Nhà máy nước triệu đô ở Bến Tre bỏ hoang, dân phải xài nước sông (Người Việt, 06/07/2018)
Sau 8 năm triển khai, dự án nhà máy Nước Ba Lai, huyện Ba Tri, được đầu tư hàng trăm tỷ đồng vẫn chưa hoàn thành, khiến khoảng 25.000 nhà dân vẫn phải xài nước sông lắng lọc.
Nhà máy nước hơn 16,5 triệu USD bỏ cho cỏ mọc. (Hình : VnExpress)
Theo báo VnExpress, dự án nhà máy Nước Ba Lai, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, có tổng kinh phí 380 tỷ đồng (hơn 16,5 triệu USD), do công ty Nước Sạch Ba Lai làm chủ đầu tư, được cấp phép từ năm 2010 với quy mô hơn 2,7 hécta, nhằm cung cấp nước sạch cho hơn 140.000 người dân 13 xã, thuộc huyện Ba Tri nhiều năm thiếu nước sạch sử dụng.
Tuy nhiên, sau tám năm triển khai, hiện dự án vẫn bỏ hoang. Ngoài hai dãy nhà gạch diện tích hơn 100 mét vuông xây dựng dở dang, xuống cấp, bám đầy rêu mốc, không có mái tôn, cửa, nền gạch, bên trong và ngoài nhà máy cỏ mọc um tùm cao quá đầu.
Ông Nguyễn Quang Thu, bí thư đảng ủy xã Tân Mỹ, cho biết sau khi san lấp mặt bằng và xây một số hạng mục phụ, chủ dự án nhiều lần xin gia hạn rồi bỏ hoang đến nay. "Do chủ đầu tư thiếu nợ đại lý vật liệu xây dựng và tiền lương công nhân, nên họ đến tháo mái tôn, cửa sổ, lấy xi măng trừ nợ", ông Thu nói.
Ông Trịnh Văn Mạng, người dân sống gần dự án, cho biết nhà máy xây ì ạch, bỏ hoang, nên nhiều năm qua, một số người dân địa phương phải mua nước xài rất đắt. Do điều kiện khó khăn, nên gia đình ông phải hứng nước mưa dự trữ sử dụng.
Nhiều nhà dân tại Ba Tri vẫn phải múc nước sông, rồi lọc lại sử dụng. (Hình : VnExpress)
"Mùa khô, nước mưa cạn kiệt, gia đình tôi phải múc nước sông đổ vào lu rồi dùng phèn lắng lọc, giờ nước sông bị ô nhiễm thuốc trừ sâu, xác động vật nên rất lo cho sức khỏe", ông Mạng lo lắng nói.
Nói với báo VnExpress, ông Trần Quốc Khánh, trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Ba Tri, cho hay do chủ đầu tư nhiều lần xin gia hạn nhưng không tiếp tục triển khai dự án, nên huyện đã đề nghị ủy ban tỉnh Bến Tre rút giấy phép, chuyển giao cho một chủ đầu tư khác.
"Chủ đầu tư mới cam kết sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng nhà máy trong ba năm tới. Rút kinh nghiệm từ nhà đầu tư cũ, chúng tôi sẽ thường xuyên giám sát dự án, thúc đẩy tiến độ công trình, tránh việc thi công ì ạch rồi lại bỏ", ông Khánh nói.
Tin cho biết, huyện Ba Lai hiện có khoảng 25.000 nhà dân vẫn chưa có nước sạch sử dụng. Hồi năm 2016, đợt hạn mặn nghiêm trọng nhất lịch sử tại Bến Tre gây ra tổng thiệt hại ước tính gần 1.500 tỷ đồng (hơn 65,1 triệu USD).
Tại Ba Tri, 20.000 nhà dân bị thiếu nước tiêu dùng, 12.000 hécta lúa và hoa màu các loại bị ảnh hưởng, trên 200 cơ sở kinh doanh bị đình trệ. (Tr.N)
**************
Vụ quăng bom vào trụ sở công an là do bất bình trước việc người biểu tình bị tra tấn, đánh đập (CaliToday, 06/07/2018)
Ngày 5/7, công an thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức một buổi họp báo để cung cấp tin tức về việc bắt giữ 7 người liên quan đến vụ gây nổ tại công an phường 12, quận Tân Bình. Theo công an, những người này sẽ bị chia thành 2 nhóm để khởi tố theo hai tội danh : Khủng bố chống chính quyền nhân dân và mua bán trái phép chất nổ.
Những người liên quan đến vụ án. Ảnh : NLD
7 người bị bắt gồm : Nguyễn Khanh (54 tuổi), Nguyễn Tấn Thành (28 tuổi, con trai ông Khanh), Dương Bá Giang (47 tuổi, cùng ngụ tỉnh Đồng Nai), Vũ Hoàng Nam (22 tuổi, ngụ quận Tân Bình, Sài Gòn), Nguyễn Trung Trực (36 tuổi) Nguyễn Minh Nhật (27 tuổi) và Nguyễn Khắc Sinh Nhật (37 tuổi, cùng ngụ tỉnh Đắk Nông).
Như chúng tôi đã đưa tin từ trước, vào khoảng 14h ngày 20/6, tại trụ sở công an phường 12, quận Tân Bình đã xảy ra vụ nổ khiến 3 người bị thương, trong đó có 1 cán bộ công an làm ở bộ phận tiếp dân.
Theo phía công an cho biết, có đến 2 quả bom đã được quăng vào trụ sở công an làm cho cửa chính, phòng họp của trụ sở công an vỡ nát, 4 xe máy bị hư hỏng nặng nề.
Sau khi vụ nổ xảy ra, công an Hồ Chí Minh liền tung lực lượng tinh nhuệ nhất vào cuộc. Sau một thời gian, công an đã tìm ra được đầu mối là cha con nhà ông Nguyễn Khanh. Phía công an cáo buộc ông Khanh là người đứng đầu, tổ chức vụ nổ bom tại trụ sở công an phường 12. Bên cạnh đó, họ còn vu cáo ông Khanh cùng con tham gia tổ chức "Triều đại Việt Nguyễn".
Trong đoạn clip ghi hình ông phó giám đốc công an thành phố Hồ Chí Minh, thiếu tướng Phan Anh Minh nói những người tham gia vụ khủng bố đều là người Công giáo. Không rõ với lối nói này ông Minh có muốn cáo buộc những người Công giáo chế độ hay không.
Buổi họp báo có cả ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư và Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch thành phố tham dự. Tại đây, ông Phan Anh Minh cho biết, trước đây trong đợt Quốc hội lấy ý kiến người dân để xây dựng Hiến pháp, ông Nguyễn Khanh đã công khai ý kiến phản đối điều 4, không đồng ý với việc độc tài cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam. Chính từ đó, công an vu cáo ông Khanh đã bị các tổ chức nước ngoài, trong đó có Chính phủ lâm thời Việt Nam Cộng Hòa do ông Đào Minh Quân lôi kéo.
Hiện trường vụ nổ. Ảnh : VnExpress
Bên cạnh việc vu cáo ông Nguyễn Khanh và con trai bị lôi kéo tham gia các tổ chức ở nước ngoài, công an còn nói các tổ chức này còn hứa hẹn, phong chức tướng cho cha con ông Khanh nếu vụ quăng bom thành công. Tướng Minh nói rằng, việc ông Khanh tham gia các tổ chức chống đối chính quyền là do "ít học" (ông Khanh chỉ học đến lớp 5). Song song với đó, chính tướng Minh cũng thừa nhận những người thực hiện vụ quăng bom vào trụ sở công an là vì bất bình trước việc công an thành phố Hồ Chí Minh tra tấn, đánh đập tàn nhẫn những người biểu tình trong hai ngày 10/6 và 17/6.
Trong khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, ông đi đến đâu cũng thấy cán bộ được người dân tin tưởng, yêu mến, thì ngay tại cuộc họp ngày 5/7, tướng Phan Anh Minh cho biết trong quá trình điều tra về vụ quăng bom, ông phát hiện ra rất nhiều nhà riêng của lãnh đạo địa phương bị những người này chuẩn bị ném bom. Rất may đã ngăn chặn kịp thời.
Dù đã bắt 7 người liên quan đến vụ án mà công an Hồ Chí Minh cáo buộc "khủng bố", nhưng vẫn còn 3 người chưa bắt được. Hiện tại, cơ quan có trách nhiệm vẫn tiếp tục truy bắt.
Trong khi phía công an và chính quyền nhận định việc quăng bom vào trụ sở công an là một vụ khủng bố, thì rất nhiều người dân lại cho rằng đó là một vụ do công an dàn dựng nhằm thực hiện một số mưu đồ.
Người Quan Sát
***************
Hà Nội xét xử Trịnh Xuân Thanh, Tòa Berlin nói không có giá trị và bác bỏ (CaliToday, 06/07/2018)
Mật vụ người Việt Nam ông Nguyễn Hải Long, nghi can trong vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin (Đức) vào hôm ngày 4/7/2018, bị Tòa thượng thẩm Berlin bác bỏ yêu cầu được tại ngoại hầu tòa. Trong một diễn biến khác, một tham tán Đại sứ quán Việt Nam cho báo đài được biết là phía Việt Nam thừa nhận có vụ bắt cóc xảy ra…
Trịnh Xuân Thanh. Ảnh : Soha
Vẫn như thường lệ là theo tường thuật của nhà báo Lê Trung Khoa-Chủ trang Thoibao.de, tại phiên xử ngày 4/7/2018 Tòa thượng thẩm Berlin-CHLB Đức đã bác bỏ lời đề nghị cho mật vụ người Việt Nam ông Nguyễn Hải Long, nghi can trong vụ án Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin vào ngày 23/7/2017. Trước đó, phiên xử vào ngày 22/6/2018 luật sư của ông Long đã đưa ra lời đề nghị tại Tòa mang tính bước ngoặc là để ông Long được tại ngoại để hầu tòa.
Theo những tường thuật của nhà báo Trung Khoa thì phiên xử vào ngày 4/7, Bà thẩm phán của Tòa thượng thẩm Berlin đã đưa ra những giải thích cũng như những lý do để bác bỏ lời đề nghị tại ngoại cho ông Long mà luật sư của ông Long đã đưa ra tại phiên xử trước đó gồm 4 lý do :
Lý do thứ nhất : Phía Đức cho rằng đây là loại hình tội phạm rất nghiêm trọng, liên quan đến an ninh quốc gia của Đức bởi vì một nước đột nhập vào nước Đức, dùng mật vụ để theo dõi và cướp người đây là tội rất nặng nên Tòa không cho phép ông Long tại ngoại để hầu tòa.
Lý do thứ hai : Qua vụ án này, cho thấy ông Long là một nghi phạm rất quan trọng, ông ta đã vi phạm nhân quyền không chỉ của Đức mà còn của quốc tế trong việc tước đoạt tự do của người khác.
Lý do thứ ba : Tòa đưa ra với những phân tích vụ án bắt cóc không chỉ liên quan đến Trịnh Xuân Thanh mà còn liên quan đến tình hình chính sự Việt Nam, liên quan hai phe thân Phương Tây và phe thân Tàu Cộng trong nội bộ cộng sản Việt Nam.
-Theo đó, Tòa thượng thẩm Berlin có ra thông báo những phiên Tòa xét xử ông Thanh ở Hà Nội là không có giá trị bởi vì ông Thanh đã bị tước đoạt tự do, bị đưa về Việt Nam bằng còn đường bất hợp pháp cho nên tất cả những phiên xử ông Thanh ở Việt Nam hoàn toàn không đúng theo thủ tục pháp lý, sai cả phần tố tụng hình sự ở Việt Nam cũng như ở quốc tế mà cụ thể ở đây là Đức. Vì vậy, nội dung những phiên tòa xét xử ông Thanh tại Hà Nội đã bị phía Đức hoàn toàn bác bỏ, không có giá trị đối với phía Đức.
– Tiếp nữa, Bà thẩm phán tại Tòa thượng thẩm Berlin nói tại phiên xử ngày 4/7 rằng ; ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay thực ra đã dùng chiêu bài chống tham nhũng để tiếp tục loại bỏ những đối thủ chính trị của ông ta ở Chính phủ cũ mà trước đây có những đường lối có thiên hướng đổi mới mở cửa quốc tế, thân Phương Tây theo hướng dân chủ nhà nước pháp quyền. Sau Đại hội Đảng XII, ông Trọng đã thắng thế, phe thân Tàu Cộng đã mạnh hơn nên tìm mọi cách lôi kéo, loại bỏ những người thân Phương Tây, họ đã đưa những thông tin để tìm cách buộc tội những người trước đó thân với Chính phủ cũ, tất nhiên trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh. Theo Bà thẩm phán nói trong phiên xử đây là cuộc chiến quyền lực trong nội bộ cộng sản Việt Nam và nó đã lan đến Đức bằng hình thức ngang nhiên đến Đức để bắt cóc công dân của mình. Ông Long là một trong những nhân chứng quan trọng nên Tòa đã không chấp nhận cho ông Long tại ngoại hầu tòa.
Lý do thứ tư : Ông Long hiện nay được biết là có quốc tịch Việt Nam cho nên việc ông Long có thể trốn chạy về Việt Nam bất cứ lúc nào là điều rất dễ. Vì vậy, Tòa không thể đồng ý cho ông Long tại ngoại hầu tòa. Cũng như trong phiên xử, Bà thẩm phán đã để ý thấy vợ của ông Long rất thân thiết với con gái ông Đào Quốc Oai bởi vì họ cùng đến tòa để tham dự phiên xử và có tham gia ở những phiên xử trước cho nên điều này chứng minh một điều rằng ; nếu như ông Long trốn về Việt Nam thì rất có thể được gia đình ông Đào Quốc Oai (hiện được cho là đang trốn ở Việt Nam) sẽ hỗ trợ cho ông Long.
Chính vì bốn lý do trên, luật sư của ông Long đưa đề nghị Tòa cho ông Long được tại ngoại hầu tòa đã bị phía Tòa thượng thẩm Berlin bác bỏ và Tòa vẫn tiếp tục xét xử cho đến cuối tháng 8/2018.
Riêng trong tuần này, theo dự kiếnTòa thượng thẩm Berlin chỉ mở mỗi phiên xử ngày 4/7 trong vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh nhưng do có nhiều nhân chứng tiếp tục được ra Tòa để khai báo nên Tòa quyết định sẽ tăng thêm hai phiên xử là phiên xử ngày 5/7 và ngày 6/7 để những nhân chứng tiếp tục ra khai báo đặng cuộc điều tra và xét xử vụ án ông Nguyễn Hải Long diễn ra đúng kỳ hạn, đúng kế hoạch đề ra.
Trong một diễn biến khác, cũng thông tin từ nhà báo Trung Khoa thì vào ngày 30/6/2018, trong một họp báo, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức là ông Nguyễn Hữu Tráng đã trả lời câu hỏi liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc vào ngày 23/7/2017 tại Berlin và liên quan đến ngoại giao giữa Việt Nam - Đức ? Tham tán Tráng đáp, về tổng thể mà nói có nhiều việc rất đáng tiếc xảy ra và việc đó nhiều khi nó không nằm trong chủ trương mong muốn của các Nhà nước hay của bất kỳ ai cả. Nó xảy ra như thế là nó xảy ra.
"Bây giờ tôi có thể nói với các anh, các chị là Chính phủ của hai nước hiện nay từ cuối tháng 12 năm ngoái (2017) đã có thỏa thuận về lộ trình để mà có thể xử lý vấn đề này đưa quan hệ hai nước trở lại bình thường. Về cơ bản, cho đến nay cả hai bên đều trao đổi thẳng thắn với nhau, phía Việt Nam cũng đáp ứng một số yêu cầu mà phía Đức đưa ra. Đặc biệt, trong những thỏa thuận vào tháng 12 năm ngoái, phía Việt Nam có thỏa thuận là không công khai, không nói công khai về chuyện này nữa…" - Lời của Tham tán ông Nguyễn Hữu Tráng.
Như vậy, dù Tham tán Nguyễn Hữu Tráng không nói thẳng ra là Việt Nam có thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh nhưng qua những phát biểu trước báo đài, dư luận đã hiểu là Việt Nam đã thừa nhận vụ bắt cóc và đã có những thỏa thuận ngoại giao là không công khai.
Quê Hương