Sáng 14/7, Thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông ra quyết định thông báo rằng Zing News đã thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt hành chính với tổng số tiền 243,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí được cấp năm 2020.
Tạp chí điện tử Zing News sẽ tạm dừng hoạt động trong ba tháng bắt đầu từ hôm nay 14/7 sau kết luận thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.
Theo bộ này, Zing News đã đăng tải các bài viết không đúng tôn chỉ, mục đích theo giấy phép hoạt động, sử dụng 2 tên miền news.zing.vn và zing.vn không có trong giấy phép đã được cấp để trỏ về tên miền zingnews.vn.
Ngoài ra tạp chí này đã "đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng và quy kết tội danh khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật", "cải chính, xin lỗi không đúng thời điểm quy định trên một số bài viết", "đồng thời không xây dựng chuyên mục riêng tại trang chủ của Tạp chí điện tử để thực hiện cải chính, xin lỗi".
Zing News, còn gọi là Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến trực thuộc Hội Xuất bản Việt Nam và thuộc sở hữu của VNG, công ty tư nhân về công nghệ với các sản phẩm trò chơi điện tử và ứng dụng nhắn tin Zalo phổ biến ở Việt Nam.
Đây là một trong những tạp chí điện tử có lượt truy cập hàng đầu tại Việt Nam. Theo Similarweb, công cụ phân tích và đo lường các chỉ số trên website, tên miền zingnews.vn có 96,8 triệu lượt truy cập trong tháng 6/2023, xếp thứ hai trong hạng mục tin tức.
Số lượt truy cập trong ba tháng gần đây của Zing News
Trước đó một ngày, Zing News đã ra một thông báo sẽ tạm dừng hoạt động ba tháng để "tập trung khắc phục, chấn chỉnh triệt để các tồn tại", nhưng không nêu rõ các tồn tại này là gì ?
Một nguồn tin giấu tên nói với BBC News Tiếng Việt rằng các phóng viên của Zing News vẫn được nhận lương cơ bản trong thời gian trang này ngừng hoạt động.
"Đây là một ví dụ điển hình của việc nhà nước can thiệp để tránh tư nhân hóa báo chí. Nhưng tư nhân hóa báo chí giúp những người làm nghề "sống khoẻ" hơn. Đối với những người sống bằng nhuận bút thì hi vọng có một mức thu nhập thoải mái để làm nghề, không phải lăn tăn để làm việc khác kiếm tiền", nguồn tin này nói.
Người này cũng tiết lộ Zing News được đánh giá là thu hút đội ngũ phóng viên vì là một trong những cơ quan
Một nhà báo tại Việt Nam nhận định với BBC trường hợp của Zing News là một "ca khó" khi trang này trực thuộc Hội Xuất bản không thuộc nhà nước và đã chuyển đổi sang mô hình tạp chí (có tôn chỉ mục đích hẹp hơn so với báo) từ ngày 1/4/2020, nhưng lại sản xuất tin bài thời sự hàng ngày.
Nhà báo này cũng đánh giá Zing News là một trang điện tử có cách làm việc ấn tượng khi ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm của họ.
"Tôi rất buồn khi Việt Nam không xử lý những tạp chí của hội này hội kia, lợi dụng danh nghĩa báo chí để hù doạ, đòi tiền của các doanh nghiệp mà toàn đình bản những cơ quan báo chí viết đàng hoàng", nhà báo trên cho biết.
Bên cạnh đó, phóng viên này cũng nêu ra băn khoăn liệu vụ việc này có liên quan đến việc có ý kiến cho rằng Zing News đã có lúc có bài "không ủng hộ Nga, nghiêng về phía Ukraine" khi đưa tin quốc tế.
Zing News, Zalo và VNG
Các báo chuyên ngành tại Việt Nam cũng có nhiều bài về công ty unicorn của Việt Nam là VNG (videonystagmography) cùng quá trình hướng tới các nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài với tốc độ nhanh.
Báo cáo tài chính 2008 của VNG ghi nhận tập đoàn Trung Quốc Tencent đã mua cổ phiếu số lượng lớn trong VNG. Các cựu lãnh đạo của Tencent như Johny Shen Hao trở thành thành viên ban lãnh đạo VNG. Sang năm 2011, VNG thông báo Tencent là cổ đông chính (major shareholder).
Năm 2014, VNG được định giá 1 tỷ USD, theo các nguồn đã đăng tải ở Việt Nam.
Sang những năm sau đó, cổ phiếu của VNG được bán cho Temasek của Singapore, và gần đây nhất, cuối 2022, là cho BigV Technology mà đại diện pháp lý là Ngô Vi Hải Long, theo các nguồn chính thức ở Việt Nam.
"Tính riêng quý III/2022, VNG Corporation báo lỗ ròng 254,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 31,7 tỷ đồng", trang Nhà Đầu tư ở Việt Nam cho hay.
Báo Pháp luật Online ở Việt Nam tháng 8/2019 từng đặt câu hỏi ứng dụng Zalo có chịu ảnh hưởng của nhà đầu tư Trung Quốc hay không.
Về điều này, một quan chức Việt Nam, Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình, trả lời như sau :
"Về câu hỏi có yếu tố Trung Quốc đứng sau Zalo không, chúng tôi được biết theo báo cáo của Công ty VNG (đơn vị sở hữu Zalo), công ty này có cổ phần nước ngoài. Điều này phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và họ công bố công khai trong báo cáo tài chính. Nếu sở hữu nước ngoài đó có yếu tố nhạy cảm, Bộ Thông tin và truyền thông luôn phối hợp cùng Bộ Công an để theo dõi, nếu có vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật".
Nhà nước và báo chí
Đây không phải là lần tiên một cơ quan báo chí bị tạm đình bản tại Việt Nam.
Năm 2018, báo Tuổi Trẻ Online phải tạm dừng xuất bản trong ba tháng vì đăng thông tin sai sự thật, theo một tuyên bố của chính phủ.
Năm 2022, chính phủ Việt Nam đình chỉ xuất bản hai trang khác trong ba tháng, gồm báo Pháp luật Việt Nam Online và tạp chí điện tử Kinh Doanh Và Biên Mậu.
Bộ Thông tin và truyền thông xác định Báo Pháp luật Việt Nam Online có 13 vi phạm và bị phạt 325 triệu đồng. Tạp chí Kinh Doanh Và Biên Mậu bị phạt 70 triệu đồng.
Việt Nam không có báo chí tư nhân, và là quốc gia bị xếp hạng 178 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí năm 2023 theo tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), chỉ trên Trung Quốc và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Theo Bộ Thông tin và truyền thông, tính đến tháng 5/2022, Việt Nam có 815 cơ quan báo chí, bao gồm 138 báo và 677 tạp chí, trong đó 29 cơ quan chỉ hoạt động ở định dạng điện tử.
Tất cả các cơ quan truyền thông đều chịu sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản, thông qua cơ chế hướng dẫn do Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng này làm chủ cùng Bộ Thông tin - Truyền thông trong khi nhân sự và một phần đường lối biên tập do các cơ quan bộ ngành, hội đoàn chủ quản trực tiếp nắm.
Nguồn : BBC, 14/07/2023