Indonesia bắt hai tàu đánh cá Việt Nam (BBC, 26/04/2018)
Indonesia vừa bắt giữ ngư dân và hai tàu cá Việt Nam hôm thứ Tư, sự kiện đánh dấu động thái mới nhất của Jakarta trong chiến dịch đuổi tàu nước ngoài ra khỏi vùng biển của mình, tin của AFP cho biết.
Hàng loạt tàu cá Việt Nam bị hải quân Indonesia đánh chìm
Hai tàu cá Việt Nam bị phát hiện lúc đang đi song song dọc theo Biển Đông, gần đảo Natuna của Indonesia, khi một tàu tuần tra Indonesia ra lệnh cho họ chậm lại, theo lời giới quan chức.
Thay vì chậm lại, hai tàu nói trên đã tăng tốc độ, vì thế bị cơ quan an ninh hàng hải của Indonesia cho đuổi theo và bắt giữ lại.
"Họ mới bắt đầu cuộc hải hành và trên tàu có khoảng 300 kg cá. Tổng cộng 21 người trên tàu đã bị bắt giam", phát ngôn viên của cơ quan an ninh hàng hải, ông Mardiono, cho biết.
Indonesia, đảo quốc lớn nhất thế giới, từ lâu đã cố gắng ngăn chặn các tàu thuyền nước ngoài đánh cá không có giấy phép trong lãnh thổ của mình. Ông Joko Widodo, Tổng thống Indonesia, tuyên bố sinh hoạt này đã làm hao tốn của nền kinh tế hàng tỷ đô la mỗi năm.
Indonesia dùng biện pháp bắn phá tàu thuyền nước ngoài trong nỗ lực ngăn cản việc đánh cá lậu trên ven biển của họ.
Một tàu cá Việt Nam bốc cháy sau khi bị Hải quân Indonesia bắn
Kể từ khi ông Widodo lên nắm quyền vào năm 2014, khoảng 200 tàu nước ngoài đánh cá bất hợp pháp đã bị đánh chìm - sau khi các người trên tàu bị kéo xuống. Một số tàu đã nổ tung trong màn trình diễn công cộng ngoạn mục.
Năm ngoái, Indonesia bắt giữ 11 thủy thủ Việt Nam sau cuộc đối đầu quanh quần đảo Natuna của nước này, trong khi một thành viên của cơ quan an ninh hàng hải của Indonesia bị giam giữ tại Việt Nam.
Cũng trong năm 2017, bốn ngư dân Việt Nam đã bị hải quân Indonesia bắn bị thương trong khi đang đánh cá ở Natuna.
*****************
Thuyền trưởng của một tàu cá Việt Nam bị chính quyền Indonesia giam cầm gần một năm nay kêu gọi truyền thông quốc tế lên tiếng để ông và hơn 50 thuyền viên khác sớm được trả tự do.
Từ trại giam của Hải quân Indonesia tại Ranai trên đảo Natuna, thuyền trưởng Nguyễn Văn Vĩ, lên tiếng cầu cứu với VOA-Việt ngữ qua ứng dụng Messenger trên điện thoại di động:
"Tôi bị bắt ngày 3/5/2017 đến nay đã gần một năm. Tôi xin nhắn nhủ với chính phủ (Việt Nam) rằng họ nên có một tiếng nói gì đó để bảo vệ và mang lại sự công bằng cho ngư dân của mình. Họ (Indonesia) vào vùng biển của mình và bắt ngư dân của mình. Họ phá hủy tàu thuyền, thiết bị định vị, phá hết các bằng chứng xác thực. Họ giam mình ở đây xem như vô thời hạn".
Ông Vĩ nói rằng nhiều thuyền viên như ông đã bị lực lượng Hải quân Indonesia bắt giam nhưng chưa được xét xử, và không được phía Việt Nam hỗ trợ, và có trường hợp ra tòa nhưng đại diện sứ quán Việt Nam không đến dự.
"Gửi thư, đơn từ bên mình (Việt Nam) thì không ai trả lời, ở bên này thì sứ quán (Việt Nam) không xuống. Nếu có ra tòa thì họ muốn xử sao thì xử. Các anh em có người gửi đơn thưa, mời luật sư qua đây, mướn cả luật sư bên này, nhưng mời sứ quán thì họ không tới".
Ông Vĩ nói với VOA rằng ông và gia đình đã gửi đơn đến Văn phòng chính phủ, Cục lãnh sự Bộ ngoại giao Việt Nam, Cục Kiểm ngư và nhiều cơ quan khác, trong đó có cả Tòa Tổng Lãnh sự Indonesia ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng "tất cả đều im lặng". Ông nhấn mạnh là "chưa hề nhận được sự trợ giúp nào từ đại sứ quán Việt Nam ở Indonesia".
Trước đó, Lực lượng An ninh Biển thuộc Bộ Tư lệnh Hạm đội Miền Tây Indonesia (Guskamla Koarmabar) được trang Netralnews xác nhận đã bắt giữ ông Nguyễn Văn Vĩ, thuyền trưởng tàu cá BT 97986 cùng với 12 thuyền viên Việt Nam vào tháng 5/2017, vì tàu của ông "xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia".
Vào tháng 12 năm ngoái, báo Tuổi Trẻ có đăng tin dù có tàu cảnh sát biển và tàu Hải quân Việt Nam hỗ trợ, nhưng tàu cá do ông Vĩ làm thuyền trưởng vẫn bị phía Indonesia dùng vũ lực bắt từ vùng biển Việt Nam đưa sang Indonesia.
Theo ông Vĩ, khi bị phía Indonesia bắt, tàu cá Kim Phúc BT 97986 đang neo đậu tại tọa độ 7 độ 20’09" Bắc - 107 độ 54’56" Đông, cách Đông Bắc bãi cạn Đông Sơn khoảng 43 hải lý về phía bắc Việt Nam, tức là nằm sâu trong vùng biển Việt Nam.
Theo ông Vĩ thì trong gần một năm qua, có hơn 500 ngư phủ Việt Nam bị bắt và giam lỏng ở trại chung với ông. Phần lớn họ được thả sau vài tháng. Ông cho biết phía Indonesia chỉ giữ lại những thuyền trưởng như ông, và đến thời điểm này có tất cả 53 ngư phủ đang bị giam ở trại.
VOA đã liên lạc với Bộ Tư lệnh Hạm đội Miền Tây Indonesia, Văn phòng Công tố và Tòa án Ranai, cũng như Tòa đại sứ Việt Nam tại Jarkarta và Bộ Ngoại giao Việt Nam về trường hợp thuyền trưởng Nguyễn Văn Vĩ và những thuyền viên đi cùng, nhưng đến 25/4 vẫn chưa nhận được phản hồi.
Từ Bến Tre, bà Huỳnh Thị Kim Phượng, chủ tàu Kim Phúc, nói với VOA rằng bà có gửi đơn nhờ chính quyền Việt Nam can thiệp nhưng vẫn không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào:
"Tôi có gửi đơn kêu cứu lên nhà nước Việt Nam nhưng không được trả lời. Ngư dân chúng tôi bức xúc nhưng không biết kêu với ai. Tôi cũng có trình báo với địa phương và các cơ quan có thẩm quyền nhưng không được giải quyết gì hết. Mình chỉ biết chấp nhận mất của. Còn phía Indonesia thì tôi không biết liên lạc với ai, thỉnh thoảng tôi có nói chuyện với anh Nguyễn Văn Vĩ qua Messenger, nhưng ảnh bị tịch thu máy điện thoại hoài nên mấy tháng nay tôi mất liên lạc với ảnh".
Từ trại giam ở Ranai, ông Vĩ kể về cuộc sống của những thuyền viên và ngư dân Việt Nam bị giam lỏng ở Indonesia:
"Sáng sớm chúng tôi đi quét dọn lau nhà, lau cửa, và làm những việc họ sai mình làm. Sáng 7 giờ họ điểm danh và cho đi chợ một tiếng đồng hồ, sau đó về nấu ăn, ăn xong thì họ lùa vô nhốt lại. Đến 3 giờ họ mở cửa ra, đi xuống gần mé biển có che láng để nấu ăn. Ăn xong thì phải lên nhà để họ nhốt lại".
Bà Lê Thị Sầu Riêng, vợ của ông Vĩ, hiện đang sinh sống ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nói rằng gia đình phải chu cấp tiền cho ông Vĩ để ông trang trải cuộc sống hằng ngày trong suốt năm qua. Bà Riêng nói thêm rằng qua trao đổi với chồng, bà biết rằng có viên chức ở trại giam Ranai khuyên chồng bà nên chạy án bằng cách chi tiền:
"Họ nhốt chồng tôi cả năm nay mà chưa đưa ra tòa xử. Có người phiên dịch nói với ảnh nên chạy án đi, kể như mình chấp nhận mình có lỗi và đã qua nước của họ để đánh bắt cá. Mình sẽ trả tiền chuộc khoảng 300 đến 400 triệu đồng để được trả về".
Bà Riêng cho biết là sau khi ông Vĩ kêu cứu với VOA, viên chức trại giam đã tịch thu điện thoại của ông:
"Gọi điện thoại thì gọi lén thôi. Có khi trong một tháng họ lấy 3 cái điện thoại của ảnh. Họ lấy để làm tiền. Gia đình phải gửi tiền qua để ảnh mua đồ ăn, chứ họ cũng không nuôi ngày nào. Mà gửi qua nhiều tiền thì họ cũng lấy".
Qua cuộc trao đổi ngắn trước đó với VOA, ông Vĩ nói ông thường xuyên bị tịch thu điện thoại, nhưng vì phải liên lạc với gia đình ở Việt Nam nên ông phải sử dụng một cách lén lút.
Từ trước đến nay chính quyền của Tổng thống Indonesia Joko Widodo vẫn áp dụng chính sách đánh chìm tàu cá nước ngoài khi các tàu này đánh bắt trái phép trên vùng biển của Indonesia.
Tuần trước, trong chuyến thăm đến Hà Nội, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh cam kết thống nhất giải quyết các vướng mắc nảy sinh ảnh hưởng đến hợp tác thương mại giữa hai nước, đặc biệt các vấn đề liên quan đến việc vi phạm đánh bắt trên Biển Đông, bảo vệ ngư dân và tàu cá.
Tuy nhiên, hôm 25/4, hãng tin AFP đưa tin chính quyền Indonesia vừa bắt giữ hai tàu cá Việt Nam cùng với thủy thủ đoàn ở gần đảo Natuna, tịch thu 300 kg cá và bắt giam tất cả 21 thuyền viên trên tàu.
*************************
Việt Nam khuyến khích ngư dân sản xuất trên vùng biển chủ quyền (RFA, 24/04/2018)
Lệnh dừng đánh cá của Trung Quốc trong vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam là vô giá trị và ngư dân cần bám sát biển sản xuất bình thường, tổ chức thành đoàn, đội khi đi đánh bắt để hỗ trợ nhau trên biển. Mạng báo Tuổi trẻ dẫn thông báo gửi đến các tỉnh, thành phố ven biển của ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam loan tin này hôm 23/4.
Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi trên vùng biển Hoàng Sa nld.com.vn
Thông báo trên được đưa ra sau khi phía Trung Quốc ra lệnh tạm ngừng đánh cá từ ngày 1/5 đến 16/8/2018 trên biển Đông, vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới vùng biển Phúc Kiến-Quảng Đông, kể cả Vịnh Bắc Bộ và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Thông báo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cũng yêu cầu các tàu cá có giấy phép được đánh bắt trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ năm 2017-2018 không sang khai thác tại vùng biển phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ trong thời gian trên.
Lệnh đánh bắt cá trên biển Đông được Trung Quốc đơn phương đưa ra hàng năm. Việt Nam từ trước đến nay vẫn phản đối lệnh cấm đơn phương này.
***********************
Tàu cá ngư dân Quảng Ngãi lại bị hải giám Trung Quốc đâm chìm (CaliToday, 23/04/2018)
Sáu ngư dân trên tàu cá mang số hiệu QNg 90332TS đã về đất liền an toàn nhưng họ vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi bị tàu hải giám Trung Quốc đâm chìm vào ngày 20/4/2018.
Kêu gọi ngư dân bám biển, trong khi bộ đội biên phòng chỉ biết bám bờ và khi tai nạn xảy ra, việc của họ chỉ là có mặt để động viên nạn nhân. Ảnh : Thanh Niên
Khuya ngày 22/4/2018, tàu cá QNg 90592TS của ông Nguyễn Chính (huyện Bình Châu, Quảng Ngãi) đã đưa 6 ngư phủ gặp nạn về đất liền an toàn. Thuật lại sự việc xảy ra, ông Nguyễn Tấn Ngọt, chủ tàu cá QNg 90332TS cho biết, vào sáng ngày 20/4, đang lúc mọi người mãi mê đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa cách đảo Linh Côn khoảng 7 hải lý thì bất chợt hai tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 45103 và 46001 xuất hiện.
Thấy tàu Trung Quốc, ông Ngọt liền kêu con trai tăng tốc bỏ chạy. Chạy được một lúc thì tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị hai tàu hải giám 45103 và 46001 ép sát hai mạn thuyền. Lúc này tàu hải giám của Trung Quốc liên tục đâm, húc vào tàu cá QNg 90332TS liên tục trong vòng một giờ liền làm cho tàu chết mát, bể ván, nước tràn vào thuyền. 5 lính hải quân Trung Quốc mang theo súng nhảy lên tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi để khống chế. Họ bắt buộc ngư dân phải khai tên, nói rõ quê quán và phải lăn tay vào tờ giấy do lính Trung Quốc đưa ra. Bí thế, 6 người dân Quảng Ngãi phải răm rắp tuân theo.
Đe dọa, khống chế trong vòng nhiều giờ 2 tàu hải giám của Trung Quốc mới chịu rút lui. Ông Ngọt kể, lúc này tàu cá chìm dần, cả 6 ngư phủ chỉ còn biết đu bám trên phần mũi tàu đang nhô trên mặt nước. Con ông Ngọt là anh Nguyễn Tấn Hòa nhanh trí dùng bộ đàm để kêu cứu. Tàu cá QNg 90592TS đang đánh bắt cá cách nơi tàu của ông Ngọt bị nạn khoảng 2 hải lý nhưng do thấy tàu hải giám của Trung Quốc rượt đuổi tàu QNg 90592TS thì liền né chạy.
Đến trưa cùng ngày, ông Chính chủ tàu cá QNg 90592TS liền nhận được tín hiệu kêu cứu của tàu ông Ngọt liền tăng tốc đến cứu vớt. Phải chừng hơn một giờ tàu ông Chính mới tiếp cận để cứu 6 ngư phủ gặp nạn. Lúc này, tàu cá QNg 90332TS đã chìm dân, tất cả các ngư phủ tinh thần đều hoảng loạn cực độ.
Ông Chính kể, khi ông đến cứu 6 ngư dân mặt ai cũng trắng bệch. Lúc vớt lên thuyền nhiều người đã xỉu vì mệt và đói. Ông phải nấu cháo cho ăn thì sức khỏe mới dần hồi phục.
Mặc dù giữ được tính mạng nhưng chủ tàu cá QNg 90332TS bị thiệt hại nặng nề, ước chừng hơn 1,5 tỷ đồng. Ông Ngọt rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.
Mặc dù ngư dân nói rõ với bộ đội biên phòng tàu cá của họ bị hải giám Trung Quốc đâm chìm và cả hai chiếc tàu này không hề xa lạ. Tuy nhiên, trên tờ báo Dân Trí vẫn không dám gọi tên tàu hải giám Trung Quốc, mà chỉ nêu số hiệu của cả hai tàu này. Điều này khiến cho độc giả khó lòng biết được ngư phủ Quảng Ngãi bị hại bởi lực lượng nào.
Vào ngày 30/3/2018 cũng chính tàu hải giám mang số hiệu 45103 đâm vào tàu cá Quảng Ngãi QNg 90559TS liên tục trong vòng nhiều giờ. Cùng với việc đâm tàu, hải quân Trung Quốc còn phát loa nói vùng lãnh hải mà ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt thuộc về chủ quyền của Trung Quốc. May mắn hơn 6 ngư phủ trên tàu cá QNg 90332TS, tàu cá QNg 90559TS dù bị đâm nhưng vẫn chạy được về đất liền, thiệt hại ước chừng khoảng 200 triệu đồng.
Còn đối với tàu hải giám mang số hiệu 46001 lại càng rất quen thuộc, vì nó đã hiện hữu trên Biển Đông, vùng biển Hoàng Sa từ nhiều năm nay. Từ năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông tàu hải giám này đã được truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam liên tục đưa hình ảnh đăng tải trên các mặt báo. Vậy nhưng, với chính quyền cộng sản Việt Nam những chiếc tàu hải giám này vẫn là "tàu lạ".
Tàu hải giám 46001 đâm vào tàu cảnh sát biển Việt Nam hồi năm 2014. Ảnh : Tuổi Trẻ
Chỉ tính từ tháng 3/2018 cho đến nay chỉ riêng xã Bình Sơn (huyện Bình Châu, Quảng Ngãi) đã có 10 tàu cá bị hải giám Trung Quốc tấn công, làm thiệt hại tài sản vì đánh bắt trên quần đảo Hoàng Sa.
Từ nhiều năm nay, chính quyền cộng sản Việt Nam liên tục hô hào ngư dân bám biển để bảo vệ chủ quyền. Ngoài việc không có bất cứ phương án hữu hiệu nào để bảo vệ ngư dân thì chính quyền còn tuyên truyền vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong khi theo công hàm do ông Phạm Văn Đồng ký từ năm 1958 đã bán quần đảo Hoàng Sa và vùng biển này cho Trung Quốc.