Bộ Ngoại giao ngày 25/5 đã yêu cầu Bắc Kinh rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh ra khỏi vùng biển Việt Nam. Liền sau đó, các báo cũng đồng loạt đưa tin về lễ dâng hương của Thủ tướng tại Vị Xuyên. Tuy nhiên, trong loạt tin này vẫn không hề nhắc đến hai chữ "Trung Quốc".
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam (trái) bị tàu Hải cảnh Trung Quốc chặn đường khi hai bên đối đầu phía Nam quần đảo Hoàng Sa năm 2014. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Thông điệp của Phạm Minh Chính
Hầu hết các phương tiện truyền thông "lề phải" ngay hôm 28/5, đã đồng loạt đưa tin khá dài về cuộc dâng hương của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên sáng 28/5. Nhưng sau đấy một ngày, nội dung này trên mạng của TTXVN đã bị đục bỏ hoàn toàn, chỉ tồn tại mỗi đường link, cả bài vở lẫn chùm ảnh đã bị hô "biến" từ lúc nào không rõ. (404 - Nội dung bạn tìm kiếm không tồn tại ). Tuy nhiên, nửa ngày sau, cả ảnh lẫn bài lại được "phục hồi" một cách ngoạn mục.
Còn trên tờ Nhân Dân, Cơ quan trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam, thì ngay từ đầu đã không có phần nội dung tin, chỉ đăng một loạt ảnh. Ai chả biết, báo Đảng không dám làm Trung Quốc phật ý, nên đã "dấu" phần tin đi. Thế là đủ, cớ gì trước hàng tít còn phải quất thêm chữ [Ảnh ]. "Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" không phải là chuyện hiếm hoi trong hệ thống truyền thông 800 tờ báo mà chỉ có một Tổng biên tập. Nhưng lần này, khi "sao vàng đang xao xuyến khắp nơi bưng biền…" (lời bài hát "Nam Bộ Kháng chiến") suốt cả tháng trời trước hành động "vây", "lấn" và "tấn" của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam, cuộc thắp nhang của Thủ tướng vẫn bị "nâng lên đặt xuống" là dấu hiệu không bình thường. Trong các bản tin về lễ dâng hương, tuy có đề cập đến tinh thần quả cảm của những người lính "sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử", nhưng không dám cho nhắc đến hai chữ "Trung Quốc".
Nhưng dẫu sao, giới quan sát trong nước cũng đã kịp "đọc vị" khá rõ thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Kỷ niệm 30/4 đã lùi xa hàng tháng, kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ thì chưa tới. Nhưng Thủ tướng đã chọn đúng thời điểm ! Theo bản tin trên tờ Tuổi Trẻ, "Trung Quốc âm mưu gì ở Biển Đông ?" bạn đọc có thể cảm nhận được tình huống nghiêm trọng của hàng loạt các hành động phi pháp của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam. Những hành động này nằm trong chuỗi hoạt động "vây lấn" mà Bắc Kinh đang thực hiện từ đầu tháng Tư đến nay ở Biển Đông. Thế trận "vây lấn" lần này của Trung Quốc mang tính phức hợp, liên hoàn và được triển khai đồng loạt ở nhiều vị trí chiến lược . Đứng trước thế trận "liên hoàn" ấy, Phạm Minh Chính đã gửi đi một thông điệp khá rõ rệt.
Hướng chủ công của thông điệp là dành cho nội bộ, đồng chí và đồng bào. Sau khi "thoát nạn" một cách ngoạn mục tại Hội nghị Trung ương 7 và trở về từ Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Chính muốn khẳng định với quốc dân : Trước hành động xâm lấn nguy hiểm của Bắc Kinh, ai run sợ, chứ Minh Chính này không run sợ, ai hèn, chứ Minh Chính này không hèn! Cuộc dâng hương tưởng niệm ở Vị Xuyên được giới phân tích nhìn nhận trong bối cảnh Quốc hội lần này đã bãi bỏ kế hoạch sẽ nghỉ họp giữa chừng đề bàn về nhân sự cấp cao, ai đi ai ở.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương, hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên ngày 28/05/2023.
Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Trung ương trước đó đã không loại được Phạm Minh Chính khỏi "Tứ trụ", thì kỳ họp giữa chừng của Quốc hội từng được tuyên bố cũng trở nên vô nghĩa. Phái muốn lật ông Chính thất bại. Những cú "phản đòn" của phe ông Chính rõ ràng đã phát huy tác dụng. Trung ương và kế đó là Quốc hội kỳ này vẫn quyết định giữ Phạm Minh Chính ở lại để "chéo lái" nền kinh tế mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ca ngợi "chưa bao giờ có được… như ngày nay", trong khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì đánh giá kinh tế - xã hội đã xuống đến đáy .
Trung Quốc, bậc thầy về chớp thời cơ
Hôm 25/5, Bộ Ngoại giao đã phản đối mạnh mẽ tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Cùng với tàu khảo sát, thời gian qua, Trung Quốc đã huy động đến năm lực lượng tham gia thế trận phức hợp với những nhiệm vụ "vây", "lấn" và "tấn" cụ thể bao gồm : dân binh, hải cảnh, hải tuần, hải quân và cuối cùng là các tàu khảo sát hàng hải. Phân tích các âm mưu của Trung Quốc, tờ Tuổi trẻ chỉ rõ : Thứ nhất là lực lượng dân binh của Trung Quốc có vai trò thường trực ở cả hai chức năng trong mạng lưới bủa vây. Thứ hai là lực lượng hải cảnh, với chức năng chấp pháp, chuyên thực hiện các công đoạn "lấn" một cách chủ động nhằm hỗ trợ lực lượng dân binh Trung Quốc ở trên. Thứ ba là lực lượng hải quân, tuy không can dự trực tiếp vào thế trận do dân binh và hải cảnh thực hiện, mà chủ yếu hiện diện từ xa ở vòng ngoài.
Dù Việt Nam lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ của họ khỏi vùng EEZ của Việt Nam nhưng Trung Quốc đã phớt lờ. "Trung Quốc sẽ không bao giờ lùi bước trước các tuyên bố chủ quyền của mình đối với Biển Đông, cho dù dựa trên đường chín đoạn phi pháp hay yêu sách Tứ Sa. Không thể đánh giá Trung Quốc qua các diễn ngôn mà phải nhìn hành động của họ. Việc Trung Quốc triển khai tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hộ tống vào vùng biển gần Bãi Tư Chính, nằm trong EEZ của Việt Nam, là một hành động đe dọa nhằm gây áp lực buộc Việt Nam phải ngừng khai thác tài nguyên hydrocarbon hiện tại", Giáo sư Carl Thayer nhận định với BBC hôm 31/5 .
Tất nhiên, không thể đòi hỏi một tờ báo ở trong nước trình bày tất cả sự thật là tại sao Trung Quốc lại chọn thời điểm hiện nay để "ép" Việt Nam. Nên nhớ, từ xưa đến nay, những lần Bắc Kinh lấn chiếm, cưỡng bức biển đảo, thậm chí tấn công trên biên giới, thường là những lúc nội bộ Việt Nam rối ren, khu vực và thế giới gặp những biến động lớn. Trung Quốc là bậc thầy về chớp thời cơ để ăn hiếp các nước lân bang yếu hơn. Đúng như bình luận trên VOA, Trung Quốc dường như đang nhìn thấy thế yếu của Nga ở Ukraine nên đã lợi dụng thời cơ bắt bí Nga và buộc Hà Nội tháo lui. Nếu phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Việt Nam, thì, trong tình hình này, đương nhiên Nga sẽ chọn Trung Quốc và biết đâu Nga và Trung Quốc đã "đồng thuận" về chuyện này ?
Những hành động nói trên của Trung Quốc y chang như tố cáo đã được thể hiện trước đó trong Bản Tuyên bố của 9 Tổ chức xã hội dân sự (CSO) công bố ngày 2/5/2023. Bản Tuyên bố ấy đã cực lực phản đối các hành vi đơn phương áp đặt chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc trước nhân dân trong nước và dư luận thế giới. Bản Tuyên bố kèm theo hàng trăm chữ ký của đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có cả các cựu quan chức và đảng viên cao cấp từ bộ máy Đảng/Nhà nước. Theo tin nước ngoài, hiện nay Bản Tuyên bố ấy đã được gửi đến các Phái đoàn thường trực của Liên hợp quốc ở New York và ở Geneva. Bản Tuyên bố cũng đã được gửi đến 158 vị đại sứ Liên Hiệp Quốc. Tuyên bố này xuất hiện trên truyền thông quốc tế rất kịp thời, chỉ một ngày sau khi lệnh cấm đánh cá đơn phương mùa hè năm nay của Trung Quốc được đơn phương cho là có hiệu lực trên Biển Đông, tính từ 1/5/2023 đến 16/8/2023 .
Ở đây chẳng có sự kết hợp nào cả, nhưng giới quan sát trong nước phát hiện ra một điều : Năm nay, Trung Quốc phải đối mặt cùng lúc cả hai làn sóng phản đối, từ cả của Nhà nước Việt Nam lẫn từ các Tổ chức xã hội dân sự (CSO) ở khắp ba miền đất nước. Phải đối mặt, nhưng họ đã chọn được điểm rơi, tận dụng đúng thời điểm lãnh đạo của Đảng/Nhà nước vẫn chưa kết thúc "trận chung kết" ai đi ai ở, tất cả vẫn đang trong ma trận "củi khô, củi ướt" của Tổng bí thư, mà quên khuấy mất biển đảo đang bị giặc giày xéo ngoài khơi. Liệu Phạm Minh Chính có tạo nên được một làn sóng thứ ba để lay động lòng yêu nước của muôn dân trước họa xâm lăng của Trung Quốc đối với biển đảo quê hương? Mong lắm thay !
Phạm Bá Bình
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ hôm 28/5 làm lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tưởng nhớ các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang hôm 28/5/2023 - VGP
Báo nhà nước vào cùng ngày cho biết, ông Chính cùng đoàn cấp cao gồm các uỷ viên Trung ương Đảng : Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh ; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến ; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hà Giang đã thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 1.870 liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, theo báo nhà nước.
Vị Xuyên là một trong những điểm nóng trong cuộc chiến chống Trung Quốc suốt giai đoạn từ cuộc chiến Biến giới hồi tháng 2/1979 cho đến năm 1987 sau khi quan hệ Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu có những cải thiện.
Báo nhà nước trong các bài viết về lễ dâng hương tưởng niệm năm nay không nói rõ tên Trung Quốc trong xung đột với Việt Nam nhưng xác nhận : "Riêng tại mặt trận Vị Xuyên, hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hơn 9.000 người bị thương và hiện vẫn còn hàng nghìn hài cốt của cán bộ, chiến sĩ nằm rải rác trong khe đá, thung sâu chưa tìm thấy và quy tập được. Chiến công và tên tuổi của các Anh hùng Liệt sĩ đã trở thành bất tử, khắc ghi vào lịch sử dân tộc và mãi mãi được ghi nhớ trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam".
Việc các lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ Việt Nam thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ trong các cuộc chiến chống Trung Quốc không được diễn ra thường xuyên, liên tục, ít nhất là điều này cũng không được truyền thông Nhà nước đưa tin thường xuyên.
Phần lớn các cuộc tưởng niệm thường do người dân, những người hoạt động xã hội tự động tổ chức ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng một số cuộc tập trung như vậy đã bị chính quyền địa phương can thiệp, giải tán.
Hôm 17/2/2016, truyền thông nhà nước đưa tin Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thắp hương từng ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh (Cao Bằng), nơi yên nghỉ của hơn 300 liệt sĩ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.
Sau đó, vào năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã có những chuyến đi thăm, thắp hương riêng biệt tại các nghĩa trang liệt sĩ ở khu vực biên giới phía Bắc.
Hôm 26/1/2022, ông Chính cũng đến thăm hương tại Đài tưởng niệm Pò Hèn. Theo báo nhà nước, đây là nơi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 209, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh và cán bộ Lâm trường Hải Sơn, nhân viên thương nghiệp Móng Cái đã ngoan cường chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc trong cuộc chiến biên giới ngày 17/2/1979.
Chuyến thăm mới nhất của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến một nghĩa trang liệt sĩ ở biên giới phía Bắc diễn ra vào khi quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang có những căng thẳng sau khi Trung Quốc điều tàu khảo sát Hướng Dương Hồng cùng các đoàn tàu hộ tống liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng năm tới nay. Các tàu này, bất chấp yêu cầu phải rời đi của Chính phủ Việt Nam, trong các ngày qua tiếp tục ở lại trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tiến gần tới giàn khoan dầu trong liên doanh dầu khí giữa Nga và Việt Nam ở vùng biển phía Nam.
Trong chuyến thăm nghĩa trang liệt sĩ lần này, ông Chính đã dự Lễ và cắt băng khánh thành Bảo tàng tỉnh Hà Giang và thực hiện nghi thức khởi công xây dựng cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1)
Cũng theo truyền thông nhà nước, trong buổi lễ dâng hương, "Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, tri ân công ơn của các Anh hùng Liệt sĩ ; nguyện tiếp tục nỗ lực bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ; xây dựng đất nước ngày một hùng cường, thịnh vượng, cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc".
Cuộc Chiến tranh Biên giới thường được nhớ đến như là chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn : 17/2/1979 đến 5/3/1979. Nhưng, trên thực tế, phần căng thẳng nhất mà quân quân xâm lược Trung Quốc gây ra trên Biên giới nước ta là trong khoảng 1984 -1987, rồi kéo dài tới 1989. Nơi khốc liệt nhất trong khoảng thời gian ấy là Mặt trận Vị Xuyên.
Trang bìa sách "Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên", tác giả Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy
Không còn nửa chủ lực, nửa dân binh như thời 17/2/1979, quân xâm lược Trung Quốc trở lại trong chiến dịch "Kỵ tuyến, bạt điểm" đã mang dáng dấp của một đội quân được "chính quy" hơn.
Chiến dịch của địch bắt đầu lúc 5g00 sáng ngày 28/4/1984. Trong buổi sáng hôm ấy, ta mất những cao điểm quan trọng nhất, trong đó có 1509 (Trung Quốc gọi là Lão Sơn). Cao điểm 1509 phân chia biên giới Việt - Trung, nơi, ai chiếm được sẽ khống chế toàn bộ khu vực tới bắc suối Thanh Thủy. Từ 1509 cũng có thể dùng ống nhòm nhìn thấy xe cộ ở thị xã Hà Giang.
Trong số 1.700 ngôi mộ quy tập ở Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, vẫn còn 700 mộ chưa danh tính.
10g45 cùng ngày, bộ đội ta dũng cảm phản kích nhưng tới 3g30 phút chiều hôm đó, ta phải rời 1509 rồi mất luôn cao điểm thứ hai, 1450. Gần ba tháng sau, 12/7/1984, ta mở chiến dịch MB84, nhằm lấy lại những gì đã mất nhưng thất bại. MB84 thành ngày "Giỗ trận" của hơn 800 bộ đội. Binh sĩ hoang mang, "địch đánh đâu, ta mất đó..".
Từ Quân đoàn II, tướng trận Nguyễn Hữu An được điều sang làm Phó tư lệnh tham mưu trưởng Quân khu II, kiêm Tư lệnh Mặt trận Vị Xuyên. Các tướng Nguyễn Hữu An và Hoàng Đan đã đưa một sĩ quan trận mạc khác, đại tá Nguyễn Đức Huy, lên làm Phó tư lệnh Mặt trận. Tướng An chỉ ra lệnh cho Đại tá Huy, "Cần có một trận, đánh được, giữ được" để củng cố tinh thần quân sĩ. Trận đánh lấy lại cao điểm A6B diễn ra vào sáng 31/5/1985 do đại tá Huy lên kế hoạch đã làm thay đổi cục diện chiến trường Vị Xuyên.
Cuộc tấn công xâm lược quy mô lớn cuối cùng vào Vị Xuyên của quân Trung Quốc bắt đầu từ 5g00 sáng ngày 5/1/1987. Chiến sự kéo dài 3 ngày (tới 7/1/1987), Trung Quốc dùng hỏa lực mạnh, quân đông nhưng đều thất bại. Trung Quốc vẫn kéo dài "cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt" tới thêm hai năm nhưng ở quy mô nhỏ.
Năm 1989, chúng không còn bắn pháo vào Mặt trận Vị Xuyên. 7 g00 sáng ngày 15/5/1989, chúng cho nổ mìn, đồng loạt phá bỏ các công sự kiên cố xây trên lãnh thổ Việt Nam. Cũng từ 15/5/1989, hai bên ngừng bắn. Tháng 10/1989, Trung Quốc rút hết quân. Chiến tranh kết thúc (1979-1989).
Tác giả cuốn sách này, thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, khi về hưu (1996) là Phó tư lệnh Quân khu II, nói rằng, vẫn còn 3.000 người lính Vị Xuyên chết mà chưa tìm thấy hài cốt. "Sống bám đá chiến đấu, chết hóa thành đất đá". Và, trong số 1.700 ngôi mộ quy tập ở Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, vẫn còn 700 mộ chưa danh tính. Các liệt sĩ khi được đưa từ chốt trở về đều có tên tuổi ghi trên các mảnh gỗ hoặc các miếng tôn nắp hòm đạn... trong quá trình di chuyển, đã không được ghi chép cẩn thận lại còn bị thất lạc...
…vẫn còn 3.000 người lính Vị Xuyên chết mà chưa tìm thấy hài cốt.
Vì sao hàng nghìn bộ hài cốt chưa tìm thấy. Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy rất không hài lòng khi, theo ông : "Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Quân khu II đã không được giao tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà lại giao cho Công ty 239 - đơn vị làm kinh tế - gỡ mìn và 'kết hợp' tìm hài cốt". Trong 30 năm qua, Công ty này chỉ tìm thấy 20-30 bộ hai cốt trong số hàng nghìn liệt sĩ "xương đã thành núi đá".
Những người Việt sống trong thập niên 1980s hẳn đã biết như thế nào là khốn khổ. Nhưng, lịch sử có thể cũng không thể tưởng tượng được rằng, một vị tướng xông pha lửa đạn như Tư lệnh Nguyễn Đức Huy, trong những năm ông đi hết chiến trường này đến chiến trường khác, vợ và 4 người con của ông phải ở nhờ trong một căn hộ... 15m2, về sau, khi ông lên Vị Xuyên, mới được cấp một căn hộ 40m2 và được xét đặc cách cấp hộ khẩu cho vợ con ông vào Hà Nội.
Khi ông chiến đấu ở Vị Xuyên, vợ ông, một giáo viên, hằng ngày phải đi giao bánh mì cho các cửa hàng ăn uống và về sau, "may mắn hơn", được một người bạn công tác ở Ban tổ chức Thành ủy xin cho một suất... bán vé xổ số kiến thiết Thủ đô để nuôi con vì lương chồng, một tướng trận, không thể nào trang trải đủ.
Huy Đức
Nguồn : osinhuyduc, 06/04/2020