Gian lận : ‘bình thường mới’ trong xã hội Việt Nam ?
RFA, 06/10/2022
Hôm 6/10/2022, một bài viết có tựa "Hơn trăm triệu mua đề thi IELTS 'thật' : Có người 'trúng tủ' !" trên báo Thanh Niên nêu tình trạng mua, bán đề thi công khai trên mạng. Nhiều thí sinh và giáo viên biết đến tình trạng này.
Các học sinh trong kỳ thi tuyển sinh tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh minh họa. AFP
IELTS được viết tắt từ International English Language Testing System, tạm dịch là Hệ thống Kiểm tra Anh ngữ Quốc tế được sáng lập bởi 3 tổ chức ESOL thuộc Đại học Cambridge, Hội đồng Anh và tổ chức giáo dục IDP (Úc) vào năm 1989. Đây là bài thi nhằm đánh giá khả năng ngôn ngữ, tư duy và kiến thức tiếng Anh của thí sinh trong môi trường học thuật, làm việc.
Theo một số chuyên gia trong ngành giáo dục, điều đáng nói ở đây là chuyện gian lận xảy công khai mà không bị ngăn chặn. Đó là dấu hiệu của một xã hội không lành mạnh.
Mới năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chính thức cảnh báo tình trạng nhiều trang thông tin mạo danh bộ này để mua bán bằng cấp giả một cách công khai. Chỉ cần lên mạng xã hội hoặc Google gõ cụm từ "dịch vụ làm bằng đại học" sẽ cho ra một loạt những trang làm bằng đại học, cao đẳng, chứng chỉ các loại…
Tháng 3 năm nay, Công an Thành phố Hà Nội phối hợp với Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khám xét hàng chục địa điểm làm giả giấy tờ, bằng lái xe. Công an thu giữ hàng trăm bằng lái xe giả và tem có in chữ "Tổng cục Đường bộ Việt Nam".
Tuy việc làm giả tài liệu, con dấu là hành vi vi phạm pháp luật theo Điều 341 Bộ luật Hình sự về "tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức ; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" với khung chịu hình phạt từ 3 đến 7 năm tù giam, nhưng thị trường làm giả này vẫn diễn ra sôi động như chưa từng bị cấm.
Chỉ trong ba tháng đầu năm 2020, ít nhất ba vụ việc liên quan bằng cấp giả bị truyền thông trong nước phanh phui.
Vụ thứ nhất là 83 giáo viên dạy lái xe tại 5 cơ sở đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh dùng bằng cấp giả. Vụ thứ hai là bà Đinh Thị Loan dùng bằng dược sĩ, bác sĩ giả để hành nghề bác sĩ tại khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Vụ thứ ba là khi triệt phá đường dây làm giả con dấu tài liệu, công an Thừa Thiên - Huế phát hiện nhiều cán bộ có đặt hàng làm bằng giả, chứng chỉ giả ở đường dây này.
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Quỳnh Hương cho hay, đây là vấn nạn đã ăn sâu vào xã hội và con người Việt Nam :
"Thực sự đấy là chuyện rất là buồn và là một vấn nạn rất là nan giải. Chuyện gian lận trở thành phổ biến và xã hội chấp nhận, coi đó là chuyện bình thường không ai xử lý thì đó là điều vô cùng nguy hại cho xã hội. Bởi vì cả xã hội như thế thì còn ai là người làm ăn chân chính nữa ?
Đây là một sự thực khá phổ biến. Chuyện gian lận là chuyện hiếm ở một xã hội lành mạnh, còn ở Việt Nam thì nó thành một căn bệnh ăn sâu vào xã hội. Bây giờ muốn sửa chữa thì rất khó và có lẽ phải mất rất nhiều thời gian. Càng để lâu thì bệnh càng trở nên trầm trọng, càng phổ biến và mọi người càng coi đó là chuyện bình thường. Những người trung thực sẽ ngày càng hiếm.
Một cái đáng buồn nữa là nó xảy ra liên quan thi cử, liên quan đến giáo dục. Có nghĩa là cả thế hệ trẻ bị nhiễm. Nó ảnh hưởng toàn xã hội".
Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, chuyện gian lận nó trở thành bình thường đến nỗi ở một số nơi, nếu không gian lận sẽ là chuyện lạ.
Người ta còn nhớ câu nói của cựu trưởng phòng khảo thí Diệp Thị Hồng Liên, tại phiên sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi Trung học phổ thông năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình hôm 14 tháng 5 năm 2020 rằng, có nhiều trường hợp gian lận mà mình không làm theo sẽ khó vì "ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật". "Thẳng lưng" ở đây được hiểu theo nghĩa bóng, là sự ngay thẳng, chính trực, biết phân biệt phải trái đúng sai, làm điều phải và đứng về phía lẽ phải.
Đầu năm học 2021/2022, truyền thông Nhà nước đưa tin Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện hàng chục giáo viên đang dạy học trên địa bàn huyện Cư Kuin sử dụng bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, bằng cử nhân giả.
Ngoài giáo viên sử dụng bằng cấp giả bị phát hiện, tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội hôm 9 tháng 11 năm 2020 về tình trạng mua bán giấy tờ giả trên mạng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận ngay trong đội ngũ cán bộ cũng có nhiều người sử dụng giấy tờ giả.
Ngay cả trong lĩnh vực y tế, liên quan trực tiếp đến mạng sống con người cũng có bác sĩ sử dụng bằng giả. Bác sĩ Võ Xuân Sơn từng công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy nêu trường hợp một bác sĩ gây mê tại đây sử dụng bằng cấp giả làm việc đến 10 năm mới bị phanh phui do bệnh viện nhận được đơn tố cáo. Ông nói thêm, có những trường hợp dùng bằng cấp giả vẫn không bị phát hiện do lầm lẫn với những bác sĩ học thật, bằng cấp thật nhưng trình độ chuyên môn quá kém.
Việc sử dụng bằng cấp giả được coi là một hình thức gian lận trí tuệ và vô đạo đức, nhưng thực tế nó đang lan tràn ở Việt Nam.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng nói với RFA :
"Mình thấy cái gian lận nó khá phổ biến. Nó có ở nhiều nơi trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam. Nhưng vấn đề ở chỗ, bằng cấp dỏm nó ít tác hại ở một số các nước khác, còn ở Việt Nam thì nó tác hại lớn. Lý do là nó sinh ra tiền, sinh ra quyền. Trong xã hội, nếu có người mua thì sẽ có người bán. Như vậy, việc gian lận ở đây nó rất khác với những xã hội lành mạnh. Ở một xã hội lành mạnh thì tất nhiên sự gian dối cũng có thể đẻ ra tiền, đẻ ra quyền, nhưng quy mô nó thấp hơn rất nhiều. Thành ra trong một xã hội mà tham nhũng tràn lan thì gian lận là một căn bệnh của xã hội mà toàn xã hội phải chịu trách nhiệm".
Theo một số nhà quan sát thì chuyện sử dụng bằng cấp giả trong hàng ngũ cán bộ là để thăng quan tiến chức. Nhiều thông tư, quyết định của các bộ ngành Nhà nước ghi rõ các tiêu chuẩn bắt buộc về giáo dục đối với cán bộ, công chức. Một quan chức dùng bằng giả mà vào cương vị lãnh đạo thì chắc chắn sẽ gây hại cho dân, cho nước.
Giáo sư Đặng Hùng Võ từng nói với RFA :
"Cuộc sống bây giờ nó cũng lung tung nên giả hay thật thì người ta trông chờ vào đạo đức con người thôi. Chứ làm một cái bằng giả thì không khó trong thời buổi hiện nay. Tôi cho rằng pháp luật có tác động của nó nhưng cái gốc của vấn đề vẫn là đạo đức".
Nguồn : RFA, 26/10/2022
************************
Cựu cán bộ cao cấp Ban Nội chính Trung ương cáo buộc Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội bao che cấp dưới phạm tội
RFA, 06/10/2022
Luật sư Lê Văn Hòa, cựu cán bộ hàm vụ trưởng của Ban Nội chính Trung ương Đảng tố cáo Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính "bao che cấp dưới phạm tội" trong vụ án nổi tiếng kéo dài hơn 10 năm qua.
Ông Thái Lương Trí (trái) tại phiên tòa phúc thẩm tháng 7/2017 tại Hà Nội - Báo Nghệ An
Luật sư Lê Văn Hòa bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hai lãnh đạo của Công ty Liên doanh Khoáng sản Lào Việt bị Tòa án Nhân dân quận Ba Đình, thành phố Hà Nội kết tội "làm giả con dấu" của chính liên doanh này.
Trong phiên tòa sơ thẩm lần thứ ba hồi tháng 2 năm nay, ông Thái Lương Trí - Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty bị kết án hai năm 10 tháng 21 ngày, trong khi đó ông Dương Minh Hải bị tuyên phạt bốn năm năm tháng 12 ngày.
Thời hạn tù này bằng với thời gian hai ông bị tạm giam để điều tra, xét xử hồi năm 2009.
Luật sư Lê Văn Hòa cho biết, ngay sau phiên tòa, ông gửi đơn lên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao để tố cáo Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân quận Ba Đình và hai cá nhân ông Nguyễn Quang Trung- Viện trưởng VKSND quận Ba Đình cùng cấp phó là ông Trần Mạnh Hà giữ quyền công tố trong phiên tòa vì truy tố hai người vô tội và bỏ lọt tội phạm.
Luật sư cũng tố cáo tòa án quận và hai viên chức trên vì vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, theo quy định tòa án cấp quận huyện không đủ thẩm quyền xét xử người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài, mà phải là tòa án cấp tỉnh/thành phố trở lên.
Ông Hòa nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại :
"Sau khi tôi tố cáo thì Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chuyển đơn tố cáo của tôi cho ông Nguyễn Hữu Chính là Chánh án Tòa án Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền.
Liên tục suốt hơn nửa năm nay ông Chánh án Tòa án Hà Nội không thụ lý đơn tố cáo của tôi. Cho đến hôm nay (03/10- PV) ông Nguyễn Hữu Chính không trả lời có xử lý đơn của tôi hay không nên tôi cho rằng ông Nguyễn Hữu Chính vi phạm pháp luật nghiêm trọng pháp luật vì bao che cho cấp dưới phạm tội.
Tôi đã gửi đơn đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ đơn tố cáo của tôi đối với ông Nguyễn Hữu Chính".
Luật sư Lê Văn Hòa, từng là cán bộ cao cấp hàm vụ trưởng thuộc Vụ 1 của Ban Nội chính Trung ương Đảng thời ông Nguyễn Bá Thanh làm Trưởng ban, cho rằng Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng có lỗi trong việc để Tòa án Nhân dân quận Ba Đình xử vụ án "làm giả con dấu của Lào".
Trong vụ án này, ông Thái Lương Trí bị coi là bị cáo chính, là công dân của tỉnh Nghệ An, và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thái Dương mà ông làm Giám đốc có trụ sở ở tỉnh Nghệ An đăng ký giấy phép kinh doanh ở tỉnh này.
Luật sư Lê Văn Hòa nói lẽ ra Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An mới là cơ quan để xử vụ án của ông Thái Lương Trí, chiếu theo quy định của luật pháp Việt Nam.
Ông khẳng định thân chủ của mình hoàn toàn vô tội và sẽ giữ quan điểm bào chữa trong phiên phúc thẩm tới đây do Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức.
Bằng chứng là Bộ An ninh Lào có công văn khẳng định hai ông Thái Lương Trí và Dương Minh Hải không sử dụng con dấu giả của doanh nghiệp liên doanh.
Bản dịch Công văn trả lời của Cục Quản lý hộ khẩu và Xây dựng cơ sở thuộc Bộ An ninh Lào đề ngày 30/5/2022, xác nhận con dấu của công ty TNHH Cổ phần khoáng sản Lào-Việt dùng để ký hợp đồng đầu tư giữa Chính phủ Lào và công ty hồi năm 2008 là "đúng theo quy định nguyên tắc".
Bản dịch này sau đó được dán chứng nhận Hợp pháp hóa lãnh sự từ Đại Sứ quán Việt Nam tại Lào.
Để kiểm chứng thông tin, phóng viên liên lạc qua số điện thoại di động của các ông Chánh án Nguyễn Hữu Chính, Viện phó VKSND quận Ba Đình Trần Mạnh Hà và Phó chánh án Tòa án Nhân dân quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Minh Huệ- người chủ toạ phiên tòa hồi tháng 2, nhưng không ai nghe máy.
Trong gần 10 năm qua, luật sư Lê Văn Hòa thành công trong việc bảo vệ hai ông Thái Lương Trí và Dương Minh Hải trắng án với cáo buộc "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" liên quan đến đầu tư của Công ty TNHH Thái Dương trong việc khai thác khoảng sản Xiêng Khoảng, Lào.
Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 14/7/2011, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội kết tội hai ông Trí và Hải "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu của Lào" và kết án ông Trí 23 năm tù giam còn ông Hải 17 năm tù.
Hơn hai năm sau, Tòa phúc thẩm của Tòa án Nhân dân Tối cao tuyên huỷ án sơ thẩm để điều tra lại.
Đến năm 2016, hai ông Trí và Hải lần lượt bị tuyên 20 năm tù và 15 năm tù cho hai tội danh nêu trên. Tuy nhiên, trong phiên phúc thẩm lần hai một năm sau đó, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội huỷ bản án sơ thẩm lần hai để yêu cầu điều tra lại.
Năm 2019, Cơ quan An ninh Điều tra- Bộ Công an đình chỉ điều tra về cáo buộc "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" đối với hai ông.
Chỉ còn lại cáo buộc "Làm giả con dấu của Lào" và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chuyển vụ này cho Tòa án Nhân dân quận Ba Đình xử.
Hai ông Trí và Hải bị giam tổng cộng tám năm và sau đó được tại ngoại.
Đây cũng chính là bản án mà Tòa án quận Ba Đình tuyên cho hai ông về hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức" khiến luật sư Lê Văn Hòa cho rằng đây là hình thức hợp pháp hóa thời gian tạm giam của hai người vô tội.
Năm 2012, khi là Vụ phó Vụ Nội chính Văn phòng Trung ương Đảng, ông Lê Văn Hòa phát hiện oan sai trong vụ án Thái Lương Trí và kiến nghị Bộ Chính trị chỉ đạo làm rõ từ ngày 25/12/2012.
Ông Hòa tuyên bố rời khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam hồi năm 2017, một trong những lý do được ông nêu ra là "để phản đối Lãnh đạo Văn phòng Trung ương và Ban Nội chính Trung ương không những vô cảm trước nỗi oan trái của người dân, không tiếp thu kiến nghị của tôi cần phải tổ chức kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, khắc phục oan sai của vụ án Thái Lương Trí".
Theo ông, lãnh đạo của Ban Nội chính Trung ương buông lỏng quản lý để cán bộ của Vụ 1 can thiệp vào vụ án là nguyên nhân gây nên vụ án oan sai đặc biệt nghiêm trọng này.