Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lục quân Mỹ tặng trường học cho Việt Nam (VOA, 05/03/2017)

Lục quân Hoa Kỳ mới bàn giao một trường học hai tầng với bốn lớp học cho cộng đồng địa phương ở tỉnh Thừa Thiên Huế, trong một nỗ lực "làm sâu sắc thêm mối quan hệ Việt – Mỹ".

vn1

Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Susan Sutton và đại diện của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã khai trương Trung tâm điều phối quản lý thiên tai hôm 1/3.

Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội trong tuần này thông báo rằng Đại tướng Robert Brown, Tư lệnh Lực lượng Lục quân Hoa Kỳ phụ trách Thái Bình Dương đã chính thức bàn giao Trường mẫu giáo Quảng Phước tại tỉnh Thừa Thiên Huế hôm 24/2.

Ông Brown được trích lời nói : "Là một người cha và người ông, tôi hiểu tầm quan trọng của việc có được một môi trường giáo dục tốt và an toàn".

Ngôi trường mới có hai tầng, gồm 4 lớp học với sức chứa 80 học sinh và giáo viên. Trong mùa mưa, ngôi trường còn có chức năng là nơi tránh lũ.

Theo cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ tại Hà Nội, dự án hỗ trợ nhân đạo của Công binh Lục quân Hoa Kỳ là "kết quả của nỗ lực làm việc và phương pháp huy động sự tham gia của toàn bộ chính phủ nhằm xây dựng lòng tin và làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam".

Chính phủ Hoa Kỳ đã hợp tác với chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng các trường học, trạm y tế, cầu và trung tâm điều phối khắc phục thiên tai ở nhiều thị trấn, làng xã trên khắp Việt Nam kể từ năm 2009, thông qua Chương trình Hỗ trợ thảm họa nhân đạo và Hành động dân sự ở nước ngoài.

Trong một diễn biến khác liên quan, hôm 1/3, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Susan Sutton và đại diện của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã khai trương Trung tâm điều phối quản lý thiên tai nhằm giúp nâng cao năng lực của Việt Nam trong công tác ứng phó với thiên tai và hỗ trợ nhóm cư dân dễ bị tổn thương khi có thiên tai.

Tin cho hay, thông qua sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ giữa Đại sứ quán Hoa Kỳ, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, trung tâm mới này sẽ "giúp các nhà chức trách địa phương điều khiển việc sơ tán người dân ra khỏi các khu nhà nguy hiểm, dự trữ nhu yếu phẩm dành cho cứu trợ khẩn cấp, và ứng phó với hậu quả của các cơn bão bằng cách triển khai và liên lạc với đội ngũ ứng phó ban đầu tại các khu vực bị tàn phá nặng nề nhất".

*****************

Giải thưởng Văn Việt lần 2 : Tôn vinh sự dấn thân (VOA, 04/03/2017)

Sáng ngày 3 tháng 3 năm 2017 tại Sài Gòn, tổ chức Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam đã làm lễ trao giải thưởng Văn Việt lần thứ hai. Đây là một tổ chức xã hội dân sự độc lập, không bị nhà nước nắm quyền kiểm soát. Nhiều người Sài Gòn nói rằng Văn Đoàn Độc Lập hiện nay có gì đó giống với tổ chức Văn Bút ở Sài Gòn trước đây do linh mục Thanh Lãng làm chủ tịch.

vn2

Văn Đoàn Độc Lập hiện nay có gì đó giống với tổ chức Văn Bút ở Sài Gòn trước đây

Ông Hoàng Hưng, thành viên ban tổ chức giải Văn Việt, cho VOA biết :

"Năm nay cái giải Văn Việt lần thứ hai được Chủ tịch Hội đồng Giải là nhà văn Nguyên Ngọc quyết định trao cho 6 tác giả và tác phẩm. Có một cái giải gọi là giải đặc biệt, thì được trao cho tác giả là nhà văn Ngô Thế Vinh ở Hoa Kỳ, với hai cái tác phẩm là 'Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng', và 'Mekong, dòng sông nghẽn mạch'.

Một cái giải chính thức về nghiên cứu phê bình thì được trao cho nhà thơ Nguyễn Đức Tùng ở Canada, với đề tài là '40 năm thơ Việt hải ngoại'. Hai giải chính thức về thơ thì được trao cho nhà thơ Ngu Yên ở Hoa Kỳ, và nhà thơ Vũ Thành Sơn ở Sài Gòn. Hai giải được gọi là giải của Chủ tịch hội đồng, thì trao cho hai tác phẩm, là tiểu thuyết của cố nhà văn Nguyễn Khắc Phục ở Hà Nội, và tiểu thuyết 'Nhảy múa để chết' của nhà văn Nguyễn Viện ở Sài Gòn".

Ông Ngô Thế Vinh, người nhận giải đặc biệt Văn Việt lần thứ hai, hiện đang ở California (Hoa Kỳ) nên đã ủy quyền cho một thành viên của nhà xuất bản Giấy Vụn nhận giải thay. Hai tác phẩm đoạt giải của ông Vinh đều được xuất bản tại Sài Gòn bởi một nhà xuất bản cũng không chịu sự kiểm soát của nhà nước.

Ông Hoàng Hưng nhận xét các tác phẩm đoạt giải lần này thể hiện rõ nét tinh thần dấn thân của người cầm bút :

"Cái tinh thần dấn thân và đối mặt với những vấn đề của đất nước, của thời sự, của xã hội chính trị rất là rõ ràng. Đặc biệt là thể hiện rất rõ trong cái tác phẩm của nhà văn Ngô Thế Vinh mới được cái giải đặc biệt đó, đề cập vấn đề của sông Mê Kông, sông Cửu Long và Biển Đông một cách rất là là công phu. Hay là, hai cái tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Phục và Nguyễn Viện thì đề cập những vấn đề của thái độ của nhà văn trước những vấn đề xã hội và những vấn đề con người ngày hôm nay nó rất rõ ràng".

Ông Hoàng Hưng cho biết lúc vận động thành lập Văn đoàn, nhiều người cũng e ngại, "nhưng chúng tôi kiên quyết giữ. Tổ chức này và diễn đàn này là tập hợp những người viết bằng tiếng Việt trên toàn thế giới, không phân biệt quốc tịch, quốc gia. Nó chính là nơi để đoàn kết, tập hợp mọi người viết văn, không phân biệt về chính kiến hay quan điểm nghệ thuật, miễn là có chung nhau một cái ước vọng xây dựng một cái nền văn chương tiếng Việt tự do, nhân bản và sáng tạo."

Năm ngoái, việc trao giải thưởng bị chính quyền ngăn cản. Năm nay, mọi việc diễn ra suôn sẻ, mặc dù có rất nhiều nhân viên an ninh thường phục công khai dùng máy quay ghi hình buổi lễ. Ban tổ chức cho biết năm sau sẽ tổ chức trao giải Văn Việt lần thứ 3 tại Dinh Độc Lập, Sài Gòn.

*****************

Bộ Giao thông vận tải có nơi nhiều lãnh đạo hơn nhân viên : Vẫn khen (Đất Việt, 04/03/2017)

Nhiều đơn vị của Bộ Giao thông vận tải có số lãnh đạo quản lý cao hơn cả nhân viên, cá biệt có đơn vị lãnh đạo gần gấp đôi nhân viên.

Liên quan tới nội dung trên, chiều 2/3, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

vn3

Trụ sở Bộ Giao thông vận tải Hà Nội

Tại phiên giải trình, Phó chủ nhiệm UB Pháp luật QH Hoàng Thanh Tùng yêu cầu Bộ giải trình một số vấn đề liên quan đến cơ cấu tổ chức bộ máy của các đơn vị giúp Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Điển hình là tình trạng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, người lao động. Cụ thể tại Vụ Pháp chế có 6 lãnh đạo, 8 chuyên viên ; Vụ Tổ chức cán bộ có 8 lãnh đạo, 14 chuyên viên, Cục Đường sắt 30 lãnh đạo, 72 chuyên viên. Nhiều đơn vị số lãnh đạo vượt cả số nhân viên.

Hay Thanh tra Bộ có đến 20 lãnh đạo quản lý, trong khi chỉ có 18 chuyên viên và người lao động. Hay như Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông số lãnh đạo nhiều hơn nhân viên 10 người (41/31). Cá biệt Cục Quản lý xây dựng đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, số lượng lãnh đạo quản lý gần gấp đôi nhân viên (28/15).

Bên cạnh đó, ông Tùng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải giải trình thêm về số lượng đơn vị hành chính bị tăng thêm hai cơ quan và 6 đơn vị sự nghiệp so với nhiệm kỳ trước.

Lý giải cho việc này, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, tỉ lệ lãnh đạo nghe thì nhiều nhưng đều đúng với quy định.

"Nhìn tổng thể thì thấy tỉ lệ lãnh đạo/chuyên viên khá cao nhưng nhìn từng cục, vụ bên trong có nhiều phòng và mỗi phòng chỉ có 1 trưởng phòng và 1 phó phòng nhân lên nghe thì tưởng nhiều nhưng đều đúng với quy định", ông Công nói.

Giải thích thêm về việc tăng số lượng tổ chức hành chính, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho hay : "Tăng thêm 2 cơ quan quản lý hành chính nhưng về biên chế không tăng, chỉ căn cứ vào biên chế Bộ Nội vụ cho phép, sau đó xem xét năng lực của từng cán bộ để điều tiết anh em làm việc phù hợp với năng lực", Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải giải thích.

Ông cũng nói thêm về việc tăng 6 đơn vị sự nghiệp là các Ban quản lý dự án chuyển nguyên trạng từ các tổng cục, cục về chứ Bộ không thành lập thêm nên cũng không làm tăng biên chế.

Nhiều năm dẫn đầu

Trao đổi với Đất Việt, Đại biểu quốc hội Phạm Quốc Khánh đánh giá cao mô hình cải cách hành chính, sự sắp xếp bộ máy hợp lý, tinh gọn và không bị chồng chéo của Bộ Giao thông vận tải.

"Quản lý nhà nước và quản lý dịch vụ công đều được Bộ làm rất tốt. Thậm chí khi làm luật Hành chính công, tôi đã lấy hình mẫu là những cải cách của Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu", bà Khánh nói.

Bà Khánh cho biết, bà đặc biệt ấn tượng với mô hình cải cách, đổi mới của Bộ Giao thông vận tải. Theo báo cáo của bộ này, tính đến tháng hai, cơ cấu tổ chức của Bộ có 22 cơ quan hành chính (gồm 12 vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, 1 tổng cục, 7 cục) và 27 đơn vị sự nghiệp. So với nhiệm kỳ trước, tăng 2 cơ quan hành chính và 6 đơn vị sự nghiệp.

Hay với cơ cấu tổ chức truyền thông của bộ Giao thông vận tải trước đây có 7 đơn vị nay cũng được gộp vào 1 đơn vị và một tạp chí.

Đối với công tác tinh giảm bộ máy hành chính, Bộ Giao thông vận tải cũng đang thực hiện rất tốt. Riêng giai đoạn 2015-2016, họ đã giảm được 60 chỉ tiêu biên chế khối hành chính so với năm 2015 ; thẩm định, phê duyệt danh sách và kinh phí để tinh giản 19 công chức. Đồng thời, giảm 838 chỉ tiêu khối sự nghiệp so với số người được giao năm 2015 ; thẩm định, phê duyệt danh sách và kinh phí để tinh giản 69 người làm việc trong đơn vị sự nghiệp.

"Tôi cũng như nhiều đại biểu đều đánh giá tích cực về cách tổ chức, sắp xếp lại bộ máy hành chính của đơn vị này", bà Khánh nói.

Bà Khánh cho hay, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải cũng giống như những bộ ngành khác, tuy nhiên, bên cạnh việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách pháp luật, tuyên truyền xây dựng chính sách pháp luật... Bộ Giao thông vận tải còn thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ công nữa.

Thế nhưng, trong khi các bộ ngành khác còn đang lúng túng trong việc triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trong dịch vụ công thì Bộ Giao thông vận tải đã đạt tới mức 3-4 rồi.

"Trong nhiều năm qua tôi luôn đánh giá cao cách làm cũng như những giải pháp cải cách hành chính mà Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện. Bộ Giao thông vận tải là một trong những đơn vị thí điểm thực hiện áp dụng dịch vụ công điện tử sớm nhất và liên tục trong nhiều năm liền đều đi đầu trong cải cách hành chính công", nữ Đại biểu quốc hội đoàn Hà Nội cho hay.

Bà cho biết thêm, cho tới này bà chưa thấy một đơn vị nào áp dụng được dịch vụ công ngay tại nhà. Ví dụ như chính sách cấp phát, đổi bằng lái xe, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện được bằng công nghệ thông tin và người dân có thể thực hiện ngay tại nhà.

"Việc sớm áp dụng camera giám sát và áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính giúp Bộ Giao thông vận tải cắt giảm được rất nhiều nhân sự cũng như giúp cho công tác điều hành quản lý chặt chẽ, thuận lợi hơn", bà Khánh nhận xét.

Lam Lam

*********************

Sếp dầu khí bỏ trốn vẫn nhận lương khủng : Quy định nào ? (Đất Việt, 04/03/2017)

Mức lương, thưởng của ông Lê Chung Dũng không phù hợp với mặt bằng xã hội chung và chắc chắn dư luận không đồng tình về việc này.

Ngày 3/3, tờ Vietnamnet đưa tin, Tổng công ty điện lực Dầu khí Việt Nam (PV-Power) vừa có báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức năm 2016, trong đó có cập nhật tình hình lương thưởng của lãnh đạo công ty.

Theo đó, ông Lê Chung Dũng, cựu Phó Tổng giám đốc PV-Power (người bỏ trốn đi nước ngoài từ tháng 10/2016) có tổng thu nhập cả năm là 586 triệu đồng (bao gồm 495 triệu tiền lương và 91 triệu tiền thưởng và các chế độ khác).

Mức lương, thưởng mà ông Dũng nhận được vẫn thuộc hàng cao nhất trong giàn lãnh đạo PV-Power.

vn4

Ông Dũng bỏ trốn nhưng vẫn nhận mức lương, thưởng khủng. Ảnh : VNN

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Sơn – Đại biểu quốc hội Đà Nẵng khẳng định cần phải làm rõ xem mức lương, thưởng này dựa theo quy định, tiêu chuẩn nào.

Theo ông Sơn, thời gian vừa qua, chuyện tiền lương, thưởng của lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước có nhiều ồn ào. Dư luận chưa thật sự đồng tình với mức thu nhập quá cao mà các cán bộ nhận được và xét về mặt bằng chung của xã hội thì số tiền các lãnh đạo nhận được chưa thật sự phù hợp.

Ông Sơn dẫn chứng trực tiếp câu chuyện các giám đốc, chủ tịch nhận của doanh nghiệp môi trường đô thị tại Thành phố .HCM nhận lương ‘khủng’ gây xôn xao dư luận bị đình chỉ chức vụ hồi năm 2013.

"Tôi đã mấy lần đưa ý kiến trả lời với các báo về chuyện thu nhập của lãnh đạo công ty môi trường Thành phố .HCM rồi. Rõ ràng lương, thưởng không phù hợp và dư luận không đồng tình.

Chúng ta phải xem xét một cách toàn diện, tổng thể chứ không thể làm một chỗ này, chỗ kia cả. Cần trả lời các câu hỏi như mức lương, thưởng như vậy có hợp lý không hay phải điều chỉnh lại ? Điều chỉnh như thế nào và điều chỉnh ở đâu ?

Nếu chúng ta quy thẳng cho cá nhân đó thì cũng chưa hẳn đi hết câu chuyện đó. Phải xem lại quy định của chúng ta có chỗ nào cho phép công ty điện lực dầu khí Việt Nam đưa ra mức lương cao như thế cho lãnh đạo hay không ?", ông Sơn khẳng định.

PV-Power phải giải trình rõ ràng

Cùng đưa ý kiến, bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu quốc hội Hà Nội khóa 13 cho rằng nếu như những thông tin báo chí phản ánh là đúng thì đề nghị PV-Power làm rõ 2 vấn đề. Thứ nhất phải giải trình rõ vì sao lại đưa ra mức lương, thưởng lớn như vậy. Thứ hai là xem lại công tác quản lý cán bộ, đặc biệt là với cán bộ cấp cao của Tập đoàn khi bỏ trốn một thời gian dài vẫn không có thông tin.

"Tôi đề nghị PV-Power giải trình cụ thể và phải minh bạch thông tin. Cần phải làm rõ xem doanh nghiệp lãi bao nhiêu, lỗ bao nhiêu, nộp cho nhà nước bao nhiêu ? Phải giải trình được nguồn thu, doanh thu của tổng công ty vì nó liên quan trực tiếp đến việc chi trả lương, thưởng. 

Từ các giải trình đó thì chúng ta mới có cơ sở lý giải việc chi lương, thưởng cho cán bộ công nhân viên của công ty như vậy đã hợp lý hay chưa ? Đặc biệt với người đã bỏ trốn mà vẫn nhận mức cao như vậy thì PV-Power phải giải thích rõ vì sao lại xảy ra vấn đề như vậy", bà An nhấn mạnh.

Trong khi đó ông Phan Thái Bình, Đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Nam khẳng định hiện nay nhiều doanh nghiệp chi trả lương, thưởng cho lãnh đạo, cán bộ nhân viên dựa vào hiệu quả kinh doanh của công ty.

Đối với trường hợp công ty PV-Power, ông Bình nhận định, trường hợp ông Lê Chung Dũng, cựu Phó Tổng giám đốc bỏ trốn ở nước ngoài vì nhiều lý do và các cơ quan có liên quan đang tiến hành điều tra. Vì vậy không thể dựa vào việc này để làm căn cứ đánh giá xem mức thu nhập là nhiều hay ít được.

"Mức lương thưởng bây giờ phải dựa vào hiệu quả kinh doanh của công ty và làm căn cứ để đánh giá thu nhập.

Giờ dư luận có ý kiến như vậy thì cần phải giải trình rõ ràng hơn về doanh thu của Tổng công ty cũng như doanh thu của ông Dũng có đúng các quy định hay không ? Ví dụ với năng lực của ông ấy thì mức thu nhập như thế có xứng đáng hay không ? Lợi nhuận của doanh nghiệp để chi trả cho ông Dũng một khoản lương như vậy có chính xác hay không ? Chúng ta cần phải dựa vào những số liệu đó để đánh giá cụ thể", ông Bình nêu quan điểm.

Bổ nhiệm làm Phó TGĐ PV Power dưới thời Trịnh Xuân Thanh

Ông Lê Chung Dũng (SN 1969) có bằng kỹ sư cơ khí và Cử nhân Kinh tế ngành quản trị kinh doanh công nghiệp và xây dựng cơ bản.

Ông Dũng từng công tác tại nhiều đơn vị trước khi trở thành lãnh đạo của PV Power như : xí nghiệp máy bay A76, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Vinaconex.

Từ tháng 2-tháng 8/2008, ông Dũng là Phó Ban Kinh tế Kế hoạch của Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Từ tháng 8/2008, ông Dũng được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc của Tổng Công ty trên. Thời điểm này cũng là giai đoạn ông Trịnh Xuân Thanh đang giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Vũ Đức Thuận giữ cương vị Tổng Giám đốc của PVC.

Ông Dũng đã được miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc PVC vào ngày 31/12/2010.

Đến tháng 1/2011, ông Dũng được điều động và bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc PV-Power.

Ngày 10/10/2016, ông Dũng có đơn xin được nghỉ phép 15 ngày để giải quyết công việc gia đình, không nêu rõ địa điểm nghỉ phép.

Tuy nhiên, hết thời hạn nghỉ phép, ông Dũng đã không đến cơ quan làm việc mà lại tiếp tục xin đi học khóa dự bị MBA của trường Đại học SP Jain School Of Management tại Singapore trong thời gian 6 tháng, ngày nhập học 20/10/2016.

PV-Power không chấp nhận đơn của ông Dũng và đề nghị trở lại công ty tiếp tục làm việc.

Sau đó PV-Power đã sa thải và khai trừ Đảng ông Lê Chung Dũng vì tự ý đi nước ngoài.

Hà Nam

Published in Việt Nam