Nhiệt điện Vân Phong, thuộc xã Ninh Phước thị xã Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa do tập đoàn kinh tế Sumitomo Nhật Bản đề nghị đầu tư từ năm 2006, dự tính sẽ tiến hành vào đầu năm 2018 sau nhiều năm hoãn kế hoạch vì nhiều lý do khác nhau. Điều này tạo ra nhiều phản ứng trái chiều, trong đó, sự mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và ô nhiễm môi trường cũng như tái thiết đời sống người dân nơi công trình mọc ra vẫn là vấn đề gây bức xúc nhiều nhất.
Hình minh họa. Nhiệt định Vĩnh Tân - TTVN
Một cư dân tỉnh Khánh Hòa, không muốn nêu tên, chia sẻ : "À nói chung là sẽ có tác hại về bên nguồn nước, vì nó là nguồn nước độc chứ có phải nước trong đâu mà không ô nhiễm, nó ô nhiễm nhiều chứ, nó đủ loại hết, nói ra nó nhiều vấn đề lắm !"
Theo vị này, vấn đề môi trường tại Việt Nam nói riêng và môi trường của địa cầu đang ngày càng xấu đi là chuyện đã đến lúc con người phải biết dừng lại tất cả mọi hành vi xúc phạm đến môi sinh để đảm bảo tương lai không quá xấu.
Hiện tượng cháy rừng, bão lụt, thiên tai dường như có mặt mọi nơi trên thế giới, ngay cả những nơi được xem là thành trì an toàn để tránh thiên tai, dịch họa vẫn bị dính thiên tai trong thời gian gần đây.
Điều này cho thấy trái đất đang nóng dần lên, bầu khí quyển đang ngày càng xám xịt, sức khỏe con người đang ngày càng trở nên tệ hơn và mọi thứ chung quanh con người ngày càng độc hại. Thêm một nhà máy thủy điện mọc ra là thêm một mảng thiên nhiên bị cạo trọc để gắn bom nước, thêm một nhà máy nhiệt điện là thêm một lần lá phổi thiên nhiên phải hưởng khói độc.
Hiện tại, các nhà máy thủy điện, nhiệt điện đã có mặt khắp ba miền Việt Nam nhưng giá điện vẫn không ngừng tăng. Trong khi đó, quĩ đất sử dụng cho nhiệt điện là cả một vấn đề khác đáng bàn. Tại Vân Phong, để xây dựng nhà máy nhiệt điện, phải tốn diện tích hơn 514,79 hecta bao gồm 178,4 hecta khu vực nhà máy, 68 hecta bãi xỉ, nhà ở chuyên gia rộng 3,4 hecta và diện tích mặt nước 265 hecta. Giai đoạn 1, dự án sẽ đầu tư 2 tổ máy với công suất 1.320MW, tổng vốn hơn 2 tỷ Mỹ kim.
Chuyện lời lỗ chưa biết, nhưng mức độ tốn kém diện tích đất và nguy cơ về môi trường là thấy rõ trước mắt. Vấn đề bụi than, xỉ than, nguồn nước sinh hoạt của người dân chung quanh nhà máy sẽ ô nhiễm là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Đó là chưa nói đến nguồn nước sản xuất nông nghiệp sẽ bị nhiễm bẩn về lâu về dài. Trong khi đó, sự khủng hoảng về một nền nông nghiệp sạch của Việt Nam hiện nay là hết sức trầm trọng.
Vị này đặt câu hỏi tại sao trên thế giới, các nước tiến bộ đã bỏ gần hết nhà máy thủy điện, nhiệt điện mà tại Việt Nam, một nước phát triển sau, thừa kế được kinh nghiệm phát triển của thế giới lại chọn những thứ người ta bỏ đi ?
Một cư dân Ninh Hòa, Khánh Hòa không muốn nêu tên, chia sẻ : "Bên nhà nước đưa ra thì người dân phải chấp nhận chứ không chối cãi được vì chúng tôi là dân mà, nhưng người dân yêu cầu nhà nước, chính phủ phải làm sao để khỏi bị ô nhiễm để người dân chúng tôi ở. Vì chúng tôi là người dân gốc từ lúc khai hoang, vậy làm sao chúng tôi di dời được. Vậy nên dân chúng tôi yêu cầu sao đừng ô nhiễm, đừng để tác hại đến chúng tôi, chứ nhà nước ở trên, làm sao dân chúng tôi cãi được".
Ông Hoàng Trung, chủ một đại lý kinh doanh hành tỏi ở Khánh Hòa, chia sẻ : "Trồng ở dưới đó (Ninh Yển) là nhiều nhưng giờ người ta làm nhiệt điện nên giải tỏa khu đó hết rồi. Người dân phải đi mua đất chỗ khác để trồng. Người ta giải tỏa, để họ trồng nhưng họ lấy lại giờ nào không biết, giờ họ lấy hết rồi".
Ông Hoàng Trung chia sẻ thêm về vấn đề đất đai, qui hoạch. Theo ông, hầu hết người Khánh Hòa đều không mong muốn có thêm một nhà máy nhiệt điện hay thủy điện nào trên tỉnh này. Bởi hậu quả của thủy điện, nhiệt điện ở các tỉnh trong thời gian qua cũng quá đủ để người dân lo sợ khi nó xuất hiện.
Bên cạnh đó, quĩ đất canh tác nông nghiệp đang càng ngày càng bị thu nhỏ. Dân số ngày thêm đông đúc, chỉ riêng đất ở không thôi cũng đã là chuyện đau đầu, giờ thêm chuyện đất nông nghiệp thu hẹp và chuyên gia, công nhân ngoại quốc vào Việt Nam ngày càng đông, họ không đơn thuần vào Việt Nam để làm công ăn lương mà họ còn lấy vợ Việt Nam, đẻ con tại Việt Nam và mua đất, làm nhà theo hộ khẩu vợ Việt Nam đang ngày thêm nhiều. Về lâu về dài, đây là câu chuyện không đơn giản.
Theo ông Trung, việc thị xã Ninh Hòa vừa tổ chức cưỡng chế các gia chưa di dời để thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 tại thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa. Ngay sau đó, các gia đình còn lại đã tự nguyện di dời để kịp tiến độ khởi công dự án vào đầu năm 2018. Trong số 340 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án, có 97 trường hợp phải tái định cư.
Các gia đình thuộc diện tái định cư được bố trí về khu tái định cư Ninh Thủy. Tuy nhiên, do khu tái định cư triển khai chậm tiến độ nên đến nay mới chỉ có khoảng 10 gia đình về đây ở. Các gia đình còn lại tự mua đất ở xã Vạn Hưng huyện Vạn Ninh, hoặc xã miền núi Ninh Sơn để tiếp tục làm nghề trồng tỏi… Điều này cho thấy không phải người dân nào cũng chấp nhận hoặc đồng thuận với việc di dời và tái định cư.
Nghề trồng hành, trồng tỏi được xem là nghề mũi nhọn của người dân xã Ninh Phước, khi bị di dời về khu tái định cư chật chội, không còn đất để trồng hành, trồng tỏi, liệu số tiền đền bù có đủ để các gia đình đã nhận đền bù sống, thay đổi công việc và ổn định kinh tế ? Hay là các gia đình này lại rơi vào tình trạng bi đát của rất nhiều gia đình tái định cư tại Việt Nam là công việc không ổn định, đi tứ xứ làm thuê và kinh tế bấp bênh, tương lai mù mịt ?
Dù người dân đồng thuận hay phản đối thì nhiệt điện Vân Phong cũng sẽ tiến hành xây dựng vào năm 2018, điều này giống như thức ăn đã lên mâm lên dĩa, khó mà trả nó về trạng thái nguyên liệu được nữa. Và thêm một lần nữa, lá phổi thiên nhiên và đời sống con người bị đảo lộn do nhiệt điện gây nên.
Phóng viên RFA
*******************
Nhà dân ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau - TTVN
Bão số 16 với tên quốc tế là Tembin sau khi hoành hành tại Phillipines đã hướng vào miền Nam Việt Nam. Và có thể nói rằng miền Nam Việt Nam đã quá may mắn khi bão đi lệch hướng, chuyển sang vịnh Thái Lan. Bởi nếu như bão đổ bộ vào Sài Gòn và Tây Nam Bộ thì mức độ thiệt hại do bão gây ra khó mà lường trước được. Bởi một phần người dân miền Nam không quen chống chọi thiên tai và phần khác, tỉ lệ nhà nghèo, nhà tranh mái lá, nhà lụp xụp ở miệt Tây Nam Bộ nhiều vô kể.
Ông Nguyễn Văn Năm, cư dân thành phố Hà Tiên, một trong những thành phố dự tính bão sẽ đổ bộ, chia sẻ : "Cơn bão đi vô bị lệch, giờ nó lệch xuống vịnh Thái Lan rồi thành ra mưa to với gió thôi nhưng cũng không ảnh hưởng gì nhiều, may, không đến nỗi. Địa phương cũng cho dân quân xuống chằng dây nhà dân, dân nghèo đó mà. Nói chung là giờ này vẫn còn mưa, gió nhiều nhưng giờ dịu rồi. Ai cũng nói là bão vô thiệt hại nặng lắm, may mà gần tới nó đi chệch. Nói chung là không biết có tài trợ gì không nhưng bên nhà nước cũng có cho dân quân đi lại từng nhà, những nhà nghèo đó, nó cho bộ đội chằng dây lại vậy thôi".
Cơn bão số 16 là cơn bão cuối mùa, có thể nói rằng đây là một cơn bão hiếm hoi bởi thời gian xảy ra bão thường dao động từ tháng Bảy đến tháng Chín âm lịch, hoặc cao lắm là tháng Mười. Nhưng bão Tembin hình thành vào tháng Mười Một âm lịch. Và mặc dù nó đã đi lệch sang vịnh Thái Lan, không đổ bộ trực tiếp vào Việt Nam nhưng Tembin cũng làm chìm hơn 20 tàu thuyền trên các bến tại Côn Đảo và làm hư hại nhiều nhà cửa ở khu vực Tây Nam Bộ.
Trước đó, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương của Việt Nam, đã cung cấp những phân tích chi tiết về cơn bão số 16. Theo ông Cường cho biết cơn bão 16 rất mạnh và là cơn bão có kỉ lục hoạt động trên biển Đông. Cấp độ thiên tai là cấp 4 và chưa bao giờ từng ra mức cảnh báo này ở Nam Bộ.
Theo các dự báo trước khi bão đổ bộ của các trung tâm khí tượng trong nước thì tốc độ gió của bão 16 đã chuyển từ cấp 9, lên cấp 12, giật cấp 13 và còn mạnh hơn, sóng biển có nơi cao từ 8m đến 10m. Toàn bộ khu vực vùng biển Trường Sa đến Côn Đảo, vùng ven bờ nước dâng trên 1 mét và có nguy cơ ngập lụt lớn. Và khu vực Đất Mũi, tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và Bà Rịa Vũng Tàu sẽ bị ảnh hưởng rất nặng.
Ở Đất Mũi, Cà Mau, bà Nguyễn Thị Nhung, cư dân xã này chia sẻ : "Cũng nghe mưa dữ lắm mà giờ đỡ rồi, qua rồi. Những người nghèo rồi nhà không chắc chắn là đến trú bão, rồi họ cho mình ăn mì tôm bình thường vậy đó".
Tại xã Đất Mũi, tất cả trẻ em được đưa vào ủy ban nhân dân xã để trú bão. Trong cái rét 20 độ C của vùng giáp biển, bốn bề là biển, nếu bão tiến vào cộng thêm với sóng cao 8 mét đến 10 mét thì khó có thể lường được xã Đất Mũi sẽ nếm thảm họa chừng nào. Bởi hầu hết nhà cửa tại xã Đất Mũi đều tạm bợ, nhà được cất trên nền đất sình hoặc bờ sông. Một khi bão đổ bộ, có thể nói mức độ thảm họa nó để lại cho dân nghèo là không thể tính hết.
Riêng tại huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển, Cà Mau, có thể nói tin bão làm cho người dân mất ăn mất ngủ, thậm chí tuyệt vọng. Bởi nhà cửa ở đây còn rất sơ sài, phần lớn nhà cửa tại huyện Ngọc Hiển là nhà mái lá, vách gỗ tạp hoặc nhà tôn vách lá tuềnh toàng.
Ông Nguyễn Thành Luân, ngư dân, ngụ tại thị xã Hà Tiên, Kiên Giang chia sẻ : "Bão thì mất nhiều lắm, mất người anh tui nè. Bão lớn quá, chạy vào hòn để nấp nhưng không biết chạy sao mà ghe úp xuống rồi mất luôn".
Ông Luân cho biết thêm là người anh trai của ông đã xấu số chết trong trận bão số 16 bởi bị chìm thuyền trong lúc cố gắng bơi vào bờ. Ngoài ra, số lượng hư hại ở các vùng ven Hà Tiên khá nặng nề, chủ yếu nhắm vào các gia đình nghèo, nhà cửa tạm bợ, như chính gia đình ông Luân, ông bị hỏng một số vật dụng do mưa tạt, gió tung. Với những gia đình nghèo như ông Luân, không có thứ tài sản nào quí hơn các vật dụng trong gia đình. Một khi bị thiên tai hoành hành, chỉ còn biết trắng tay.
Ông Luân bày tỏ mong ước :"Tui thì bão thì tui mong ước một căn nhà để vợ chồng tui nương tựa với nhau mùa bão để qua".
Có thể nói rằng hầu hết các gia đình nghèo sống dọc mũi Con Cọp (nơi mà cách đây vài tháng, tình trạng nghêu sò ốc hến và hải sản chết hàng loạt, dạt vào bờ) bị ảnh hưởng bão khá nặng nề. Bởi hầu hết nhà cửa của bà con người Khmer ở đây đều làm tạm bợ, không thể chống chọi nổi với một trận lốc nhẹ. Đời sống của bà con nơi đây nghèo khổ, đắp đổi qua ngày và chẳng có gì ổn định, giờ nhận thêm hậu quả của bão, có lẽ còn rất lâu mới có thể phục hồi !
Ông Lê Xuân Phai, một người dân ở Côn Đảo, chia sẻ : "Chìm tại bến một ít, chủ yếu là chìm tại bến. Khu dân cư thì tôi thấy tạm ổn, đã chuẩn bị dời vào nơi kiên cố hết rồi".
Ông Phai cho biết thêm là hầu hết nhà cửa trên đảo tuy không bề thế nhưng xây dựng kiên cố để tránh gió bão. Nhờ xây dựng chống bão nên không có ngôi nhà nào bị sập hoặc tốc mái. Nhưng cây cối gãy đổ cũng nhiều và có hơn 20 tàu thuyền bị lật, chìm trong bến. Những thuyền nào chưa kịp vào bờ thì có lẽ đã mất tích, phải đợi đến khi bão tan mới đi tìm họ được.
Có thể nói rằng bão Tembin tuy không đi vào trực tiếp miền Nam Việt Nam nhưng nó lại cho thấy một đời sống thực với hàng triệu gia đình khó khăn chồng chất, nghèo khổ và kiệt quệ, nhiều gia đình sống tạm bợ ở khu vực Tây Nam Bộ Việt Nam. Và giả sử có bất kì một trận bão nào đổ bộ vào Tây Nam Bộ, có lẽ hậu quả của nó khó mà lường được.
Phóng viên RFA