lại Việt Nam sau cuộc chiến. Rất nhiều người trong số họ đã ủng hộ Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (Việt Minh) của Hồ Chí Minh trong cuộc chiến giành độc lập từ tay thực dân Pháp.
Chính quyền Nhật lúc đó đã ra lệnh cho quân nhân trở về nước sau thất bại của Pháp năm 1954, nhưng những người đầu tiên không được phép hồi hương cùng với vợ con người Việt.
Sau chuyến công du Việt Nam, Nhật hoàng sẽ đi Bangkok ngày 05/03 để chia buồn với người dân Thái và hoàng tộc của quốc vương quá cố Bhumibol.
Trong những năm gần đây, Nhật hoàng và hoàng hậu đã nhiều lần đến tưởng niệm tại các khu vực xảy ra chiến tranh ở Thái Bình Dương. Triều đại "Heisei" có lẽ sắp kết thúc vì Nhật hoàng Akihito, vì lý do sức khỏe, muốn truyền ngôi lại cho người con trưởng, thái tử Naruhito.
Thu Hằng
*******************
Nhật Hoàng đến Việt Nam 'tăng cường sức mạnh mềm' (VOA, 01/03/2017)
Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã đến thăm Hà Nội ngày 28/2.
Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã đến Hà Nội ngày 28/2 trong chuyến thăm lịch sử được coi là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Tờ Japan Today và truyền thông trong nước đưa tin Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko được chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đón vào ngày 1/3.
Đây là chuyến công du đầu tiên của một vị vua Nhật Bản tới Việt Nam trong lịch sử quan hệ giữa 2 nước. Đánh giá về tầm quan trọng của chuyến thăm này của vị vua 83 tuổi, nhà phân tích chính trị của viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS Lê Hồng Hiệp nói :
"Chuyến thăm của Nhật Hoàng Akihito tới Việt Nam lần này là chuyến thăm lịch sử trong quan hệ song phương bởi đây là chuyến thăm đầu tiên của một Nhật Hoàng tới Việt Nam kể từ khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao những năm 1970 tới nay. Và chuyến thăm này diễn ra chỉ chưa đầy 2 tháng sau chuyến thăm của thủ tướng Nhật (Shinzo) Abe tới Hà Nội. Điều này cho thấy là quan hệ song phương đã được tăng cường và thắt chặt trong thời gian gần đây và cho thấy mức độ thân tình và mức độ tin tưởng lẫn nhau rất là cao giữa 2 nước".
Trong chuyến thăm của thủ tướng Abe tới Việt Nam vào giữa tháng 1, Nhật Bản tuyên bố sẽ đóng mới cho Việt Nam 6 tàu tuần tàu trên biển với tổng trị giá 38.5 tỷ Yen (338 triệu USD).
Việt Nam và Nhật Bản là các đối tác chiến lược và Nhật là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nhà cung cấp viện trợ phát triển ODA lớn nhất, theo ghi nhận của truyền thông trong nước.
Trong thời gian gần đây, Việt Nam và Nhật Bản đã có những bước đi để tăng cường mạnh mẽ quan hệ song phương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn trên biển Đông và Mỹ hạ dần sự ảnh hưởng trong khu vực. Theo nhà nghiên cứu Hồng Hiệp, đang có sự song trùng và hội tụ về mặt lợi ích giữa Việt Nam và Nhật Bản.
"Sự song trùng về mặt lợi ích giữa 2 nước ngày càng lớn đặc biệt trên khía cạnh chiến lược trong bối cảnh 2 nước đều là những quốc gia láng giềng của Trung Quốc và đang có những tranh chấp lãnh thổ và trên biển với Trung Quốc. Mà Trung Quốc thì đang ngày càng trở nên phát quyết hơn trong các tranh chấp này. Trong bối cảnh đó 2 nước trở thành những đối tác tự nhiên của nhau trong việc cùng củng cố an ninh khu vực cũng như đối phó với sự trỗi dậy và sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc".
Theo nhận xét của nhà nghiên cứu này, trong thời gian gần đây "mối quan hệ đó, xu hướng đó được tăng cường nhiều hơn một phần là tự thân 2 nước có lợi ích đấy trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở nên phát quyết hơn – nó khiến cho 2 nước cảm giác cần phải tăng cường hợp tác – đặc biệt khi Mỹ đang giảm dần sự can dự trong khu vực. Đây là tư duy chiến lược của các nước trong khu vực và, theo nhà nghiên cứu này, việc Việt Nam và Nhật Bản tăng cường sự hợp tác với nhau là theo hướng "đề phòng" Mỹ không còn hiện diện trong khu vực.
Nhật Hoàng và Hoàng hậu tới Việt Nam, theo Japan Today ghi nhận, là để quảng bá thiện chí và xoa dịu những vết thương chiến tranh mà quân đội Nhật đã để lại trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Tờ báo này cho biết, Nhật Hoàng và Hoàng hậu sẽ gặp mặt các góa phụ của những người lính Nhật từng đến chiến đấu ở Việt Nam trước đây. Nhà nghiên cứu của viện ISEAS Lê Hồng Hiệp nói việc làm này thể hiện "cách tiếp cận nhân văn" và nó lý giải vì sao Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác "không có oán giận lịch sử đối với Nhật Bản".
Quân đội Nhật đã gửi binh lính tới Việt Nam vào năm 1940, và khoảng 700 lính Nhật ở lại Việt Nam sau khi Nhật đầu hàng đồng minh năm 1945, phần lớn đã kết hôn với phụ nữ Việt Nam nhưng sau đó không được phép mang gia đình về Nhật.
Trong chuyến thăm 6 ngày, ngoài việc tiếp xúc với các lãnh đạo nhà nước, Nhật Hoàng và Hoàng hậu cũng sẽ thăm cố đô Huế trước khi sang Thailand vào chủ nhật.