Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Báo Việt Nam đưa tin vụ MobiFone-AVG 'chưa công bằng' (BBC, 16/04/2019)

Một luật sư nói truyền thông Việt Nam đưa tin về diễn tiến thương vụ MobiFone-AVG "cần phải công bằng" và suy đoán rằng "báo chí đưa tin theo chỉ đạo" trong lúc một chuyên gia bảo "không biết báo chí lấy nguồn từ đâu".

Ông Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), là nhân vật mới nhất trong vụ MobiFone mua AVG vừa bị bắt giam hôm 13/4.

avg1

Các báo ở Việt Nam đưa tin theo hướng MobiFone "thông đồng với AVG để rút ruột tiền của Nhà nước"

Quyết định khởi tố bị can của cơ quan cảnh sát điều tra cáo buộc ông Vũ tội 'đưa hối lộ' trong thương vụ MobiFone mua AVG, quy định tại Khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.

Tin này đã gây chấn động cộng đồng doanh nhân Việt Nam và được cả các báo nước ngoài đăng tải.

Một trang của Singapore chạy tin hôm 13/04 nói 'em trai của người giàu nhất Việt Nam bị bắt vì tội đưa hối lộ".

Ông Vũ là em trai ông Phạm Nhật Vượng, một trong những người được đánh giá là giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng Forbes định giá là 7,6 tỷ đô la.

Số tiền mà ông Vũ được cho là đã đưa hối lộ không được nêu rõ và dư luận chỉ biết được từ những gì báo chí Việt Nam do chính quyền kiểm soát đồng loạt đăng tải mà không nêu rõ nguồn.

Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh viết : "Phạm Nhật Vũ thổi giá AVG lên hơn 14 lần. Thực tế không có đối tác nào mua AVG 700 triệu USD như hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn báo cáo các bộ, ngành và Chính phủ".

Báo Tuổi Trẻ hôm 14/4 đăng cáo buộc : "Nếu tính giá trị MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG với giá 8.889,8 tỷ đồng, số tiền mà ông Vũ nhận được là gần 5.200 tỷ đồng".

avg2

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt câu hỏi về nguồn tin của các bài trong vụ MobiFone-AVG

"Đó là chưa kể số tiền mà ông Vũ có thể nhận được thông qua Công ty cổ phần viễn thông và truyền thông An Viên (trụ sở chính tại Nha Trang), cũng là một doanh nghiệp liên quan tới ông Vũ, chiếm tới 10,78% cổ phần của AVG", theo Tuổi Trẻ.

Hôm 15/4, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với BBC :

"Trong vụ này, tôi thấy lại quả là hiện tượng khá phổ biến và trở thành "luật bất thành văn" khi giao dịch với cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Cơ quan, doanh nghiệp nhà nước mua sắm thì thường mua với giá đắt, khi bán tài sản thì lại thường bán với rẻ. Do đó, "lại quả" trong thương vụ AVG là chuyện khó tránh khỏi trong bối cảnh của Việt Nam từ trước đến nay".

"Khi đưa tin về vụ việc, lẽ ra truyền thông Việt Nam cần phải công bằng. Việc MobiFone mua lại 95% cổ phần AVG là thương vụ M&A. Bản chất M&A là mua cái hiện tại để đạt cái tiềm năng trong tương lai. Một khi mua lại pháp nhân (mua lại AVG) bắt buộc MobiFone phải gánh luôn khoản nợ của AVG (trừ khi có thỏa thuận khác với chủ nợ)".

"Cùng một công ty mục tiêu nhưng với các nhà đầu tư khác nhau [với lợi thế riêng của mình, thông tin có được, độ nhạy trong kinh doanh, nắm bắt khuynh hướng thị trường, lợi thế mà công ty mục tiêu đang có… thì sẽ thấy được viễn cảnh và khả năng sinh lời của công ty mục tiêu khác nhau".

"Việc thấy được khả năng sinh lời khác nhau thì sẽ quyết định giá mua khác nhau. Đơn cử, tỷ phú Thái Lan bỏ ra 5 tỷ USD để mua Sabeco nhưng họ vẫn thấy hời vì họ thấy giá trị của Sabeco không chỉ nằm ở tài sản, thương hiệu mà nằm ở hệ thống phân phối của Sabeco. Tỷ phú Thái Lan sẽ tận dụng hệ thống phân phối sẵn có của Sabeco để phân phối các sản phẩm, mặt hàng khác mà họ đang có lợi thế để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ của Việt Nam một cách nhanh chóng và chắc chắn".

"Do đó, để rộng đường dư luận, truyền thông Việt Nam cần phải đăng tải đầy đủ thông tin phân tích đánh giá của Mobifone khi quyết định mua lại 95% cổ phần AVG với giá gần 9.000 tỷ đồng chứ không chỉ đơn thuần thông tin bề nổi là "giá mua bán cao hơn giá trị sổ sách gấp nhiều lần".

"Nếu giá mà MobiFone đưa ra phù hợp với dữ liệu và thông tin đánh giá tại thời điểm đó, không thể nói MobiFone "thông đồng với AVG để rút ruột tiền của Nhà nước tại MobiFone". Kinh doanh thì phải có lỗ, có lời. Đầu tư thì phải có thất bại và có thành công. Nếu cơ quan điều tra không chứng minh được bên mua và bên bán đã móc nối và nâng khống giá trị AVG lên để rồi chia nhau khoản chênh lệch đó thì về mặt pháp lý, rất khó thuyết phục khi xử lý hình sự về tội đưa và nhận hối lộ".

"Về lý thuyết thì có hai khả năng : Hoặc năng lực và hiểu biết của cơ quan báo chí về lĩnh vực M&A hạn chế. Hoặc cũng có thể họ đưa tin theo chỉ đạo. Tuy nhiên, đối với các đại án như vụ này, khả năng thứ hai là cao hơn".

Yếu tố chính trị ?

Trả lời câu hỏi của BBC, rằng "khi phiên tòa xử ông Phạm Nhật Vũ diễn ra, các luật sư của ông này sẽ đối mặt với thử thách gì ?", Luật sư Phùng Thanh Sơn đáp :

"Thường các đại án bao giờ cũng có yếu tố chính trị nên trong các vụ án như vậy, luật sư thường không đóng vai trò gì nhiều và vụ AVG cũng không ngoại lệ".

"Một thách thức khác đối với các luật sư của ông Phạm Nhật Vũ trong vụ này là tại Việt Nam các vụ án liên quan đến M&A thì không nhiều. M&A liên quan đến hình sự lại càng hiếm nên tòa án Việt Nam không có nhiều kinh nghiệm để xử lý các vụ M&A. Do đó, tòa sẽ không có tư duy thoáng và chấp nhận các lập luận, quan điểm vốn được thừa nhận rộng rãi trong M&A".

'Tính xác thực của thông tin'

Hôm 16/4, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói với BBC News Tiếng Việt từ Bangkok :

"Tôi cũng theo dõi vụ này nhưng không thấy có cơ sở thông tin và chẳng rõ những con số trên mặt báo có tính xác thực hay không".

"Có những chi tiết về vụ MobiFone-AVG mà các báo đưa lẽ ra cần có kết luận chính thức của cơ quan điều tra thì hơn".

"Tôi rất ngại việc các báo đang đưa tin vụ này không có cơ sở và không rõ các tòa soạn lấy nguồn từ đâu".

"Tôi không dám bàn đến khi không có cơ sở".

Cùng thời điểm ông Phạm Nhật Vũ bị bắt còn có một số cựu quan chức cao cấp bị khởi tố bổ sung với tội danh 'nhận hối lộ', quy định tại Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.

Nguyên Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son (2011-2016) và nguyên Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn (2016-2018), cùng hai cựu lãnh đạo cao cấp của MobiFone, ông Lê Nam Trà và ông Cao Duy Hải trước đó đã bị truy tố với tội danh khác.

Cả bốn người này đã đang bị bắt giam, cùng về tội 'vi phạm quy định về sử dụng vốn công, gây hậu quả nghiêm trọng', quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015.

Vụ bắt ông Phạm Nhật Vũ xảy ra trong không khí Đảng Cộng sản Việt Nam liên tiếp đề cao chiến dịch chống tham nhũng, chống sai phạm, "không có vùng cấm", kể cả với các quan chức cao cấp.

Cũng trong tuần qua, khi dư luận Việt Nam còn chưa dứt bàn thảo tin ông Vũ bị bắt và hai cựu bộ trưởng bị thêm tội danh nhận hối lộ thì mạng xã hội lại nóng lên tin về sức khoẻ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người đề cao ngọn cờ làm trong sạch bộ máy.

Nếu như trong vụ AVG, báo chí chính thống Việt Nam đầy ắp các chi tiết về từng khoản tiền như thể các nhà báo "là người trong cuộc" thì tin "lề dân" rằng Tổng bí thư, Chủ tịch Trọng có thể phải nhập viện sau chuyến thăm Kiên Giang, lại không hề được nói đến, hay bị bác bỏ trên báo chí nhà nước, nếu đó là tin thất thiệt.

Không ít ý kiến trên mạng xã hội Việt Nam đặt câu hỏi liệu sức khoẻ và tuổi cao của ông Trọng (sinh năm 1944), có ảnh hưởng đến chiến dịch 'đốt lò' hay là không.

******************

Vụ Xuân Anh và Bá Cảnh là thất vọng nữa về 'hạt giống đỏ' ? (BBC, 15/04/2019)

Báo Việt Nam nói về bài học 'quy hoạch cán bộ trẻ' mà chưa đạt yêu cầu qua ví dụ hai ông Nguyễn Xuân Anh và Nguyễn Bá Cảnh, đều ở Đà Nẵng.

avg3

Người ta từng đặt nhiều hy vọng vào lớp 'con ông cháu cha', còn gọi là 'hạt giống đỏ' để trẻ hóa và hiện đại hóa bộ máy lãnh đạo Việt Nam

Bài ký tên Thắng Quang, có tựa đề 'Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bá Cảnh và bài học quy hoạch cán bộ' đăng trên báo Nhà Đầu tư (14/04/2019) bày tỏ sự thất vọng về hai người này.

"Trường hợp của ông Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bá Cảnh là cán bộ trẻ, sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống, lý lịch sáng, được đi du học ở nước ngoài.

Đáng tiếc, vì những sai phạm, khuyết điểm, các ông bị kỷ luật và đề nghị kỷ luật nghiêm minh theo quy định".

"Qua đây, có thể thấy rằng, hai vị này đào tạo chưa đạt yêu cầu ; khi được giao trọng trách đã vi phạm nguyên tắc công tác, vi phạm kỷ luật Đảng".

Bài báo đặt ra vấn đề cán bộ trẻ được giao trọng trách thì cần phải cố gắng hơn, hay đã không làm như vậy.

Và với các cấp lãnh đạo đề ra những dự án 'đào tào nhân tài', thì tác giả nêu lời cảnh báo rằng họ "cần nghiêm khắc hơn trong việc chọn lọc, thử thách, trui rèn cán bộ".

Bài báo cũng trích lại lời ông Nguyễn Quốc Phong, nguyên Phó tổng biên tập Thanh Niên, rằng "Hạt giống đỏ thì cần phải đỏ thật, chỉ có vậy thì cây mới bền, rễ mới chắc và mới có thể trường tồn cùng năm tháng".

'Con ông cháu cha' tức Hạt giống đỏ

Khái niệm 'hạt giống đỏ' là của Việt Nam, nhằm chỉ các nhân vật là 'con ông cháu cha', tương đương với 'thái tử đảng' bên Trung Quốc, mà báo chí Phương Tây gọi là 'princelings'.

Họ sinh ra trong các gia đình công thần của chế độ cộng sản, hoặc đơn giản là con em các lãnh đạo trung, cao cấp.

Sự 'may mắn sinh học' này tạo ưu thế về mặt lý lịch, điều rất quan trọng ở các hệ thống đơn đảng và việc làm chính trị là một đặc quyền.

Đây là nhóm được cho là 'tuyệt đối trung thành' nên thường được ưu tiên để đi học, nhận học bổng, đầu tư chuyên ngành, du học, và vào các vị trí quan trọng.

Tuy nhiên, giới chỉ trích cho rằng đây là cách làm phản dân chủ, ưu đãi thân nhân, tạo bè phái, và chỉ đưa đến gia đình trị.

Chưa kể việc lên chức, và bị hạ bệ của họ có thể xảy ra tùy vào uy thế còn nhiều hay ít của cha ông và người bảo trợ hơn là các vấn đề tự thân.

Hồi năm 2011, tác giả Hồng Quân ở Hà Nội đã nhắc đến hiện tượng này trong chính trị Việt Nam trên diễn đàn BBC.

Bài 'Từ hạt giống đỏ đến gia đình trị ?' đã nêu ra ba 'hoàng tử đỏ' khá nổi tiếng.

"Đó là ông Nông Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, con trai Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam khoá IX và X Nông Đức Mạnh.

Trường hợp thứ hai là ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại Học Kiến Trúc Thành Phố Hồ Chí Minh, con trai Thủ Tướng khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng.

avg4

Đà Nẵng những năm qua nổi bật lên như một đô thị hàng đầu Việt Nam nhưng chính trị của địa phương này cũng là đề tài dư luận quan tâm

avg5

Cảnh trong quán, nhìn ra bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng

Trường hợp thứ ba là ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư quận ủy Liên Chiểu, Đà Nẵng, con trai Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kiểm tra Trung Ương khoá 10 Nguyễn Văn Chi".

Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, còn chưa xuất hiện trong danh sách những cán bộ trẻ có chờ lên chức cao nữa.

Tuy nhiên, có lập luận cho rằng ngoài tiêu chuẩn trung thành về chính trị, một lớp cán bộ trẻ, được học hành ở nước ngoài, có ngoại ngữ tốt, là nhân tố tích cực cho chính trị Việt Nam.

Hồi 2015, nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói với BBC :

"Thực ra thì trẻ hóa là rất tốt. Hai mươi, hai mươi lăm, ba mươi mà người ta đã làm lãnh đạo chỗ này, chỗ khác thì rất tốt".

Thế nhưng, ông cho rằng "trẻ hóa nó phải do chính người trẻ có tài năng thực sự họ chiếm đoạt được vị trí, họ tranh giành được cái vị trí đó".

Còn ở Việt Nam hiện nay, ông Chênh cho rằng :

"...Phát triển nhân sự lãnh đạo nhà nước, nhân sự cho cán bộ nhà nước, cán bộ đảng, thì trước hết người ta nhắm vào chính gia đình của họ. Sau đó thì mới nhắm ra các đảng viên bình thường khác".

"Và trong dân gian cũng có câu là nhất là hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn rồi mới tới trí tuệ và tôi nghĩ nó cũng đúng luôn trong tình hình này, và bây giờ nó lộ rõ một cách rất công khai và không thể che đậy được nữa".

avg6

Ông Lê Trưởng Hải Hiếu (ngoài cùng, bên phải hình) đã bị kỷ luật

Sang năm 2017, nhà văn Trần Quốc Quân tại Warsaw, Ba Lan có nhắc lại hiện tượng 'hạt giống đỏ' và nêu thêm tên ông Lê Trương Hải Hiếu, con trai ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và bà Tô Linh Hương, con gái ông Tô Huy Rứa nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương, và ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.

So sánh với Hoa Kỳ, ông Trần Quốc Quân viết :

"Tại Mỹ, các gia tộc Kennedy, Bush, McCain... nổi tiếng có nhiều chính trị gia thành công trên đỉnh cao quyền lực. Nhưng khác với ở ta, họ được chọn lựa ra thông qua bầu cử dân chủ, minh bạch và công khai".

Nay thì ông Lê Trương Hải Hiếu đã bị kỷ luật 'vì vi phạm trong quan hệ tình cảm', ông Vũ Quang Hải đã bị thay chức ở tập đoàn Sabeco, còn bà Tô Linh Hương đã rút khỏi chức chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex PVC từ lâu.

Sau thêm hai ví dụ ông Nguyễn Xuân Anh và Nguyễn Bá Cảnh, có vẻ như tại Việt Nam đang nổi lên ý kiến chính thống rằng mô hình 'hạt giống đỏ' cũng có vấn đề.

*******************

Em trai người giàu nhất Việt Nam bị bắt vì cáo buộc đưa hối lộ (RFI, 13/04/2019)

Công an Việt Nam hôm 13/04/2019 ra lệnh bắt ông Phạm Nhật Vũ, em của tỉ phú giàu nhất Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng, do cáo buộc đưa hối lộ.

avg7

Một trung tâm thương mại thuộc tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng. Wikipedia

Ông Phạm Nhật Vũ, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (Audio Visual Global - AVG), dính líu đến xì-căng-đan nổ ra vào năm ngoái về vụ công ty MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG. Vụ này theo Thanh tra Chính phủ có thể gây thiệt hại cho công quỹ đến 300 triệu đô la.

AFP dẫn thông tin từ báo chí trong nước cho biết Bộ Công an đang điều tra mở rộng vụ án, bắt tạm giam và khám xét nhà ông Phạm Nhật Vũ. Số tiền ông Vũ đưa hối lộ không thấy nói đến.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra cũng bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với hai cựu bộ trưởng Thông Tin & Truyền Thông là Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuần cùng với hai cựu lãnh đạo MobiFone về tội nhận hối lộ.

Ông Phạm Nhật Vũ là em của ông Phạm Nhật Vượng, tỉ phú có tài sản được tạp chí Forbes ước tính 7,6 tỉ đô la. Là người giàu nhất Việt Nam, ông Vượng là chủ tịch tập đoàn VinGroup với số tài sản khổng lồ gồm trong đó có các hệ thống biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích, siêu thị…trên toàn quốc. Trong đế chế của ông Phạm Nhật Vượng còn có nhà máy sản xuất xe hơi, điện thoại di động, và VinGroup còn tài trợ cho việc tổ chức giải đua xe nổi tiếng Formule 1 lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm tới.

Thụy My

Published in Việt Nam