298.688 dân phố, dân phòng, công an xã là băng nhóm tội phạm nguy hiểm nhất Việt Nam
Các thành viên của Ban bảo vệ dân phố phường Nguyễn Thái Bình được trang bị đầy đủ các thiết bị khi tham gia phòng chống tội phạm
Bộ công an vừa trình Quốc hội dự thảo thành lập "Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở", đồng thời xin ngân sách số kinh phí lên tới 3.505 tỷ mỗi năm để nuôi lực lượng này. Tuy nhiên tình hình an ninh trật tự ngày càng bất ổn, xã hội ngày càng nhiều tệ nạn. Cho thấy đất nước đang tốn rất nhiều tiền cho một lực lượng kiêu binh vô dụng nhưng vô cùng nguy hiểm này.
Đông nhưng không hiệu quả
Dự thảo do Bộ Công an chủ trì soạn thảo có tên là "Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở". Theo giải trình của bộ công an, tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, công an chính quy tại xã, phường, thị trấn gặp nhiều khó khăn trong quán xuyến địa bàn.
Cùng với nhu cầu tiếp cận để hiểu biết về phong tục, tập quán của địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Nên rất cần lập ra "lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở".
Hiện có 298.688 người đang tham gia hoạt động trong các lực lượng gồm : đội dân phòng, bảo vệ dân phố ; công an xã bán chuyên trách. Tính đến tháng 12/2022, cả nước có 84.721 thôn, tổ dân phố. Mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập tổ bảo vệ an ninh trật tự.
Với dự thảo này, công an đã thừa nhận rằng dù lực lượng chính quy hiện nay đã có mặt khắp nơi, cùng với gần 300.000 dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên vẫn không thể đảm bảo được an ninh xã hội. Trộm cướp, cờ bạc, ma tuý và nhiều tệ nạn khác vẫn diễn ra khắp nơi. Nhưng vẫn chưa có cách nào ổn định xã hội, mà thậm chí càng ngày càng nguy hiểm, tính chất các vụ án càng ngày càng phức tạp hơn.
Kiêu binh : băng nhóm tội phạm nguy hiểm nhất Việt Nam
Cũng theo công an, "lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở" không phải là lực lượng chính quy, do đó không thuộc biên chế nhà nước để được hưởng các chính sách hỗ trợ. Thực chất đây là lực lượng quần chúng do UBND cấp xã thành lập quản lý. Lực lượng này có tính chất hoạt động hỗ trợ lực lượng công an chính quy cấp xã, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở địa bàn cấp xã theo hướng dẫn phân công của công an xã.
Việc lập ra lực lượng này sẽ dẫn đến nguy cơ chồng chéo giữa các bên. Nếu không chuyên nghiệp hoá hoặc có cơ chế rõ ràng cho lực lượng đông đảo này thì càng dẫn tới nhiều hệ luỵ tiêu cực cho xã hội. Cùng với đó là sự nhập nhằng trong phân bổ ngân sách, lương thưởng và các khoản chi phí khác.
Bản chất nhà nước cộng sản Việt Nam là một thể chế độc tài công an trị. Việc luồn sâu vào từng ngóc ngách xã hội để kiểm soát người dân là công thức chung của loại nhà nước này. Để cho công an càng ngày càng mở rộng, tăng cường số lượng, và trao quyền hạn vô tội vạ sẽ dẫn tới tình trạng "kiêu binh". Biến những người vốn có nhiệm vụ bảo vệ an ninh này trở thành tội phạm. Và thực tế, họ chính là lực lượng phạm tội nhiều nhất Việt Nam.
Hiện nay, những người làm dân phòng, dân phố thậm chí cũng không nắm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình khiến cho tình trạng lạm quyền diễn ra khắp nơi. Nhiều trường hợp dân phòng, dân phố lộng quyền, tuỳ tiện chặn xe người đi đường để xử phạt vi phạm giao thông, vi phạm hành chính. Thậm chí có nhiều nơi lực lượng này còn đứng ra thu tiền bảo kê cho các ổ cờ bạc, đá gà, số đề, mại dâm và nhiều hoạt động bất hợp pháp khác tại địa phương.
Thế nhưng một khi bộ trưởng bộ công an Tô Lâm đã quyết tâm thành lập, thì khó đại biểu quốc hội nào dám phản đối. Vì mọi cán bộ cộng sản Việt Nam đều bị bộ công an nắm thông tin, từ chuyện tham nhũng tới tình cảm, gia đình, đời tư. Lên tiếng trái ý Tô Lâm, chẳng khác nào tìm đường chết. Muốn xoá bỏ lực lượng kiêu binh này thì phải tìm cách thay đổi thể chế công an trị. Chỉ có con đường dân chủ hoá Việt Nam thì mới có thể giải quyết tận gốc mọi nan đề hiện nay.
Trước ngày bỏ phiếu "nhất thể hóa", cử tri đòi Tổng bí thư công bố tài sản (VOA, 22/10/2018)
Trong ngày khai mạc kỳ họp của nửa cuối năm 2018, quốc hội Việt Nam hôm 22/10 nghe tờ trình của chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về dự kiến nhân sự để bầu chủ tịch nước.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 7, tháng 5/2018
Không có gì gây ngạc nhiên, theo tờ trình do bà Ngân đọc, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, là người duy nhất được Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề cử để kế nhiệm ông Trần Đại Quang, vị chủ tịch nước đã qua đời cách đây hơn một tháng.
Tường thuật của báo chí trong nước cho hay dự kiến vào ngày thứ hai của kỳ họp, 23/10, quốc hội sẽ bầu tân chủ tịch nước "bằng bỏ phiếu kín".
Giới am hiểu chính trị Việt Nam tin rằng cuộc bỏ phiếu về ông Trọng tại nơi mà họ xem là "quốc hội nghị gật" chỉ có tính chất thủ tục, và người đang đứng đầu đảng cộng sản cầm quyền chắc chắn sẽ được chuẩn thuận để nắm thêm cả chức chủ tịch nước, một động thái thường được gọi là "nhất thể hóa".
Các nhà hoạt động vì dân chủ trong những ngày này đang sử dụng diễn biến chính trị kể trên để chỉ ra sự méo mó của những gì vẫn được chính quyền gọi là nền dân chủ của Việt Nam.
Trên trang Facebook cá nhân có hơn 150.000 người theo dõi, cựu tù nhân lương tâm Lê Công Định, người từng là một luật sư trước khi bị bỏ tù về tội "hoạt động lật đổ", viết vào tối 22/10 : "Là một công dân, tôi ao ước được thật sự cầm lá phiếu bầu Chủ tịch nước của tôi".
Nhà giáo Phạm Toàn, người cũng tích cực góp tiếng nói vì sự tiến bộ, nói với VOA rằng ngay cả khi những người dân được đi bỏ phiếu, trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước, những cuộc bầu cử đều là "vớ vẩn". Ông nói thêm :
"Các cử tri chưa bao giờ biết mình là cử tri và chưa bao giờ biết mình được quyền suy nghĩ gì, đòi cái gì, yêu cầu cái gì".
Nhà hoạt động Lê Công Định bày tỏ quan điểm trên Facebook về bầu chủ tịch nước, 22/10/2018
Tin tức trên truyền thông nhà nước nói quốc hội Việt Nam sẽ công bố "kết quả kiểm phiếu" bầu chủ tịch nước trong buổi chiều ngày 23/10. Tiếp sau đó, vị chủ tịch nước tân cử sẽ làm lễ tuyên thệ.
Vài ngày trước cuộc bỏ phiếu, 85 cử tri chủ yếu là các nhà hoạt động nổi tiếng và những đại diện xã hội dân sự có nhiều ảnh hưởng đã gửi thư yêu cầu ông Nguyễn Phú Trọng, với tư cách là ứng cử viên chức chủ tịch nước, phải "công bố chương trình hành động" và "công khai tài sản".
Thư kiến nghị đề ngày 18/10, có chữ ký của ông Định, ông Toàn, giáo sư Tương Lai, tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhiều cựu quan chức chính quyền, v.v… đề nghị rằng ông Trọng "nêu gương công khai, minh bạch và trong sạch từ chính bản thân mình".
Những người ký kiến nghị đưa ra lập luận rằng việc công khai bản kê khai tài sản là "rất dễ thực hiện", vì theo luật về bầu đại biểu quốc hội, bản kê khai của ông Trọng "đã có sẵn" và "đã được nộp cho các cơ quan tổ chức bầu cử" trong quy trình bầu ông làm đại biểu quốc hội trước đây.
Trong thư, 85 cử tri khẳng định rằng "đòi hỏi" của họ hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, đồng thời cũng "thể hiện nguyện vọng chính đáng và mong muốn mạnh mẽ của cử tri toàn quốc nói chung".
Nhà giáo Phạm Toàn cho VOA biết thêm về ý nghĩa đằng sau bản ký nghị :
"Đây là một sáng kiến của phong trào dân sự. Nghĩa là một phép thử, thế thôi. Tại vì ông ấy cũng sẽ không trả lời, ông ấy sẽ không công khai. Những người cùng với ông ấy cũng không ai công khai cả. Nhưng đây là một phép thử của dân sự để xem xem đại biểu của dân thực sự là cái gì".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đọc tờ trình về bầu chủ tịch nước, 22/10/2018
Đây là lần thứ hai ông Trọng đối mặt với đề nghị từ cử tri về công khai tài sản cá nhân. Cách đây hơn 5 tháng, 70 công dân cũng đã gửi thư yêu cầu ông công bố bản kê khai tài sản cá nhân với tư cách là tổng bí thư đảng, theo một quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam áp dụng với các cán bộ lãnh đạo.
Kể từ đó đến nay, chưa hề có hồi âm từ Tổng Bí thư Trọng về thư kiến nghị thứ nhất đó.
Dự báo về lời kiến nghị hiện nay, nhà giáo Phạm Toàn cho rằng cũng sẽ không có sự hồi đáp và ông xem như điều đó cho thấy "nhà đương cục vẫn có thái độ bất cần".
Hồi đầu tháng này, toàn bộ Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhất trí đề cử Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm chủ tịch nước, một quyết định được xem là "chưa từng có trong lịch sử của Ban Chấp hành".
Báo chí chính thống dẫn lời một số người dân và nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão nói rằng họ ủng hộ mô hình tổng bí thư cũng nắm cả chức chủ tịch nước.
Tuy nhiên, một số người khác, trong đó có luật sư Hà Huy Sơn được nhiều người biến đến, đã bày tỏ ý kiến với VOA hoặc trên mạng xã hội rằng họ lo ngại về sự tập trung quyền lực vào tay một người, và như vậy là "không tốt cho dân chủ và xã hội".
*****************
Việt Nam triệt phá hơn 600 băng nhóm tội phạm trong 3 tháng (RFA, 22/10/2018)
Trong 3 tháng của quý 3 năm nay, công an Việt Nam đã triệt phá hơn 600 băng nhóm tội phạm, bắt xử lý hơn 1.900 vụ và vận động đầu thú hơn 1.100 đối tượng truy nã.
Công an Việt Nam trên đường kiểm tra đường phố - Ảnh minh họa. AFP
Đay là thông tin được Cục cảnh sát hình sự Bộ Công an đưa ra tại hội nghị giao ban công tác quý III/2018 về việc trấn áp các loại tội phạm hính sự, biện pháp phòng ngừa tội phạm và hiệu quả điều tra khám phá các vụ án hôm 22/10.
Truyền thông trong nước dẫn lời phát biểu Đại tá Trần Ngọc Hà cục trưởng cục cảnh sát hình sự cho biết, trong quý III/2018 Cảnh sát hình sự đã bắt hơn 9.000 đối tượng cờ bạc.
Bộ Công an yêu cầu có cơ quan địa phương chuẩn bị phương án trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh từ đây cho đến cuối năm và đặc biệt là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2019 sắp tới.
Cũng vào ngày 22/10, tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã mở phiên tòa sơ thẩm tuyên phạt 9 bị cáo liên quan vụ hơn 64 ha rừng tự nhiên ở huyện miền núi An Lão, Bình Định bị xóa sổ với tổng mức án lên tới 81 năm tù về tội "hủy hoại rừng" theo điều 189 Bộ Luật Hình sự.
Các bị cáo gồm Lê Văn Thiệt, Nguyễn Văn Ri, Lê Hồng Đức, Lê Xuân Hậu, Võ Dần, Văn Ngọc Triển, Nguyễn Cứ, Nguyễn Nguyên Thực và Phan Dễ phải chịu các mức án dành từ 7 năm tù đến 12 năm tù. Các bị cáo liên đới còn bị phạt bồi thường thiệt hại gần 4,8 tỷ đồng.
Tại phiên tòa các bị cáo thừa nhận tội phá họai tuy nhiên tất cả đều khiếu nại rằng mức đánh giá thiệt hại của cơ quan chức năng là quá cao. Luật sự bào chữa cho các bị cáo yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung vì cho rằng giám định thiệt hại chưa chính xác.
Viện kiểm sát nhân dân Bình Định cho rằng căn cứ vào phần thẩm vấn tại phiên tòa thì đủ cơ sở kết tội đối với 9 bị cáo về tội "hủy hoại rừng" và giữ nguyên bản án.
Đây là vụ án phá rừng được xem là lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Bình Định được dư luận quan tâm. Sau khi các phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam phát hiện và phản ánh vụ việc, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu điều tra làm rõ vụ việc nghiêm trọng này.
*****************
Luật Đặc khu sẽ được trình vào lúc thích hợp để đảm bảo An ninh Quốc gia (RFA, 22/10/2018)
Sáng 22/10, trong phiên họp trù bị trước khi khai mạc kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định Luật Đặc khu vào thời điểm thích hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV. Courtesy of chinhphu.vn
Mạng báo VnEconomy dẫn báo cáo nêu rõ, thực hiện nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục chuẩn bị, lấy ý kiến rộng rãi, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội về dự án Luật Đặc khu.
Luật Đặc khu là tên gọi vắn tắt của Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã vấp phải phản đối của người dân từ khi được trình làng tại Quốc hội hồi tháng 6/2018.
Ngày 9/6/2018, Văn phòng Chính phủ bất ngờ ra thông báo quyết định lùi Dự thảo Luật Đặc khu đến kỳ họp kế tiếp vào tháng 10.
Đến ngày 11/6, Quốc hội bỏ phiếu lùi thời gian xem xét, thông qua dự luật này tuy nhiên ở nhiều tỉnh thành trên cả nước người dân vẫn xuống đường phản đối, dẫn đến hàng chục người dân bị bắt giữ, bị xử với các án tù khác nhau.
Một số chuyên gia giải thích sở dĩ người dân phản đối luật này là do luật này sao chép từ Trung Quốc, đã lỗi thời và có nguy cơ bị mất lãnh thổ vào tay láng giềng phương Bắc.
Ngoài ra thời hạn thuê đất lên đến 99 năm đối với các trường hợp đặc biệt cũng là 1 điểm bị người dân phản đối, tuy nhiên sau đó điều này đã bị xem xét lại trong dự thảo.
*******************
Điều tra Vũ "nhôm" nhận 13 triệu USD từ Trần Phương Bình (RFA, 22/10/2018)
Ông Phan Văn Anh Vũ tức Vũ "nhôm" vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra việc nhận 13 triệu USD từ ông Trần Phương Bình nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á.
Ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongA Bank và ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") - RFA edit
Truyền thông Việt Nam loan tin vừa nói ngày 22 tháng 10 năm 2018.
Theo điều tra của công an, trong quá trình điều tra vụ án, đã thu giữ 5 tờ giấy viết tay của ông Đỗ Thanh Hùng, thủ quỹ Hội sở Ngân hàng Đông Á, ghi chép lại các khoản thu chi sai nguyên tắc.
Cụ thể những giấy viết tay này thể hiện trong hơn hai năm, ông Hùng đã xuất chi tổng cộng gần 295 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD cho ông Trần Phương Bình. Sau đó theo đề nghị của Vũ "nhôm", ông Bình đã chuyển gần hết số tiền này cho ông Vũ.
Tại Cơ quan điều tra, ông Bình khai đã chỉ đạo mua hộ Vũ "nhôm" 13,4 triệu USD tương đương 284 tỷ đồng. Đến nay, Vũ "nhôm" vẫn chưa trả khoản tiền mua giùm này.
Theo cơ quan truy tố, Vũ "nhôm" phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền 13,4 triệu USD cho ông Bình để trả cho Ngân hàng Đông Á. Cáo trạng cũng nêu rõ, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sẽ bị xử lý.
Cũng trong ngày 22 tháng 10, tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lên tiếng về biện pháp điều tra, truy tố, xét xử các vụ án phức tạp, như : vụ đánh bạc trên internet, vụ "Vũ nhôm", "Út trọc"…
Theo ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc điều tra các vụ án này giúp thu hồi số lượng tiền, tài sản lớn về cho Nhà nước.
Phan Văn Anh Vũ được cho biết từng là thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ tức Vũ "Nhôm", sống tại Đà Nẵng, bị Cơ quan an ninh điều tra hôm 21 tháng 12 năm 2017, khởi tố và truy nã về tội ‘làm lộ tài liệu bí mật nhà nước’, theo điều 263 Bộ luật hình sự năm 1999. Đến ngày 4 tháng 1 năm 2018, Vũ ‘nhôm’ bị đưa về Hà Nội sau nhiều ngày trốn lệnh truy nã tại Singapore.
Ngày 30 tháng 7 năm 2018, Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên phạt ông Vũ 9 năm tù, sau một ngày xử kín.
Còn ông Đinh Ngọc Hệ tức Út "trọc" là cựu thượng tá quân đội, cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, bị nhà cầm quyền Việt Nam tuyên phạt 10 năm tù giam về tội ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ và 2 năm tù về tội ‘sử dụng tài liệu giả’ trong phiên toà hồi tháng 7 năm 2018.