Các ngư dân làng chài Bình An, Thừa Thiên - Huế đã phát hiện ra vệt đỏ này từ ngoài khơi, cách bờ chừng 3 hải lý, trước đây ba ngày. Hiện tại, vệt đỏ màu gạch đã loang vào đến bờ cát và kéo theo nhiều xác chết sinh vật biển như cá nhồng, cá đuôi thuyền và sứa biển. Suốt một dải chiều dài bờ biển gần 5km từ làng chài Chân Mây đến phía Nam đầm Cầu Hai, dường như cát ven mép nước đã biến thành màu đỏ bên trên có lớp màng tựa như dầu mỡ. Ngư dân làng chài Thừa Thiên - Huế vốn chịu một năm đói kém lại thêm một lần nữa rơi vào khủng hoảng, lo lắng và hoang mang.
Ông Toàn, ngư dân Bình An, Thừa Thiên - Huế, chia sẻ : "Vệt nước thì phát hiện cách đây hai, ba ngày rồi. Ông vạn trưởng có điện cho chính quyền và cơ quan tài nguyên môi trường nhưng không biết có ai xuống nghiên cứu, phân tích không. Vệt chạm vào cát dài chừng 1,5km. Nam ngoái thất thu rồi, năm nay chưa biết tính sao ?".
Ông Sáu, ngư dân làng chài Bình An, Thừa Thiên Huế cho biết thêm : "Cách đây ba ngày tôi gặp nó cách bờ chừng 3 tới 4 hải lý. Nó cuộn trong nước và kéo dần vào bờ. Mấy bữa nay tôi phải nghỉ đi đánh cá vì sợ quá ? Không biết nó độc hại như thế nào, chuyện này thì tôi chưa biết được".
Cũng giống như lần biển nhiễm độc năm 2016, không khí nồng nặc ete, những con sóng màu hồng cuồn cuộn vào bờ, không gian xám xịt, u ám khó tả. Suốt một dải bờ biển dài vắng bóng người, thuyền câu, thuyền chài lại đắp chiếu nằm bờ. Các quán hải sản ven bờ vắng vẻ, mọi thứ đều có nét rất giống với bở biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị năm 2016.
Ông Toàn nói với VOA Việt ngữ : "Vệt nước này kéo dài màu đỏ hồng, nó loang trên cát và ông vạn trưởng có báo đến cho cơ quan chức năng nhưng không thấy họ nói gì. Không biết rồi đây sẽ như thế nào bởi năm ngoái đánh bắt thất thu, đời sống rất khó khăn, bây giờ thêm vệt này nữa thì chẳng biết tính sao đây !".
Ông Nam, ngư dân làng chài Bình An, Thừa Thiên - Huế ca thán : "Tôi đi đánh cá mười lăm năm nay rồi nhưng chỉ có hai năm nay nhúng tay vào nước biển thì bàn tay bị nấm ăn hết móng tay. Không biết có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không nhưng thấy móng tay bị nấm hết cũng lo lắm".
Đáng sợ là thói quen của các phụ nữ làng chài, dường như họ luôn đi chân trần, không có dép giày hay ủng khi ra biển bởi mang những thứ đó khiến họ di chuyển trên cát rất khó, nhất là khi vận chuyển hải sản nặng trên vai. Và sẽ rất khó lường trước chuyện gì sẽ xảy ra khi dẫm phải những chất lạ trên bờ biển. Rất tiếc, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như các cơ quan chức năng tỉnh này vẫn chưa vào cuộc để làm rõ nguyên nhân.