"Sau ngày 23/7/2017, tôi hỏi Vũ [Đình Duy] rằng Vũ có biết ai tham gia bắt cóc chồng tôi không. Vũ nói Vũ chỉ biết nhóm người gồm Oai, Long, Tú," bà Trần Dương Nga khai trước Tòa Thượng thẩm Berlin sáng 15/5/2018.
Quang cảnh khu vực sảnh bên ngoài phòng xử án, Tòa Thượng thẩm Berlin
"Vũ nói Vũ biết nhóm người này thông qua Oai".
Trong buổi sáng phiên xử thứ năm, diễn ra vào hôm thứ Ba, vợ ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục ra tòa với vai trò nhân chứng.
Đây là lần thứ hai bà Nga xuất hiện trước tòa. Trước đó, vào sáng 7/5/2018, bà đã trả lời các câu hỏi của tòa trong vòng khoảng 1 tiếng, cũng ở vị trí nhân chứng.
Bị cáo duy nhất hầu tòa trong vụ này là ông Long N. H., một công dân Việt Nam sinh sống tại Cộng hòa Czech, trong nghi án 'bắt cóc ở Berlin' với nạn nhân là chồng bà Nga, ông Trịnh Xuân Thanh.
Bị cáo Long N. H., một công dân Việt Nam sinh sống tại Cộng hòa Czech, đang hầu tòa trong nghi án 'bắt cóc ở Berlin'
Hai người đàn ông nữa, có tên là Oai và Tú được bà Nga nhắc tới, là hai trong số các đối tượng mà cáo trạng của cơ quan công tố Đức nêu là nghi phạm cùng tham gia vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Vũ Đình Duy biết rõ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ?
Trước tòa hôm 15/5, bà Nga khai rằng Vũ Đình Duy có nói với bà Nga rằng đây là một vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, với sự tham dự của Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin.
Thời điểm Vũ Đình Duy nói với bà Nga là khoảng ngày 26/7/2017, tương đối sớm sau khi xảy ra vụ bắt cóc, bà Nga nói.
Cơ quan điều tra của Đức xác định ông Trịnh Xuân Thanh đã bị một nhóm người bắt cóc vào sáng Chủ Nhật 23/7/2017 tại một công viên ở trung tâm Berlin, đưa về Sứ quán Việt Nam tại Berlin rồi sau đó về Việt Nam qua ngả nào chưa rõ.
Trong phiên xử hôm 7/5, bà Nga đã trình bày rằng bà lần đầu tiên nghe tin chồng bà bị bắt cóc là hôm 25/7/2017, từ Sở Cảnh sát Berlin.
Trong lần ra tòa thứ hai, sáng 15/5, bà nói rằng bằng những cách riêng, ngay sau đó, bà đã tìm hiểu và được biết chồng bà sắp về đến Hà Nội, trên một chuyến bay từ Moscow.
Nguồn tin của bà cho biết rằng ông Thanh không đi được và nằm trên cáng khi về tới Hà Nội.
Bà Nga nói trước kia từng nghe nhiều tin đồn như vậy nên không tin ngay mà muốn tìm hiểu thêm.
"Tôi chỉ biết việc chồng tôi về VN qua truyền thông," bà nói. "Sau ngày 23/7/2017, tôi làm việc với cảnh sát Đức và phải giữ kín thông tin, với hy vọng chồng tôi vẫn còn ở Châu Âu".
"Cho tới tối thứ Năm [ngày 27/7/217], người thân của tôi nói rằng đêm hôm đó [rạng sáng 28/7/2017] anh Thanh sẽ về đến Việt Nam. Tôi vẫn trả lời rằng điều đó không thể xảy ra. Tôi đã không tin cho tới lúc chồng tôi xuất hiện trên truyền hình Việt Nam".
"Sau đó, qua nguồn tin một người bạn gái, tôi được nghe nói chồng tôi về Việt Nam trên một chiếc cáng, qua đường Nga, bằng máy bay của Vietnam Airlines. Chồng tôi khi đó không đi được".
Mối quan hệ giữa Vũ Đình Duy và Trịnh Xuân Thanh
Trước đó, trong phiên xử hôm 7/5, bà Nga đã khai trước tòa về mối quan hệ giữa nhân chứng Vũ với ông Trịnh Xuân Thanh.
Bà nói : "Vũ có quan hệ họ hàng với chồng tôi. Chồng tôi khá thân với Vũ, anh ấy coi Vũ là người thân cận, tin tưởng của mình".
Chi tiết này cũng được Vũ Đình Duy xác nhận trong buổi chiều phiên xử cùng ngày, khi ông ra tòa ở vị trí nhân chứng.
Rời khỏi Việt Nam vào 10/2016, Vũ Đình Duy nói ông tới thủ đô của Ba Lan, và dành thời gian đi đi lại lại giữa hai thành phố Warsaw và Berlin.
Tại Berlin, "tôi sống trong căn hộ của anh Trịnh [Xuân Thanh]", Vũ Đình Duy nói.
Tuy nhiên, ông Thanh và gia đình không sống tại địa chỉ này.
Ông Duy cho biết ông thường sang Berlin vào các dịp cuối tuần, ở cho tới thứ Hai hoặc đôi khi đến thứ Ba.
Trong thời gian ở Berlin, Vũ Đình Duy chủ yếu dành thời gian đi đánh golf với Trịnh Xuân Thanh, tại một câu lạc bộ mà họ đã mua thẻ thành viên thay vì trả tiền cho từng lượt chơi.
Vũ Đình Duy nói ông thường đặt chỗ chơi golf dưới tên ba người, gồm ông Trịnh Xuân Thanh, vợ ông Thanh là bà Trần Dương Nga, và tên mình.
Lý do, ông nói, là bởi đặt cho ba người thì sẽ được chơi độc lập, không phải ghép với các nhóm khách khác, sẽ đảm bảo quyền riêng tư. "Có những lần chỉ có tôi hoặc tôi và anh Trịnh chơi, nhưng tôi vẫn đặt ba chỗ".
Ông Vũ Đình Duy (trái) từng là lãnh đạo PVTEX, một trong các doanh nghiệp thua lỗ của PetroVietnam (PVN). Ông khai trước tòa Berlin rằng ông đã rời Việt Nam sang Châu Âu vào 10/2016
Vũ Đình Duy và mối quan hệ với nghi phạm Đào Q. Oai
Ông Vũ Đình Duy đồng thời nói với tòa rằng thời ông cũng có mối quan hệ mật thiết với một trong những người bị cho là có tham gia vào vụ bắt cóc, nghi phạm Đào Q. Oai, một người Việt sinh sống tại Prague và là người chú của bị cáo đang hầu tòa tại Berlin.
Vũ Đình Duy khai trước tòa rằng người có tên là ông Oai, sống tại Prague, với ông là một "người bạn thân".
"Tôi biết anh ấy từ 2009. Anh ấy cùng quê với tôi, nhà ở sát nhà tôi. Không chỉ thân với Oai, tôi còn thân với tất cả các thành viên khác của gia đình anh ấy".
"Vào lúc tôi quen biết Oai, anh ấy đã chủ yếu là sống tại Châu Âu. Anh ấy có nói với tôi rằng đã sang Châu Âu từ khoảng 1988, và kể với tôi rằng anh ấy chuyên cung cấp các dịch vụ cho người Việt ở Châu Âu và ở Tiệp".
"Anh ấy bảo tôi muốn gì, anh ấy cũng đáp ứng".
"Chẳng hạn có một lần, hồi 2010 tôi tới Frankfurt, tôi gọi điện cho anh Oai nói cho một xe đến đón tôi sang Tiệp. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau là đã có người mang xe tới đón tôi".
Trong câu chuyện với vợ chồng Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Đình Duy cũng từng nhắc tới tên ông Oai, bà Nga khai trước tòa hôm 7/5.
"Tôi được nghe nhắc đến một người tên là Oai nhiều lần, trong các lần gặp Vũ. Vũ nói Vũ có một người anh kết nghĩa rất thân, sống tại Prague. Vũ kể là Oai rủ Vũ sang Prague, Oai có thể lo được mọi việc cho Vũ," bà Nga nói.
"Oai được gọi là 'soái' của người Việt ở Prague, rất tốt với Vũ, luôn sẵn sàng giúp đỡ Vũ".
Mối quan tâm của Đào Q. Oai
Sau khi rời Việt Nam sang Châu Âu, Vũ Đình Duy tiếp tục có liên hệ với ông Oai qua Viber và Zalo, và có những lần Vũ Đình Duy sang Prague chơi, thăm ông Oai.
Theo lời khai của bà Nga, dường như nghi phạm Oai và ông Trịnh Xuân Thanh có biết nhau.
"Chồng tôi và Oai từng gặp nhau một lần gì đó, khi chồng tôi còn ở Việt Nam," bà Nga nói. Tuy nhiên, bản thân bà không quen biết ông Oai mà "chỉ nghe qua những lời kể của Vũ".
Tuy không có mối quan hệ gắn bới với nhau, nhưng Đào Q. Oai tỏ ra rất quan tâm tới manh mối về Trịnh Xuân Thanh, theo những gì Vũ Đình Duy khai trước tòa.
Về phần mình, ông Vũ Đình Duy cũng từng nhiều lần chủ động tìm cách kết nối để ông Thanh và ông Oai gặp nhau tại Berlin và Prague.
Theo lời khai của bà Nga hôm 7/5, có một lần Vũ Đình Duy rủ chồng bà đi chơi golf với sự có mặt của Oai, nhưng ông Thanh đã ngay lập tức từ chối.
Chi tiết này đã được tòa hỏi cặn kẽ trong phiên thẩm vấn riêng rẽ Vũ Đình Duy chiều 7/5.
"Khoảng hơn 10 ngày trước vụ bắt cóc anh Trịnh, tôi nhận được tin nhắn của anh Oai, nói rằng anh ấy đang từ Hamburg về, có đi qua Berlin và muốn chơi golf cùng tôi".
"Tôi đồng ý và đã đặt sân".
"Lúc ban đầu tôi đặt tên anh Trịnh và gọi điện hỏi anh Trịnh có muốn chơi không. Anh Trịnh nói không tham gia bởi không muốn gặp người quen của tôi vì muốn giấu tung tích".
"Tôi cũng từng rủ anh Trịnh đi Prague chơi, đi thăm anh Oai, nhưng anh Trịnh nói không muốn gặp Oai".
Vũ Đình Duy đã gặp những ai trước vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ?
Ngoài việc đón tiếp và đi chơi golf với nhau tại Berlin, trong khoảng thời gian trước khi xảy ra vụ bắt cóc, Vũ Đình Duy và ông Oai còn gặp gỡ tại Prague.
Vũ Đình Duy khai rằng khoảng giữa tháng 7/2017, ông cùng bạn gái sang Prague chơi, mục đích là "thăm người bạn thân là ông Đào [Q. Oai]".
Chuyến đi diễn ra vào khoảng từ 13 đến 17/7.
Có một tình tiết được tòa đặc biệt chú ý trong chuyến đi này.
Đó là bữa ăn sáng diễn ra một ngày trước khi Duy trở về Đức
"Bữa ăn này có mặt bốn người, gồm nhân chứng Vũ [Đình Duy] và ba người khác, trong đó có một nghi phạm tham gia vụ bắt cóc, và một người mà cơ quan công tố nghi ngờ rằng có thể là một quan chức an ninh cao cấp của Việt Nam," phóng viên nhật báo Taz của Đức, Sebastian Erb nói với BBC hôm 8/5/2018, ngay sau phiên thẩm vấn.
"Nhân chứng Vũ khai trước tòa rằng ông ta không nhớ rõ người mà tòa hỏi đến là ai, và chúng ta không biết là ông ấy có nói thật hay không".
Chỉ ít hôm sau khi xảy ra vụ bắt cóc, Vũ Đình Duy khai rằng ông nhận ra ông Đào Q. Oai là một trong những người tham gia vụ việc.
"Tôi biết anh Oai có đặt phòng cho Tướng Đường Minh Hưng sau khi được cảnh sát cho xem lại video," Vũ Đình Duy khai.
Tuy nhiên, ông Duy nói, để không đánh động đối tượng, ông đã không tìm cách hỏi ông Oai về vụ việc.
"Hôm 1 hoặc 3/8 gì đó, tôi không nhớ lắm, anh Oai có gọi điện cho tôi, hỏi rằng 'mày đã biết việc ông Trịnh Xuân Thanh về nước chưa ?' Tôi trả lời rằng mới biết tin qua truyền thông Việt Nam và tôi không hiểu vì sao ông Trịnh về Việt Nam đầu thú".
"Ông Đào [Q. Oai] nhắc tôi phải cẩn thận khi sống ở Châu Âu và phải hạn chế đi lại, chính xác là ông ấy nói, 'chơi ít thôi'".
"Sau đó khoảng 2 tháng, tôi có liên hệ với anh ấy và được biết anh ấy đang ở Việt Nam".
Đại sứ Dương Trọng Minh (thứ hai, từ bên phải) bị Bộ Ngoại giao Slovakia triệu lên làm việc hôm 3/5/2018
Cũng liên quan đến vụ việc, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia, bà Denisa Sakova và Tổng trưởng Cảnh sát Tibor Gaspar đã ra điều trần trước ủy ban An ninh và Quốc phòng về vai trò mà Đức nói là Slovakia có thể đã giúp đưa ông Trịnh Xuân Thanh ra khỏi EU, theo trang Teraz.sk hôm 15/05.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch ủy ban An ninh và Quốc phòng, ông Anton Hrrnko, các thông tin từ hồ sơ mật của an ninh Slovakia cho thấy khả năng mà Đức nói rằng có một người đàn ông Việt Nam "nằm trên máy bay Slovakia" để ra khỏi nước này, là "khó xảy ra".
Giới chức Slovakia khi đó đã cho phái đoàn Bộ Công an Việt Nam do Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu mượn một máy bay chính phủ để di chuyển từ Prague tới thủ đô của Slovakia là Bratislava, và từ đó đi tiếp tới Moscow.
Ông Anton Hrnko (Đảng CIS) nói, "không hề có một người như thế đi máy bay và toàn bộ các thành viên của đoàn Việt Nam đều được kiểm tra kỹ và không ai bị cưỡng bức lên máy bay".
Phiên toà xử ông Long N. H. ở Berlin vẫn đang tiếp tục. Theo kế hoạch, sẽ còn 16 phiên xử nữa được thực hiện từ nay cho tới cuối tháng Tám.
Vinachem đã khai trừ Đảng đối với ông Vũ Đình Duy đồng thời tiến hành niêm phong đồ đạc của ông Vũ Đình Duy và chuyển về kho lưu trữ.
Chiều 16/1, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Tuấn Minh – Chánh Văn phòng Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) cho biết trường hợp ông Vũ Đình Duy (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí PVTex, thành viên Hội đồng thành viên Vinachem) đã nhận quyết định buộc thôi việc từ Bộ Công Thương. Ngay sau đó, Vinachem cũng đã triển khai việc khai trừ Đảng đối với ông Vũ Đình Duy.
Theo ông Minh, hiện nay ông Duy không liên quan gì đến Tập đoàn Hóa chất và nên Vinachem không tiến hành tìm kiếm ông Vũ Đình Duy nữa.
"Đồ đạc của anh Duy đã bị niêm phong từ lâu và đang ở kho lưu trữ. Bộ Công Thương hiện nay sẽ chịu trách nhiệm. Tập đoàn không liên quan gì nữa", ông Minh khẳng định.
Tập đoàn Hóa chất đã khai trừ Đảng đối với ông Vũ Đình Duy đồng thời tiến hành niêm phong đồ đạc của ông Vũ Đình Duy và chuyển về kho lưu trữ.
Trước đó, ngày 4/1, trao đổi với Đất Việt, một vị Đại diện Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương cho biết với trường hợp của ông Vũ Đình Duy phía Tập đoàn Hóa chất đã có báo cáo và Bộ đã ban hành quyết định buộc thôi việc.
"Bây giờ chúng tôi cũng không có thông tin gì để trao đổi cả. Cán bộ đó đã có quyết định thôi việc. Bộ cũng có những thông báo yêu cầu ông Duy đến để thực hiện quyết định. Nói thật Bộ Công Thương cũng không có điều kiện để liên hệ trực tiếp được với ông Duy", vị đại diện nói.
Cũng liên quan đến việc này, ngày 2/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định số 4698/QĐ-BCT ngày 1/12/2016 áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Vũ Đình Duy.
Cụ thể, theo báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, báo cáo của Tổ công tác của Bộ Công Thương, ông Vũ Đình Duy, Thành viên Hội đồng thành viên Vinachem đã vắng mặt tại cơ quan kể từ ngày 24/10/2016 đến nay.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cũng cho biết, ông Vũ Đình Duy đã xuất cảnh từ ngày 22/10/2016 và chưa nhập cảnh trở lại.
Ông Vũ Đình Duy đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật lao động và vi phạm quy định về quản lý đoàn đi nước ngoài. Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng kỷ luật, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã thống nhất áp dụng hình thức kỷ luật Buộc thôi việc đối với ông Vũ Đình Duy.
Ông Vũ Đình Duy sinh năm 1975, có học vị Thạc sĩ công nghệ hóa học, giữ chức Tổng Giám đốc PVTex từ ngày 15/7/2009 đến tháng 2/2014.
Sau đó ông Duy được điều động nắm giữ nhiều chức vụ khác nhau như : Phó Tổng giám đốc PVTex, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hải Phòng, Phó Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và Môi trường công nghiệp.
Ông Duy được điều động về Vinachem hồi giữa tháng 4 năm nay, chỉ một ngày trước khi Bộ Công Thương có Bộ trưởng mới thay ông Vũ Huy Hoàng.
Thời điểm ông Duy giữ chức vụ Tổng giám đốc PVTex, Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng luôn trong tình trạng khó khăn, không bán được hàng và phải nhiều lần dừng hoạt động. Đây là một trong 5 dự án lớn thua lỗ, có nguy cơ phá sản.
Hồi tháng 10 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra tình hình tại PVTex và phát hiện nhiều sai phạm. Quá trình thanh tra đã phát hiện có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.
Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Hà Nam