Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vũ khí quân dụng : luật cấm sở hữu nhưng ngày càng nhiều trong xã hội Việt Nam !

Pháp luật Việt Nam không cho phép người dân tự trang bị súng để phòng thân. Tất cả các loại súng bắn đạn thật đều được coi là vũ khí quân dụng. Nếu ai sở hữu vũ khí quân dụng sẽ bị xử lý hình sự hoặc hành chính tùy theo mức độ. Theo giải thích của cơ quan chức năng có thẩm quyền, việc các cá nhân sử dụng các loại vũ khí quân dụng và vật liệu nổ có thể gây ra hậu quả khôn lường đe dọa tính mạng con người, gây mất trật tự an ninh xã hội.

quandung1

Công an Hà Nội tập bắn. Ảnh minh họa. Reuters

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết :

"Tôi nhớ là năm 2019 đã sửa đổi, bổ sung luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực từ 10 tháng 1 năm 2020. Các loại súng như súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng phóng lựu, vũ khí hạng nhẹ… đều là những vũ khí quân dụng. Luật cũng nghiêm cấm cá nhân sử dụng vũ khí. Tôi nhấn mạnh là cấm cá nhân sử dụng vũ khí và vật liệu nổ. Nếu người nào sử dụng sẽ bị xử lý hành chính nếu nhẹ, nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự.

Những cơ sở lực lượng vũ trang mà sử dụng, mua bán hay sản xuất thì phải có giấy phép của cơ quan nhà nước. Ngoài ra, bất cứ ai có vũ khí, phương tiện quân sự bất kể nguồn gốc như đào bới, nhặt được mà không khai báo nộp lại cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì những người đó bị coi là tàng trữ trái phép vũ khí, quân trang, quân dụng.

Việt Nam không cho phép điều đó để bảo vệ an ninh cho người dân. Nếu cho phép dân sở hữu súng như bên Mỹ thì sẽ loạn".

Luật sư Hậu nói thêm, Nghị định 144 ban hành ngày 21 tháng 12 năm 2021 có hiệu lực ngày 1 tháng 1 năm 2022 có quy định, người nào chế tạo, ang trữ và sử dụng, mua bán trái phép hay chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì bị phạt tù từ một đến bảy năm. Người làm mất vũ khí được giao mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng bị xử lý hành chính từ năm đến mười triệu đồng nếu nhẹ hoặc xử lý hình sự nếu nặng. 

Tuy pháp luật quy định rõ hình phạt như vậy, nhưng những năm qua, tình trạng mua bán, tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép xảy ra ngày càng nhiều. Có thể nêu một vài ví dụ : Sáng 28 tháng 2 năm 2022, công an tỉnh Phú Yên kiểm tra nơi ở của ông Nguyễn Hữu Lợi và phát hiện nhiều súng, đạn và các tài liệu mua bán trái phép vũ khí. Đây được cho là vụ mua bán trái phép vũ khí quân dụng lớn nhất từ trước đến nay tại Phú Yên. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Yên khởi tố vụ án hôm 8 tháng 3 năm 2022. Tại Đắk Lắk, Tây Ninh, Bình Dương cũng có những vụ tàng trữ, mua bán vũ khí quân dụng bị phát hiện.

Một số người dân nêu câu hỏi, liệu lực lượng vũ trang có liên can gì trong những vụ mua bán trái phép vũ khí quân dụng hay không, bởi ngoài họ thì không ai có thể tiếp cận nguồn hàng này.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định :

"Việt Nam gần Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia. Những vũ khí này thường được nhập từ nước khác qua những nước này rồi từ những nước này qua Việt Nam".

quandung2

Quân đội đứng canh tại một điểm kiểm soát phòng dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/8/2022. AFP

Ông Võ Minh Đức, một sĩ quan chính trị từng làm công tác tuyên truyền trong quân đội khẳng định :

"Thực sự mà nói, viêc quản ký vũ khí của quân dụng của quân đội hoặc công an rất chặt chẽ. Họ ghi từng seri, số súng, tình trạng vũ khí ra sao rất đầy đủ. Giao cho ai, cho đơn vị nào sử dụng đều có danh sách kèm theo. Do đó, việc mua bán vũ khí quân dụng xảy ra ngoài xã hội, theo phán đoán và hiểu biết của cá nhân tôi, nguồn mua bán lậu này chủ yếu là qua ngả Lào, Campuchia. Có thời gian tôi qua lại nơi này, tôi thấy nếu có ý định mua súng thì nó cũng dễ như mua thuốc lá thôi.

Họ quản lý từ trên xuống dưới rất chặt chẽ không thể thất thoát được. Trong lực lượng vũ trang ở Việt Nam, rất nhiều người phụ trách mảng quân khí và thủ kho. Họ kiểm soát lẫn nhau, quản lý rất chặt chẽ không có kẽ hở nào để lọt vũ khí ra ngoài cả.

Họ rất sợ vũ khí nằm trong dân. Không hẳn là chuyện an ninh trật tự ; sợ dân nổi dậy cướp chính quyền gì đâu. Họ sợ dân dùng súng để xử những quan chức mà dân ghét. Họ bức xúc là họ xử luôn. Đã từng có chủ tịch tỉnh vừa nghỉ hưu ra ăn phở bị dân úp luôn tô phở lên đầu".

Cơ quan chức năng thì cho rằng, việc mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ không được kiểm soát chặt chẽ là một trong những nguyên nhân tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người dân.

Trong khi người dân hoàn toàn không được phép trang bị cho mình một loại vũ khí phòng thân nào thì Cảnh sát giao thông lại được trang bị cả súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, dùi cui điện, áo giáp và còng số tám khi làm nhiệm vụ.

Theo Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, thuộc Bộ Công an, việc trang bị cho cảnh sát giao thông súng trường, súng tiểu liên… là phù hợp trong bối cảnh tội phạm ma túy có sử dụng súng và các hành vi chống đối cảnh sát giao thông ngày càng nhiều.

Khi nghe thông tin này, luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẻ quan điểm của ông với RFA rằng, nếu muốn thì chỉ trang bị cho lực lượng đặc biệt như lực lượng chống bạo động hoặc lực lượng phản ứng nhanh các loại vũ khí mang tính sát thương cao như thế, chứ với lực lượng Cảnh sát giao thông thì không cần :

"Tôi nghĩ đề nghị của Bộ công an là thái quá. Từ hồi nào giờ chưa thấy có sự chống đối nào của người dân với lực lượng cảnh sát hay chính quyền tới mức độ phải sử dụng tiểu liên cả. Vậy trang bị tiểu liên cho cảnh sát giao thông để làm gì ? Nó không thích hợp với môi trường xã hội hiện đang có".

Published in Việt Nam