Nghệ An loại bỏ 16 dự án thủy điện (RFA, 14/12/2018)
Quyết định loại bỏ 16 dự án thủy điện ra khỏi qui hoạch của Nghệ An, nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường, sinh thái và đời sống người dân, được ông Bùi Xuân Hùng, trưởng Phòng Quản Lý Điện Năng trực thuộc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, loan báo hôm thứ Hai ngày 11 vừa qua.
Hình minh họa. Thủy điện Sông Tranh - Photo : RFA
Tin cho hay 16 dự án thủy điện bị loại bỏ phần lớn nằm trên vùng cao có nhiều người dân tộc như Yên Thắng, Bản Khuổi, Khe Bu, Khe Nà, Lưu Kiền, Phà Lài, Suối Cùng, Nậm Típ vân vân… Được biết tổng công suất dự trù tính trên 16 dự án bị loại bỏ này là hơn 46 MW. Riêng dự án Nhà Máy Thủy Điện Xốc Cốp tại xã Yên Thắng, huyện Tương Dương với công suất 4 MW đang được Sở Kế Hoạch Đầu Tư xem xét có nên loại bỏ hay không.
Một giáo viên vùng núi tỉnh Nghệ An, ông Thanh, bày tỏ sự đồng tình, nói rằng việc loại bỏ các thủy điện không chỉ tốt cho vùng nghèo Nghệ An mà còn cho các tỉnh khác :
"Loại bỏ 16 cái dự án mà thực hiện được thì rất tốt. Thực ra cái gì cũng có 2 mặt, nếu đảm bảo được đời sống an sinh cho nhân dân thì chấp nhận, còn bảo là loại bỏ lâu dài mà không đảm bảo được đời sống an sinh thì cũng phải nên cân nhắc lại".
Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường nhận định :
"Rất hoan nghênh về chuyện dẹp đi một số các dự án thủy điện. Trước đây chúng ta cứ nghĩ rằng thủy điện là một cái giải pháp thuộc loại tăng trưởng xanh, tức là không phải dùng nhiệt điện. Thế nhưng trên thực tế và qua quá trình vừa rồi thì thủy điện lại thể hiện rất nhiều nhược điểm, thậm chí còn nặng hơn những dự án có phát thải".
Theo báo chí trong nước, khu vực mạn Tây của Nghệ An là nơi nhà máy thủy điện mọc lên như nấm sau mưa trong vòng hơn thập niên nay. Thực tế cho thấy nội trong 5 huyện mà đã có tới 32 dự án thủy điện với tổng công suất 1.324 Megawatt.
Trong số 32 nhà máy thủy điện đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc đang khảo sát xin phép đầu tư, có 13 nhà máy đang vận hành phát điện, 2 nhà máy đang chạy thử nghiệm, 9 nhà máy đang triển khai thi công, 5 nhà máy đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai. Điểm đáng nói ở đây là hầu hết những công trình thủy điện ở Nghệ An không có hồ điều tiết nước.
Giáo sư tiến sĩ Lê Huy Bá, nguyên viện trưởng Viện Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường, nhận định về mức độ xây dựng và phát triển thủy điện mà ông gọi là chóng mặt của Nghệ An nói riêng :
"Quá nhiều, không cân đối, có một thời kỳ phát triển quá nóng, quá tự do mà không có qui hoạch một cách chắc chắn. Việc quản trị các thủy điện ở mình chưa tốt, chưa có kế hoạch, Bản Vẽ là một thí dụ. Cũng vì quản trị chưa tốt nên thường xảy ra sự cố. Hệ lụy thì đã quá rõ rồi, ngập lụt rồi vỡ đập vỡ đê làm xảy ra lũ quét mà có thể ngày càng nặng nề hơn nữa.
Phải xác nhận một cách đúng đắn là phải có thủy điện chứ không phải là phủ nhận sạch trơn đâu, nhưng vì làm quá nóng, quá nhiều và qui hoạch không tốt, quản lý không tốt, không khoa học dẫn tới tai họa và sự cố".
Dưới mắt nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Đặng Hùng Võ, cái chính của vấn đề vẫn luôn là môi trường, sinh thái và đời sống người dân tại những nơi qui hoạch thủy điện :
"Bởi vì thủy điện thứ nhất là tạo ra sự thay đổi môi trường, đặc biệt hủy hoại môi trường rừng rất lớn. Thường làm thủy điện là phải trữ nước vào các hồ chứa và làm thiệt hại diện tích rừng rất lớn.
Điều thứ hai, đây là dạng trữ nước lại thành túi nước lớn mà nếu không cẩn thận, tức là trường hợp vỡ đập thì tai hại rất lớn. Nhưng ngay cả những trường hợp không vỡ mà điều phối nước, xả nước không phù hợp, thì cũng làm ảnh hưởng tới đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Có ảnh hưởng về tăng trưởng về kinh tế, về điện một chút nhưng lại làm thiệt hại về mặt xã hội cưc kỳ lớn, tác động xấu đến cả câu chuyện bền vững xã hội và bền vững môi trường".
Nói với đài Á Châu Tự Do, ông Cao Đình Triểu, Viện trưởng Viện địa Vật Lý Ứng Dụng, Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam, từng đôi ba lần kiến nghị chính phủ cân nhắc việc xây dựng đập thủy điện trên vùng núi ở Nghệ An nói riêng và các nơi khác ở miền Trung nói chung, cảnh báo những nơi Nghệ An đã, đang và sẽ đưa vào qui hoạch thủy điện đều khá nhạy cảm đối với vấn đề ông gọi là tai biến địa chất.
Nước lũ dân cao ở Nghệ An hôm 31/8/2018. (Ảnh minh họa) Photo : RFA
Còn ông Nguyễn Quang Hòa, nguyên Chi cục trường Chi Cục Thủy Lợi tỉnh Nghệ An, nói rằng nếu mưa lũ lớn đi kèm với công trình không an toàn và bảo đảm sự cố thì sẽ tạo hiệu ứng cực kỳ nguy hiểm là vỡ đập dây chuyền thủy điện bậc thang với tai họa khôn lường.
Thực tế thời gian qua từng xảy ra những vụ vỡ đập thủy điện ở miền Trung gây thiệt hại về nhân mạng vật chất nặng nề cho địa phương.
Chính vì vậy, tiến sĩ Đặng Hùng Võ nhắc lại, quyết định loại bỏ 16 dự án thủy điện ở Nghệ An, dù là những dự án nhỏ chăng nữa, vẫn là một quyết định vô cùng quan trọng :
"Đây là một quyết định dẫn đường cho chiến lược phát triển điện Việt Nam, tức cũng đã đến lúc Việt Nam cần xem xét kỹ chuyện phát triển thủy điện. Tương tự như Lào chẳng hạn, vùng phía Tây Bắc, phía Tây Nghệ An, phía Tây Quảng Nam, Tây Nguyên… là những địa bàn mà thủy điện có tiềm năng phát triển nhưng đồng thời đấy cũng là địa bàn sinh sống bình yên bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số mà thu nhập hiện nay còn đang thấp còn đang nhỏ".
Vẫn theo lời ông, loại 16 dự án thủy điện ra khỏi qui hoạch trong thời gian tới ở Nghệ An là một quyết định mạnh dạn, báo hiệu việc xem xét, chỉnh đốn lại việc phát triển thủy lợi của Việt Nam.
Thanh Trúc
******************
Nạn ‘trai thừa gái thiếu’ Trung Quốc thúc đẩy tệ buôn người Việt Nam (VOA, 14/12/2018)
Các hoạt động buôn người mà nạn nhân là người Việt Nam vẫn phát triển mạnh trước thềm năm dương lịch mới 2019. Theo các nguồn tin tổng hợp, nhiều nạn nhân là những phụ nữ bị lường gạt hoặc lừa tình, rồi bán sang Trung Quốc để bị bóc lột sức lao động, hoặc làm nô lệ tình dục. Trang mạng Asia Times nói một số nạn nhân khác là những thiếu nữ bị dụ dỗ trên mạng hoặc bị bắt cóc ở các chợ, cũng rơi vào cảnh nô lệ "mới". Mặt khác, nhiều người Việt đã chi tiền cho những đường dây buôn người để mong có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở các nước Tây Phương. Báo Local Spain của Tây ban nha hôm 7/12 cho biết Europol-Cảnh sát Châu Âu vừa phá vỡ một đường dây buôn người Việt vào Tây Ban Nha.
Tư liệu : Bích chương chống nạn buôn người (AP Photo/Jae C. Hong)
Theo Asia Times, tại khu vực biên giới giáp ranh với Trung Quốc, nhiều người kể chuyện về những trường hợp phụ nữ bị buôn sang Trung Quốc. Có người có bà con, thân nhân bị bắt cóc, có những bà vợ, những thiếu nữ bỗng dưng mất tích, như trường hợp cô con gái tuổi teen của bà Vũ Thị Định tên Dua, mất tích hồi tháng Hai năm nay cùng với cô bạn thân tên Di ở Mèo Vạc, một huyện nghèo thuộc tỉnh Hà Giang. ở vùng núi non sát biên giới Trung Quốc.
Bà Định đã đi tìm con ở khắp mọi nơi, mang theo ảnh của hai cô gái 16 tuổi, mặc áo đầm trắng và đỏ. Giờ thì bà lo sợ hai cô đã bị bán sang Trung Quốc làm vợ.
"Tôi chỉ mong con tôi gọi về cho biết nó an toàn, chỉ cần nó nói ‘con đi rồi nhưng con vẫn an toàn, xin đừng lo cho con’".
Bà Định chỉ là một trong vô số các bà mẹ có con mất tích, có phần chắc đã bị đưa sang Trung Quốc nơi mà tình trạng trai thừa gái thiếu dẫn tới tệ nạn buôn người.
Vẫn theo Asia Times, nhiều học sinh địa phương kể chuyện về một người chị họ hoặc em họ bị bắt cóc, nhiều người vợ bỗng nhiên biến mất trong đêm.
Nhiều bà mẹ như bà Định và bà Lý thị My, mẹ của Di, lo sợ sẽ không bao giờ được trông thấy con lần nữa. Bà Định không được tin gì về Dua từ khi con gái mất tích. Bà sợ hai cô gái đã bị bán làm vợ hoặc bị đưa vào các động mãi dâm ở Trung Quốc.
Nhiều người mất tích ở sát biên giới Trung Quốc là người Hmong, một trong các nhóm thiểu số nghèo nhất, bị cô lập nhất nước. Những kẻ buôn người thường nhắm vào những cô thiếu nữ tại những ngôi chợ cuối tuần. Một số bị dụ dỗ trên mạng như Facebook, những kẻ xấu đôi khi tán tỉnh các cô nhiều tháng trước khi ra tay, lừa nạn nhân sang Trung Quốc.
Một số người tự nguyện đi vì được hứa hẹn có việc làm tốt, nhưng trong nhiều trường hợp, nạn nhân bị đưa sang Trung Quốc trái với ý muốn.
Asia Times dẫn lời bà Lê Quỳnh Lan thuộc tổ chức phi chính phủ Plan International ở Việt Nam :
"Có người sang Trung Quốc để cố làm việc nuôi thân, nhưng lại rơi vào cái bẫy của những kẻ buôn người".
Bà Lau Thị My, 35 tuổi, giận chồng say rượu, bồng con trai, đi theo một người hàng xóm sang Trung Quốc tìm việc. Người này hứa sẽ giúp bà tìm việc làm tốt nhưng bà bị lừa, bị cách ly với con, và bán đi tới 3 lần, trước khi một người đàn ông Trung Quốc mua đứt bà với 2,800 đôla. Sau 10 năm sống tù túng, bà dành dụm đủ tiền để đào thoát về nhà, nhưng đứa con vẫn bị thất lạc.
Tư liệu - Trụ sở chính của Europol - Cảnh sát Châu Âu ở The Hague, Hà Lan
Asia Times tường thuật rằng theo các số liệu chính thức, Việt Nam có 3000 ca buôn người từ năm 2012 tới năm 2017. Tờ báo dẫn lời bà Lê Quỳnh Lan của Plan International nói con số trên thực tế chắc chắn phải cao hơn thế nhiều.
Mặt khác, nhiều người Việt Nam đã chi tiền cho các tổ chức buôn người để hy vọng có cơ hội làm lại cuộc đời ở các nước Tây Phương, tuy nhiên một số cũng rơi vào tình trạng bị khai thác sức lao động.
Báo Local Spain trích dẫn một phúc trình của Europol, Cảnh sát Châu Âu, cho biết tổng cộng 37 nghi can có dính líu tới đường dây buôn người Việt nam vào Tây Ban Nha đã bị bắt giữ hồi tuần trước sau một trong một chiến dịch kéo dài gần một năm trời.
Báo Tây Ban Nha này cho biết đường dây buôn người này đã đưa lậu 730 người Việt vào Tây Ban Nha. Mỗi người phải trả 18.000 euro, tương đương với 20.471 USD, qua nhiều cách. Một là trả tiền mặt trước, hai là trả bằng đất hoặc tài sản ở Việt Nam, và cách thứ ba là làm việc không lương ở Châu Âu.
Báo địa phương cho biết nhiều người được đưa lậu vào Tây Ban Nha đã bị buộc phải lao động 12 giờ mỗi ngày tại các trung tâm làm móng, phải sống trong các điều kiện vô cùng tệ hại, và không được tự do đi lại. Mỗi ngày họ được đưa tới chỗ làm và đưa về dưới sự giám sát của những kẻ buôn người.
Local Spain cho biết chỉ tính từ đầu năm 2018 tới bây giờ, đường dây này đã thu về 13 triệu euro từ các hoạt động bất hợp pháp đó.