Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vì sao cần tìm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm ? (BBC, 04/05/2018)

Tin về tấm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm "bị thất lạc" làm nổi bật vấn đề chưa giải quyết : chuyện các hộ dân khiếu nại rằng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hồi đất "nằm ngoài quy hoạch".

bando1

Bản chụp một tấm bản đồ mà ông Lê Văn Lung nói là bản đồ quy hoạch 1996

Dư luận Việt Nam đầu tháng 5 đang quan tâm việc chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh công khai thừa nhận "chưa tìm thấy" bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm kèm theo Quyết định số 367/QĐ-TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng.

Bản đồ quy hoạch này được xem là tài liệu quan trọng để giải quyết khiếu nại kéo dài của nhiều hộ dân bị thu hồi đất trên phạm vi đất đai thuộc quy hoạch.

Truyền thông Việt Nam cho hay tới nay 15.000 hộ dân đã được di dời khỏi bán đảo Thủ Thiêm, với chi phí 30.000 tỉ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư.

Nhưng còn không ít hộ dân tiếp tục khiếu nại, và yêu cầu chính quyền cung cấp tấm bản đố 1996 để xác định ranh.

'Bản chụp có dấu đỏ'

Nói chuyện với BBC hôm 4/5, một người dân khiếu nại, Lê Văn Lung, nói rằng ông chưa nhìn thấy bản đồ quy hoạch gốc kèm theo quyết định của Thủ tướng năm 1996 nhưng ông nói ông có "bản chụp có dấu đỏ".

Ông Lung là một trong những người dân khiếu kiện cho rằng đất của họ đã bị cưỡng chế mặc dù không nằm trong diện quy hoạch.

Ông kể lại rằng nhà của ông bị chính quyền địa phương đưa vào diện quy hoạch năm 2009.

"Nhưng chính quyền không đưa ra được bản đồ quy hoạch, mà chỉ cho người dân xem bản đồ thu hồi đất".

"Chúng tôi cho rằng họ đã vẽ rộng hơn bản đồ quy hoạch, và lại giấu đi bản đồ quy hoạch".

bando2

Một phần tấm bản đồ mà ông Lê Văn Lung nói là bản đồ quy hoạch 1996

Ông Lung cho biết khu đất của ông bị cưỡng chế tháng 11/2012.

"Tổng cộng tôi được đền bù hơn 6 tỷ. Tiền đền bù chỉ khoảng 3 triệu, họ cho thêm tiền hỗ trợ khoảng 16 triệu cho một mét vuông, nhưng chỉ hỗ trợ cho 200 mét vuông trở lại".

Tuy số tiền có vẻ cao, nhưng ông Lung nói "giá không hợp lý, vì thời đó cũng phải 70, 80 triệu mét vuông, giờ thì đã là 200 triệu".

Ông Lung nói kể từ khi đi khiếu kiện, ông bắt đầu "thu thập các loại bản đồ", và khoảng 4 năm trước, ông khẳng định đã có "bản chụp có dấu đỏ" tấm bản đồ quy hoạch năm 1996.

bando3

Ông Lê Văn Lung nói ông thu thập nhiều bản đồ từ khi khiếu kiện

Tuy nhiên, hôm 3/5 nói với báo Dân Trí, ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ), khẳng định không có bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, vì Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng không có.

"Tất cả các nơi đều không có bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Bây giờ phải tìm biện pháp xử lý cho người dân thôi. Sai đâu nhận đấy", ông Điệp nói.

Ông Điệp xác nhận một số hộ dân khiếu kiện "có một số bản đồ photo thể hiện nằm ngoài quy hoạch ; rồi chuyện thu hồi quá quy hoạch".

Ông Điệp nói : "Thành phố Hồ Chí Minh cứ bảo có quy hoạch, nhưng hỏi bản đồ đâu thì không có".

"Chúng tôi đã đối thoại với Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, họ xác định là không tìm thấy".

Ông Điệp cũng cho biết hiện tại còn hơn 100 hộ dân đang tiếp tục khiếu nại, có đoàn ở Hà Nội tới 4-5 tháng để đòi giải quyết.

Nói với BBC, ông Lê Văn Lung cho biết sau các khiếu nại chưa ngã ngũ, hiện thời nhiều khu đất liên quan được yêu cầu "giữ nguyên hiện trường chờ giải quyết".

"Như khu của tôi, nhà thì họ đã phá, nhưng còn đất mặt bằng trống thì đang để đó, chính quyền không làm gì", ông Lung mô tả.

Vẫn cần bản đồ 1996 ?

Trong diễn biến khác ngày 4/5, truyền thông Việt Nam đưa tin dự án mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt năm 1996 đã từng được điều chỉnh vào năm 2005.

Báo Thanh Niên mô tả một Quyết định số 6565 ngày 27/12/2005 do Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua ký, đã duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000.

Quyết định này nói : "Quyết định này thay thế Quyết định 367/TTg ngày 4 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ".

Chi tiết này dường như trùng hợp ý kiến của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng ngày 3/5 nói rằng bản đồ Thủ Thiêm bị thất lạc đã hết hiệu lực.

Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 3/5, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nói : "Đô thị mới Thủ Thiêm được điều chỉnh hai lần, lần đầu tiên là quy hoạch chung năm 1996 và lần thứ hai là điều chỉnh quy hoạch năm 2005. Như vậy ở Thủ Thiêm có nhiều bản đồ".

Ông Hùng cho hay quá trình triển khai dự án, xác định ranh giới, thu hồi mặt bằng,... của khu đô thị Thủ Thiêm đều thực hiện trên quy hoạch chung được phê duyệt năm 2005.

"Tất cả bản đồ có căn cứ pháp lý từ 2005, như bản đồ quy hoạch chung, chi tiết, xác định ranh giới hiện giữ đầy đủ, việc triển khai dự án, thu hồi đất là dựa trên cơ sở các bản đồ này".

"Bản đồ thất lạc là bản đồ quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996, về pháp lý đã được thay thế bởi quy hoạch chung năm 2005".

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của BBC, quyết định số 6565 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh năm 2005 đã từng bị phê phán hơn 10 năm trước đây.

Trong quá trình tìm lại tư liệu về Thủ Thiêm, BBC tìm thấy bài báo ngày 30/11/2007 trên báo Tiền Phong trong loạt bài điều tra của tờ này về khu đô thị Thủ Thiêm.

bando4

Bài báo điều tra năm 2007 của tờ Tiền Phong

Bài viết của nhà báo Hà Phan trên Tiền Phong khi đó nói : "Trước đây, một nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh từng ra quyết định số 6565…'thay thế quyết định 367/TTg của Thủ tướng' rồi lại tiếp tục ra quyết định số 6566 ký cùng ngày lại căn cứ vào quyết định của Thủ tướng mà vị Phó Chủ tịch này đã 'vượt quyền' ra quyết định thay thế !"

Đáng chú ý, bài báo năm 2007 khi đó nói rằng vào ngày 7/11/2007, UBND Thành phố Hồ Chí Minh "đã phải ra một quyết định 'sửa sai' các điều trên nhưng gần 2 năm qua, bao nhiêu việc liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm đã căn cứ vào quyết định 'vượt quyền' mang số 6565, 6566 để thực hiện thì sẽ sửa sai ra sao ?"

Như thế, một câu hỏi đặt ra là liệu phải chăng việc "truy tìm" bản đồ quy hoạch 1/5.000 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm kèm Quyết định 367 của Thủ tướng năm 1996 là vẫn có ý nghĩa pháp lý ?

**********************

Mất hay không có bản đồ Khu đô thị Thủ Thiêm ? (BBC, 04/05/2018)

Dư luận Việt Nam xôn xao việc không tìm thấy bản đồ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm, vốn là căn cứ để xác định quyền lợi về đất đai của hàng chục ngàn hộ dân.

bando5

Nhiều khu đất vàng tại Thủ Thiêm được giao bán đấu giá thời gian gần đây

Bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị Thủ Thiêm, đi kèm Quyết định 367 được xem là "chìa khóa" giải quyết chuyện khiếu nại, khiếu kiện của người dân ở Thủ Thiêm kéo dài nhiều năm qua.

Để đầu tư xây dựng 'siêu dự án' Khu đô thị Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh giải tỏa gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, di dời khoảng 15.000 hộ dân, huy động gần 30.000 tỷ đồng chi trả bồi thường, tái định cư.

Cũng từ đó, khiếu nại của người dân ở khu vực này phát sinh, mấu chốt nằm ở việc xác định ranh giới quy hoạch, theo truyền thông Việt Nam.

Mất hay không có ?

Thông tin thất lạc bản đồ Khu đô thị Thủ Thiêm năm 1996, tỷ lệ 1/5000, được cho là 'bùng lên' sau cuộc họp báo thường kỳ của UBND Thành phố Hồ Chí Minh ngày 2/5.

Tại họp báo, khi phóng viên hỏi "Bản đồ đi kèm Quyết định 367 về quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ hiện nay đang ở đâu ?", người chuyên quản lý việc vẽ bản đồ - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết đến giờ vẫn tìm chưa ra bản đồ này.

"Thành phố đã chỉ đạo các sở - ngành rà soát lại từng nguồn, đơn vị tư vấn trước đây và cũng có văn bản hỏi các bộ - ngành trung ương nhưng đến giờ vẫn chưa tìm thấy", báo Dân Việt trích lời ông Nhã.

Sau đó, trong buổi họp báo chính phủ thường kỳ ngày 3/5, Bộ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định Thủ Thiêm có rất nhiều bản đồ và cái bị mất là bản đồ quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996. Hiện nay việc triển khai quy hoạch Thủ Thiêm đang được thưực hiện dựa trên bản đồ chi tiết hơn, tỷ lệ 1/2000.

Cũng theo ông Hùng, đô thị mới Thủ Thiêm đã điều chỉnh quy hoạch hai lần vào năm 1996 và 2005. Hiện quá trình triển khai dự án, xác định ranh giới, thu hồi mặt bằng là theo quy hoạch chung 2005 và "quy hoạch này vẫn còn".

Thế nhưng ông Nguyễn Hồng Điệp, trưởng Ban tiếp công dân trung ương (Thanh tra Chính phủ) trả lời báo Dân Trí ngày 3/5 là bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm tỉ lệ 1/5000 kèm theo quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng này "Làm gì có mà tìm !".

Ông Nguyễn Hồng Điệp còn cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm trả lời sòng phẳng, thẳng thắn với người dân là không có bản đồ quy hoạch khu Thủ Thiêm 1/5000, vì Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước cũng không có tấm bản đồ này.

Theo Dân Việt, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thực ra đã phát hiện chuyện mất bản đồ khu đô thị Thủ Thiêm từ hồi cuối tháng 11/2017 khi ông làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh. Tại cuộc họp đó, giới chức thành phố báo cáo "các sở ngành liên quan đều không tìm thấy" [bản đồ].

'Phải có nhiều nơi lưu trữ'

Kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng phải có nhiều nơi lưu trữ bản đồ quy hoạch 1/5000. Chẳng hạn như Văn phòng Chính phủ, Cục Văn thư và lưu trữ - nơi lưu những văn bản và tài liệu kèm theo do Thủ tướng ban hành, hoặc Văn phòng Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh, nay là Sở Quy hoạch Kiến trúc, và ngay tại văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Dân Việt, bản đồ này thực ra đã được đăng trên báo Lao Động, công khai ở địa phương bị thu hồi đất từ năm 1996.

Hiện nay, hàng chục người dân xin được bản sao ở Chi cục Văn thư lưu trữ, dấu mộc đỏ chót.

Ông Lê Văn Lung, người đi khiếu nại về đất đai 20 năm qua, được báo Dân Việt trích lời : "Họ [chính quyền] cần chúng tôi sẽ cho không. Nhưng không có bản đồ thì làm sao mà thu hồi đất. Họ sợ lộ vụ Thủ Thiêm nên thủ tiêu thôi chứ mất sao được !".

'Chuyện lạ'

Trả lời Zing.vn, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khẳng định việc thất lạc bản đồ quy hoạch 1/5000 khu đô thị mới Thủ Thiêm là 'chuyện lạ', làm nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp.

Ông Hùng nói căn cứ vào bản đồ, đơn vị thực hiện dự án xác định được hạng mục bên trong dự án. Cụ thể, đâu là khu vực làm đường đi, đâu là khu làm nhà, trường học… và ranh giới giữa các khu này.

Thất lạc bản đồ 1/5000 đồng nghĩa với không còn cơ sở để bố trí mặt bằng cụ thể, chỉ còn phần thuyết minh bằng lời cho dự án. Trong tình huống này, rất dễ xảy ra tranh chấp vùng giáp ranh giữa dự án với đất của dân cư sống xung quanh. Hơn nữa, mất bản đồ có thể dẫn đến thực hiện sai quy hoạch.

"Một dự án lớn hàng trăm ha, hàng chục nghìn tỷ đồng mà Thành phố Hồ Chí Minh để thất lạc bản đồ quy hoạch 1/5000 gốc, tôi cho rằng đó là chuyện rất lạ và vô lý", ông Võ bình luận trên Zing.vn.

Trao đổi với Lao Động, kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay, ông đang thắc mắc không hiểu quá trình bàn giao thế nào lại để thất lạc bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.

"Tôi thắc mắc, tại sao người dân lại biết mình không nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm ? Tôi phỏng đoán phải có người đang giữ bản quy hoạch gốc đó, rồi báo cho người dân biết, bởi đến tôi còn không nhớ nữa là", ông Vạn nói.

Căn cứ nào triển khai dự án Thủ Thiêm ?

Theo VnExpress, quyết định 367 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm căn cứ vào cơ sở pháp lý là nghị định 91 ngày 17/8/1994 của Chính phủ (về việc ban hành điều lệ quản lý quy hoạch đô thị).

Tuy vậy, việc không có bản đồ quy hoạch kèm quyết định trên đã khiến khiếu nại của người dân liên quan đến dự án này chưa có điểm dừng.

Hiện khiếu nại của hơn 60 hộ dân liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa giảm độ nóng.

Nguyên nhân chính là các hộ dân cho rằng đất của họ không thuộc diện tích dự án Thủ Thiêm, nhưng vẫn bị thu hồi và không có quyết định thu hồi, không bồi thường thỏa đáng.

************************

‘Chuyện lạ’ ở Sài Gòn : Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm ‘bị thất lạc’ (Người Việt, 03/05/2018)

Hôm 3 tháng Năm, người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam tiếp tục bàn tán về "chuyện lạ" là nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn công bố "cơ quan chức năng chưa tìm ra bản đồ quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm bị thất lạc".

bando6

Nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn phải mất 10 năm giải tỏa, di dời khoảng 15.000 hộ dân ở bán đảo Thủ Thiêm để xây khu đô thị mới. (Hình : Báo Zing)

Đây là bản đồ quy hoạch gốc 1/5,000, nghĩa là cứ 1 mm trên bản đồ thì tương đương 5 mét ngoài thực địa.

Do vậy, tấm bản đồ này được cho là văn bản pháp lý về quy hoạch dự án khu đô thị này, đồng thời cũng là cơ sở để giải quyết hàng loạt vụ tranh chấp, khiếu kiện đất đai diễn ra trong suốt 20 năm qua đến việc xác định ranh quy hoạch tại bán đảo Thủ Thiêm.

Luật sư Nguyễn Đức được báo Tuổi Trẻ hôm 3 tháng Năm dẫn lời : "Việc thất lạc tấm bản đồ quan trọng này xảy ra ở các sở ngành và văn phòng Ủy Ban Nhân Dân thành phố Sài Gòn là chuyện khó hiểu, còn nếu nói cả các bộ và Văn Phòng Chính Phủ cũng mất thì không bình thường".

Ông Đức đề nghị Bộ Công An "vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc mất tài liệu đặc biệt quan trọng này và xử lý các cá nhân có liên quan".

Tuy vậy, trong cuộc họp báo chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều 3 tháng Năm, Thứ trưởng Bộ xây dựng Lê Quang Hùng được các báo "lề phải" ghi nhận phát biểu : "Theo quy trình, việc triển khai quy hoạch Thủ Thiêm phải tiến hành theo thủ tục hai bước : quy hoạch chung gắn với bản đồ 1/5000 và quy hoạch chi tiết gắn với bản đồ 1/2000, sau đó cụ thể hóa, phân giới cắm mốc thực hiện. Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng đã hai lần điều chỉnh quy hoạch, một lần là tại quy hoạch chung năm 1996, lần thứ hai là vào năm 2005. Như vậy ở Thủ Thiêm có rất nhiều bản đồ. Hiện quá trình triển khai dự án, xác định ranh giới, thu hồi mặt bằng là theo quy hoạch chung 2005".

Cách diễn giải của Thứ trưởng Hùng được cho là nhằm "tung hỏa mù, đánh đố công luận" đang đặt rất nhiều nghi vấn xoay quanh việc một tấm bản đồ làm căn cứ quy hoạch Thủ Thiêm bỗng nhiên "thất lạc… rất đúng thời điểm và đúng quy trình".

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn bình luận trên trang Facebook cá nhân : "Cướp đất thôi. Đền 200.000 đồng/m2 rồi đem bán 200 triệu đồng thì chỉ có thiên thần mới đủ thiện tâm từ chối, huống chi cán bộ Việt Nam là loài máu tham tiến hóa nhất trong các loài máu tham".

Nhân vụ bản đồ bị mất, nhiều Facebooker nhắc lại đây chỉ là trường hợp mới nhất, theo sau các vụ việc từng gây xôn xao thời gian qua : thất lạc bộ hồ sơ bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh xảy ra ở Bộ nội vụ hồi tháng Mười Hai, 2017 ; trước đó là vụ hồ sơ gốc của bà Trần Vũ Quỳnh Anh, người được bổ nhiệm thần tốc được phát hiện "không còn lưu" tại Sở xây dựng Thanh Hóa hồi tháng Ba, 2017.

Liên quan đến các vụ khiếu kiện đất đai tại Thủ Thiêm, có ghi nhận xung quanh "trụ sở tiếp công dân" của Thanh tra chính phủ ở Hà Đông, Hà Nội từ mấy năm nay bỗng dưng xuất hiện "làng Thủ Thiêm", quy tụ hàng trăm người dân Thủ Thiêm kéo ra thủ đô sống vạ vật để khiếu nại kéo dài. Họ cáo buộc việc nhiều nhà cửa "nằm ngoài ranh quy hoạch" cũng bị chính quyền cưỡng chế di dời.

Báo Người Lao Động hôm 2 tháng Năm cho hay : "Để đầu tư xây dựng ‘siêu dự án Thủ Thiêm’, thành phố Sài Gòn đã mất nhiều năm giải tỏa gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân. Hồi năm 2015, Ủy ban nhân dân thành phố Sài Gòn cho biết số tiền để bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trả các khoản lãi vay cho khu đô thị mới Thủ Thiêm là hơn 29.000 tỷ đồng (1,27 tỷ USD)".

Năm 2015, Thanh tra chính phủ ra quyết định thanh tra dự án Thủ Thiêm nhưng sau đó Phó Tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh được ghi nhận "bất ngờ có văn bản đóng dấu ‘mật’ đề nghị hoãn thanh tra toàn bộ dự án". (T.K.)

************************

Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm biến mất, ai người hưởng lợi ? (CaliToday, 03/05/2018)

Bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (Sài Gòn) có tỉ lệ 1/5000 có từ 6/1996 bỗng dưng biến mất. Đây là văn bản pháp lý về quy hoạch có chữ ký của thủ tướng chính phủ Việt Nam vào thời điểm đó nhưng qua rất nhiều lần vẫn tìm không ra. Trong khi đó, hàng ngàn người bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đất đai của họ không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn bị giải tỏa. Số khác bị giải tỏa nhưng đền bù bằng giá rẻ mạt vì nằm trong khu quy hoạch…

bando7

Phối cảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh : Tiền Phong

Khu đô thị mới Thủ Thiêm là dự án quan trọng của thành phố Sài Gòn. Chính quyền đã chi đến 29.000 tỷ đồng để phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân. Theo thống kê cho biết, có khoảng 15.000 hộ dân đã buộc phải di dời đi nơi khác ở. Với từng ấy hộ dân, số người bị ảnh hưởng phải lên đến hàng chục ngàn người.

Một lãnh đạo cơ quan Tiếp dân Trung ương cho biết đơn vị này tiếp nhận rất nhiều đơn khiếu kiện của người dân liên quan đến việc bị giải tỏa, trong khi đất đai, nhà cửa của họ không hề nằm trong quy hoạch bị buộc phải giải tỏa. Rất nhiều người còn mang ra bản photo bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm để khẳng định rằng đất đai của mình không nằm trong diện phải giải tỏa. Tuy nhiên, chính quyền vẫn cho giải tỏa và chỉ đền bù với giá rẻ mạt. Số tiền đó không đủ để cho họ tái lập cuộc sống tại thành phố có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam.

Ở Việt Nam, rất nhiều lãnh đạo lợi dụng việc giải tỏa quy hoạch để chiếm đất bằng cách mở rộng khu vực giải tỏa so với bản đồ. Khoảng độ một vài năm, sau khi tình hình kiện tụng có phần lắng xuống, đất đai đã giải tỏa mà nói thẳng ra là cướp của người dân họ chia chác cho nhau. Còn câu chuyện Thủ Thiêm lại là một vấn đề nghiêm trọng hơn khi chính quyền cho giải tỏa một vùng đất rộng lớn không nằm trong quy hoạch, rồi đem đất đó bán cho doanh nghiệp.

Sau khi những đơn khiếu nại chất chồng, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng "chiếu tướng" cựu lãnh đạo thành phố Sài Gòn Lê Thanh Hải, câu chuyện khu đô thị mới Thủ Thiêm được khơi lại. Lúc này, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nói, bản đồ gốc quy hoạch đã bị mất. Đây quả là điều cực kỳ vô lý, nhưng bản đồ gốc vẫn bị mất theo "đúng quy trình". Những kẻ như Lê Thanh Hải, bằng chức quyền của mình đã cho giải tỏa rộng hơn so với quy hoạch nhằm trục lợi cho mình. Đến khi sự việc vỡ lở, bản đồ bỗng dưng biến mất.

Tờ báo Tuổi Trẻ đã trích lời chất vấn của người dân bị giải tỏa nói, không có bản đồ 1/5000 thì chính quyền căn cứ vào cơ sở nào để cho ra bản đồ chi tiết 1/2000, rồi từ đó cho giải tỏa, cưỡng chế phê duyệt chi tiết, bồi thường ? Những câu hỏi ấy không có câu trả lời.

Câu chuyện bản đồ gốc bị biến mất nó còn phần nào cho thấy chính sách "đất đai là sở hữu toàn dân" của chế độ cộng sản Việt Nam. Cũng bởi vì chính sách này nên người dân không được quyền sở hữu đất đai, cho dù mảnh đất ấy họ được thừa hưởng từ nhiều đời cha ông để lại. Lợi dụng chính sách "đất đai sở hữu toàn dân", chính quyền cộng sản Việt Nam đã cướp đất của người dân, biến họ thành những người không còn nơi dung thân.

Ông Lê Thanh Hải từng chủ tịch thành phố Sài Gòn, sau đó là 2 nhiệm kỳ Bí thư nơi này. Thành phố Sài Gòn được coi là túi tiền của chế độ cộng sản với trung bình mỗi ngày thu đến 1.000 tỷ đồng. Trong từng ấy thời gian chễm chệ trên chiếc ghế quyền lực, ông Hải chắc chắn phải kiếm được số tiền khổng lồ. Tất nhiên, khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng phải nằm trong tầm kiểm soát của ông. Việc lật lại vấn đề quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng đang nhằm muốn biến Lê Thanh Hải là "củi tươi" để đốt trong lò. Và không để mình trở thành nạn nhân tiếp theo, Lê Thanh Hải đã quyết định cho tấm bản đồ gốc biến mất.

Người Quan Sát

Published in Việt Nam